Đất Nghệ

Có một Diễn Châu cổ trong lòng đất

Ngày nay chúng ta biết đến Diễn Châu với những xóm làng trù phú và những cánh đồng xanh mướt nằm ven bờ biển đông, nhưng dưới lòng đất nơi đây còn lưu giữ một Diễn Châu xưa tới hàng mấy ngàn năm tuổi tập trung quanh khu vực lèn Hai Vai – Rú Ta. Từ rất lâu, người dân nơi đây còn kể cho nhau nghe các câu chuyện về “Ông Đùng hoá đá”về “Sự tích núi sắt”là chuyện kể về những người  đi tiên phong khái phá vùng đất này. Và trong quá trình khai phá đất đai xây dựng nhà cửa, cuốc đất đào ao lập ruộng vườn, người dân nơi đây đã từng bắt gặp nhiều công cụ lao động như rìu cuốc bằng đá và bằng đồng mà họ thường gọi là “lươĩ tầm sét”. Không những thế, ngày nay chúng ta đi khắp ba xã thuộc Nho Lâm xưa đều bắt gặp những lớp xỉ sắt chất thành đống. Tất cả những cái đó là dấu vết cuộc sống của tổ tiên cha ông chúng ta từ mấy ngàn năm trước để lại.

Từ thập kỷ 70 của thế kỷ 20 đến gần đây, những cuộc điều tra thăm dò khai quật khảo cổ ở đây, tuy chưa nhiều, nhưng cũng đã soi sáng các chặng đường phát triển của cư dân cổ trên đất Diễn Châu .Các nhà nghiên cứu cho biết ít nhất đã có 3 giai đoạn phát triển của cư dân trên đất Diễn Châu xưa tập trung quanh vùng núi đồi lèn Hai Vai – Rú Ta.

- Sớm hơn cả là lớp cư dân sinh sống ở di tích Rú Ta. Rú Ta là một hòn núi đá nhỏ bị phong hoá từ rất lâu nổi lên giữa vùng đồng bằng Nho Lâm, nay thuộc xã Diễn Thọ, một xã trong cụm Phúc, Lộc, Thọ. Khu di tích này rộng khoảng 1.500 mét vuông, từ Trải Hội chạy dài theo sườn nam Rú Ta tới tận khu di tích Đồng Mõm. Dấu tích cuộc sống của cư dân cổ để lại khá phong phú trong lớp đất văn hoá dày từ 20cm đến 1,4m. Trong 75 mét vuông khai quật năm 1978 đã thu lượm được 65 chiếc rìu bôn, trong đó có tới 52 loại rìu bôn có vai, chỉ có 13 chiếc rìu bôn tứ giác. Những chiếc rìu bôn này có mặt cắt ngang gần hình bầu dục, được mài toàn thân song còn lưu lại nhiều vết ghè quá sâu. Ở đây còn thu được nhiều hòn ghè, bàn nghiền, chày nghiền bằng cuội nguyên, nhiều bàn mài mài đá lõm lòng chảo, bàn mài rãnh lòng máng và cả bàn mài lõm đôi song song kiểu “dấu Bắc Sơn”. Đặc biệt ở đây có cả dao cưa đá, mũi khoan đá bằng thạch anh là các loại ít gặp trong các di tích khảo cổ thời đại đá ở Nghệ Tĩnh. Cuộc khai quật này cũng thu được gần một vạn mảnh gốm. Chúng đều thuộc loại gốm thô chưa nhiêu hạt cát thạch anh, bã thực vật. Song cũng có một ít gốm được xoa nhẵn, miết láng, tô màu. Tất cả đều được chế tạo bằng bàn xoay cho thấy bước tiến bộ của đồ gốm ở đây so với đồ gốm văn hoá Quỳnh Văn ở cách đó không xa trên vùng ven biển Quỳnh Lưu.

Các nhà nghiên cứu cho di tích Rú Ta thuộc giai đoạn cuối của loại hình Thạch Lạc văn hoá Bàu Tró, cách ngày nay khoảng 4000 – 5000 năm trong giai đoạn chuyển từ hậu kỳ thời đại đá mới sang thời đại đồng thau. Một số rìu đá nhân dân nhặt được trong vùng lèn Hai Vai cũng thuộc giai đoạn này.

