Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Nhà thơThôi Hữu(Thứ 2 từ bên trái sang)
Hỏi Thôi Hữu về những nhân viên Trung ương. Hắn kết luận: Bọn mình không cần danh giá, địa vị. Chỉ cốt việc. Nai lưng mà làm... Mê việc thế thôi”.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Nhà thơThôi Hữu(Thứ 2 từ bên trái sang)
Hỏi Thôi Hữu về những nhân viên Trung ương. Hắn kết luận: Bọn mình không cần danh giá, địa vị. Chỉ cốt việc. Nai lưng mà làm... Mê việc thế thôi”.
Đó là một đoạn nhật ký của cha tôi – nhà văn Nguyễn Huy Tưởng – về nhà thơ Thôi Hữu, khi hai ông cùng nhau đi chơi Tết Độc lập đầu tiên, 2-9-1946. Đêm hôm đó, hai ông say sưa đi quanh Hồ Gươm, khắp nơi lung linh ánh đuốc và rộn ràng tiếng trống, như nhật ký của cha tôi đã ghi lại. Giữa biển người chen vai thích cánh, cha tôi vẫn không dứt được mối bận tâm về thế sự, hỏi bạn về các nhân vật này nọ trong giới lãnh đạo (mà ông gọi là những nhân viên Trung ương). Điều này xem ra cũng dễ hiểu, vì khi ấy cha tôi là một yếu nhân của Hội Văn hóa cứu quốc, lại là người của đoàn thể, đương nhiên ông cũng muốn được biết về những người có vị thế trong Đảng, những người có thể có vai trò, ảnh hưởng đến công việc của Hội cũng như của mình. Song rõ ràng đây là chuyện rất tế nhị, thuộc về những điều mà ngày nay ta vẫn gọi là chuyện “thâm cung bí sử”, không phải bạ ai cũng có thể nói được. Vậy mà, cha tôi đã đem hỏi nhà thơ Thôi Hữu, người mà chúng ta thường chỉ biết là tác giả bài thơ Lê Cấm Sơn nổi tiếng sau này.
Nhà thơ Thôi Hữu tên thật là Nguyễn Đắc Giới, còn có tên là Trần Văn Tấn, từ đó mà ra bút danh Tân Sắc (Tấn). Sinh năm 1919, kém cha tôi 7 tuổi, ông có một bề dày hoạt động có phần còn sớm hơn. Tốt nghiệp thành chung, ông rời quê hương Thanh Hóa vào Huế học trường kỹ nghệ thực hành. Năm 1942, ông bắt đầu đến với cách mạng. Để có điều kiện hoạt động, ông bỏ học, đi làm thợ điện, tham gia Đoàn Thanh niên cộng sản và Thanh niên Dân chủ. Chính thời gian này, nhà thơ Tố Hữu vừa vượt ngục Công Tum ra, đã may mắn gặp được Thôi Hữu ở Huế. Nhà thơ đã được ông giúp đỡ, không chỉ các thông tin cần thiết để bắt liên lạc với tổ chức mà cả tiền (nửa tháng lương của anh thợ điện Nguyễn Đắc Giới), để có phương tiện trốn tránh kẻ thù. Cuối năm 1943, Thôi Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được điều từ Huế ra Hà Nội hoạt động. Giữa năm 1944, ông bị bắt và bị giam ở Hỏa Lò, nhưng đến cuối năm đã vượt ngục thành công, trở lại với công tác bí mật. Ông là thành ủy viên phụ trách phong trào ngoại thành Hà Nội. Những ngày hè tiền khởi nghĩa 1945, chính ông là người thực hiện việc trừng trị tên cai Long, một tên tay sai khét tiếng của Nhật, gây chấn động dư luận. Với công tác báo chí mà ông tham gia từ năm 1939, khi mới 20 tuổi, ông được coi là một trong những người sáng lập báo Hồn nước, tiền thân của báo Tiền phong, báo Thủ đô, tiền thân của báo Hà Nội Mới, báo Vệ quốc quân, tiền thân của báo Quân đội nhân dân sau này... Đó chỉ là vài nét trong “Lý lịch trích ngang” của tác giả Lên Cấm Sơn mà có thể không phải ai cũng biết.
