Diễn đàn
Linh tinh hay linh thiêng?
Vừa qua, dư luận cả nước tranh cãi về một câu hỏi thuộc lĩnh vực ngôn ngữ trong đề đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM. Theo báo Vnexpress[1]: Đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM gồm có 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 150 phút, tính theo thang điểm 1.200. Cấu trúc bài thi gồm ba phần: sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề. Lĩnh vực của đề thi rộng khắp, từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tiếng Anh, ngôn ngữ.
Theo đó, câu hỏi yêu cầu tìm từ "không phải là Hán Việt" trong bốn phương án: "linh tinh", "linh thiêng", "linh khí" và "linh hồn". Đáp án được đưa ra là: “Linh tinh”.
Và tại câu hỏi: “Theo bạn, từ nào không phải là từ Hán Việt?” trên báo Vnexpress tính đến trước 9h ngày 01/4/2022, có tất cả 1.421 biểu quyết, trong đó:
Linh tinh: 622 phiếu, chiếm 44%
Linh thiêng: 268 phiếu, chiếm 19%
Linh khí: 59 phiếu, chiếm 4%
Linh hồn: 64 phiếu, chiếm 5%
Không có từ nào cả, 408 phiếu, chiếm 28%
Như vậy, đáp án được đưa ra, cũng như được đa số bạn đọc Vnexpress cho là không phải từ Hán Việt là “Linh tinh”.
Tuy nhiên, đáp án này không chính xác, bởi cả chữ “linh” và chữ “tinh” đều là từ gốc Hán, chữ Hán viết là: 零星 có nghĩa là rải rác (scattered), lẻ tẻ (sporadic), rời rạc (fragmentary), chắp vá (piecemeal), vụn vặt (scrappy)…
Như vậy, đáp áp của Đại học Quốc gia TP HCM là không chính xác.
Chúng tôi xin lấy một vài dẫn chứng: bài thơ Tây Giang nguyệt 西江月trong tập Liễu nhứ từ 柳絮詞(trong Hồng lâu mộng) của Tào Tuyết Cần thời Thanh bên Tàu, có từ “linh tinh”, như sau:
漢苑零星有限
隋堤點綴無窮
Hán uyển LINH TINH hữu hạn,
Tuỳ đê điểm xuyết vô cùng,
Dịch nghĩa:
Vườn Hán LƠ THƠ chút chút,
Đê Tùy tô điểm mênh mông.
Ngoài ra, trong bốn phương án trên, còn có 2 từ Hán Việt, đó là:
- Linh khí, chữ Hán viết là 靈氣 có nghĩa là: Khí thiêng liêng linh diệu.
Trong bài thơ “Ông Sơn tự 翁山寺- Chùa Ông Sơn” của Nho sĩ Phạm Viết Tuấn 范曰俊 (1631-1722) có câu:
前代至今香火祀
依然靈氣點真修
Tiền đại chí kim hương hoả tự,
Y nhiên LINH KHÍ điểm chân tu.
(Đời trước tới nay hương khói ấy
Khí thiêng như cũ điểm chân tu)
Trong bài thơ “Tặng An Nam quốc sứ thần kỳ 1 贈安南國使臣其一 Tặng sứ thần nước An Nam kỳ 1” của Nho sĩ Lý Toái Quang (이수광, 1563-1628) nước Hàn Quốc tặng cho Nho sĩ Phùng Khắc Khoan (Việt Nam) có câu:
山出異形饒象骨
地蒸靈氣產龍香
Sơn xuất dị hình nhiêu tượng cốt,
Địa chưng LINH KHÍ sản long hương.
(Núi sinh hình lạ sinh xương tịnh
Đất đúc khí thiêng nẩy hương rồng)
- Linh hồn, chữ Hán viết là 靈魂 có nghĩa là hồn ma, mạng sống, tâm linh, tinh thần, tư tưởng…
Trong câu đối “Tự điếu自吊- Tự khóc mình” của Chí sĩ Lương Ngọc Quyến梁玉狷 (1885 - 1917), có dùng chữ “Linh hồn”, như sau:
學海著先鞭,十年餘毅力進行擬育廌常扶祖國
黃天偏嗇命,九泉下靈魂丕爽重提賁利奠宗邦
Học hải trước tiên tiên, thập niên dư nghị lực tiến hành, nghĩ dục Trãi, Thường phù Tổ quốc;
Hoàng thiên thiên sắc mệnh, cửu tuyền hạ linh hồn phi sảng, trùng đề Bí, Lợi điện tông bang.
Học giả Đào Trinh Nhất dịch như sau:
Bể học vượt đầu tiên, hơn mười năm chí lớn không sờn, muốn đúc Trãi, Trường phù nước tổ;
Trời xanh xui mệnh vắn, dưới chín suối hồn thiêng còn đó, lại làm Bí, Lợi cứu non sông.
- Còn lại, riêng từ “Linh thiêng” không phải là từ Hán Việt, vì nó được ghép bởi 2 chữ “Linh” (Hán) và “Thiêng” (Nôm). Từ này được dùng rất nhiều trong tiếng Việt. Câu đối tiếng Việt viết bằng chữ Nôm tại Tam quan đền thờ vua Lê Thái Tổ tại xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, có dùng chữ “linh thiêng”, như sau:
Pù Pán hun đúc khí LINH THIÊNG, ngầm giúp Cao Hoàng uy khử bạo
Sông Con dưỡng nuôi người tuấn kiệt, cùng phù Thái Tổ nghĩa an dân.
Câu đối tiếng Việt viết bằng chữ Nôm tại Tam quan đền thờ vua Lê Thái Tổ tại xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Ảnh Hoàng Hạnh
Chúng ta có đầy đủ cơ sở thực tế để nói tới một nền Hán văn cổ của Việt Nam mà chứng tích là hàng ngàn tập văn bản thơ văn có giá trị tiêu biểu về nội dung và hình thức của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong nền văn học của đất nước, hàng trăm công trình khảo cứu, biên soạn với tầm cỡ lớn về chính trị, quân sự, lịch sử, văn hóa, giáo dục, kinh tế, địa lý, y học, triết học v.v… của các tướng lĩnh uy danh lừng lẫy, của các nhà chính trị lỗi lạc, các học giả uyên bác, được viết bằng thứ văn ngôn cổ kính, hàm súc, có ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống văn hóa học thuật trong và ngoài nước, thể hiện khá trọn vẹn bản sắc và bản lĩnh dân tộc, được bảo tồn đến ngày nay qua bao biến thiên lịch sử. Chính vì vậy, việc nắm rõ ý nghĩa từ Hán Việt, sẽ hiểu được những bài thơ, bài văn được ghi lại bằng chữ Hán, chữ Nôm hay sử dụng tiếng Việt sẽ tinh tế, hấp dẫn hơn và có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn
[1] https://vnexpress.net/de-thi-danh-gia-nang-luc-bi-phan-anh-co-sai-sot-4444539.html
tin tức liên quan
Videos
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Ý kiến chưa phát biểu tại hội thảo về Nguyễn Huy Tưởng*
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511752
278
2337
22126
218625
121356
114511752