Cuộc sống quanh ta

Sai lầm từ chủ trương có nhiều loại bằng

 

Đã cả tháng nay xã hội và giáo giới bàn luận nhiều về quyết định của UBND Đà Nẵng không tuyển vào các cơ quan những người có bằng tại chức. Người ủng hộ, người phản đối, thậm chí cho rằng chính quyền Đà Nẵng phạm luật. Những người có bằng tại chức thì thất vọng, sinh viên đang theo học hệ tại chức thì hoang mang, lo lắng.

Rất thông cảm với những người học - họ luôn luôn là nạn nhân của những chủ trương thiển cận, vì lợi ích nhất thời trong giáo dục! - nhưng tôi không thể không nói rằng: UBND Đà Nẵng làm đúng, Và rất dũng cảm. Bởi lẽ có người đã phát biểu tại một diễn đàn rất trách nhiệm: cải cách giáo dục là một cuộc cải cách đau đớn nếu dám chấp nhận mới làm nổi. Thì đây là một trong những nỗi đau ấy - chung của những người thực sự tâm huyết - thầy, trò, cán bộ quản lý - với đào tạo tại chức như một phương thức học tập gắn liền với sản xuất, với nâng cao không ngừng hiệu xuất lao động, học tập suốt đời. Bản thân chữ “tại chức” bao hàm ý đó: ở nguyên chức vụ đang đảm nhiệm, được phép sử dụng một số giờ “hành chính” (tức lấy trong 8 giờ lao động theo luật định), cộng với một số buổi tối để theo học những trường lớp nhất định nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cũng là kết hợp nhất thời giải quyết chế độ cho một số cán bộ thuộc thành phần cơ bản - một điều đương nhiên cần thiết trong những giai đoạn đầu của cách mạng.

Căn bệnh chất lượng tại chức phát sinh, theo thiển ý của chúng tôi, từ hai chủ trương sai lầm của lãnh đạo ngành giáo dục.

Một là mở rộng (thực chất là phá vỡ) khái niệm tại chức: không phải chỉ tuyển những người đang “ở chức” (tức đang làm việc), mà là tuyển tất cả những học sinh thi trượt đại học mà trừ một số rất ít còn đại đa số là năng lực yếu kém (có báo đã viết phần lớn là con em cán bộ lãnh đạo? Về điều này cần có con số thống kê).  Chủ trương này khoác cái áo “dân túy”: đáp ứng “truyền thống hiếu học” của dân ta, nhưng thực chất là để thu bộn tiền cho những quỹ tự tạo của cơ sở tại chức. Ông cha ta nói: có bột mới gột nên hồ. Bột “chua ôi” làm sao gột nên hồ được! Vậy làm sao cái hệ tại chức “ôi chua” ấy tồn tại dài dài được?

Ấy là nhờ cái chủ trương thứ hai: người ta đề xuất ý tưởng có vẻ như rất hợp lý là mỗi hệ đào tạo có loại văn bằng riêng: ngoài bằng đại học tại chức có từ trước, vốn chỉ là một loại căn cứ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và giải quyết chế độ, nay thêm bằng đại học chính quy, bằng đại học mở rộng, bằng đại học từ xa. Ngay khi đó chúng tôi đã phản đối vì cho rằng học theo quy trình nào là sự lựa chọn của người học tùy khả năng và điều kiện của mình, còn nhà nước chỉ nên có một chuẩn đầu ra, một loại văn bằng, còn lại, gọi là “bằng” cho đẹp nhưng thực ra là những chứng chỉ, có thể được quy đổi sau khi qua bổ túc hay tự học và có dự kỳ thi chung với sinh viên chính quy, do nhà nước tổ chức. Lúc ấy chúng tôi có ví đùa rằng: xưa chỉ có một loại mũ áo tiến sĩ do triều đình cấp, không có “kiểu mũ áo tiến sĩ tại chức”, “kiểu mũ áo tiến sĩ mở rộng”, “kiểu mũ áo tiến sĩ từ xa”… Anh học ở Quốc Tử Giám với chư vị giảng sư là Hoàng giáp, Tiến sĩ; hay học với cụ Tú Đụp (thường rất hay chữ!) ở một “thục xá” làng quê nào đó, vua không quan tâm. Đi thi Hội “đè đầu” được các ông Cử, ông Giám thì cứ việc nhập Đông Hoa môn mà lĩnh mũ áo tiến sĩ. Thực tế khoa thi tiến sĩ đầu tiên năm 1822 của triều Nguyễn là như vậy; trong 8 người đỗ không có một Giám sinh nào!

Ở nước có nền giáo dục tiên tiến như Hoa Kỳ có quy trình đại học “Full-time” và quy trình đại học “Part- time”, chỉ khác nhau về lịch trình học tập, tùy theo khả năng và điều kiện cá nhân, nhưng số lượng tín chỉ phải tích lũy để được cấp bằng cử nhân là như nhau.

Tại sao xưa cũng như nay những hệ thống giáo dục hiệu quả thì cho một trình độ học vấn chỉ chấp nhận một chuẩn kiến thức (thể hiện bằng một văn bằng duy nhất)?

Ấy là bởi vì đã đề ra nhiều chuẩn kiến thức (nhiều loại bằng) thì đương nhiên phải giảm bớt chương trình đào tạo, “tinh giản” nội dung kiến thức của bài giảng, kéo theo là phải tổ chức các kỳ thi riêng với những yêu cầu “phù hợp”, chấm lại “nhẹ tay” (không phải không có những trường hợp “phù hợp” và “nhẹ tay ”với những đối tượng được “gợi ý” - thực ra là chỉ thị! - trước). Vào đời, các loại bằng thứ phẩm nhờ thần thế, nhờ đồng tiền dễ dàng vô hiệu hóa những mảnh bằng chính quy lép vế.

Giải pháp chỉ có một - như UBND Đà Nẵng đã làm. Thực ra người ta lẳng lặng làm lâu rồi. Dũng khí của Đà Nẵng (do người đất Quảng chăng?) là dám tuyên chiến công khai với loại bằng đầu sổ thứ phẩm. Chính vì vậy mà góp phần tích cực dẹp cái sự loạn bằng!

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511553

Hôm nay

2216

Hôm qua

2336

Tuần này

21927

Tháng này

218426

Tháng qua

121356

Tất cả

114511553