Cuộc sống quanh ta

Thấy gì từ chợ đến siêu thị

Trước đây, chúng ta chỉ có mô hình chợ truyền thống, hầu hết các giao dịch, trao đổi hàng hoá đều thông qua chợ. Sau đó có thêm mô hình cửa hàng bách hoá, mậu dịch, rồi các đại lý, ki ốt bán hàng, chia sẻ khách hàng của chợ truyền thống. Hiện nay trên địa bàn TP Vinh hầu như mỗi phường, xã đều đã có một chợ riêng, bên cạnh chợ Vinh là trung tâm và 8 tuyến phố chuyên doanh (chủ yếu chỉ kinh doanh mặt hàng thuộc một lĩnh vực). Ngoài ra còn có rất nhiều chợ tự phát, chợ cóc, vỉa hè và hệ thống các đại lý, nhà phân phối hàng hoá ở khắp địa bàn TP. Từ 4 năm lại đây, trên địa bàn TP Vinh có thêm một loại kiểu chợ mới là siêu thị (Supermarket). Hiện nay trên địa bàn TP có 3 hệ thống siêu thị lớn là Intimex, Marximark và BigC. Sự xuất hiện của các siêu thị đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, là một dấu hiệu của tính chất đô thị hoá, hiện đại hoá, đồng thời cũng đã hình thành sự cạnh tranh tự nhiên giữa mô hình chợ truyền thống và siêu thị. Nhìn từ góc độ văn hoá kinh doanh, sự tồn tại song song của hai mô hình kinh doanh này đang đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa.

Chợ truyền thống

Chúng tôi tạm xếp các hình thức kinh doanh như chợ phiên, ki ốt, đại lý, chợ cóc, chợ tạm…vào kiểu chợ truyền thống. Chỉ cần một vài lều quán đơn giản, có một vài mặt hàng, có người mua bán, là thành chợ. Ở chợ, người dân tụ họp, trao đổi hàng hoá theo kiểu tự do, thoải mái. Đi chợ cũng là dịp để giao lưu, gặp gỡ, trao đổi tâm tình, là cơ hội để học hỏi. Giá cả ở chợ không có mức cố định, được thông báo sẵn mà được thoả thuận theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Mặc cả (trả giá) là một hoạt động không thể thiếu của chợ truyền thống. Cùng một món hàng, có người mua đắt, có người mua được giá rẻ hơn. Phương tiện cân đong, đo đếm có tính thô sơ hoặc thủ công như chục, bơ, mủng đong, mớ… Chất lượng sản phẩm cũng chỉ được kiểm định qua kinh nghiệm của người mua hàng, và hầu như không có chế độ bảo hành, hay hậu mãi. Vì vậy mới có hiện tượng “buôn gian bán lận”, hay “thật thà cũng thể lái trâu, thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng”. Trong tiếng Việt, từ “con buôn” mang hàm nghĩa chỉ những kẻ vụ lợi, tráo trở như nói thách giá quá cao, thổi phồng quá mức về giá trị, chất lượng hàng hoá. Trong điều kiện hàng hoá khan hiếm, hoặc có những hàng hoá độc quyền đã nẩy sinh hiện tượng chèn ép người mua. Nhiều người buôn bán ở chợ nổi tiếng vì thói chua ngoa, đanh đá, “chửi như hát hay”.

Ưu thế của chợ truyền thống là sự tiện lợi, vì có thể mở ở bất cứ đâu. Có những mô hình chợ đặc biệt như chợ đêm ở Vinh (chợ rau họp từ 3 giờ sáng), chợ trâu bò Nam Nghĩa (Nam Đàn), chợ “cún” (chó nhỏ) ở Quỳnh Lưu, “trên chợ dưới thuyền” ở Sa Nam (Nam Đàn), chợ hải sản (TX Cửa Lò)…. Nhiều chợ nổi tiếng với những đặc sản, hoặc với những sản phẩm chất lượng cao của các làng nghề quanh vùng. Chợ là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi hàng hoá, dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, trung chuyển hàng hoá…

Chợ truyền thống vẫn duy trì được một lượng lớn khách hàng do tập quán kinh doanh, mua sắm của người dân, cũng như có những ưu thế riêng mà siêu thị không có. Chợ Vinh những ngày cuối năm nườm nượp khách ra vào. Đình chợ chính đã được cải tạo theo kiểu “siêu thị hoá”, xung quanh chợ đã hình thành một hệ thống các đại lí bán sỉ, thu hút một khối lượng hàng hoá luân chuyển lớn. Chị Trần Thị Hường, một đại lý bán rau củ quả trên đường Hồng Sơn cho biết: “Trung bình mỗi tháng đại lý tôi xuất lượng hàng hoá khoảng 20- 30 tấn”. Giá rẻ vẫn là một ưu thế của mô hình chợ này, do hàng bán tận gốc, chi phí vận chuyển, bảo quản, kinh doanh thấp.

