Cứ như tôi biết thì “chủ nghĩa hậu hiện đại” là cả một câu chuyện rất dài và phức tạp. Theo ông, để tìm hiểu hiện tượng đầy phức tạp này, nên bắt đầu từ đâu?
Lã Nguyên: Hậu hiện đại không chỉ tồn tại trong các loại hình nghệ thuật, các lĩnh vực văn hoá và thực tiễn đời sống mà còn hiện diện trong nghiên cứu khoa học. Trước hết, nó được hình thành như một tâm thức. Tâm thức hậu hiện đại được biểu hiện rõ nét trong sáng tạo nghệ thuật, rồi được định hình và hợp thức hoá trong các công trình nghiên cứu khoa học. Chỉ trong nghiên cứu khoa học, chủ nghĩa hậu hiện đại mới được trình bày như một hệ thống tư tưởng, hệ thống thế giới quan hoàn chỉnh mà lí trí của chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt. Cho nên, theo kinh nghiệm của tôi, phải nghiên cứu cặn kẽ lí thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại để có chút vốn liếng kiến thức, rồi mới có thể tìm hiểu trào lưu tư tưởng này trong sáng tạo nghệ thuật.
Nhưng thưa ông, chúng ta có cả một núi những công trình của các tác gia hậu hiện đại, nào người Pháp, người Mĩ, người Anh, người Đức, nay lại có thêm cả người Nga, người Trung Quốc... Mà họ viết mỗi người một phách, chứ có phải giống nhau đâu! Vậy phải làm thế nào để không bị rối trí khi đọc sách của họ?
Lã Nguyên: Ta có cảm giác lí luận của chủ nghĩa hậu hiện đại quá phức tạp, chẳng qua do mỗi tác giả thường chỉ bàn rất sâu về một vài khía cạnh nào đấy, ví như J. Lyotard phân tích “vị thế của tri thức” và vấn đề “hợp thức hoá” tri thức ở kỉ nguyên hậu hiện đại, M.Foucault nghiên cứu tri thức trong cấu trúc của các “tương quan quyền lực”, J.Baudrillard (1929) mô tả “hiện thực phì đại gây mê của các văn bản nguỵ tạo”, J.Derrida trình bày những thủ pháp phân tích giải cấu trúc các văn bản khoa học và văn bản văn học, L.Lacan khảo sát cơ cấu “tái diễn giải” của vô thức… Cho nên, để khỏi rối trí như anh nói, theo tôi, có 2 điểm mấu chốt cần lưu ý: Thứ nhất: không nên quá sa đà vào chuyện câu chữ, hoặc những chuyện tiểu tiết, ví như thuật ngữ “chủ nghĩa hậu hiện đại” lần đầu tiên xuất hiện ở đâu, trong công trình của ai, vào năm nào? Tất nhiên, có được những tri thức như thế cũng tốt, chẳng bao giờ thừa, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đấy thì chắc chắn ta vẫn không thể hiểu được thế nào là chủ nghĩa hậu hiện đại. Thứ hai: phải nắm vấn đề một cách có hệ thống. Lí thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại có cả một quá trình hình thành và phát triển. Nó có một hệ thống khái niệm, phạm trù riêng và một hệ thống quan điểm xuất phát giống như những nguyên lí để qua đó chủ nghĩa hậu hiện đại được trình bày như một hệ thống tư tưởng, một hệ hình thế giới quan. Tôi nghĩ, chỉ khi nào tìm hiểu thấu đáo quá trình hình thành và phát triển của chủ nghĩa hậu hiện đại, nắm vững các nguyên lí cơ bản và hệ thống khái niệm, phạm trù của nó thì mới có thể tạm gọi là đã có chút kiến thức tương đối hệ thống về đối tượng mà mình qua tâm.
Xin ông phác hoạ cho đôi nét về các bước phát triển của chủ nghĩa hậu hiện đại trên bình diện lí luận.
Lã Nguyên: Cứ như tôi biết thì vào giữa những năm 50 của thế kỉ trước, lần đầu tiên, người ta thấy ở Mĩ, chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện trong hàng loạt lĩnh vực văn hoá, như kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, sau đó, nó thâm nhập mạnh mẽ vào văn học và âm nhạc. Nhưng phải đến đầu những năm 80, người ta mới đặt vấn đề nghiên cứu chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật đương đại như một hiện tượng toàn vẹn, một trào lưu tư tưởng đặc biệt. Tức là phải đến lúc này người ta mới nghĩ tới khả năng liên kết tất cả các khuynh hướng, trào lưu hiện đại nhất trong các loại hình nghệ thuật thành một chỉnh thể được gọi là hậu hiện đại. “Người ta” mà tôi nhắc tới ở đây là những bộ óc hàng đầu của nước Pháp, ví như J. Derrida (1930 - 2004), J. Lacan (1901-1981), J. Deleuze (1925), M.Foucault (1926-1984)…Các nhà nghiên cứu này đã đưa ra nhiều hướng tiếp cận, nhiều cách nhìn, đề xuất nhiều ý tưởng, quan điểm về chủ nghĩa hậu hiện đại trong các loại hình nghệ thuật ở Pháp. Những công trình nghiên cứu của họ cung cấp cho ta nền tảng lí thuyết, phương pháp luận để nghĩ về chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật như một chỉnh thể, một trào lưu tư tưởng đặc thù. Vì chủ nghĩa hậu hiện đại là một hệ thống tư tưởng, hệ thống quan niệm có thể xem là hệ thống nguyên tắc thế giới quan nên nó mới có thể phát triển thành một trào lưu rộng lớn, rồi bành trướng sang tất cả các lĩnh vực tri thức xã hội - nhân văn và tất cả các lĩnh vực đời sống. Thực tế chứng tỏ, chủ nghĩa hậu hiện đại có tham vọng trở thành một thứ lí thuyết phổ quát về nghệ thuật đương đại, thậm chí, thành một loại tri thức đặc biệt có khả năng phản ánh đầy đủ nhất “tinh thần thời đại”.
