Văn hóa và đời sống

Văn hóa Thể thao Nghệ An 2022: Thích ứng nhanh, nâng tầm vị thế, trở thành mục tiêu, động lực thúc đẩy tỉnh nhà phát triển

Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc cuối năm 2021 và chủ đề năm công tác 2022 mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động triển khai tại Nghệ An “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”, năm qua, ngành Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã có nhiều nỗ lực, bứt phá, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thực sự trở thành động lực thúc đẩy tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

.

  Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm sinh, 200 năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Phong Hồ

Xây dựng và hoàn thiện thể chế để khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa. Văn hóa có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An trở thành tỉnh trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ. Việc hoàn thiện thể chế chính sách và khơi thông các nguồn lực để phát triển văn hóa là một trong những giải pháp quan trọng để chấn hưng văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng mà đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Với sự tham mưu tích cực của ngành Văn hóa và Thể thao, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách mới nhằm hỗ trợ phát triển đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh nhà. Đó là chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và dạy bơi cho trẻ em; hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và nghệ sĩ đang làm việc tại Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh; hỗ trợ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; hỗ trợ phát triển đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An,… Các chính sách hỗ trợ đã tháo gỡ những nút thắt trong hoạt động văn hóa thể thao, thông qua các chính sách nay, hàng trăm tỷ đồng được cân đối cấp để hỗ trợ, đầu tư phát triển văn hóa thể thao tạo tiềm năng, lợi thế, và nền tảng phát triển của tỉnh và từng địa phương. Bên cạnh đó, nhiều chiến lược, chương trình về văn hóa, gia đình cũng đã được tỉnh ban hành tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Nghệ An từ nay đến năm 2030, như: Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; Chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình đến năm đến năm 2030; Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2022 - 2026.

Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số được triển khai thống nhất từ quan điểm chỉ đạo đến hành động. Toàn ngành tập trung thực hiện các nội dung: Đầu tư hạ tầng số, triển khai các nền tảng số dùng chung cho ngành Văn hóa và Thể thao như bảo tàng số, di tích số, di sản số. Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai ngày càng hiệu quả, tăng mức độ hài lòng đối với các dịch vụ công ích. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh luôn được chú trọng; Nguồn lực dành cho chuyển đổi số được quan tâm, tăng cường, đặc biệt là kinh phí cho chuyển đổi số phục vụ công tác chuyên môn như triển khai các hệ thống ứng dụng, tạo lập cơ sở dữ liệu, duy trì vận hành, tuyên truyền và đào tạo để tạo đà đưa văn hóa trở thành mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ kỷ nguyên số.

Đa dạng hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, tham gia các liên hoan trong nước và quốc tế. Nghệ thuật chuyên nghiệp không ngừng nỗ lực sáng tạo, dàn dựng các chương trình nghệ thuật mang tính thể nghiệm mới để tham gia các cuộc thi và phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, phục vụ công chúng khán giả thưởng thức. Các chương trình được đánh giá cao về tính nghệ thuật, tính thời sự, bám sát thực tiễn cuộc sống, bản sắc văn hóa của dân tộc. Năm 2022, nghệ thuật chuyên nghiệp Nghệ An liên tục tỏa sáng và thành công tại các liên hoan toàn quốc và khu vực (Liên hoan Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc - tháng 5/2022, Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc - tháng 6/2022, Liên hoan Âm nhạc ASEAN - tháng 12/2022) với 3 HCV toàn đoàn và nhiều HCV, HCB, giải Xuất sắc cá nhân, tiết mục. Cùng với hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp, các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng cũng được tổ chức đa dạng với nhiều hoạt động hướng về cơ sở, tạo điểm nhấn và cầu nối giúp lan tỏa, gắn kết phong trào ở các địa phương.Hoạt động văn hóa nghệ thuật từ chuyên nghiệp đến không chuyên trong năm qua đã tạo nên bầu không khí hào hứng, sôi động và ấn tượng trong đời sống văn hóa xứ Nghệ sau thời gian dài trầm lắng vì đại dịch COVID-19, đồng thời khẳng định sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của tỉnh và ngành Văn hóa, Thể thao để tạo nên thương hiệu cho văn hóa nghệ thuật Nghệ An. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật không những đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân, mà còn quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Nghệ An, tạo sức hút, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch về miền Ví, Giặm.

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức tại huyện Con Cuông với chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để các giá trị văn hóa trở thành nguồn sức mạnh nội sinh đưa Nghệ An thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo. Thông qua đội ngũ cán bộ văn hóa, cộng tác viên văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, yếu tố văn hóa được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chú trọng đưa vào trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tất cả được cụ thể hóa thành văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở, văn hóa giao thông, văn hóa làng xã, văn hóa gia đình, văn hóa ứng xử, văn minh đô thị, văn hóa chợ, quy tắc ứng xử của ngành, của trường học thân thiện, học sinh tích cực…Các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; về xây dựng gia đình văn hóa, con người văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã thực sự đi vào cuộc sống, điều chỉnh hành vi, lối sống, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Năm 2022, toàn tỉnh có 2.565 làng, bản, khối phố (gọi chung là làng)đạt danh hiệu Làng Văn hóa; 325 xã, phường có thiết chế VHTT đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ VH,TT&DL; 85% số hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa. Văn hóa đã và đang trở thành nguồn lực nội sinh để toàn Đảng, toàn dân Nghệ An đưa hết sức lực, tâm huyết, trí tuệ của mình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà, làm cho dân giàu, nước mạnh, đảm bảo môi trường phát triển bền vững.

