Xứ Nghệ ngày nay
Nam Đàn nỗ lực xây dựng huyện Nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch
Quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh Thuỳ Hương
Trên nền tảng là huyện Nông thôn mới (NTM) của tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn đã được Ban Chỉ đạo TƯ chọn là 1 trong 4 huyện của cả nước thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu và mục tiêu hướng đến của Nam Đàn là trở thành huyện NTM kiểu mẫu về “Phát triển văn hóa gắn với du lịch” và là một “Trung tâm du lịch quốc gia” vào năm 2025. Chặng đường xây dựng huyện NTM kiểu mẫu mới trải qua 3 năm nhưng đã đánh dấu những nỗ lực và kết quả đáng ghi nhận của Đảng bộ và Nhân dân Nam Đàn.
Ngay sau khi Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 04/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ), huyện Nam Đàn đã triển khai lập đồ án quy hoạch xây dựng huyện đến năm 2035, điều chỉnh mở rộng Quy hoạch chung thị trấn Nam Đàn, Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo các khu di tích, quy hoạch các trung tâm thương mại, dịch vụ và đô thị, lập điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới các xã,…
Để xây dựng Nam Đàn trở thành trung tâm du lịch quốc gia, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch Nam Đàn. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch gồm: tuyến đường từ Quốc lộ 46 lên chùa Đại Tuệ; đường từ chùa Đại Tuệ nối với khu lăng mộ bà Hoàng Thị Loan (đường vành đai phía Bắc); các tuyến đường thuộc dự án ngập lũ tỉnh Nghệ An (vùng Năm Nam); tuyến đường Kim Liên - Đan Nhiệm; tuyến đường thị trấn - Thượng Tân Lộc; hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện. Huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao quy hoạch, bố trí, sắp xếp các ki ốt giới thiệu và bán sản phẩm tại Làng Sen - Kim Liên - Nam Đàn. Một số dự án quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi di tích được triển khai và đưa vào hoạt động như: Dự án Khu lưu niệm Phan Bội Châu, cụm di tích Mai Hắc Đế, đình Đức Nậm, đền thờ Tướng quân Nguyễn Đắc Đài, chùa Đại Tuệ, chùa Viên Quang, đình Hoành Sơn, Tháp Nhạn… Đặc biệt là khánh thành đền Chung Sơn nằm trong dự án bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch lịch sử, sinh thái, văn hóa núi Chung. Công trình được đầu tư và khởi công xây dựng từ năm 2012, với tổng diện tích 83,63ha, bao gồm 18 hạng mục. Công trình khánh thành đã tạo cho Nam Đàn một điểm nhấn mới, là điểm đến không thể thiếu khi du khách về với Nam Đàn. Bên cạnh đó, huyện cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát để xây dựng khu vực tiền án khu di tích Lăng Vua Mai thành bến đò phục vụ lễ hội, nơi tổ chức các trò chơi trên sông nước và thưởng thức dân ca Ví, Giặm, thưởng thức ẩm thực truyền thống của Nam Đàn, xây dựng trung tâm dịch vụ du lịch cội nguồn tại xã Kim Liên.
Ẩm thực Nam Đàn được giới thiệu tại Festival ẩm thực du lịch quốc tế 2019 tổ chức ở TP Vinh.
Các điểm đến và sản phẩm phục vụ du lịch được huyện quan tâm đầu tư xây dựng. Trung tâm Thương mại Chợ Sen và Vincom đã đi vào hoạt động đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm của Nhân dân và du khách. Một số nhà hàng, cơ sở lưu trú đạt chuẩn phục vụ khách du lịch được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng (nhà hàng Tuyết Sơn tại Vân Diên, nhà hàng Hồng Đức, nhà hàng Sen quê tại Kim Liên, khách sạn Thanh Bình ở thị trấn……). Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức đầu tư xây dựng và khánh thành “Hợp tác xã với Bác Hồ” tại xã Kim Liên, các hạng mục bao gồm 04 hồ sen, 02 nhà dừng nghỉ, đường hoa, hàng rào, điện chiếu sáng và 02 bia đá. Làng cổ Hoành Sơn, xã Khánh Sơn được Ban Quản lý dự án Jica chọn để bảo tồn và phát triển du lịch cộng đồng và đang trình UBND tỉnh công nhận. Việc công nhận làng cổ kết hợp với bảo tồn, tôn tạo đình Hoành Sơn sẽ tạo thêm điểm đến không thể thiếu trong các tour du lịch của du khách khi đến với Nam Đàn. Huyện chỉ đạo thí điểm 06 xã Nông thôn mới kiểu mẫu xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng trải nghiệm. Đến nay đã có 04 mô hình đi vào hoạt động gồm homstay tại các gia đình, trang trại hoa tại xã Kim Liên; du lịch canh nông tại xã Nam Nghĩa, du lịch thực nghiệm trải nghiệm tại Eo gió Nam Giang. Hợp tác xã Sen quê Bác đi vào hoạt động, các sản phẩm được chế biến từ sen và mô hình du lịch trải nghiệm đã giúp cho du lịch Nam Đàn thêm phong phú về loại hình, đa dạng về sản phẩm. Huyện đã có 23 sản phẩm OCOP phục vụ du lịch, trong đó 07 sản phẩm đạt 04 sao, 16 sản phẩm đạt 03 sao. Các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp được mời về để giúp huyện nghiên cứu, tạo ra hương vị mới cho các sản phẩm lạc, hồng, bột sắn dây, chanh, tinh bột nghệ và các sản phẩm từ sen….