Có thể hình dung con đường lí luận mà chủ nghĩa hậu hiện đại đã đi qua là thế này. Ở nửa đầu của thế kỉ XX, cùng với sự xuất hiện của Trường phái ngôn ngữ Genève, Trường phái hình thức Nga, Trường phái cấu trúc Paris, Trường phái kí hiệu học Mĩ…, chủ nghĩa cấu trúc (“structuralisme”) được sinh ra rồi trở thành một khuynh hướng thống trị trong các khoa học xã hội nhân văn. Khi tinh thần duy lí của chủ nghĩa hiện đại đã lộ hết mặt trái của nó và chủ nghĩa cấu trúc như một hệ thống phương pháp luận đã bị vắt kiệt nghĩa, thì sự xuất hiện của hậu cấu trúc luận (“poststructuralisme”) sẽ là bước đi tất yếu của nhận thức khoa học. Qúa trình vận dụng những nguyên tắc phương pháp luận của hậu cấu trúc luận (chủ yếu là hậu cấu trúc luận Pháp với những công trình nổi tiếng của J.Derrida, M.Foucault, J. Kristeva…) vào nghiên cứu và phê bình văn học lại làm nảy sinh khuynh hướng giải cấu trúc luận, hoặc phê bình giái cấu trúc luận (“deconstructivisme”, “deconstructive critisme”). Khuynh hướng này phát triển rầm rộ ở Mĩ, trước hết là trong các công trình nghiên cứu của Trường phái Yale (“Yale School”) với những đại diện tiêu biểu như Paul Michael de Man (1919-1983), Geoffrey H. Hartman (1929), Harold Bloom (1930), Hillis Joseph Miller (1928). Về sau, giải cấu trúc luận vượt ra ngoài biên giới nước Mĩ và ra ngoài phạm vi thực hành phân tích phê bình văn học. Đem cấu trúc luận so sánh với giải cấu trúc luận, ta sẽ thấy ngay sự khác nhau của nhãn quan hiện đại chủ nghĩa với thế giới quan của chủ nghĩa hậu hiện đại. Cấu trúc luận và thế giới quan hiện đại chủ nghĩa nhìn xã hội như một tổng thể đang vận hành đồng bộ. Nhưng xã hội và mọi mối liên kết của nó trong nhãn quan hậu cấu trúc luận chỉ là một trò chơi ngôn ngữ, cho nên văn hoá là tổng số những văn bản. Giải cấu trúc luận đã “hợp thức hoá” quan điểm nền móng ấy của hậu cấu trúc luận rồi biến thành hệ thống nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa hậu hiện đại mà người ta có thể vận dụng để phân tích mọi hiện tượng văn hoá và mọi loại văn bản.
Để khép lại ý này, tôi muốn nhấn mạnh 2 điểm. Thứ nhất: Vào những năm 80 của thế kỉ trước, chủ nghĩa hậu hiện đại được định hình như một hệ thống quan niệm có thể gọi là những nguyên tắc thế giới quan. Nền tảng làm nên hệ thống những nguyên tắc thế giới quan ấy là các quan niệm của hậu cấu trúc luận và giải cấu trúc luận. Vì thế, các khái niệm “giải cấu trúc luận”, “hậu cấu trúc luận” và “chủ nghĩa hậu hiện đại” nhiều khi được sử dụng như những phạm trù đồng nghĩa. Có hiểu như thế thì khi nghiên cứu các tác gia hậu hiện đại, ta mới khỏi bị rối trí và không có cảm giác hệ thống khái niệm, phạm trù của chủ nghĩa hậu hiện đại bị chồng chéo. Tuy nhiên, cũng cần biết, hậu cấu trúc luận là hiện tượng “thuần Pháp”, có nguồn cội sâu xa từ truyền thống văn hoá của một dân tộc. Giải cấu trúc thực hành lại là hiện tượng gắn với nền văn hoá Mĩ. Nhưng chủ nghĩa hậu hiện đại chắc chắn là hiện tượng mang tính quốc tế. Nó là đứa con được sinh thành nhờ sự tác động lẫn nhau, ảnh hưởng qua lại giữa những truyền thống triết học và văn hoá của những dân tộc khác nhau. Thứ hai: chủ nghĩa hậu hiện đại được truyền bá, phổ biến hết sức rộng rãi, bởi nó có khả năng mở ra một hệ hình tư duy kiểu mới. Từ ngôn ngữ học, phê bình, nghiên cứu văn học, nó nhanh chóng bành trướng sang lãnh địa của xã hội học. Và khi bành trướng sang lãnh địa xã hội học, cả hồn cốt lẫn hình hài của hậu hiện đại bắt đầu có nhiều thay đổi. Người ta thấy có diễn ngôn hậu hiện đại mang tính đặc thù của riêng xã hội học. Trong xã hội học, chủ nghĩa hậu hiện đại phát triển theo hai hướng. Ở hướng thứ nhất, chủ nghĩa hậu hiện đại tìm cách xét lại toàn bộ khoa học luận của xã hội học để hình thành một thứ lí luận khoa học hoàn toàn mới. Ở hướng thứ hai, chủ nghĩa hậu hiện đại đưa ra một cái nhìn khác về hiện thực xã hội. Trước những biến đổi xã hội mang tính toàn cầu, nó đưa ra một hệ thống quan niệm có khả năng lí giải những thực tại đầy biến động của một thế giới đương đại đang chuyển sang kỉ nguyên lịch sử mới.
