Cuộc sống quanh ta

GS Nguyễn Minh Thuyết: Chuyện 10 năm ở “nghị trường”

Nhiều người gọi ông là “gương mặt của năm 2010” sau những lần phát biểu tại các kỳ Quốc hội. Là đại biểu của các khóa XI, XII (từ năm 2002 tới nay” đang giữ vai trò Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Việt Nam, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ với TT&VH những cảm nhận về “nghị trường” Việt Nam trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.

Ông nói: Mỗi giai đoạn phát triển thường được đánh dấu bằng những sự kiện mang tính bước ngoặt. Nói riêng về hoạt động giám sát mốc lớn đầu tiên trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam diễn ra vào năm 1994, khi các phiên chất vấn của đại biểu bắt đầu được truyền hình trực tiếp. Qua lời kể của ông Vũ Mão (lúc đó là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) tôi biết lãnh đạo cũng phải rất vất vả mới tìm được sự đồng thuận để đi đến quyết định này.

Từ bước ngoặt ấy, mỗi khóa Quốc hội tiếp theo đều tiếp tục có những đổi mới. Khóa XI (2002 -2007) đánh dấu sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ (ông Phan Văn Khải đứng ra trả lời chất vấn của đại biểu và được phát sóng trực tiếp trên VTV). Ngoài ra, việc Bộ trưởng Bộ Công an hai lần trả lời chất vấn trước hội trường cũng là sự kiện hiếm gặp...

Nếu chỉ “khoanh vùng” trong 10 năm gần đây thì sự thay đổi trong sinh hoạt của Quốc hội như thế nào?

Nói ngắn gọn, tôi thấy sự thẳng thắn, dân chủ và cởi mở trong các phiên thảo luận ngày một cao hơn theo từng kỳ hợp. Tôi còn nhớ, năm 2005, lần đầu tiên tham gia chất vấn Thủ tướng, nhiều anh em đại biểu vẫn tỏ ra “khớp” và khá rụt rè. Nói thật là bản thân Thủ tướng lần đầu tham gia phiên chất vấn cũng phần nào chưa sẵn sàng và hơi căng thẳng. Đó là điều tất nhiên – nếu bạn biết rằng ở một số khóa Quốc hội trước đó, sự cởi mở trong thảo luận khá hạn chế: Đại biểu phát biểu theo văn bản chuẩn bị sẵn và chỉ đọc khi đã được thông qua.

Còn bây giờ, đại biểu có thể phát biểu bằng văn bản hay nói “vo”, không phải thông qua cấp nào, kể cả khi đề cập đến những vấn đề “nóng”. Nội dung chất vấn tập trung hơn cũng khiến các phiên chất chất vấn trong khóa XII có điều kiện nâng cao hơn trước. Đặc biệt, việc Quốc hội ra các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn đã thể hiện quyền giám sát của đại biểu Quốc hội, không để việc xác định trách nhiệm hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của người trả lời chất vấn.

Thực ra, số lượng các đại biểu tích cực và thường xuyên có ý kiến trong các phiên chất vấn không phải là quá nhiều trên tổng số gần 500 đại biểu cho mỗi nhiệm kỳ. Nghĩa là, sự rụt rè mà ông vừa nhắc tới vẫn còn tồn tại?

Sự thật là vẫn còn, thậm chí còn nhiều, nhưng như đã nói quá trình đổi mới của Quốc hội là kết quả vận động tất yêu của cuộc sống. Hoạt động của Quốc hội càng công khai minh bạch thì đại biểu của Quốc hội càng thấy rõ áp lực của dư luận, của những cử tri đang quan sát họ trên sóng VTV. Những đại biểu tích cực mà bạn nói chính là những người khởi đầu cho sự mạnh dạn nên có ấy. Giống như khi còn nhỏ, ra sông tắm, trong đám trẻ chúng tôi bao giờ cũng có những anh nhảy xuống nước bơi đầu tiên, để những anh khác nhìn theo và tự nhủ “không sao đâu” (cười)

Theo ông sự mạnh dạn ấy trong những khóa tới sẽ đạt đến mức nào?


Hơi khó ước lượng cụ thể, tôi nghĩ thế này: Trong những khóa tới, quan điểm của tổ chức trong việc giới thiệu ứng cử viên đại biểu Quốc hội cũng không có thay đổi lớn đâu. Cái thay đổi lớn nhất sẽ nằm ở sự khắt khe ngày một cao của cử tri trong việc lựa chọn người đại diện cho mình. Yêu cầu chọn lựa ngày một khắt khe hơn sẽ làm xuất hiện ngày càng nhiều hơn các đại biểu trí tuệ, bản lĩnh luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm trước cử tri và bảo vệ hình ảnh của mình.

