Cái gọi là ngôn ngữ ở đây, trong quan niệm của R. Barthes, là rất rộng, là quan niệm chung của các nhà cấu trúc luận (có thể thấy ở Iu. Lotman, Hjelmslev), nó bao gồm cả ngôn ngữ (tiếng nói) của điện ảnh, của hội hoạ, của các vật dụng vv… R. Barthes xây dựng quan điểm của mình trên cơ sở ông đối sánh các cặp phạm trù ngôn ngữ/ lời nói, cái biểu đạt/ cái được biểu đạt mà Saussure đưa ra, đặc biệt là ông hứng thú với vấn đề ngữ đoạn và hệ thống. Có thể thấy rõ ràng rằng, thao tác phục trang với thao tác ngôn ngữ giống nhau ở chỗ: ngôn ngữ là sự gắn chắp, sự kết hợp các yếu tố trong hệ thống thành các khúc đoạn (từ kết hợp với từ thành cụm từ, cụm từ kết hợp với cụm từ thành câu, câu với câu thành văn bản…); các thao tác phục trang cũng vậy: mặc váy, áo lót, áo cánh, áo khoác, thậm chí đeo thêm mũ… và hoàn thành chỉnh thể phục trang trên thân thể. Từ những điều nói trên có thể nói, R. Barthes đã đề cập đến vấn đề thời trang và văn học. Bởi lẽ, ngôn ngữ chính là văn học hiểu theo nghĩa chất liệu cấu thành nó. Một tác phẩm muốn là tác phẩm văn học thì trước hết và cốt yếu phải là một văn bản ngôn từ, văn bản ngôn từ ấy tuân theo các quy tắc hành chức của ngôn ngữ.
Tuy nhiên nói như R. Barthes, vì ông chỉ đi tìm bản chất của kí hiệu, thì chỉ mới đứng từ góc độ kí hiệu học mà thôi. Văn học và thời trang trước hết thuộc hai lĩnh vực khác nhau dù cả hai đều nằm trong một phạm trù rất rộng đó là văn hoá. Thời trang là nhu cầu hàng ngày của con người, mỗi người có mỗi thị hiếu riêng, do vậy, nó phong phú, đa dạng. Nguyên tắc cơ bản nhất của thời trang đó là đáp ứng sở thích con người. Còn văn học mãi mãi thuộc về một lĩnh vực khác. Nó nằm trong một trong những hình thái thái ý thức của con người (nghệ thuật). Vì vậy văn học có thể phản ánh muôn mặt của đời sống, trong đó có thời trang. Chẳng hạn, ta có thể bắt gặp màu áo “nhuộm non da trời” của chàng Kim trong Truyện Kiều bất hủ, bắt gặp cái “áo cài khuy bấm” để “em làm khổ tôi” trong thơ tình chân quê giả bộ của Nguyễn Bính, bắt gặp cái trào lưu Âu hoá được đeo khoác kệch cỡm vào mụ mẹ Tây phó Đoan trong lối văn trào phúng sâu cay Vũ Trọng Phụng vv… Văn học cũng phong phú, đa dạng, cũng có chức năng thẩm mĩ – giải trí như thời trang, nhưng văn học không thể như thời trang. Nếu văn học cũng như thời trang thì đó là một nền văn học tự diệt. Thời trang xét đến cùng là sự tô vẽ trên cơ sở cái che thân thể, do đó nó có thể có hình thức nhã nhặn, hoặc kín đáo, hoặc gợi cảm, tức là phản ánh tâm hồn con người (chúng tôi sẽ bàn ở phần sau bài viết). Nhờ phản ánh thế giới bên trong của con người nên nó thoát khỏi sự tầm thường, nhưng, nó lại nằm trong một sự tầm thường khác, sự tầm thường do chính nó bị quy định, nó không thể thoát khỏi chức năng bị giao phó của nó. Một cách trần trụi có thể mượn luận điểm: câu chuyện của cái trong quần và cái quần của Nguyễn Hưng Quốc. Văn học, ngược lại, bao giờ cũng có chức năng phản ánh và nhận thức lại. Sự nhận thức lại làm cho văn học phiêu diêu ở tính ý hướng. Nó giáo dục con người, nó định hướng hành vi con người, thậm chí giúp con người lựa chọn lối sống, con đường (rõ nhất là thời văn học tạo dựng không khí “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, tạo dựng những chất “thép đã tôi” như Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu). Ngày nay dù “nền văn chương đang lâm nguy” (Tzvetan Todorov) bởi nó bị đặt trong sự cạnh tranh với nền văn minh kỹ trị, với sự thống soái của công nghệ hiện đại, với nhận thức thực tế của con người “Chúa đã chết” (Fridrich Nietzsche), Faucault cực đoan hơn “con người đã chết” (cuối thế kỉ XX), nhưng những giá trị đó vẫn được đảm bảo (nhất là với số đông những người đang lao tâm khổ tứ vì nó).