- Tiếp đến là lớp cư dân sống trên di tích Đồng Mõm. Đồng Mõm là một cánh đồng rộng khoảng 4 mẫu nằm sát cạnh di tích Rú Ta. Tử những năm 1970 – 1975 nhân dân ở đây đã thu nhặt được một số công cụ và vũ khí bằng đồng, bằng sắt đã thu hút được sự chú ý của các nhà khảo cổ trong ngoài nước. Cho đến nay không kể các cuộc điều tra thăm dò, đã có 2 cuộc khai quật được tiến hành ở đây. Đó là cuộc khai quật năm 1976 của khoa sử trường đại học tổng hợp Hà Nội và cuộc khai quật năm 1991 – 1992 của Viện Khảo cổ học hợp tác với các nhà khảo cổ học Nhật Bản với tổng diện tích là 145 mét vuông

Đồng Mõm vừa là một khu di chỉ cư trú vừa là một khu mộ táng khá lớn. Các cuộc khai quật cho thấy tầng văn hoá cư trú ở đây phần lớn đã bị phá hoại nghiêm trọng, hiện còn rất mỏng chỉ khoảng 15 – 20cm là loại đất màu đen sẩm. Trong tầng văn hoá đã phát hiện được 6 lò luyện sắt, là những vùng đất bị nung đỏ có đường kính khoảng 30cm, cao 20 – 25cm, tường lò trét bằng đất sét trộn với trấu hoặc rơm khô, kè thêm đá cuội . Lò có 2 cửa, một cửa đưa gió vào. một cửa thải xỉ ra. Cả 1 đợt khai quật phát hiện được tổng cộng 11 ngôi mộ, trong đó có 8 mộ huyệt đất, 1 mộ nồi và 2 mộ vò. Mộ huyệt đất thường có hình chữ nhật, nằm theo hướng tây nam – đông bắc, đầu về hướng tây nam, có kích thước không giống nhau, có mộ dài 1,8m, rộng 0,8m, có mộ chỉ dài 1,1m, rộng 0,6m, mộ lớn nhất dài 2,3m, rộng 1m. Tử thi được chôn theo từ thế nằm ngữa chân tay thẳng hoặc nằm nghiêng chân co. Theo những người khai quật thì hình như ở đây có cả loại hình mộ quan tài thân cây khoét rỗng, những mộ này thường chôn sâu, trung bình khoảng 1,5 – 2,5m. Đáng chú ý ở đây có một mộ vò gồm 3 vò úp vào nhau, vò giữa dị đục thủng đáy, vò kích thước tương đối lớn, miệng rộng 40 – 47cm, cao 40 – 60cm nên mộ vò dài tới 1,2m. Loại mộ vò gồm 3 vò rất ít gặp trên đất nước ta.

Đồ tuỳ táng trong mộ không được phong phú, chủ yếu là đồ gốm như nồi, vò, bát, chỏ, chỉ có một vài giáo đồng, sanh đồng, rìu đồng và giáo sắt.

Hiện vật thu được ở đây khá phong phú và có đặc trưng riêng. Đồ gốm ở đây có loại trắng mốc như gốm Đương Cồ ở lưu vực sông Hồng song không nhiều, chủ yếu là gốm màu vàng nhạt và gốm đỏ sẩm, hoa văn trang trí chủ yếu là văn thừng thô và văn chải thành hình các ô vuông và hình ô trám, văn khắc vạch đơn giản ở cổ hiện vật. Về loại hình có vò, nồi, bát, chỏ phần lớn có đáy bằng, một số đồ gốm có chân đế choãi khoảng 45 độ. Đồ đồng có các loại giáo đồng, dao găm, rìu xoè cân trên thân có trang trí hoa văn, lục lạc, chuông nhỏ, sanh đồng,v.v.. Đáng chú ý có một mảnh đồng trên đó trang trí hai hàng văn răng cưa đối xứng nhau giống như hoa văn trên trống đồng, thạp đồng. Về giáo đồng vừa có loại lưỡi gần hình tam giác trên có lỗ thủng vừa có loại giáo lưỡi hình lá mía họng tròn. Ở đây còn phát hiện được vài lưỡi cày đồng thuộc loại vai vuông lưỡi cong tròn, trên thân có sống nổi song song với vai là loại lưỡi cày thường gặp trong di tích Làng Vạc . Đồ sắt ở đây có kiếm sắt còn dính với bao gỗ. lưỡi thường bị rĩ gãy, mặt cắt ngang hình tam giác. Ở đây cũng phát hiện được một mũi tên bằng xương hình tam giác dẹt, chuôi bị gẵy. Ngoài các di vật trên ở đây trong các mộ còn phát hiện được một số khá lớn xương răng sừng động vật như lợn, trâu, bò, hươu, nai cùng một số vỏ nhuyển thể như ốc, sò, ngao, hàu,v.v.

