Cuộc sống quanh ta

Sức hấp dẫn của một tài năng và nhân cách lớn

Năm 1950 Thanh Chuơng ở Nghệ An là nơi đặt trụ sở của Uỷ ban Liên Khu IV, Tỉnh uỷ, uỷ ban hành chính Nghệ An cũng đóng ở vùng này. Xung quanh có các trường trung cấp sư phạm và truờng Dự bị đại học ở ngay Rạng.  Cách Rạng mấy cây số là Bạch Ngọc, có truờng Huỳnh Thúc Kháng, một trường phổ thông danh tiếng và trường sư phạm sơ cấp. Học sinh và giáo viên trẻ trung khá đông vui. Bên kia sông có trường Đặng Thúc Hứa.

Có thể nói Thanh Chuơng hồi bấy giờ là trung tâm văn hoá của khu IV cũ. Vùng Bình Trị Thiên thì đang sống trong khói lửa chiến tranh. Những ngày ấy, các cuộc sinh hoạt văn hoá thưa thớt thường tổ chức vào đêm. Nhưng bao giờ cũng đông vui náo nức. Một lần không quên là cuộc nói chuyện của thầy Trần Văn Giàu do ông Hải Triều ở Sở thông tin văn hoá tổ chức, nhân dịp thầy vào giảng bài cho lớp Dự bị đại học chúng tôi. Đình Rạng treo đèn măngsông sáng trưng. Nguời đến nghe từ các cơ quan Tỉnh và Khu rất đông. Giờ khai mạc sắp đến thì không may trời đổ mưa như trút hàng giờ. Ai cũng nghĩ chắc là cuộc nói chuyện phải hoãn. Nhưng mới ngớt cơn mưa đã thấy thính giả ùn ùn kéo đến. Các vị lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, các thầy giáo, học sinh các truờng đều có mặt. Kể cả  những vị như học giả Cao Xuân Huy. Mở đầu buổi nói chuyện, ông Hải Triều giới thiệu: “Thưa các đồng chí, các bạn, lâu nay các đồng chí và các bạn vẫn cho tôi là người hùng biện. Nhưng hôm nay tôi xin giới thiệu một nguời hùng biện hơn tôi nhiều, đó là đồng chí Trần Văn Giàu.” Hộỉ truờng vổ tay như sấm ran vang cả ngọn đồi Rạng. Và diễn giả bước lên. Chưa nói gì, hai mắt sáng quắc, cứ đứng nhìn …hội truờng im phăng phắc. Hôm sau chúng tôi mới được thầy cho biết đó là nghệ thuật hùng biện cuốn hút thính giả từ ngay giây phút đầu tiên. Nhưng chúng tôi hiểu trước hết thực chất là lòng ngưỡng mộ tài danh một con người mà giờ đây mới được tận mắt tiếp kiến. Một thanh niên tài giỏi, niềm hi vọng của cả dòng họ dám từ bỏ mọi ước nguyện của gia đình giàu có bậc nhất đất Nam Bộ để dấn thân vào con đường cách mạng. Một trí thức Việt Nam đầu thế kỉ 20 đã hoạt động lừng danh trên đất Pháp. Một người từng vào tù ra khám nhiều lần. Một trí thức am tường văn hoá Pháp và cũng là nguời sớm được học tập ở Đại học phương Đông danh tiếng cùng nhiều lãnh tụ cách mạng ngay trên xứ sở của Cách mạng tháng 10. Đó là con người từng lãnh đạo Nam kì khởi nghĩa và cũng là nguời lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn …Trong con mắt mọi người, Trần Văn Giàu đang hiện diện trên diễn đàn bừng sáng hấp dẫn đầy ngưỡng mộ. Và quả thật danh bất hư truyền. Tầm nhìn trí tuệ, nhiệt huyết và nghệ thuật hùng biện qua từng câu chuyện thời sự kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ đã cuốn hút mấy trăm thính giả đêm hôm đó để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi ngưòi lần đầu tiên được biết Trần Văn Giàu một chính khách, một nhà văn hoá lớn của đất nước.

