Diễn đàn

Chức nào thì không thể mua được

Tháng 4 năm 2008, ông Võ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, công khai việc bị/được người ta đưa 100 triệu đồng để mua chức.

Tháng 9 năm nay(2009), ông Phạm Văn Huấn - Thành uỷ viên Hải Phòng đã  báo cáo bị/được ông Nguyễn Văn Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thép Việt Nhật (HPS), Đại biểu Quốc hội đương nhiệm, ngày 11/8/2009, ghé thăm và  cho qùa 20 triệu đồng với "gợi ý" là ông Huấn nên bỏ phiếu cho ông T vào ghế Chủ tịch TP Hải Phòng.

Rõ ràng đây là các vụ mua chức, không thể dùng một từ nào khác để diễn đạt, phản ánh và mô tả bản chất hành vi nói trên.

Đây là hai trong rất nhiều vụ mua và bán chức. Qua dư luận, chắc ai cũng nghe, cái chức bây giờ cũng là hàng hoá, chỉ có điều là không ai mua và bán công khai, không niêm yết giá và không có trong danh mục của các cơ quan thuế vụ. Nếu có trong danh mục loại "hàng hoá" này thì tin chắc rằng ngành thuế sẽ phát tài và đương nhiên là thu ngân sách cho nhà nước sẽ tăng một cách đáng kể.

Nhân hai "thương vụ" này, tôi xin có mấy suy nghĩ tuy rằng là nhỏ nhưng ám ảnh tôi rất nhiều.

1; Trong công tác cán bộ tại sao chúng ta không công khai và thực hiện một cách nhất quán mà có nhiều nơi cứ úp úp mở mở như kiểu đấu thầu. Ví như cái chức chủ tịch TP Hải Phòng mà ông Bình phải đi mua hộ cho ông T cứ công khai rõ ràng từ trước đó mấy năm rằng sẽ lựa chọn mấy ông, mấy phương án, có thứ tự rõ ràng, nếu đến giờ G mà không có sai phạm thì cứ thế mà quyết thì chắc là sẽ hạn chế được chuyện mua bán chức, khống chế được cái chợ cao cấp nhưng bẩn thỉu này.

2; Bọn họ mua chức tất phải tính đến chuyện bán được và có lãi. Mua được một chức to sẽ bán được nhiều chức vừa vừa, mua được một chức vừa vừa sẽ bán được nhiều chức nhỏ. Thị trường chức tước nó tự nhiên hình thành và phát triển là vì/nhờ vậy. Thật là khủng khiếp, nếu nó phát triển đến mức đâu đâu cũng là chợ thì nhà nước này, đất nước này sẽ trở thành cái gì?

3; Hải Phòng là thành phố lớn trực thuộc trung ương mà cái chức chủ tịch TP họ cũng có thể làm món đồ mua bán được. Vậy thì đến chức nào bọn họ không dám mua, không mua được? Một chuyện của Hải Phòng và một chuyện của Cà Mau mà làm nao núng cả nước, buộc cả nước phải mất ngủ vì khó nghĩ, phải cảnh giác và đề phòng. Nếu chuyện không vỡ lỡ thì niềm tin của nhân dân có đặt nhầm vào các quan mua được chức!?

4; Ở đây tôi muốn cảnh báo một nguy cơ đã lộ diện từ lâu nhưng ít được nhắc đến đó là sự cấu kết của đám quan chức tham nhũng với các doanh nhân,  doanh nghiệp làm ăn không chân chính. Ông Nguyễn Văn Bình là doanh nhân, ông đi mua chức chủ tịch thành phố cho ông T là vì ai? Ai bảo hay bắt ông đi? Đây có phải là một hình thức "đầu tư chiều sâu" kiểu Lã Bất Vi không? Nếu thương vụ thành công thì ông T - với quyền hành chủ tịch sẽ trả nợ cho ông Bình như thế nào? Trong trường hợp này cần nhớ rằng ông Bình còn là một đại biểu Quốc hội! "Ông nghị" mà đi mua chức như thế này thì thử hỏi phép nước cương hay lỏng? Thật là khó dùng một từ nào để có thể phản ánh hết được tính chất nghiêm trọng của sự việc xét trên tất cả các phương diện, từ chính trị đến luật pháp, kinh tế đến đạo đức!

5; Vụ ở Cà Mau, theo như ông Bí thư Bình nói thì nếu tham ông có thể thu mấy tỷ đồng trong vài ngày!? Đó chỉ mới là "vụ trái"(Không phải vụ chính) - chuyển đổi lại cơ cấu nhân sắp xếp lại mấy ngành theo mô hình mới. Còn sắp tới đây, vào năm sau, khi mà tổ chức đại hội Đảng các cấp, bầu Quốc hội khoá mới, Hội đồng nhân dân các cấp khoá mới, nếu không cảnh giác đề phòng thì sẽ là một cơ hội tốt cho bọn xấu tổ chức họp chợ mua bán chức quyền.

Dẹp cho được cái chợ này là việc rất khó vì bọn chúng đều thuộc hạng gian thương lại núp vỏ quan chức nhà nước.

Vì vận nước, hơn lúc nào hết, phải giữ nghiêm phép nước. Đó là điều kiện cần để an dân, giữ nước.

 


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511803

Hôm nay

2129

Hôm qua

2337

Tuần này

22177

Tháng này

218676

Tháng qua

121356

Tất cả

114511803