Ông cho rằng chủ nghĩa hậu hiện đại được xây dựng trên nền tảng của một hệ thống luận điểm cốt lõi giống như những nguyên lí khoa học. Ông có thể giới thiệu đôi chút về những “nguyên lí” ấy hay không?
Lã Nguyên: Như đã nói,trong tư duy khoa học, chủ nghĩa hậu hiện đại bắt đầu hình thành từ ngôn ngữ học, từ phê bình, nghiên cứu văn học, rồi nhanh chóng thâm nhập vào lãnh địa của xã hội học. Trong xã hội học, chủ nghĩa hậu hiện đại vừa là hệ thống thế giới quan, vừa là hệ thống phương pháp luận. Nó vừa cắt nghĩa xã hội, vừa kiện toàn phương pháp cắt nghĩa. Nó vừa là lí thuyết xã hội, vừa là lí luận khoa học. Tức là có hai hệ thống luận điểm mà tôi gọi là những nguyên líkhoa học tạo thành nền tảng lí thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong phạm vi một buổi toạ đàm, tôi nghĩ, câu chuyện của chúng ta hôm nay chỉ nên dừng lại ở nguyên tắc cắt nghĩa xã hội, tức là dừng lại ở hệ hình thế giới quan của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Từ bình diện thế giới quan, lí luận xã hội của chủ nghĩa hậu hiện đại xuất phát từ những luận điểm nòng cốt sau đây:
1. Văn hoá là một hệ thống kí hiệu. Đây là tư tưởng cốt lõi, có ý nghĩa then chốt của chủ nghĩa hậu hiện đại. Bởi vì, nền tảng triết học của chủ nghĩa hậu hiện đại, về cơ bản, là hậu cấu trúc luận. Mà hậu cấu trúc luận thì được hình thành giữa dòng thác “cách mạng ngôn ngữ học” do triết học hiện đại phương Tây tạo ra. Cho nên, “ngôn ngữ”, “tư duy ngôn ngữ”, hoạt động của con người như một “thực tại diễn ngôn” luôn luôn là vấn đề trung tâm thu hút sự chú ý của chủ nghĩa hậu hiện đại. Tuy có bất đồng trong tiểu tiết, nhưng về đại thể, các lí luận gia của chủ nghĩa hậu hiện đại đều nhất trí cho rằng, chính ngôn ngữ quyết định tư duy và mọi hoạt động đời sống. Chính ngôn ngữ chi phối người nói, chứ không phải người nói điều khiển ngôn ngữ. Chủ nghĩa hậu hiện đại miêu tả ngôn ngữ như một cấu trúc kí hiệu làm thành cái “bể đựng nghĩa” độc lập với mọi “sự thực” của thế giới và không lệ thuộc vào ý đồ của chủ thể. Nó khẳng định, nghĩa được sinh ra từ ngữ cảnh của quan hệ giữa các kí hiệu tạo thành cấu trúc ngôn ngữ, do vị trí cụ thể của các kí hiệu trong cấu trúc ấy sinh ra, chứ không phải do sự phù hợp giữa kí hiệu với“sự thực” của thế giới bên ngoài quy định. Có thể nói, chủ nghĩa hậu hiện đại đã xoá bỏ hoàn toàn niềm tin vào thứ ngôn ngữ quy chiếu, phản ánh, tức là niềm tin cho rằng, ngôn ngữ có thể tái hiện trung thực, chính xác thực tại và nói được “chân lí” về thực tại ấy. Theo chủ nghĩa hậu hiện đại, sự hiểu biết của chúng ta về thế giới chỉ có thể đạt được trong ngôn ngữ và bằng ngôn ngữ. Sự hiểu biết ấy không phải là sản phẩm của “thế giới như nó vốn có”, mà là kết quả của “lịch sử các văn bản”.
