Cuộc sống quanh ta

Nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi như tôi được biết

 

Ông Lưu Văn Lợi, nguyên Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao, Trưởng ban Biên giới của Chính phủ, sinh năm 1913 – năm Quý Sửu. Đọchồi ký Gió bụi đường hoa của ông, xuất bản khi đã 95 tuổi, tôi đặc biệt chú ý chi tiết ông kể về những ngày đầu Cách mạng: “Từ 28-8, Hồ Chủ tịch giao cho Nguyễn Hữu Đang tổ chức lễ Chính phủ lâm thời ra mắt ngày 2-9-1945. Đang chỉ có 4 ngày để chuẩn bị. Đang chỉ có thể huy động các bạn ở Văn hóa cứu quốc, Hướng đạo, Truyền bá quốc ngữ, những người “miệng nói tay làm”. Tất nhiên tôi và các đồng chí Văn hóa cứu quốc khác phải tùy khả năng nhảy vào cuộc để lễ ra mắt nhất thiết phải thành công. Cuộc lễ ra mắt đã thành công hoàn toàn.”

Hình ảnh lễ Tuyên ngôn Độc lập mùa thu năm ấy trên quảng trường Ba Đình đã được lưu lại qua ống kính của sĩ quan tình báo Mỹ A. Thomas. Bức ảnh cho thấy toàn cảnh lễ đài với hình ngôi sao năm cánh khổng lồ ở chính giữa, bên trên có người đang đứng đọc mà ta biết được là Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên dưới, phía trước là mấy người lính bảo vệ, người quần soóc, đội mũ, người đầu trần quần dài, ai nấy đều chĩa súng lăm lăm sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Trở lại với tác giả đoạn hồi ký nói trên. Ông Lưu Văn Lợi trong những năm trước Cách mạng từng tham gia các hoạt động Truyền bá quốc ngữ, Hướng đạo, Văn hóa cứu quốc. Suốt nhiều năm sống và làm việc ở Hải Phòng rồi Hà Nội, bề ngoài là một viên chức thuế quan của chính quyền bảo hộ, ông dấn thân vào các phong trào yêu nước của học sinh, giáo viên, trí thức. Ông cũng là một người bạn thân thiết của cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, từ hồi hai người là bạn học bậc Thành chung trường Bonnal, Hải Phòng cho đến khi cha tôi qua đời. Chữ “các bạn” trong đoạn hồi ký của ông Lưu Văn Lợi đương nhiên có bao hàm cha tôi, một thành viên chủ chốt của Văn hóa cứu quốc. Theo sự phân công của Đoàn thể, cha tôi cùng ông Phạm Văn Khoa lo việc treo cờ hoa, biểu ngữ trên các đường phố Hà Nội, với những khẩu hiệu như “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết!”... 

Ông Lưu Văn Lợi sau một thời gian tham gia công tác Văn hóa cứu quốc chuyển qua làm báo quân đội rồi trở thành cán bộ ngoại giao. Nhiều năm sau khi cha tôi mất (1960), bác vẫn hay qua lại thăm gia đình chúng tôi. Bác thường ngồi nói chuyện khá lâu, kể lại một kỷ niệm gì đó về cha tôi hay chuyện các ông với nhau mà bác biết chúng tôi rất thích nghe.

Một lần, quãng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi ấy tôi vừa tốt nghiệp đại học ở Rumani về nước. Trong thời gian học tập ở nước bạn, tôi được biết bác Lợi có sang bên đó công tác với tư cách Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao. Câu chuyện tức thì chuyển sang đề tài ngoại giao. Không nhớ khi bác đang nói chuyện gì thì mấy đứa con cháu ngồi hầu chuyện bỗng phá lên cười. Té ra lũ trẻ để ý thấy trong lúc nói bác cứ nháy mắt liên tục, trông... không giống ai. Biết được lý do, bác Lợi không giận mà chỉ giải thích bác bị thế không phải do bẩm sinh, mà là do “bệnh nghề nghiệp”. Hè thu năm 1961, bác tham gia đoàn đàm phán của Chính phủ ta tại Hội nghị Genève về Lào. Hội nghị diễn ra khá phức tạp, đoàn ta vừa phải đảm đương nhiệm vụ của mình, vừa có trách nhiệm giúp đỡ đoàn Pathét Lào trong một số vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ. Suốt mấy tháng ròng, hôm nào bác cũng phải thức đến 12 giờ đêm để viết tham luận, duyệt lại các bản dịch ra tiếng Pháp, rà soát các văn bản trước khi phát trong Hội nghị, lại cả giúp các đồng chí Lào làm tham luận... Công việc căng thẳng khiến bác bị giảm sút thị lực, mắt cứ nháy liên hồi kỳ trận...