Vào thời điểm được nói đến trong đoạn nhật ký của cha tôi, ông đang làm báo Sự thật, dưới sự chỉ đạo, dìu dắt của đồng chí Trường Chinh, còn cha tôi có chân trong Bộ biên tập báo Tiên phong, cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc.
Song tôi nghĩ, điều khiến cha tôi hỏi Thôi Hữu về các “nhân viên Trung ương” không phải nhà thơ là một nhà cách mạng gạo cội, đang gần gũi lãnh đạo, mà đơn giản là giữa hai ông có sự hợp nhau. Với câu hỏi của cha tôi, thay vì nhận xét về người này người nọ, ông chỉ nói về phần mình, về chúng mình, rằng “Bọn mình không cần danh giá, địa vị. Chỉ cốt việc. Nai lưng mà làm... Mê việc thế thôi”. Câu trả lời rất thiếu “thông tin” ấy hóa ra lại rất có tác dụng với cha tôi. Nó giúp ông nhận ra “chỗ yếu của mình” (rằng đã quá bận tâm về chuyện người ?), và khiến ông “dịu lòng đôi chút”, như ông đã ghi trong các dòng nhật ký sau đó.
Đây không phải lần đầu tiên cha tôi nhận được sự chia sẻ quí báu của nhà thơ Thôi Hữu. Trước đó vài ngày, cha tôi đã có dịp tâm sự với bạn về một vấn đề khác của Hội Văn hóa cứu quốc, và lần ấy là về chuyện... tiền nong. Bấy giờ cha tôi được giao làm Trưởng ban tổ chức một cuộc triển lãm lớn ở An trĩ viên, để chuẩn bị cho Đại hội Văn hóa cứu quốc sẽ diễn ra ít lâu sau đó. Không nghi ngờ gì nữa, công việc này đòi hỏi rất nhiều công phu, từ nội dung, hiện vật triển lãm đến hình thức trưng bày, giới thiệu... Cái gì cũng cần đến tiền cả, mà tiền thì biết lấy đâu ra, nếu không trông vào sự đóng góp tự nguyện của nhân dân (một phần), ngoài ra là vay mượn. Thế rồi đến một lúc nào đó, số tiền nợ nhiều đến mức cha tôi cảm thấy bất lực, “không muốn làm gì” nữa. Chính trong tâm trạng đó, cha tôi đã thổ lộ với Thôi Hữu về món nợ của Văn hóa cứu quốc mà ông là người có trách nhiệm. Nhà thơ không tìm cách an ủi cha tôi, cũng không bàn cách để giải quyết vấn đề, mà chỉ nói: “Nếu ít thì còn lo, chứ nhiều thì lo làm gì. Có việc thì cứ làm. Lo mà biết là cũng không làm gì [được] thì không nên lo nữa”.
Lời khuyên có vẻ bất cần đời (lo mà không làm gì được thì không nên lo) và cũng rất ngược đời đó (ít thì còn lo, chứ nhiều thì lo làm gì), hóa ra lại có tác dụng. Thực tế là cha tôi “thấy cũng đỡ lo” thật, như ông đã ghi trong đoạn nhật ký tiếp theo…
*
* *
Nhà thơ Thôi Hữu sinh năm 1929, hi sinh năm 1950, khi mới 31 tuổi. Nếu tính từ khi ông bắt đầu viết cho báo Bạn đường ở Thanh Hóa cho đến khi mất trên đường công tác Thái Nguyên, thì ông cũng có được trên mười năm làm báo, viết văn. Nhưng đó cũng là khoảng thời gian người thanh niên Thôi Hữu gánh vác rất nhiều công tác cách mạng, từ việc trừ gian đến trọng trách thành ủy viên của Đảng bộ Hà Nội, từ việc trực tiếp gây dựng nhiều tờ báo mới đến tham gia chiến dịch. Thời gian dành cho việc làm thơ, viết văn của ông chắc chắn không nhiều. Năm 2000, nhân 50 năm ngày mất ông, Nhà xuất bản Văn học sau nhiều cố gắng đã ra được Tuyển tập Thôi Hữu. Toàn bộ sự nghiệp thơ, văn, báo chí của tác giả Lên Cấm Sơn được gói gọn trong một ấn phẩm chưa đầy ba trăm trang! Tính ra, trong đó có 20 bài thơ, 8 tác phẩm văn xuôi bao gồm cả truyện, ký, nhật ký, phóng sự. Còn lại là các phần thường thấy của một tuyển tập: Lời giới thiệu, các hồi ức, tưởng niệm của bạn bè, đồng nghiệp, người thân về ông, tất cả cũng đến non nửa số trang. Trong số đó, ngoài bức chân dung trông rất rắn rỏi của nhà thơ, đáng chú ý là tấm hình ông được chụp cùng Bác Hồ trong lễ mừng sinh nhật Người, 19-5-1950: Bác bắt tay nhà thơ trẻ Thôi Hữu, trước sự chứng kiến của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhạc sĩ Tử Phác, nhà báo Từ Giấy và nhà thơ Tố Hữu (không rõ mặt)…
Đó, có thể nói, là toàn bộ diện mạo văn chương (chính xác hơn, phần cô đọng nhất) của nhà thơ, nhà báo, nhà cách mạng Thôi Hữu!