2. Thế giới là một văn bản. Đây là một trong số những luận điểm nổi tiếng nhất, có thể xem là “chính đề” của chủ nghĩa hậu hiện đại. Với chủ nghĩa hậu hiện đại, cái được gọi là hiện thực khách quan chẳng qua là một văn bản, một diễn ngôn, một “câu chuyện”. “Trần thuật”, “câu chuyện”, “tính văn bản”, “tính liên văn bản” là mảng từ vựng cơ bản trong ngôn ngữ của chủ nghĩa hậu hiện đại. Đó là những thuật ngữ quan trọng nhất, thường xuyên được chủ nghĩa hậu hiện đại sử dụng để miêu tả hiện thực đương đại. “Không có gì tồn tại ngoài văn bản” (J.Derrida). Văn hoá - của thời nào cũng thế - là tổng số của các văn bản, hoặc liên văn bản. Phải đặt vào “trường diễn ngôn của văn hoá” mới có thể hiểu được các văn bản. Tức là, muốn hiểu được văn bản này, phải đặt nó trong mối liên hệ với các văn bản khác, chứ không phải trong mối quan hệ với những “nghĩa đen”, hay sự thật tuyệt đối, quy phạm nào đó. Không có văn bản khép kín, tự trị, vì trước nó thể nào cũng có những văn bản khác. Sự hiện diện của liên văn bản là tất yếu, không ai có thể phủ định. Ta hiểu vì sao chủ nghĩa hậu hiện đại xem giải cấu trúc là phương pháp phổ quát, được nó thường xuyên vận dụng để phân tích mọi hiện tượng văn hoá, mọi loại văn bản. Hậu hiện đại biến giải cấu trúc thành quá trình giải thích liên tục, không bao giờ kết thúc. Quá trình giải thích liên tục, bất tận ấy sẽ điều chỉnh mọi khái niệm, mọi văn bản, khiến cho câu chuyện chân lí trở thành vô nghĩa, nhảm nhí. Làm gì có chân lí! Làm gì có hiện thực khách quan! Bởi vì ngôn ngữ là môi trường đỏng đảnh, bất trắc, không có khả năng chuyển tải ý nghĩa và chân lí. Nhận xét này là cơ sở để các lí luận gia của chủ nghĩa hậu hiện đại đưa ra luận điểm rất nổi tiếng về đặc điểm không thể tự đồng nhất của văn bản, về sự bấp bênh, bất khả tín của tri thức thu nhận được bằng ngôn ngữ. M.Foucault đưa ra thuật ngữ “Épistémè” để miêu tả lịch sử như một “sự luân chuyển”, một “chuỗi đứt gẫy” và chỉ ra nguyên nhân tạo nên sự bấp bênh của tri thức. Theo Foucault, mỗi thời đại bao giờ cũng chỉ có một hệ thống tri thức duy nhất được tạo ra bởi hoạt động diễn ngôn của các khoa học khác nhau. Ông gọi hệ thống tri thức được tạo ra bởi hoạt động ngôn ngữ như thế là “Épistémè”, tôi tạm dịch là “Trường (hoặc “không gian”) tri thức thời đại”. “Trường tri thức thời đại” chính là chuẩn mực làm thành bộ “mã ngôn ngữ”. Nó tự động chi phối và điều chỉnh từ trong nội tại cách thức hành ngôn và tư duy của cá nhân. Nó vừa bị lệ thuộc vào cấu trúc nội tại của các tương quan quyền lực, vừa hoạt động giống như một kiểu “diễn ngôn toàn trị”, một sức mạnh áp đặt hợp thức. Cho nên, “trường tri thức thời đại” không thể mang tính khách quan, trung tính.
Tôi thấy nhiều người phê phán quan điểm của Foucault thường xuất phát từ giác độ khoa học trừu tượng, mà không chú ý tới những thay đổi lớn lao trong tình huống văn hoá đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, nhất là ở xã hội phương Tây. Suốt 50 năm qua, nhân loại bước vào kỉ nguyên tin học. Hệ thống thông tin toàn cầu tác động mạnh mẽ vào não trạng của con người, làm ý thức đại chúng trở nên mê muội. Các học giả hậu hiện đại cho rằng, đó là mảnh đất mầu mỡ làm nảy sinh nhiều ảo tưởng và huyền thoại khoa học, khiến văn hoá bị biến dạng. Phải đặt vào bối cảnh ấy, ta mới hiểu được hệ thống luận điểm nói trên của Foucault và các lí luận gia của chủ nghĩa hậu hiện đại. J.Baudrillard đã đưa ra lí thuyết về “hiện thực phì đại” (“hyperréalité”) để giải thích sự biến dạng của văn hoá. Theo Baudrillard, “hiện thực phì đại” xuất hiện khi tri thức và các quan niệm văn hoá bị cắt đứt mối liên hệ với hiện thực xã hội và hiện thực cá nhân của con người mà nó cần phải miêu tả. Khi ấy, tri thức và các quan niệm văn hoá sẽ tự khép kín trong bản thân để trở thành “cái nguỵ tạo” . “Simulacre” - “cái nguỵ tạo” trở thành thuật ngữ quen thuộc của chủ nghĩa hậu hiện đại, được sử dụng để chỉ cái vỏ biểu đạt trống rỗng chẳng biểu đạt cái gì, một thứ đồ giả thay cho hiện thực “ngắc ngoải”, nhìn vào không thể biết đó là cái thực hay cái được tưởng tượng ra. Baudrillard cho rằng, hiện thực và hình tượng thường bị ngăn cách bởi nhiều tầng nấc, mỗi bậc đánh dấu một bước thoát li của các “mã” ngày càng xa hơn với cái được biểu đạt. Ở nấc đầu tiên, sự phản ánh hiện