Các nhà nghiên cứu cho lớp cư dân Đồng Mõm thuộc giai đoạn muộn loại hình Làng Vạc văn hoá Đông Sơn, có niên đại vào khoảng 1, 2 thế kỷ đầu Công nguyên, thuộc thời đại đồ sắt.

- Lớp cư dân muộn sau này phát triển kỹ thuật luyện sắt, mà dấu vết để lại khá đậm trong vùng Nho Lâm. Đó là những lớp xỉ sắt chất thành đống, có chỗ cao tới 6 – 7m lẫn với than gỗ, tập trung nhất là ở những chỗ gần kênh đào, sông và bến đò thuộc xã Diễn Thọ. Những lớp xỉ này có nhiều hình giọt, tỷ lệ sắt khá cao, nặng cho thấy xỉ này là kết quả của quá trình luyện sắt từ quặng. Quặng này có khả năng lấy từ núi sắt ở huyện Nghi Lộc cách đấy chỉ khoảng 15km, mà ở dưới chân núi có đền thờ thần Thiết sơn. Hiện nay trong nhà dân còn giữ nhiều hòn sắt lấy ở lò luyện ra chưa sử dụng. Những hòn sắt này có hình bầu dục nặng từ 30 – 40kg rất giống với những hòn sắt mà châu Âu gọi là sắt xốp, Trung Quốc gọi là thục thiết, người Nho Lâm gọi là hòn chai hay hòn gối. Ở đây cũng phát hiện được một số dụng cụ dùng trong luyện kim như mực lò, ống bễ, ống trám, ống nóng, gương thụt, chồng, bươi, v.v. Đáng chú ý ở đây có một số sản phẩm lưỡi cày sắt có kiểu dáng khác nhau khá gần gũi với kiểu dáng một số lưỡi cày đồng phát hiện trong các di tích khảo cổ. Qua phân tích vết tích xỉ, than, quặng sắt các nhà nghiên cứu cho rằng phương pháp sản xuất sắt ở đây là phương pháp thổi sống hay còn gọi là phương pháp hoàn nguyên.

Như chúng ta đã biết, nghề luyện sắt đã ra đời trong giai đoạn Đồng Mõm, nhưng đến giai đoạn này nghề luyện sắt được mở rộng và phát triển hơn, làm cho vùng Nho Lâm này trở thành một trung tâm luyện sắt lớn không chỉ trong khu vực Nghệ Tĩnh mà là cả trong toàn quốc.

Vì mới điều tra bước đầu, nên chưa thể xác định một cách chính xác trung tâm luyện sắt Nho Lâm này ra đời vào điểm nào, nhưng rõ ràng chúng đã tiếp thu được truyền thống luyện kim của tổ tiên từ thời dựng nước.

Trên đây chỉ mới phác qua các giai đoạn phát triển của cư dân cổ trên đất Diễn Châu trên cơ sở tư liệu khảo cổ thu lượm được trong những năm gần đây.Trong quá trình phát triến đó còn nhiều khâu trống cần phải bổ sung trong tương lai. Song chỉ từng này thôi cũng cho chúng ta thấy có một Diễn Châu cổ trong lòng đất từ xa xưa để chúng ta tự hào.

 

 

 

 

 

 

                       

 

 

 

 

 

 

 


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511017

Hôm nay

216

Hôm qua

2359

Tuần này

21391

Tháng này

217890

Tháng qua

121356

Tất cả

114511017