Giá trị di sản văn hóa dần được chuyển hóa thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Với 2.602 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, 463 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc đã được kiểm kê, tỉnh Nghệ An xác định di sản văn hóa là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Công tác tu bổ, chống xuống cấp di tích được quan tâm. Dù còn nhiều khó khăn nhưng năm 2022, Nghệ An đã đầu tư 14 (mười bốn) tỷ đồng tu bổ, chống xuống cấp tại các di tích: Đình Trang, Đình Mõ, Đền Rậm, Đền thờ Ngô Trí Hòa… Việc trưng bày tại Khu Di tích Kim Liên và các Bảo tàng: Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Nghệ An bước đầu cũng được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ 3D tạo không gian trải nghiệm cho người xem trên mọi thiết bị, không gian và thời gian. Đây là một bước tiến mới trong lĩnh vực hoạt động của các bảo tàng, di tích tại Nghệ An. Công tác xếp hạng di tích được triển khai đúng quy định. Trong năm, Nghệ An có thêm 10 di tích được công nhận cấp tỉnh, 01 di tích Quốc gia đặc biệt (Đền thờ Vua Mai Hắc Đế). Nhiều di tích được xếp hạng phát huy tốt giá trị, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách đến tham quan. Lễ Vinh danh và kỷ niệm 250 năm sinh, 200 năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương - danh nhân văn hóa thế giới đã được tỉnh Nghệ An tổ chức trọng thể với nhiều hoạt động (dâng hương tưởng niệm, hội thảo khoa học quy mô quốc tế, triển lãm hội họa, biểu diễn nghệ thuật,…) nhằm tôn vinh nữ sĩ và các giá trị di sản thơ của bà. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của Nghệ An đã góp phần quan trọng trong giáo dục truyền thống văn hóa và cách mạng của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, ý chí tự lực vươn lên của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch.

VĐV Phạm Thị Hồng Thanh tỏa sáng với 3 HCV Giải Cử tạ vô địch châu Á 2022. Nguồn ảnh: Thanh niên online

Thể thao Nghệ An vượt qua thách thức, khẳng định vị thế trong nền thể thao nước nhà. Đại hội Thể dục Thể thao các cấpcác giải thi đấu quốc gia tại Nghệ An được tổ chức thành công trong điều kiện còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19.Năm 2022 được coi là một năm Vàng của thể thao Nghệ An với 106 HCV trong tổng số 369 huy chương các loại tại 72 giải toàn quốc; 13 HCV, 15HCB, 28 HCĐ tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 (xếp thứ 18/65 tỉnh, thành, ngành). Đặc biệt, VĐV cử tạ Phạm Thị Hồng Thanh liên tục đem vinh quang về cho tỉnh nhà, nước nhà với 3 HCV hạng 64kg nữ (giải Vô địch Cử tạ châu Á diễn ra từ ngày 06 - 16/10 tại Manama - Bahrain); HCV Sea Games 31 (là người phá cả 3 kỷ lục Sea Games ở hạng cân 64kg nữ các nội dung cử giật, cử đẩy và tổng cử); 03 HCV Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Bóng đá mùa giải năm 2022 cũng bội thu, Đội 1 Câu lạc bộ Bóng đá Sông Lam Nghệ An đứng thứ 5 của Bảng xếp hạng Giải Bóng đá vô địch quốc gia. Các đội trẻ U9, U11, U13, U15 đạt HCV toàn quốc; U17, U19 đạt HCĐ toàn quốc. Những kết quả đó không chỉ khẳng định vị thế của thể thao Nghệ An trong nền thể thao nước nhà mà còn đóng góp quan trọng trong xây dựng thể lực, tầm vóc con người Nghệ An trên con đường hội nhập và phát triển.

Những kết quả trên đây sẽ là hành trang để Văn hóa và Thể thao Nghệ An vững tin trên con đường phát triển ổn định và bền vững từ nay đến năm 2030.Trước mắt,các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng con người Nghệ An phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Các lĩnh vực: Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa cơ sở, thư viện, bản quyền tác giả, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm…cũng sẽ có nhiều nội dung quan trọng được ngành triển khai trong năm 2023.

Năm 2023, ngành Văn hóa và Thể thao Nghệ An sẽ tập trung triển khai Chiến lược phát triển văn hóa, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm; Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030; Chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất, tham dự và giành thành tích tốt tại các sự kiện thể thao quốc gia và quốc tế; Chủ động tăng cường, mở rộng các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực của ngành; Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức các cơ quan, đơn vị của ngành; Triển khai Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của ngành theo hướng tinh gọn, hiệu quả; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ngành theo hướng chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ trong giai đoạn mới.

Với phương châm hành động “Thích ứng nhanh, nâng tầm vị thế, trở thành mục tiêu, động lực thúc đẩy Nghệ An phát triển nhanh và bền vững”, ngành Văn hóa và Thể thao Nghệ An sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên vùng đất địa linh nhân kiệt.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511629

Hôm nay

2292

Hôm qua

2336

Tuần này

22003

Tháng này

218502

Tháng qua

121356

Tất cả

114511629