Văn học và thời trang đều là sản phẩm sinh ra do nhu cầu của con người. Nó luôn phải đảm bảo nguyên tắc thẩm mĩ. Mà nhu cầu thẩm mĩ của con người thì ngày càng đòi hỏi cao hơn, chính vì lẽ đó cả thời trang và văn học đều phát triển không ngừng. Đều ngày càng đổi mới, cách tân. Trong quá trình phát triển cả hai đều tiếp nhận những yấu tố bên ngoài và biến đổi. Nhìn từ Việt Nam, từ cái áo tứ thân đến tà áo dài, từ áo dài đến Âu phục, quần jean và ngày nay nở rộ lối ăn mặc mang tính khoe thân thể; từ những câu thơ lục bát tuần tự đến thơ thất ngôn, thể thơ tám chữ (sinh ra trong phong trào Thơ mới 1932 - 1945) đến thơ văn xuôi, ngày nay thơ hậu hiện đại… có thể là một minh chứng. Nói sự phát triển không ngừng tức là nói đến lịch sử. Văn học và thời trang đều có lịch sử phát triển lâu dài. Thời trang ra đời bắt nguồn từ hình thức che thân nguyên thuỷ buổi sơ khai. Có nghĩa là khi con người biết xấu hổ, biết mặc cảm bởi những hệ luỵ sinh ra do sự dụ dỗ của trái cấm tri thức. Còn văn học? Văn học, dĩ nhiên, ra đời phải bắt đầu từ tiền đề ngôn ngữ. Ngôn ngữ có được trước hết do nhu cầu giao tiếp của con người, rồi từ đó khi con người giàu có hơn, nhu cầu đòi hỏi cao hơn, ngôn ngữ lại được gọt rủa, được tinh chế gọn hơn, ngôn ngữ được ý thức con người kiềm toả… Văn học ra đời.
Nói thời trang và văn học phục vụ nhu cầu con người, phát triển song hành với nhu cầu con người cũng có nghĩa là khẳng định cả hai đều mang dấu ấn lịch sử - cụ thể. Thời điểm lịch sử nào đó chi phối đến tư tưởng, tâm lí, đến nhãn quan thẩm mĩ con người nên kéo theo trang phục phù hợp, dĩ nhiên văn học phản ánh và phục vụ nên phải phù hợp. Nói cách khác cả văn học và thời trang đều phản ánh tâm thức thời đại. Điều này nằm trong một loạt vấn đề có liên quan mà có thể thấy rõ nhất ở thời điểm hiện nay. Ngày nay sự gắn kết giữa con người với con người rời rạc, quy tắc trò chơi ngôn ngữ chi phối mọi mặt đời sống, cá nhân con người như một quân cờ trong sự bất tận của cuộc chơi, tính thông tin là tiêu chuẩn số một (yêu cầu nhanh, gọn), do đó: giao tiếp hàng ngày sống sượng, giản lược những cách nói vòng vo, tế nhị và kín đáo; báo chí trở nên ngắn, gọn; thơ ca là sự kết hợp rời rạc các yếu tố, thơ có thể đọc xong và vứt (nhóm Mở miệng); văn xuôi ưu tiên sự phân mảnh, ghép nhập; nhạc trẻ phát triển xô bồ, rầm rộ đến mức bùng nổ; nhạc trữ tình, nhạc có âm hưởng hướng nội, nhạc Phạm Duy, nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Phú Quang trở thành món thưởng thức của số ít người; thời trang chú ý đến những gam màu nóng, chú ý sự đối lập màu sắc được tổ chức ngay chính trên cấu tạo của nó: màu đỏ kết hợp với màu tím, màu vàng kết hợp màu đỏ, màu đen kết hợp màu trắng, kết hợp với đầu tóc nhuộm đỏ, hoặc uốn xoăn, giày cao gót… Tình hình chung đã làm cho văn chương “bị coi rẻ”. Đó là một thực tế.