thực bị đánh tráo bởi sự bóp méo, xuyên tạc cái hiện thực ấy. Nấc thứ hai: sự thiếu vắng hiện thực trong hình tượng được nguỵ trang, che đậy. Khái niệm “mã kép” được đưa ra để nói về trường hợp này. Cuối cùng, mọi dây nhợ thắt buộc giữa hình tượng với hiện thực đều bị cắt đứt, hình tượng chỉ còn là cái vỏ, là “simulacre” - “cái nguỵ tạo”. Trong viễn tượng của các lí luận gia hậu hiện đại, toàn bộ thế giới hiện đại được tạo ra bởi những “cái nguỵ tạo” chẳng có chút cơ sở ở bất kì một thứ hiện thực nào, ngoài hiện thực của chính nó. Đó là thế giới kí hiệu của những kí hiệu, một thế giới nhân tạo, giả tạo hoàn toàn. Cho nên, mối quan hệ giữa con người với thế giới cũng hoàn toàn bị biến dạng. Chẳng còn ai quan tâm tới khách thể (objet) “hiện thực”, vì khắp thế giới, đâu đâu cũng tràn ngập các mô hình giả tạo, không có gì để phân biệt giữa “vật” và “lời”. Bị tước đoạt khách thể, chủ thể đành bất lực, không thể đối chiếu những điều mình hình dung, tưởng tượng với khách thể. Thành thử, chủ thể hoàn toàn bị lệ thuộc vào cái “hiện thực phì đại”. Đời sống của con người chỉ còn là cái bóng, là ảo ảnh, tạm bợ. Nó gợi dậy ở mỗi cá nhân cảm giác về sự trống rỗng, vô vị, vô nghĩa, rối loạn, lạc điệu, thiếu chuẩn mực và sự hỗn độn của một thế giới đứt gẫy mạch lạc. Bởi vậy, chủ nghĩa hậu hiện đại dồn nỗ lực vào việc khám phá cơ chế nội tại của quá trình làm ý thức con người trở nên mụ mị, mê muội dưới sự tác động của các hệ thống truyền thông đại chúng. Nó cố gắng chứng minh sự bấp bênh, bất khả tín, tính chất “giả nguỵ” của “tri thức” về một thế giới được nhào nặn bằng con đường làm cho ý thức của con người mụ mị đi như thế.
3. Cái chết của chủ thể. Đây là luận điểm thứ 2, cũng không kém phần quan trọng, nằm trong nền tảng triết học của chủ nghĩa hậu hiện đại. Luận điểm này được triển khai trực diện nhất, sâu sắc nhất trong các công trình của M.Foucault và R.Barthes. Tuy nhiên, lí thuyết giải cấu trúc của J.Derrida và lí thuyết liên văn bản của J.Kristeva cũng dẫn tới kết luận về “cái chết của chủ thế” như thế.
Các lí luận gia của chủ nghĩa hậu hiện đại lập luận thế này. Nếu văn học, văn hoá, xã hội, lịch sử đều là văn bản, thì ý thức cá nhân cũng có thể xem là một tống lượng văn bản nào đấy trong tổng thể văn bản tạo thành thế giới văn hoá. Do “không có gì tồn tại ngoài văn bản” (Derrida), nên cá nhân nào cũng phải nằm trong cấu trúc nội tại của văn bản. Thế là “chủ thể bị nuốt chửng” bởi văn bản, và đó là lí do dẫn tới “cái chết của chủ thể” mà “ngôn ngữ đã thác lời vào đó” (Foucault). Vậy là quan niệm hiện đại về “con người bản chất” đã được thay thế bằng quan niệm hậu hiện đại về “con người quan hệ”. Trong quan niệm của Foucault, Barthes, Derrida, Kisteva…, chủ thể hậu hiện đại là một thứ kính vạn hoa lấp lánh “vô số mảnh đồng nhất” gắn với các hoàn cảnh văn hoá và lịch sử mang tính cục bộ. Việc biến chủ thế thành văn bản đã xoá bỏ hoàn toàn kiểu quan hệ của chủ thể với bản thân nó như với một cái gì ổn định, bất biến, tồn tại độc lập với thế giới kí hiệu vốn là thế giới luôn luôn khống chế, ràng buộc nó. Có thể nói, chủ nghĩa hậu hiện đại đã phá bỏ tận gốc truyền thống lí thuyết và quan niệm hiện đại xem chủ thể là trung tâm vũ trụ và cá nhân là bản thể độc lập, tự chủ, tự túc tự mãn và trùng khuýp với ý thức của nó. Từ giác độ của chủ nghĩa hậu hiện đại, quan niệm ấy là không xác đáng, thậm chí phi lí, lố bịch. Chủ nghĩa hậu hiện đại chứng minh, rằng cá nhân không thể tồn tại độc lập, trong quá trình tư duy, cá nhân luôn luôn bị chi phối một cách vô thức bởi những cấu trúc ngôn ngữ. Luận điểm này đã trở thành một trong những hằng số quan trọng nhất để nhận diện chủ nghĩa hậu hiện đại. Người ta đã ban tặng cho luận điểm ấy một cái tên, gọi là “chủ nghĩa phản nhân văn về lí thuyết” (“antihumanisme théorique”). Thực chất của cái gọi là “phản nhân văn” này chỉ là ở chỗ, nó thừa nhận có những sức mạnh, những quyền lực, những hiện tượng, những quá trình tồn tại bên ngoài, bên trên cá nhân, không phụ thuộc vào tư tưởng và ý chí của cá nhân. Những quá trình, những hiện tượng, những sức mạnh và quyền lực ấy bất chấp cá nhân, cá nhân không thể làm chủ được chúng, vì thế không thể biến cá nhân thành thước đo, thành một nguyên tắc giải thích khi nghiên cứu bất kì một “chỉnh thể xã hội nào”.