Hồi ấy, phân hiệu Dự bị đại học đóng ở Thanh Chương. Thầy Giàu ở Thanh Hoá đến kì lên lớp đạp xe vào giảng bài. Mỗi đợt thầy vào là chúng tôi học liên tục các buổi tối, khi tình hình máy bay không căng thẳng thì học cả ban ngày. Có khi liên tục cả tuần chỉ học Triết nhưng thật đặc biệt giờ học nào cũng hứng thú, cũng hấp dẫn. Tuổi trẻ những năm đầu Cách mạng đang say sưa lí tưởng, thông tin lại ít ỏi, tài liệu không có gì, Chúng tôi khao khát nuốt lấy từng lời giảng. Về triết học hồi bấy giờ chỉ có cuốn Macxit phổ thông của Hải Triều, cuốn triết học của Pôlitzer, Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác hoạt động cũng thưa thớt. Những bài học vỡ lòng về triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử mà thầy cung cấp cho thật mới mẻ thật thú vị và bổ ích. Bài giảng của thầy không phải là sách vở kinh viện mà luôn gắn với những vấn đề nóng bỏng thiết thực của cuộc sống. Cách giảng của thầy lại sinh động cụ thể. Có lần anh bạn trong lớp hỏi thầy vũ khí phê tự phê lợi hại như thế đối với nguời cách mạng vậy thì kẻ địch có thể sử dụng được không? Thầy giơ cây bút Parker trong túi ra và nói: “Cái bút quí này đưa cho con khỉ nó có dùng được không?”. Cả lớp cuời ồ rồi thầy giảng cho ý nghĩa lí luận của vấn đề từ góc độ triết học và đấu tranh giai cấp. Thầy vẫn thường nói “Tôi không phải là triết gia, Trần Đức Thảo mới là triết gia”. Nhưng triết học của thầy là triết học của đời sống, của thực tiễn, triết học của một con nguời đã hoà máu thịt của mình vào cuộc sống của nhân dân đất nước nên nó có sức hấp dẫn và giá trị chỉ đường sâu sắc lâu bền. Lớp học chúng tôi hồi bấy giờ ra đời công tác đều trưởng thành trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng những bài học triết học thầy trao cho là những cẩm nang quí giá suốt cả cuộc đời. Có những luận điểm như giai cấp vô sản là giai cấp vô tư nhất trong lịch sử. Nó đấu tranh tiêu diệt giai cấp bóc lột và tự thủ tiêu luôn chính mình khi đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang. Luận điểm khoa học đó đang chờ sự kiểm nghiệm chắc còn dài lâu của lịch sử nhân loại. Nhưng trong thời điểm bấy giờ khi mà Đảng đang hoạt động bí mật, dân chúng chưa hiểu nhiều về những người cộng sản thì lời giảng của thầy gieo vào tâm trí tuổi trẻ chúng tôi niềm tin đẹp đẽ vào phẩm chất cao cả và cao thuợng của những người cách mạng đang lãnh đạo cuộc kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp. Triết học thầy dạy cho là triết học của cuộc sống, là triết học làm nguời, là vũ khí tư tưởng, là phương pháp luận khoa học. Anh chị em chúng tôi mỗi khi nói về những giờ triết của thầy, ai cũng thấm thía một điều là thầy đã trang bị cho một phương pháp tư duy biện chứng khoa học để tránh được những suy nghĩ cực đoan phiến diện hay chao đảo. Đó là chìa khoá vàng thầy đã trao cho từ tuổi thanh niên qua những giờ triết học vỡ lòng, có ý nghĩa khai tâm. Thầy đã để lại một kinh nghiệm quí giá về phương pháp giáo dục triết học cho nhà trường cách mạng mà chúng ta chưa biết khai thác và kế thừa để làm cho vịêc dạy học triết ngày nay thực sự bổ ích cho tuổi trẻ chứ không phải là những giờ “chết học” như nhiều sinh viên vẫn kêu ca.