Nhưng, như ta đều biết, trong văn học, số lượng không phải là tất cả, lại càng không phải cái quan trọng nhất. Các bài viết về Thôi Hữu, dù là của đồng nghiệp hay người thân, đồng thời hay hậu bối, đều toát lên sự trân trọng đặc biệt đối với ông – về tài năng cũng như về nhân cách. Nếu như về tài năng, nhiều cái chỉ mới hé lộ, còn ở dạng tiềm năng, còn là niềm hy vọng, thì về nhân cách, nhà thơ ra đi ở tuổi 31 đã đạt đến độ chín, độ đằm, được kết tinh trong những phẩm chất đáng trân trọng nhất ở một đấng nam nhi: sự dấn thân, bản lĩnh, vẻ giản dị, sự chân thành, và nhất là đức hi sinh vì nghiệp lớn cũng như với bạn bè... Nhà thơ Tố Hữu chẳng đã thốt lên những lời xúc động nhất khi nhớ lại cánh tay bè bạn mà Thôi Hữu đã chìa ra với ông, khi mới thoát khỏi ngục tù Công Tum về tới Huế: “Nhớ mày, nhớ mãi mày, người đồng chí thủy chung, nhớ mãi tiếng cười khanh khách của mày trong buổi chiều sầu thảm của thành phố Huế những ngày đen tối nhất”. Và nếu như Phạm Ngọc Luật cảm nhận được “Một cái gì đích thực của con người” như tên một bài viết về Thôi Hữu những năm sau này, thì Thép Mới ngay khi được tin người đồng chí hy sinh đã viết một cách thật cụ thể, theo đúng phong cách báo chí của ông: “Thôi Hữu là một nhân cách đặc biệt của làng báo làng văn... Nhớ Thôi Hữu chúng ta yêu mãi lòng yêu viết của anh, yêu quý những bài thơ bài văn nhỏ anh đã viết, xót xa nghĩ đến những tác phẩm của anh định viết chưa viết được... Thôi Hữu tương lai, Thôi Hữu hy vọng”. Nhà văn Tô Hoài, người có biệt tài đặc tả chân dung, từ dáng vẻ bên ngoài đến nội giới bên trong thì nhận thấy Thôi Hữu có “đôi mắt sâu thẳm, một miệng cười khỏe mà hiền”, và một “vẻ đẹp rất đàn ông”. Vẻ đẹp ấy thật hợp với hình ảnh ông một mình một ngựa sắt (xe đạp) đi tìm giết tên Cai Long, trừ hại cho cách mạng và đã giết được hắn ở gần cống Đõ trên đường từ Bưởi vào thành phố. Nhưng cũng chính con người “rất đàn ông” ấy lại là người “hay có những phút giây buồn thăm thẳm, nhất là những đêm khuya một mình anh khẽ đọc thơ, giọng đọc trầm buồn”. Mà buồn, như ai đã nói, là một phẩm chất không phải ai cũng có được...