4. Phi trung tâm. Quan điểm hiện đại đề cao tư duy lí tính, tinh thần hợp lí và nguyên tắc “hướng tâm”, “tập quyền”, xem đó là nền tảng của nền văn hóa châu Âu. Quan điểm hậu hiện đại đề cao nguyên tắc “phi trung tâm”, nguyên tắc “tản quyền”. Lí luận hiện đại cho rằng, toàn bộ thế giới, từ văn bản, nhận thức, văn hóa đến đời sống xã hội đều được kiến tạo xung quanh một hạt nhân, một trung tâm duy nhất, ấy là chủ thể. Chủ nghĩa hậu hiện đại xem nguyên tắc phi trung tâm và giải cấu trúc là con đường điều chỉnh mọi văn bản, mọi khái niệm. Theo quan điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại, không thể nào có một hệ thống tri thức theo kiểu bách khoa, tổng hợp, vừa toàn diện, lại vừa nhất quán. Tri thức chỉ có thể là những “mảnh” (“segment”), những “trích đoạn” (“fragment”) của vô số ngữ cảnh văn hoá mang tính cục bộ. Chính ngữ cảnh văn hoá tạo ra ý nghĩa, mang lại lí do tồn tại cho các “mảnh” và “trích đoạn” tri thức ấy. Cho nên, nếu đặt ra bên ngoài ngữ cảnh của văn hoá, của truyền thống và ngôn ngữ, sẽ chẳng có loại tri thức nào có giá trị. Xuất phát từ luận điểm như thế, chủ nghĩa hậu hiện đại phê phán quyết liệt nền văn hoá hiện đại, phê phán kiểu tư duy siêu hình, duy lí. Nó thể hiện thái độ “hoài nghi phương pháp luận” với những giá trị và những chân lí phổ quát, những tín điều được đúc rút bằng con đường suy lí. Nó nghi ngờ mọi hình thức nhận thức duy lí. Nó cương quyết từ chối những khái niệm cơ bản của khoa học luận hiện đại, như “nguyên nhân”, “chân lí”… Theo Lyotard, ở thời hiện đại, thái độ suy tôn của con người đối với các “đại tự sự” đã tạo ra môi trường nuôi dưỡng sự thống nhất của tri thức. Nhưng đến thời hậu hiện đại, các “đại tự sự” không còn là cái van an toàn bảo vệ chân lí và giá trị. Lyotarcho rằng, thời hậu hiện đại được đánh dấu bằng 2 đặc điểm quan trọng: sự tan rã không thể cứu vãn của cái thống nhất và sự lớn mạnh không ngừng của chủ nghĩa đa nguyên. Cho nên, hậu hiện đại là sự xoá bỏ không thương tiếc sự thống ngự toàn diện của chủ nghĩa duy lí hiện đại. Ông nói, suy cho cùng kì lí, thì hậu hiện đại chính là sự “hoài nghi các đại tự sự”, tức là hoài nghi các tư tưởng nòng cốt lớn lao, các “hệ thống giải thích” đảm bảo cho sự thống nhất của tri thức, xây dựng nên xã hội tư bản và được sử dụng như một phương tiện để hợp thức hoá xã hội ấy. Đó là tôn giáo, khoa học, nghệ thuật, lịch sử, nhất là loại “siêu lịch sử” - tức là những nguyên lí tư tưởng triết học hiện đại, ví như phép biện chứng tinh thần của Hegel, tư tưởng về tiến bộ, về giải phóng cá nhân, quan niệm Khai sáng về tri thức như là con đường đạt được hạnh phúc…Lyotard cho rằng, “kỉ nguyên hậu hiện đại” là kỉ nguyên xói mòn niềm tin vào những “đại trần thuật”, “đại tự sự”, “siêu truyện”, vào các nguyên lí hợp thức, hợp nhất, toàn trị về hiện đại. Sự cáo chung của các “đại tự sự” đã giải phóng thế giới thoát khỏi “phép siêu hình ảo tưởng của chủ nghĩa hiện đại”, mở ra cho mọi hình thái đời sống, mọi hoạt động cục bộ khả năng phát triển vô tận, xoá bỏ nguyên tắc “độc canh” (“monoculture”) để tiến tới nền văn hoá đa dạng. Sự cáo chung của các “đại tự sự” còn góp phần xoá bỏ tình trạng phân tầng chức phận mang tính đặc thù của thời hiện đại. Nền tảng phương pháp luận của chủ nghĩa hậu hiện đại là sự thừa nhận tính hạn chế của mọi lối sống, mọi dạng hoạt động, mọi kiểu thuận lí. Nó xem sự đa dạng, đa