Đất Nghệ

Hai di tích lịch sử và văn hoá ở Xuân Liễu (Nam Đàn)

Một cái thành đất gọi là Đấu thành: Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở cánh đồng của làng giáp đê sông Lam, gần xóm Đồng Trung hiện nay, còn dấu tích một cái thành đất, hình vuông chu vi khoảng 600m, diện tích khoảng hai hec-ta đất. Trước cách mạng, bấy giờ tôi còn nhỏ, đã thấy thành hoàn toàn đắp bằng đất, chỉ còn các đoạn về phía đông, và một nửa phía nam, phía bắc, nửa phía nam phía bắc còn lại và toàn bộ phía tây chắc là đã bị phá đi để đắp đê và sông Lam đã làm lở mất rồi. Thành đã hư hỏng nặng, chỗ cao nhất cũng chỉ còn 2-3 mét, dày khoảng 5-8 mét.

Theo lời ông nội tôi (là một thầy đồ dạy chữ Hán) và các cụ cao niên ở quê kể lại, thì thành này có từ đời Lý do các tướng của nhà Lý đắp để đong quân sau khi đi đánh giặc Chiêm thành về: quân đi đánh giặc về, tập hợp lại xem hao hụt như thế nào, vì thành vuông như cái đấu để đong thóc và ở đây cũng dùng để đong quân nên gọi là Đấu thành, có người lại gọi là thành “Lượng đong quân”, tên vừa Hán vừa Nôm nên tôi ngờ là không đúng tên gọi. Trong thành là vùng đất bằng phẳng để làm chỗ tập hợp quân nên không xây nhà cửa trang trại gì cả. Từ trước cách mạng nhân dân đã sản xuất khoai, ngô ở đám đất trong thành, sau cách mạng hợp tác xã đã phá hết các đoạn thành còn lại làm đất sản xuất cho hợp tác xã, nên hiện nay không còn dấu tích gì. Theo tôi ngành Văn hoá và Bảo tồn bảo tàng nên cho dựng ở khu vực thành cũ một tấm bia, ghi rõ về lai lịch thành này để lớp người sau được biết.

2. Đền Vua Bà ở Gành Đá: Tại Gành Đá thuộc xóm Văn Lâm (chứ không phải Phúc Chỉ như PGS NVG viết nhầm, kể cả nhầm tôi là hiệu trưởng trường NTT, trong khi tôi chỉ là phó hiệu trưởng, xin nói lại cho rõ kẻo có người hiểu lầm là tôi mạo nhận). Sở dĩ nơi này có gành đá là do ngọn núi nhỏ Chuỳ Sơn (thường gọi là Rú Gành), nhô ra sông Lam, tạo nên cái “Ghềnh” mà quê tôi gọi là “Gành”. Tương truyền vào thời xa xưa có một người con gái làm nghề dệt vải, một lần ra sông giặt vải, thấy một cái vạc nổi lên, cô để các mảnh vải giặt và vắt xong lên thành vạc, cái vạc trôi ra xa, cô theo để kéo lại thì vạc trôi ra chỗ nước sâu và cô gái bị chết đuối. Về sau, một hôm có ông lão thuyền chài cất vó ở ven sông chỗ đó, lần nào cất vó lên cũng chỉ thấy một khúc gỗ nhỏ, không có con cá nào, ông đã vất khúc gỗ đi xa bao nhiêu lần, nhưng cất lên vẫn thấy như thế. Ông bèn khấn: “Có phải thần linh thì xin cho tôi được một mẻ cá nhiều, tôi sẽ xin lập đền thờ”. Quả nhiên lần đó và mấy lần tiếp theo ông lão cất được vô số cá. Ông liền mang khúc gỗ về nhà. Đêm nằm ngủ, ông chiêm bao thấy một người con gái xinh đẹp đến báo cho biết mình được thượng đế phong làm phúc thần ở vùng này, bảo ông lập cho một ngôi đền thờ, sẽ phù hộ cho ông và dân làng. Ông lão liền lấy khúc gỗ tạc tượng cô gái đã thấy trong mộng và dựng ngôi miếu nhỏ kề chân núi để thờ. Từ đó ông làm ăn gặp nhiều may mắn và dân đi qua vào cầu cúng ở miếu đều đạt nguyện vọng nên tiếng đồn thần rất thiêng và dân đã góp nhau xây một ngôi đền lớn. Một lần vua nhà Lý đi đánh giặc Chiêm Thành, đóng quân ở làng này. Đêm vua nằm mộng thấy một nữ thần mặc áo đỏ, cưỡi ngựa trắng, ra mắt nhà vua và tâu xin giúp vua bằng cách hôm sau trước trận sẽ cho gió quay ngược lại để diệt quân giặc. Hôm sau ra trận, quân giặc theo chiều gió bắn hỏa hổ (một loại bùi nhùi tẩm dầu để đốt) sang phía quân ta, thì bỗng nhiên gió quật mạnh trở lại, hỏa hổ lại đốt cháy quân giặc nên chúng thua to. Vua liền sắc phong cho nữ thần tước vương và xếp vào bậc thượng đẳng thần, cấp tiền của và truyền cho dân làng xây dựng một ngôi đền to đẹp để ghi công ơn nữ thần. Dân làng tôi gọi đền này là đền Vua Bà. Trong đền trước kia còn lưu lại nhiều câu đối, có 2 câu nói lên sự tích của thần và việc giúp vua đánh giặc:

Hiển thánh, cơ đầu ngư hữu vọng              

(Hiển thánh, đầu ghềnh, lưới- của ngư ông - được nhiều cá)

Phản phong, trận thượng địch vô binh     

 (Trở gió, trước trận, giặc mất hết quân)

Ngoài ra còn hai câu nói lên việc báo mộng cho vua, tôi chỉ còn nhớ vế đầu là:

Bạch mã, hồng y, thần ẩn hiện                  

(Ngựa trắng, áo hồng, thần ẩn hiện)

(Vế thứ hai lâu ngày tôi quên mất, nếu ai biết xin báo giúp cho)

Đền này trước đây ở chân Rú Gành, ngoảnh mặt ra sông Lam, kiến trúc rất đẹp. Trong đền có tượng nữ thần, trước đền hai bên có hai ngôi nhà giải vũ, trước cổng có tam quan rất bề thế. Trong kháng chiến chống Pháp, trường cấp 2 tư thục Nam Đàn (sau khi trường tư thục Tân Dân chuyển sang công lập) do thầy Lê Trọng Tranh (bố vợ ông Trần Hồng Cơ, Tổng biên tập báo LĐ NA) làm hiệu trưởng, dùng các nhà giải vũ này làm lớp học, dạy được mấy năm. Đến kháng chiến chống Mỹ, trường bị bom Mỹ phá tan tành. Trước khi đền bị phá hỏng còn lưu lại nhiều sắc phong của các triều đại phong kiến. Hiện nay dân địa phương dựng tạm một ngôi đền sơ sài ở hẻm núi để thờ. Thiết tưởng, ngôi đền này nên được xếp vào di tích lịch sử hay di tích văn hóa và nên cho xây dựng lại đàng hoàng như cũ. Rất mong được Sở Văn hoá-Thể thao-Du lịch tỉnh lưu ý quan tâm.

Trong phần đầu bài viết nói trên, PGS NVG có nhắc đến câu thành ngữ ở Nghệ An xếp vị thứ các ngôi đền trong tỉnh là: đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng và PGS có ghi vị trí của 3 đền trên là đúng, nhưng còn đền Chiêu Trưng mà ghi là ngôi đền ở Kẻ Sót, Cửa Sót là chưa đúng vì đền đó là đền Chiêu Trưng ở Hà Tĩnh. Còn đền Chiêu Trưng ở Nghệ An xưa thuộc làng Triều Khẩu, huyện Hưng Nguyên, nằm quãng giữa núi Lam Thành và sông Lam. Sau khi vùng này bị sông Lam xói lở tới tận chân núi Thành như hiện nay, đền này đã bị nước sông Lam cuốn trôi. Trong cuốn “Địa lý Nghệ An” do nhà giáo Đào Đăng Hy quê ở xã  Khánh Sơn (Nam Đàn), nguyên là Huấn đạo huyện Nam Đàn (một chức quan hồi Pháp thuộc coi về giáo dục, tương đương Trưởng phòng giáo dục huyện ngày nay), soạn cho giáo viên dạy địa lý địa phương, in trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có ghi: “Cũng chính ở tỉnh Nghệ An nầy người ta đã nhận thấy có nhiều đền đài miếu vũ kiến trúc rất là đẹp đẽ nguy nga. “Đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng” là bốn ngôi đền rất danh tiếng ở tỉnh Nghệ An vậy. (Đền Chiêu Trưng nay đã bị dòng nước sông Lam cuốn đi mất rồi, cái đền nhỏ nhỏ ngày nay còn thấy ở một góc làng gần núi Thành, không phải là cái đền nguy nga, tráng lệ ngày xưa nữa)” (trang 17,18-Địa lý Nghệ An). “Nói có sách, mách có chứng”, câu thành ngữ sắp xếp vị thứ các ngôi đền ở Nghệ An mà lại đề cập đến một ngôi đền ở Hà Tĩnh là vô lý. 


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511075

Hôm nay

274

Hôm qua

2359

Tuần này

21449

Tháng này

217948

Tháng qua

121356

Tất cả

114511075