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai đồng bộ, nhiều đợt thông qua các kênh truyền thông VTC, VOV, NTV; đưa các sản phẩm du lịch tham gia các hội chợ, hội thảo, hội nghị xúc tiến du lịch và thương mại toàn quốc. Tập đoàn VNPT đã tài trợ xây dựng Cổng thông tin du lịch thông minh huyện Nam Đàn, tích hợp trên thiết bị di động. Cùng với sự hỗ trợ của Jica, huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa và thể thao, Sở Du lịch xây dựng Trung tâm Thông tin du lịch huyện Nam Đàn tại quê nội Bác Hồ để giới thiệu và trưng bày sản phẩm, ấn phẩm quảng bá điểm đến nhằm liên kết tour từ quê nội Bác Hồ đến các điểm tham quan khác trên địa bàn huyện.
Việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm du lịch, dịch vụ rất quan trọng trong chiến lược xây dựng Nam Đàn trở thành trung tâm du lịch Quốc gia. Xác định rõ điều đó, huyện đã phối hợp với tổ chức JICA Nhật Bản, Sở Du lịch đào tạo, tập huấn về văn hóa ứng xử cho các hộ kinh doanh dịch vụ tại Khu Di tích Kim Liên, đào tạo kỹ năng ứng xử văn minh; khắc phục tình trạng làm dịch vụ, du lịch tự phát, manh mún, chèo kéo khách, thiếu văn minh, lịch sự; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh tập huấn cho các đội văn nghệ, CLB tại các xã về tuyên truyền, quảng bá các giá trị của di sản văn hóa đến với du khách; hỗ trợ kinh phí mua sắm trang phục, đạo cụ biểu diễn; hỗ trợ âm thanh, ánh sáng cho các CLB, đội văn nghệ. Huyện cũng gắn pa nô hình ảnh về bộ quy tắc ứng xử văn minh tại các nơi công cộng, các nhà hàng, các điểm du lịch. Đến nay, về cơ bản các dịch vụ hàng quán tại các điểm du lịch của Nam Đàn đã quy củ hơn, kỹ năng giao tiếp, ứng xử của các hộ kinh doanh, những người tham gia cung ứng các dịch vụ phục vụ khách du lịch cũng thân thiện hơn, văn minh hơn, lịch sự hơn, không còn tình trạng chèo kéo khách như trước đây.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực, phát triển hệ thống y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí, sinh thái đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và phục vụ đời sống Nhân dân, trong 4 năm 2018-2021, huyện đã kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp ủng hộ trên 192 tỷ đồng, xây dựng 04 công trình văn hóa, 05 công trình trường học, 01 công trình y tế, 01 công trình thương mại….
Với quan điểm xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, không chạy theo phong trào, không đốt cháy giai đoạn, Nam Đàn đang tận dụng mọi nguồn lực đầu tư cũng như các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng tập trung, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, bảo đảm chất lượng gắn với du lịch. Ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp nhẹ, công nghệ tiên tiến, sử dụng nhiều lao động gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch. Xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh Nhân dân vững chắc, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp, tạo môi trường xã hội lành mạnh, ổn định. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút các dự án trên các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện việc quy hoạch và xây dựng thị trấn Nam Đàn có quy mô hợp lý, đạt chuẩn đô thị văn minh, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đẩy nhanh việc xây dựng xã Kim Liên thành xã Nông thôn mới kiểu mẫu; trình Trung ương, Chính phủ đầu tư, nâng cấp Khu Di tích quốc gia đặc biệt Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số công trình có quy mô lớn trên địa bàn huyện. Trình HĐND tỉnh quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ huyện phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2025.
Việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đã được khẳng định bằng thực tế sinh động và đem lại nhiều lợi ích cho người dân, giúp cho mỗi làng quê Nam Đàn thay da đổi thịt. Tin tưởng rằng với sự vào cuộc tích cực, đồng lòng của cấp uỷ, chính quyền và người dân, huyện Nam Đàn sẽ có nhiều hơn những vùng quê giàu đẹp, trù phú, giàu bản sắc văn hóa, vùng quê đáng sống, điểm đến du lịch không thể thiếu trong hành trình khám phá du lịch xứ Nghệ của du khách trong nước và bạn bè quốc tế.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh
Thể loại phim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Tâm thức hậu hiện đại với bản thể văn hóa dân tộc trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại
Thống kê truy cập
114528514
2170
2291
2787
215210
0
114528514