nguyên của các kiểu thuận lí, các lối sống và các dạng hoạt động là hợp tự nhiên và tất yếu. Nó cũng thừa nhận sự bình đẳng giá trị của mọi kiểu thuận lí và các hệ hình sáng tạo khác nhau. Nó đề cao những hệ hình sáng tạo bị đẩy ra khu vực ngoại biên của văn hoá và những hệ hình không được thừa nhận là hợp thức khi mà các phương thức hiện đại giành được thế ưu thắng trong việc chiếm lĩnh thế giới. Các lí luận gia của chủ nghĩa hậu hiện đại đều cho rằng, mọi ý đồ thiết lập một trật tự đẳng cấp nào đó, những hệ thống ưu trội nào đó trong nhận thức, trong văn hoá và trong đời sống đều chẳng mang lại lợi lộc gì và cũng không thể thực hiện được. Họ kiên quyết chống lại chủ nghĩa toàn trị, độc tài, nhất là độc tài trong kĩ nghệ và thông tin. Họ nêu cao khẩu hiệu: Bình đẳng giá trị cho mọi hình thức đời sống! Ta hiểu vì sao họ kiên quyết khước từ khái niệm “tiến bộ lịch sử” và quan niệm về sự phát triển của lịch sử theo kiểu tuyến tính thẳng đuột một chiều. Thay vào những quan niệm như thế, M.Foucault đưa ra ra thuật ngữ “Épistèmé” để nói về quy luật phát triển luân phiên không đồng đều của các “không gian tri thức thời đại”. Ông còn đưa ra hình ảnh ẩn dụ “Rhizome” có nghĩa là “thân rễ”, một loại rễ chùm, để chỉ quy luật phát triển đa phương, phi hệ thống của lịch sử.
5. Tâm thức hậu hiện đại. Sự vỡ mộng trước các lí tưởng và những giá trị của thời đại Phục Hưng và thế kỉ Ánh sáng, sự sụp đổ niềm tin vào Tiến bộ, vào sự thắng lợi của lí trí và khả năng vô tận cuả con người đã dẫn chủ nghĩa hậu hiện đại tới chỗ khước từ mọi truyền thống của chủ nghĩa duy lí Tây Âu. Đó chính là nguyên nhân làm nảy sinh “tâm thức hậu hiện đại” như một cái nhìn đặc thù về thế giới. Trong tâm thức hậu hiện đại, thế giới hiện lên phi trung tâm, phi hệ thống, chỉ là những mảnh ghép, mọi liên hệ nhân quả và định hướng giá trị đều đứt tung, và sẽ thật vô nghĩa nếu có ai đó định dựng lại “mô hình” của thế giới ấy. Vì thế, chủ nghĩa hậu hiện đại đưa ra kết luận về sự “bất tín nhận thức”. Những bộ óc sáng láng nhất của nó đều cho rằng, nếu cứ tiếp tục dựa vào khoa học tự nhiên và khoa học chính xác, dựa vào triết học truyền thống với cỗ máy khái niệm của nó để nhận thức hiện thực, nhân loại sẽ tiếp tục lầm lạc. Muốn nhìn thấy hiện thực chính xác hơn, cần dựa vào trực giác, dựa vào đôi cánh bay bổng của “tư duy thi ca” với cả một thế giới hình tượng, ẩn dụ và khả năng liên tưởng, tưởng tượng kì diệu của nó. Ta hiểu vì sao, trên hành trình tìm kiếm một hình thái văn hoá mới, các nhà tư tưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại thường tỏ ra mặn mà với chủ nghĩa trực giác phương Đông. Họ chủ trương “văn học hoá” thế giới, tức là biến văn học thành mô hình chung cho mọi loại văn bản. Cuộc đời chỉ hiện lên chân thực trong tư duy văn học nghệ thuật, tư duy trực giác thi ca. Cho nên, ngoài bức tranh ẩn dụ về thế giới, tư duy và toàn bộ lí trí của con người không thể vẽ ra một bức tranh thế giới nào khác khả dĩ có thể tin tưởng. Không cần phân tích, ai cũng có thể nhận ra, những luận điểm như thế này khiến cho học thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại trở nên lỏng lẻo, mất đi tính hợp lí và kém sức thuyết phục.
Đúng là câu chuyện của chúng ta đã khá dài, nhưng sẽ rất thú vị, nếu ông nói thêm cho đôi lời về chủ nghĩa hậu hiện đại từ góc độ khoa học luận và hệ thống phạm trù, khái niệm của nó.