Đấy là tôi tóm tắt lại một đoạn hồi ký của tác giả Lưu Văn Lợi trong cuốn Gió bụi đường hoa mà mới đây tôi được bác cho, đoạn kể về cuộc hội nghị nhằm xác nhận chính thức quy chế trung lập của Vương quốc Lào, họp ở Genève, Thụy Sĩ. Còn trong câu chuyện với chúng tôi hôm ấy, bác chỉ như kể lại một câu chuyện hết sức bình thường nào, thậm chí còn kèm nhiều những “ề, à, ê, a” nữa. Điều đó khiến chcị tôi đó buông một câu hỏi hết sức “tự nhiên chủ nghĩa”: “Thưa bác, thế trong đàm phán ngoại giao, bác cũng nói như thế này à?” Bác hiểu ý ngay, cười khà khà, mắt hấp háy, nói: Thế này là thế nào? Phải khác chứ. Vào bàn đàm phán là phải nói năng lưu loát, ý tứ rõ ràng, lập luật chặt chẽ. Các cháu tưởng à. Ở Hội nghị Paris về Việt Nam, bác mà phát biểu thì đến trưởng, phó đoàn Mỹ cũng phải dè chừng đó...

Nhìn ông già dáng người thấp đậm đã ở vào tuổi ngoài bảy mươi nói đầy vẻ tự tin, tôi liên tưởng đến những tấm ảnh bác chụp hồi kháng chiến chống Pháp gửi tặng cha tôi. Hồi ấy ai cũng gày gò, xanh xao, bác Lợi lại càng gày hơn do dáng người nhỏ thó. Nhật ký của cha tôi trước Cách mạng đã hơn một lần nói đến cái vẻ bé nhỏ của bạn. Lúc này bác đã “phát tướng”, to ngang, dẫu sao về chiều cao thì không thể nào khác được. Bác đứng so với tôi còn thấp, huống chi trước các đối thủ ngoại giao Âu Mỹ, những “con nhà nòi” được chọn lựa kỹ cả về trình độ và hình thức. Tôi không kìm được, hỏi bác một câu cũng không kém phần tự nhiên chủ nghĩa: “Bác ơi, bác thấp thế, đối đáp với người ta có bị thất thế không?”

Cả lần này nữa, bác Lợi cũng không chấp sự thật thà của lũ con cháu trong nhà. Bác tự hào trả lời: Ngoại giao trước hết cần ở cái đầu. Mình thấp bé, nhưng khi mình tỏ rõ là có trình độ cao thì đối thủ tự khắc thấy mình cao lên trong mắt họ…

Câu nói của bác khiến tôi nhớ đến một đoạn nhật ký của cha tôi hồi trước Cách mạng. Một ngày đầu tháng 11 năm 1941, khi ấy bác Lưu Văn Lợi và cha tôi cùng làm một phòng ở sở thuế quan (còn gọi là nhà Đoan) Hải Phòng. Mấy nhân viên người Việt đang ngồi làm việc thì có một anh Tây đến làm thủ tục hải quan. Hắn cứ đứng ngoài phòng hỏi trõ vào, khiến cho ai nấy khó chịu, không muốn trả lời. Hắn đâm tức, giở giọng nói xỏ xiên. Lúc này, bác Lợi mới lên tiếng, nói không ai trả lời những kẻ vô lễ. Gã người Pháp nổi xung, lớn tiếng cãi lộn. Bác Lợi cũng cãi lại. Nhìn bác Lợi nhỏ thó cãi tay đôi với thằng Tây to lớn, cha tôi vừa lo cho bạn, vừa lấy làm tự hào, như ông đã ghi trong nhật ký: “Kết cục, Lợi không việc gì tuy mình rất lo. Thực lấy làm vinh hạnh có bạn như thế”. Phải chăng, những năm tháng vật lộn kiếm sống, lo đối chọi với đủ hạng người tây trịch thượng đã khiến bác Lưu Văn Lợi rèn luyện cho mình một bản lĩnh rất cần cho công tác ngoại giao sau này...