*
* *
Cha tôi không phải là người có nhiều gắn bó với Thôi Hữu, trong văn cũng như trong đời. Hai ông lại đều mất sớm. Thôi Hữu mất cuối năm 1950 (khi mới 31 tuổi), cha tôi – giữa năm 1960 (“thọ” hơn một chút, được 48 tuổi). Thế nhưng tôi vẫn nghĩ giữa hai ông đã có một sự đồng hành rất sâu sắc, đủ để nói về một tình bạn khá đặc biệt giữa hai người.
Những ngày tháng 11-1947 – khi đó trận Việt Bắc đã diễn ra nhưng quân giặc xem ra còn cách xa – cha tôi và nhà thơ Thôi Hữu cùng đóng ở làng Thễ tỉnh Bắc Giang, cách ấp Cầu Đen của Nguyên Hồng vài cây số. Sau một năm rời Thủ đô với biết bao bỡ ngỡ của những ngày đầu kháng chiến, giờ đây hai ông lại có dịp ở bên nhau, giữa một vùng đồi núi heo hút đang âm thầm chờ giặc. Chính trong khung cảnh ấy, cha tôi đã có dịp chia sẻ với bạn những thú vui thường nhật của con người. Hôm thì ông lặng lẽ quan sát nhà thơ đóng sách, và cảm thấy “cái vui trong sự tìm cái đẹp trong những vật nho nhỏ”. Hôm thì ông cùng bạn ra đứng góc xóm dưới bụi tre ngắm cảnh. Đó là một cảnh Việt Nam trăm phần trăm, nhưng là “một cảnh lạc hậu”, với “một con ngựa buộc bên chiếc bếp nát”, như ông đã ghi trong nhật ký. Nhưng con ngựa đó cũng chính là dấu hiệu của bộ đội đóng trong làng, những người mang đến nơi đây những tiếng hát đêm vui vẻ mà trước đó, người dân quê chưa từng được biết đến...
Không, đây phải là những cảm nghĩ của riêng cha tôi, mà chính là sự chia sẻ cảm xúc của ông với nhà thơ Thôi Hữu. Thực tế là chỉ ít lâu sau đó, nhà thơ đã có bài Lên Cấm Sơn nổi tiếng, trong đó khắc họa bằng những câu thơ thật tinh tế nét buồn thâm u của các bản làng vùng núi Việt Nam, và vẻ đẹp sáng ngời của anh bộ đội Cụ Hồ mà tôi dám chắc cha tôi và nhà thơ thuộc số những người yêu họ nhất:
Ở đây bản vắng rừng u tối
Bộ đội mang gieo ánh chói lòa
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Ở đây những mặt buồn như đất
Bộ đội cười lên tươi như hoa
Và cuối cùng, bài thơ kết thúc bằng những tiếng hoan ca:
Lòng tôi bừng thức tình trai mạnh
Muốn viết bài thơ nhộn tiếng cười
Tặng những anh tôi trong lửa đạn
Qua nghìn gian khổ vẫn vui tươi.
Với niềm tin yêu bộ đội ấy, tháng 4-1949 cha tôi và nhà thơ Thôi Hữu cùng tham dự Hội nghị Văn nghệ quân đội: nhà thơ với tư cách là một thuyết trình viên, còn cha tôi vừa là đại diện cho Hội Văn nghệ Việt Nam, vừa là người viết tường thuật Hội nghị. Bài thuyết trình của Thôi Hữu có tên Điển hình bộ đội. Thời gian đã quá lâu để biết được cụ thể nhà thơ đã phát biểu những gì. Song theo như bài tường thuật của cha tôi được in sau đó trên báo Văn nghệ thì đó là một bài phân tích “rất khoa học” về quá trình biến đổi những con người xuất thân có thể rất khác nhau thành người lính Việt Nam điển hình. Vấn đề có vẻ khô khan ấy đã được nhà thơ thể hiện bằng một lối hành văn ngộ nghĩnh, và kết quả là “đã làm vui Hội nghị từ đầu chí cuối”...
Đó là một trong những hình ảnh cuối cùng của cha tôi về nhà thơ Thôi Hữu. Mùa thu năm 1950, hai ông gặp nhau lần chót trên đường đi chiến dịch Cao Lạng. Kết thúc chiến dịch, cha tôi trở về cơ quan Hội Văn nghệ Việt Nam ở Tuyên Quang, nhà thơ về Thái Nguyên. Trong một chuyến công tác, ông đã bị trúng đạn máy bay địch!