Khoá Dự bị đại học đầu tiên và Sư phạm cao cấp kết thúc thì cũng vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thầy về Hà Nội có giảng dạy triết học một phần. Sau đó thầy chuyên tâm nghiên cúu và giảng dạy sử học, một lĩnh vực khoa học mà lần đầu tiên thầy nhập cuộc sau bao nhiêu năm trời sôi nổi hoạt động trên chính truờng. Khởi đầu sự nghiệp một chuyên ngành khoa học ở tuổi 50 nhưng nhanh chóng đã trở thành một tên tuổi sáng giá, một học giả tài ba trong giới sử học nước nhà. Và đã để lại cho đời hàng trăm công trình nghiên cứu xuất sắc. Thử hỏi bí quyết nào đã tạo nên thành công. Tôi nghĩ giới sử học và giới khoa học chúng ta không phải chỉ nghiên cúu kề thừa thành tựu khoa học thầy đã để lại mà cần đi sâu nghiên cứu những bí quyết nào, những nhân tố nào đã tạo nên một nhà khoa học xuất sắc như vậy tuy thầy đến với nó khá muộn màng, muộn màng mà vẫn rực rỡ. Khoa học về phương pháp luận ở ta còn chậm phát triển. Khoa học chỉ mới dừng lạỉ ở thành tựu thông tin, ở kết quả nghiên cúu mà chưa đi vào lĩnh vực tư duy và phương pháp luận khoa học, nhân tố quyết định hàng đầu cho công việc nghiên cứu. Gần đây những nghiên cứu về hiện tượng Leonardo da Vinci cho thấy vì sao nhân loại lại có được một mẫu mực toàn diện, một con ngưòi thiên tài đến như vậy. Có nhiều dự đoán của ông đã đi trước nhiều ngành khoa học. Có nhiều câu hỏi đặt ra từ thành công của nhà khoa học Trần Văn Giàu. Có những liên hệ gì giữa hơn nửa đời hoạt động chính trị xã hội với công việc sử học? Cái vốn sống phong phú của nhà chính trị, nhà cách mạng đã giúp ích gì cho sự thành công trong nghiên cứu sử học và khoa học xã hội nhân văn? Mối quan hệ tương hỗ giữa triết học và các khoa học khác là gì? Những yếu tố nào tạo thành tài năng của nhà nghiên cứu sử học, khoa học xã hội và nhân văn? Bí quyết nào giúp cho việc tiếp cận và làm chủ được khối lượng thông tin khoa học lịch sử không phải không đồ sộ của những người đi trước khi bản thân mới nhập cuộc? Vai trò của phương pháp luận có ý nghĩa quyết định như thế nào trong việc thẩm định một cách khách quan lịch sử đã qua? Niềm say mê cống hiến, bản lĩnh làm người có ích cho dù cuộc sống trải qua bao biến cố có ảnh huởng như thế nào đến con đường nghiên cứu của một nhà khoa học? Khả năng đào tạo và tập hợp đội ngũ của một nhà khoa học tầm cỡ đã để lại những kinh nghiệm quí báu như thế nào? Thầy đã đào tạo được nhiều nhà khoa học sáng giá cho đất nước về sử học, về văn học, về khoa học xã hội nhân văn... Tôi cứ nghĩ miên man bao điều, cố tự giải đáp cho mình, càng nghĩ càng thấm thía những bài học quí giá thầy đã để lại cho đời trên con đường làm cách mạng cũng như trên lĩnh vực khoa học.

 

                                               Ngày biết tin Thầy đã ra đi thọ 100 tuổi

                                                                                  P.T.L

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511435

Hôm nay

298

Hôm qua

2336

Tuần này

21809

Tháng này

218308

Tháng qua

121356

Tất cả

114511435