Xuất phát từ kiểu trao đổi hàng hoá theo kiểu tự phát, phục vụ nhu cầu tại chỗ, nên nhược điểm của chợ truyền thống chất lượng hàng hoá chưa bảo đảm, nhất là khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở hạ tầng xuống cấp, phong cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp, thậm chí có cả những biểu hiện thiếu trung thực, ép uổng khách hàng, tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, gây lộn xộn, ách tắc giao thông, thiếu các hình thức bảo hành, hậu mãi…

Siêu thị và phương thức kinh doanh hiện đại

Được triển khai từ 4 năm nay trên địa bàn TP Vinh, hệ thống siêu thị là một mô hình kinh doanh hiện đại với những đặc trưng: khuôn viên, mặt bằng rộng, hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại; hàng hoá phong phú, được kiểm định chất lượng, giá cả được công khai cho từng mặt hàng; có chế độ bảo hành, hậu mãi cho từng mặt hàng; tích hợp các loại hình dịch vụ; thanh toán nhanh chóng, tiện lợi, chính xác; phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Ngoài ra, siêu thị khác chợ ở tính chất bán lẻ và tính chất tự chọn, tự phục vụ của khách hàng. Siêu thị vận hành theo triết lí, nguyên tắc kinh doanh: “Khách hàng là Thượng đế”, “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Các nhân viên phục vụ có trang phục, biển tên, sẵn sàng giúp đỡ khách hàng trong việc tìm kiếm hàng hoá, giải thích về công năng, cách sử dụng hàng, hay giúp đỡ khách mang vác hàng hoá.              

 Trong siêu thị Intimex, chị Trương Hồng Thanh, phường Hà Huy Tập đẩy chiếc xe đẩy đi chọn hàng, trên thành xe cậu con trai 5 tuổi ngồi ngất ngưởng. Chị nói: “Em tranh thủ ngày nghỉ đi siêu thị mua ít hàng, nhân tiện cho con đi chơi”. Chị cho biết thích đi siêu thị vì sạch sẽ, hàng hoá khá phong phú, chất lượng khá, không phải mặc cả. Siêu thị BigC toạ lạc trên giao lộ Quang Trung vừa khai trương trong tháng 11 với tổng diện tích sàn 17.600 m2, kinh doanh trên 25.000 mặt hàng các loại. Nơi đây còn có các loại hình dịch vụ khác như vui chơi giải trí, ăn uống…mở cửa từ 8 giờ đến 21 giờ 30 phút mỗi ngày. Siêu thị nườm nượp khách mua, xem hàng, có những gia đình cha mẹ con cái dắt nhau đi chơi là chính. Siêu thị đang thu hút ngày càng nhiều những người có thu nhập khá trở lên, sức mua lớn, không bận tâm nhiều về giá cả.

So với chợ, siêu thị là một bước tiến vượt bậc về phương diện văn hoá kinh doanh với nguyên tắc trung thực, sáng tạo, tôn trọng khách hàng, chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu. Nếu kinh doanh hiệu quả, siêu thị góp phần làm tăng sức mua, kích thích sản xuất (dĩ nhiên cũng có thể làm nẩy sinh tâm lí thích mua sắm, mua sắm quá mức nhu cầu, lãng phí).    

Siêu thị chỉ có thể xây dựng ở các trung tâm thành phố lớn, khu vực đông dân cư, sức mua lớn. Mặt khác, chủ thể kinh doanh siêu thị phải bỏ kinh phí lớn xây dựng (hoặc thuê) mặt bằng, cơ sở hạ tầng, thiết bị bảo quản, công tác kiểm định chất lượng hàng hoá, nhân công…nên chi phí hàng hoá cao hơn so với chợ truyền thống. Qua khảo sát sơ bộ, chúng tôi nhận thấy nhiều mặt hàng trong siêu thị đắt hơn ở chợ truyền thống từ 10- 15%. Tuy nhiên, nhiều người cho biết vẫn lựa chọn siêu thị vì không bị mua hớ, khá yên tâm về chất lượng sản phẩm và hài lòng với cung cách phục vụ.

Trong thời đại hội nhập, văn hoá kinh doanh là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Chợ truyền thống cần phải thực hiện một cuộc cải tổ mạnh mẽ về văn hoá kinh doanh, xây dựng văn hoá kinh doanh văn minh, lịch sự, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511499

Hôm nay

2162

Hôm qua

2336

Tuần này

21873

Tháng này

218372

Tháng qua

121356

Tất cả

114511499