Thời trang còn là một kênh giao tiếp thú vị (trở lại vấn đề quan niệm ngôn ngữ của R. Barthes). Ta phải thừa nhận một thực tế rằng, chẳng hạn người chồng nói với vợ: “em mặc chiếc áo này trông thật quyến rũ”, cũng là em ấy thôi vậy mà hình như chỉ những chiếc áo như vậy em mới trông quyến rũ. Vậy ra chính chiếc áo kia biết nói lên một điều gì đó. Hay nói chính xác hơn đó là tiếng nói của tâm hồn em cộng hưởng với chính “tiếng nói” của trang phục (bản thân trang phục khi được trí tưởng tượng của một người, nhóm người tạo ra nó mang một “tiếng nói”, đến khi được người mặc lựa chọn nó không hoàn toàn là tiếng nói ban đầu nữa vì nó bị phụ thuộc vào hình thể người mặc (giải thích tại sao cũng kiểu váy đấy nhưng người mặc duyên dáng người mặc lại không được thế)). Và, khi người chồng nói như vậy ta cũng hiểu ngay rằng, chính vợ của anh ta có một sự chuyển biến tinh tế trong nội tâm. Trước đó cô ta không mặc kiểu áo như vậy, bây giờ cô ta mặc nó, cô thừa biết mặc chiếc áo này vào trông cô sẽ ra sao. Từ đây ta có thể giải thích vì sao mỗi người chúng lại chọn những trang phục phù hợp theo từng độ (giai đoạn) tuổi của mình. Rõ ràng nhất điều này, sự chuyển biến tâm lí, là ở những người liên tục thay đổi trang phục. Những người này có chung một đặc điểm là muốn được phô bày thế giới bên trong của mình ra, muốn được đáp ứng nhu cầu gì đó. Họ có thể là người thay đổi liên tục những trang phục rất lượt là; cũng có thể là người liên tục thay đổi những trang phục toát lên tiếng nói cá tính mạnh mẽ. Tuy nhiên điều này nằm trong lôgic đó là sự ổn định tính cách. Thời trang đa dạng vì phục vụ cho nhiều đối tượng. Mỗi đối tượng có mỗi tâm hồn khác nhau. Vì thế, nhiều khi chỉ thông qua trang phục đã có thể hiểu phần nào về họ. Nhiều người ưa mặc những trang phục chất vải mềm mại, màu thanh nhã (màu là sự pha trộn giữa các màu cơ bản): trắng nhạt, xanh da trời, tím nhạt, các tiểu tiết cấu tạo được chú ý như: đường rua trên cổ, gắn nơ bên cánh eo… thường họ là những người nhẹ nhàng, tinh tế, không thích sự lộ liễu, xô bồ. Ngược lại, có nhiều người thích những kiểu chất vải thô, cứng, màu nổi trội: đỏ, đen, tím (đậm), hoa văn thường sặc sỡ và lộ rõ… họ là những người có tính cách mạnh, quyết liệt. Trong cuộc sống, một lẽ thường tình, có nhiều chàng trai cứ mê đắm một bóng hình mà chỉ vì từ trang phục của cô toát lên một cái gì đó nhẹ nhàng và gợi cảm. Văn học dĩ nhiên là một kênh giao tiếp - kênh giao tiếp khá quen thuộc. Tuy nhiên phải hiểu rằng kênh giao tiếp này không chỉ truyền đạt những thông tin mà thường theo thói quen của người tiếp nhận là tóm gọn lại (trong truyện thường nói đến “cốt truyện”). Một câu thơ nếu chỉ truyền đạt một thông tin như lời nói thường hoặc quy được về lời nói thường thì nó chẳng thể nào tồn tại, hay nói khác đi bản thân sự tồn tại của nó là vô nghĩa. Nội dung của tác phẩm văn học, nói như Iu. Lotman, là