Lã Nguyên: Chủ nghĩa hậu hiện đại không chỉ mở ra một hệ hình thế giới quan, mà còn làm đảo lộn những nguyên tắc cơ bản của phương pháp luận khoa học. Chẳng hạn, trong nhận thức khoa học, chủ nghĩa hiện đại bao giờ cũng tìm đến những điểm tựa là nền móng của tồn tại. Chủ nghĩa hậu hiện đại lại nhấn mạnh sự biến dạng nền móng của các quan hệ giữa con người và thế giới do sự tác động của các hệ thống tượng trưng và truyền thông đại chúng. Nó cho rằng, tìm cách bám vào “khách thể hiện thực” để nhận thức thế giới là việc làm vô nghĩa, chẳng đâu vào đâu. Cho nên, chủ nghĩa hậu hiện đại đưa ra lí thuyết “phi nền móng” như là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của phương pháp luận khoa học. Hoặc nhận thức luận hiện đại tin vào sự tồn tại của một “thế giới tự nó”, “thế giới như nó vốn có”. Chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ tin vào sự hiện diện của thế giới trong các cấu trúc ngôn ngữ và cấu trúc xã hội cụ thể. Các cấu trúc này được sinh ra từ quá trình lựa chọn xã hội, một sự lựa chọn thường xuyên chịu sức ép của tư tưởng hệ và cơ cấu của các tương quan quyền lực khiến cho tri thức không còn là hình ảnh của thế giới hiện thực. Cho nên, “giải cấu trúc” cũng được xem là một trong những nguyên tắc phương pháp luận quan trọng bậc nhất của chủ nghĩa hậu hiện đại. Những nguyên tắc thế giới quan và phương pháp luận mang tính cách mạng của chủ nghĩa hậu hiện đại đòi hỏi phải được biểu đạt bằng một hệ thống khái niệm, phạm trù riêng. Tôi thấy trong cuốn Văn học hậu hiện đại thế giới - Những vấn đề lí thuyết (Nxb Hội Nhà văn, H.,2003) có một bài viết rất kĩ của Nguyễn Minh Quân, nhan đề là: Chủ nghĩa hậu hiện đại: Những khái niệm cơ bản. Trong cuốn sách này còn có bài của I.P.Ilin: Chủ nghĩa hậu hiện đại - một số khái niệm và thuật ngữ, do Đào Tuấn Ảnh dịch. Bài viết giới thiệu 10 khái niệm do Ilin biên soạn và 1 khái niệm do Đào Tuấn Ảnh bổ sung thêm. Nhưng I.P. Ilin còn là tác giả của cuốn Chủ nghĩa hậu hiện đại - Từ điền thuật ngữ (2001). Cuốn Từ điển dày 426 trang, có trên 150 mục từ, được biên soạn rất công phu, giới thiệu cácthuật ngữ và khái niệm hậu hiện đại về rất nhiều lĩnh vực, như triết học, tâm lí học, xã hội học, lí luận nghệ thuật và văn học… Do yêu cầu của công việc, tôi đang biên soạn một tài liệu dưới dạng “chuyên đề” để giảng dạy. Trong tài liệu này, tôi chỉ giới thiệu 15 khái niệm thôi. Đối tượng nghe “chuyên đề” tôi sẽ giảng không phải là những chuyên gia về chủ nghĩa hậu hiện đại. Cho nên, tôi cố gắng viết rất gọn, sao cho mỗi khái niệm chỉ gói vào vài ba câu, mà người nghe vẫn nắm bắt được nội hàm của nó. Chẳng hạn, về khái niệm “giải cấu trúc”, tôi chỉ giải thích: “Là phương pháp nghiên cứu văn bản học giúp phát hiện tính mâu thuẫn nội tại của văn bản và nắm bắt “dấu tích của dấu tích”, phát hiện “nghĩa bỏ sót” (J.Derrida) còn khuất lấp trong văn bản, chưa được phát hiện do bị ngôn ngữ gắn chặt trong những khuôn sáo không tự ý thức của tư duy, nó khẳng định tính đa nghĩa là tất yếu và sự giải thích là một quá trình không có hồi kết”.
Tóm lại, lí thuyết phương pháp luận khoa học và hệ thống thuật ngữ, khái niệm của chủ nghĩa hậu hiện đại cũng là những vấn đề rất dài và phức tạp, không thể nói một lúc mà hết được. Để khép lại câu chuyện hôm nay, tôi xin nhấn mạnh vài ý như thế này. Thứ nhất: Xin đừng nghĩ giản đơn, rằng chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ là sự phản ánh tình trạng bế tắc của xã hội tư bản. Trong thời đại thông tin, hội nhập quốc tế hôm nay, chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều bổ ích qua những gì đã được viết ra từ những bộ óc sáng láng của nhân loại. Thứ hai: Chủ nghĩa hậu hiện đại cho rằng, tất cả những tri thức khoa học mà chúng ta có chẳng qua cũng chỉ là những “câu chuyện” mà thôi. Là những “câu chuyện”, dĩ nhiên, tri thức không thể trở thành chân lí tuyệt đối và phổ quát. Những gì mà tôi và anh đang bàn luận về chủ nghĩa hậu hiện đại hôm nay cũng chỉ nên xem là một “câu chuyện” như thế. Tôi nghĩ, giới nghiên cứu ở nước ta cũng nên “góp chuyện”, mỗi người kể theo cách riêng của mình, thì sự hiểu biết chung về chủ nghĩa hậu hiện đại mới trở nên phong phú và sâu sắc.
Xin cảm ơn ông.
Hà Nội, Đồng Bát 17.3.2009