*

Câu chuyện giữa mấy bác cháu chúng tôi hôm ấy miên man như không có điểm dừng. Vẫn liên quan đến vấn đề “ngoại hình”, bác Lợi lại trở về với những ngày đầu cách mạng, khi bác, bác Nguyễn Hữu Đang và cha tôi cùng có vinh dự tham gia vào các nhiệm vụ khác nhau trong ngày Quốc khánh 2-9-1945. Bác bảo, giọng từ tốn, như khi người ta chuẩn bị nói ra một điều hệ trọng: Cháu biết không, chiều hôm ấy, khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, bác còn được đứng dưới chân lễ đài làm nhiệm vụ bảo vệ ấy chứ.

Điều này quả thật quá bất ngờ với tôi. Nhưng đúng là trẻ con, tôi tìm ngay được một cách giải thích cho mình:

- Thế chắc bác phải giỏi võ lắm.

- Ồ, võ vẽ gì bác. Hồi trước Cách mạng, tham gia Hướng đạo, cũng gọi là có tập tành, nhưng chỉ là tập ngồi tấn, tập leo núi, đánh moóc... Sở dĩ bác được giao đứng bảo vệ hôm ấy là vì cần người trung thành. Hồi ấy có biết bao đảng phái, nhiều kẻ phản động. Biết tin ai bây giờ. Vậy tốt nhất là chọn lấy người mình. Phải, ưu tiên số một là chọn người trung thành, để bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ buổi lễ...

*

Nếu để ý kỹ tấm hình của A. Thomas chụp Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945, ta sẽ thấy phía sau những người lính đang lăm lăm tay súng còn có mấy người nữa mặc áo trắng. Đó mới đích thực là những người “bảo vệ vòng trong” mà ta có thể suy ra qua lời kể của ông Lưu Văn Lợi. Không rõ trong mấy người ấy có ông Lợi không, hay ông đứng ở một vị trí khác? Không rõ trong số họ, có ai có võ nghệ gì không? Nhưng chắc chắn đó là những người trung thành nhất!

Trung thành và kiên định, tôi xin được nói rõ thêm. Chính trong cuốn hồi ký Gió bụi đường hoa, bác có kể một câu chuyện rất thú vị và không kém phần cảm động. Ngay khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27-1-1973), bác được giao làm Phó trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ tham gia Ủy ban liên hợp quân sự bốn bên để thi hành Hiệp định. Ủy ban sẽ đóng và làm việc tại sân bay Tây Sơn Nhất, lúc ấy còn thuộc quyền kiểm soát của chính quyền ngụy Sài Gòn. Từ Thái Lan, ông Lưu Văn Lợi và một số cán bộ trong đoàn lên một chiếc Dakota quân sự để bay đến Tân Sơn Nhất. Đến nơi, lúc xuống phi trường, chính quyền Sài Gòn đòi đoàn Việt Nam phải làm thủ tục nhập cảnh. Ông Lợi đã kiên quyết bác bỏ với lý lẽ: Miền Nam thuộc lãnh thổ Việt Nam, chúng tôi là người Việt Nam, không có lẽ gì lại phải làm thủ tục nhập cảnh khi ở trên đất nước mình. Ở Paris, các bên cũng đã thống nhất với nhau như thế rồi...

Mặc, chính quyền Sài Gòn vẫn đòi đoàn phải làm thủ tục nhập cảnh, nếu không, xin miễn rời máy bay. Một tiếng, hai tiếng rồi nhiều tiếng trôi qua, ông Lưu Văn Lợi nhất định không nhân nhượng. Chỉ đến khi chính quyền Sài Gòn phải xin lỗi, rằng đã có sự hiểu nhầm, rằng những người điều hành sân bay không biết, rằng xin mời đoàn Việt Nam xuống máy bay về thẳng nơi nghỉ. Tính đến lúc ấy, vừa trọn hai mươi giờ đồng hồ! Ông Lợi lại một lần chiến thắng đối thủ, trong cuộc thử sức đầu tiên giữa sào huyệt giặc. Năm đó, ông đã 60 tuổi, tuổi về hưu đối với nhiều người.

Nhưng ông sẽ còn tiếp tục công tác 12 năm nữa, để đến năm 72 tuổi, được bổ nhiệm làm Trưởng ban Biên giới của Chính phủ. Lĩnh vực mà ông cũng có nhiều đóng góp không kém gì hai lĩnh vực quân sự và ngoại giao trước đó.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511617

Hôm nay

2280

Hôm qua

2336

Tuần này

21991

Tháng này

218490

Tháng qua

121356

Tất cả

114511617