Đất Nghệ

Bếp lửa trong văn hóa của đồng bào Khơ mú ở Tương Dương

Với dân tộc Khơ Mú sinh sống trên địa bàn huyện vùng cao Tương Dương, từ bao đời, bếp lửa không chỉ là yếu tố thường nhật trong đời sống, sinh hoạt của bà con, mà còn được xem như một vị thần linh trong cuộc sống của họ. Vì vậy, trong tiềm thức của họ luôn tôn thờ “thần lửa” và coi đây là vị thần đem lại sự sống, ấm no hạnh phúc cho mỗi thành viên trong gia đình, bản làng và dân tộc mình.

Bếp lửa gian thờ của gia đình bà Moong Thị Mùi 

Với đồng bào một số dân tộc ít người như dân tộc Khơ Mú, từ bao đời, cuộc sống của họ gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Vì vậy, trong tiềm thức của họ luôn mang đậm nét văn hóa núi rừng, tự tạo ra những vật dụng trong gia đình, vận dụng cây cỏ để dệt váy, áo. Đặc biệt, họ còn tự biết tạo ra lửa, mang lại sự sống ấm no cho dân tộc mình. Theo ông Và Bá Tịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Na, một xã có đến 40% dân số là đồng bào Khơ Mú sinh sống cho biết, không rõ từ bao giờ, đồng bào Khơ Mú có cách tạo ra lửa phục vụ cuộc sống thông qua ống tre. Họ chỉ nhớ ống tre được chẻ 2 nửa, một nửa ống được khoét 2 lỗ khuyết ở 2 đầu, ở giữa lòng máng cũng được khoét lỗ, phần này dùng để mài lửa. Nửa ống tre còn lại chẻ đôi, một thanh vót nhọn cắm vào đầu ống mài làm chốt hãm, thanh tre còn lại dùng để mài ống. Khi mài phảinhanh tay cho đến khi có mùi khét, khi đó mới dùng mồi cỏ khô để tạo thành lửa. Đây là nét khác biệt so với đồng bào các dân tộc khác.

Bếp lửa gian thờ của người Khơ Mú, chỉ những người trong gia đình mới được vào

Bếp của người Khơ Mú dùng để nấu ăn, sưởi ấm

Huyện Tương Dương hiện có 2.170 hộ dân người Khơ Mú với 10.528 khẩu, sinh sống ở 25 bản, chiếm 13,63% dân số toàn huyện. Theo truyền thống, người Khơ Mú đã tạo nên một hệ thống phong tục tập quán tín ngưỡng riêng trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, từ việc dựng nhà, bố trí gian bếp và duy trì tục thờ “thần lửa” trong mỗi gia đình. Đồng bào Khơ Mú có câu: “Thái ăn theo nước, Khơ Mú ăn theo lửa”. Với họ, lửa như biểu trưng cho sự sống, vì thế lửa trong gia đình người Khơ Mú được sắp đặt ở những vị trí khác nhau, nhưng tuân thủ theo phong tục tập quán truyền thống cùng những điều kiêng kỵ rất nghiêm ngặt. Ông Lô Thanh Long - Trưởng phòng VHTT huyện Tương Dương cho biết: "Nhà của đồng bào Khơ Mú thường là nhà sàn 3 gian, các phòng rồi bếp đều được bố trí trong 3 gian đó. Ở gian đầu tiên có cầu thang lên, phía bên trái thường có bếp lửa, bếp này ngoài phục vụ nhu cầu của gia đình còn là nơi đón tiếp khách đến chơi. Bếp lửa thứ hai ở gian giữa là không gian bếp thờ tổ tiên của người Khơ Mú. Đây là nơi đặc biệt kiêng kỵ với người lạ, nên chỉ những người trong gia đình mới được lui tới".

Ngày nay, khi cuộc sống, kinh tế phát triển hơn, nhiều tập tục của đồng bào dân tộc ít người đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, quan niệm về tục thờ “thần lửa”, thần bếp đem lại những điều may mắn, xua đi những rủi ro trong cuộc sống dường như đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người Khơ Mú. Trong tâm linh của họ, các bậc tổ tiên là cao siêu, do vậy, ngày lễ, Tết, cúng tổ tiên, người Khơ Mú thường mổ trâu, mổ bò và nấu, nướng trong căn bếp này, điều này chứng tỏ bếp lửa này là nơi trang trọng, sạch sẽ nhất. Đây là tập tục, là bản sắc, nét văn hóa riêng của dân tộc mà họ luôn lưu giữ, để không lẫn với bất cứ dân tộc nào./.

________________________

* Ban Dân vận Huyện ủy Tương Dương

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511014

Hôm nay

213

Hôm qua

2359

Tuần này

21388

Tháng này

217887

Tháng qua

121356

Tất cả

114511014