cấu trúc của nó(2). L.Tolxtoi cũng thể hiện quan điểm tương tự khi ông trả lời người hỏi ông về việc ông muốn nói gì qua Anna Karenina. Thời trang cũng vậy! Quần áo nếu chỉ có chức năng che đậy thì chính nó sẽ bị thay thế bởi những thứ che đậy tương tự, nghĩa là sẽ không có thời trang. Nói điều này, ngoài khẳng định việc trang phục cũng là một kênh giao tiếp còn khẳng định một ý nghĩa khác sâu sắc hơn, đó là: trang phục cũng có “tiếng nói” của nó, tiếng nói thoát ra khỏi mặt hình thức. Nghĩ từ ca dao ta cũng thấy những điều này: “Hơn nhau tấm áo manh quần/ Cởi ra bóc trần ai cũng như ai”.
Văn học và thời trang hoá ra có nhiều nét tương đồng và khác biệt. Để kết thúc vấn đề, chúng tôi xin trình bày và nêu lên một số câu hỏi về sự tiếp thu bên ngoài (của cả thời trang và văn học). Trong một bài viết đăng trên tạp chí Văn học số 3 năm 1999, Đặng Thanh Lê khẳng định: “Văn hoá trang phục văn hóa ẩm thực đóng góp phần hiểu biết, sự đồng cảm giữa các dân tộc. Chiếc quần jean đã là thứ trang phục phổ thông nhất thế giới, đặc biệt là trong thanh niên […] Từ khi tiếp xúc phương Tây, người Việt đã tiếp nhận bộ nam phục Âu châu trước hết do tính chất gọn gàng, thuận tiện”(3). Điều đó chứng tỏ rằng, một nền văn hoá muốn được du nhập vào cộng đồng quốc tế thì phải vận động, phát triển chứ không phải khăng khăng giữ lấy những gì đã có. Nhưng, vấn đề là ở chỗ làm sao để phát triển, để năng động mà không mất bản sắc (mối quan hệ giữa hai mặt cái bản địa và cái ngoại lai); con người không nghèo nàn, cằn cỗi? Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với hiện tình đất nước chúng ta. Chẳng hạn trong văn học, chúng ta nên giữ những hình thức truyền thống hay chúng ta thay đổi theo xu thế bên ngoài (nhìn từ phương Tây), thơ có nên không vần vè, câu chữ xuất hiện trong bài thơ có thể gọi được những câu chữ đằng sau nó (Bóng chữ), thơ không ngần ngại đi vào mọi thứ trong đời sống như thơ Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Thị Từ Huy? Hay giữ lấy cái đã định hình, bác bỏ cái mới để rồi như nhiều người nói là câu chuyện lấy thước ngắn đo người dài? Trong trang phục ngoài sự nhuần nhị: tự hào và phô bày về tà áo dài truyền thống trong lúc khoác lên mình những bộ vecton thì chuyện nở rộ hàng loạt kiểu ăn mặc (váy áo) ưu tiên phô bày vẻ đẹp thân thể một cách lộ liễu nên hay không nên? vv…
------------------------------------------------------
1. Roland Barthes, Cơ sở của kí hiệu học,dẫn theo: Trịnh Bá Đĩnh, Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb Văn học, TP HCM, 2002, tr.303.
2. Iu. Lotmam, Cấu trúc văn bản nghệ thuật (Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thuỷ dịch), Nxb ĐHQG Hà Nội, HN, 2004, tr.32.
3. Đặng Thanh Lê, Việt Nam trên hành trình hội nhập toàn cầu – Vị thế nền văn hoá dân tộc trong lịch sử quan hệ với nền văn hoá các cường quốc, Tạp chí Văn học số 3, 1999, tr. 8.