Định mệnh thật nghiệt ngã, oái oăm! Thôi Hữu từng nếm mùi ngục tù đế quốc; ông đã vượt ngục và đã thoát. Thôi Hữu từng bị sa vào ổ phục kích của bọn Tàu trắng (tàn quân Quốc dân đảng chạy trốn cách mạng Trung Quốc sang Việt Nam), khi đi công tác ở mặt trận Đông Bắc cùng với Trần Đăng; ông đã may mắn thoát chết trong gang tấc, nhưng Trần Đăng thì không. Sự hy sinh của Trần Đăng là một mất mát lớn cho giới văn nghệ nói chung, và các nhà văn trẻ nói riêng. Cha tôi, trong bài Những bạn văn trẻ, đăng báo Văn nghệ số xuân 1950 đã không nén được cảm xúc, thốt lên: “Nhưng tại sao Trần Đăng lại mất”!
Và lần này là Thôi Hữu. Một cái chết bất ngờ, và trớ trêu!
Ngày 6-12-1950, Thôi Hữu được cử vào đoàn cán bộ đi tham gia chiến dịch Trung Du. Sáng sớm hôm ấy, ông chia tay vợ ở vùng cửa ngõ An toàn khu rồi theo đoàn công tác về xuôi. Khoảng 10 giờ sáng, khi đoàn đến cánh đồng Phố Giá trên quốc lộ ba thì máy bay địch tới. Thôi Hữu cùng mọi người tản sang hai bên đường, ai nấy đều đeo vòng lá ngụy trang nên địch khó mà phát hiện được. Song một con ngựa trắng hoảng sợ vì tiếng máy bay gầm, đã lồng lên, làm lộ mục tiêu. Máy bay địch bay trở lại bắn phá. Thôi Hữu bị bốn vết thương trên người và gãy chân trái. Ông được đưa vào quân y viện Vô Tranh gần đấy cứu chữa nhưng đã không qua khỏi vì vết thương quá nặng...
Cái chết của ông đã gây xúc động mạnh cho giới văn nghệ. Nhà báo Thép Mới, đồng nghiệp với ông đã viết trên báo Văn nghệ: “Bóng của Thôi Hữu, bóng của Trần Đăng, bóng của tất cả những anh em đã mất, sẽ mãi mãi cùng chúng ta đi lên trên các ngả đường đêm của chiến dịch tới”.
Một năm sau, giới văn nghệ lại bị thêm một mất mát nặng nề: nhà văn Nam Cao! Ông bị giặc bắt được khi đi công tác vào vùng địch hậu và đã bị chúng thủ tiêu một cách hèn hạ. Cha tôi trong bài điếu đọc tại lễ truy điệu Nam Cao ở Việt Bắc đã viết: “Sau Trần Đăng, Thôi Hữu, với cái chết của Nam Cao, giới văn nghệ ghi thêm một mối căm thù sâu sắc đối với quân giặc nước... Lòng phẫn nộ của chúng ta đối với kẻ thù cướp nước, và gương phục vụ của Nam Cao sẽ thúc đẩy chúng ta đấu tranh quyết liệt chống giặc, tấn công chúng, đánh bại chúng bằng võ khí văn nghệ của chúng ta”.
Thép Mới đã không quên Trần Đăng khi nhớ về Thôi Hữu. Cha tôi cũng không quên Trần Đăng, Thôi Hữu khi tiếc thương Nam Cao. Rồi đến khi cha tôi đi xa, gần ba chục năm sau nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao vẫn đinh ninh một điều: “Cái chết của anh cái chết một nhà văn / Không bao giờ là cái chết” (trích bài thơ Với Nguyễn Huy Tưởng)... Đúng, các ông, từ Trần Đăng, Thôi Hữu, Nam Cao đến cha tôi và nhiều nhà văn, nhà thơ khác nữa, dù hi sinh trong chiến tranh hay mất sau hòa bình lập lại, dù bị giặc giết hay bị bệnh nan y vô phương cứu chữa, các ông không bao giờ chết, khi vẫn có những người nghĩ về các ông với lòng trân trọng nhất! Khi vẫn còn những áng thơ văn về các ông và của các ông để lại...
2263
2336
21974
218473
121356
114511600