Quanh chuyện “nhất Ngoạn nhì Trân”

Những đại biểu đồng nghiệp nào khiến ông ấn tượng nhất?

Khóa XI thì tất nhiên phải kể đến 4 người “bị đóng đinh” vào câu “nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” rồi (cười). (đó là các đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng và Dương Trung Quốc được dư luận đánh giá cao về sự quyết liệt trong chất vấn - TT&VH).

Trong số này tôi có dịp làm việc nhiều cùng anh Trân và anh Quốc. Cả hai đều trí tuệ, bản lĩnh. Nhưng ở anh Trân điều gây ấn tượng mạnh đối với tôi là cách làm việc rất chuyên nghiệp và khoa học. Dù đi giám sát trong nước hay đi công tác nước ngoài, dù phát biểu trong cuộc họp nhỏ hay trên diễn đàn lớn, anh Trân đều chuẩn bị rất cẩn thận, có số liệu chính xác. Nêu ý kiến thường có sức thuyết phục cao. Còn anh Quốc thì tác phong đậm chất nghệ sĩ, nhưng phát hiện vấn đề nhanh, khái quát vấn đề sâu sắc và có lối diễn đạt suy tư và hấp dẫn.

Nhưng thực ra, do vần vè nên dân gian xếp thứ tự như vậy chứ không phải đánh giá một, hai, ba, bốn về năng lực phản biện của họ đâu. Cũng vì hạn chế ấy mà câu này không phản ánh hết được nhiều gương mặt nổi trội khác như đại biểu Lê Văn Cuông, Nguyễn Đình Xuân, Nguyễn Thị Việt Nhân, Nguyễn Thị Bạch Mai.

Tôi nhớ lời chất vấn Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Đức Thúy về việc hóa giá căn nhà ở phố Lý Thái Tổ (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Việt Nhân còn đi xích lô đến tận hiện trường để kiểm tra ý kiến cử tri, sau đó mới phát biểu dễ dàng, thuyết phục trên hội trường. Ngoài ra, bên cạnh những gương mặt cũ, khóa XII cũng được bổ sung nhiều đại biểu nổi bật và trí tuệ và bản lĩnh như Vũ Hoàng Hà (Bình Định), Phạm Thị Loan (Hà Nội), Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Danh Út (Kiên Giang).

Một chút tò mò, các đại biểu mạnh miệng như ông hay Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng… có chơi thân và hay gặp gỡ nhau không?

Cũng có đấy! GS Nguyễn Lân Dũng vốn cùng trường với tôi (ĐH Tổng Hợp Hà Nội). Khi tôi còn là sinh viên, anh đã làm một giảng viên nổi bật. Sau này, tôi làm công tác quản lý, anh trở thành một vị thuộc hàng “tiên tri” nên cũng thường gặp nhau. Còn anh Dương Trung Quốc thì cũng sinh hoạt ở  Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nên tôi có điều kiện gặp gỡ, cùng làm việc nhiều hơn.

Nhưng gặp nhau ngoài giờ, chẳng hạn rủ nhau cà phê cà pháo hay dùng một bữa ăn nhẹ thì gần như không vì cả mấy anh em đều bận. Nhất là anh Quốc, anh ấy bay như chim.

Câu hỏi cuối cùng: bước ra khỏi nghị trường, sự “chuyên nghiệp” của một đại biểu Quốc hội sẽ được giữ như thế nào trong cuộc sống ngày thường, theo ông?

Ở đây chỉ xin nói chuyện của tôi thôi. Tôi vốn là người ý tứ nhưng từ khi trở thành đại biểu Quốc hội thì càng phải ý tứ hơn, kể cả từ những việc nhỏ với hàng xóm, như giữ vệ sinh nhà cửa, đường phố, không to tiếng với vợ con (cười). Còn lại tôi vẫn có thể mua sắn luộc, ngô luộc ngoài phố hay đôi khi có dịp ngồi ăn trong quán với bạn bè. Tất nhiên, tuổi tôi thì cũng không ngồi uống bia vỉa hè rồi lớn tiếng “dô dô” trăm phần trăm được.

Nói lại chuyện cũ, năm 2004, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An quyết định không bán bia hơi cho đại biểu tại căng tin hội trường Ba Đình trong giờ giải lao. Tôi thấy như vậy cũng hợp lý. Đại biểu mải vui uống bia, vào Quốc hội muộn hoặc mặt hơi có chút sắc đỏ thì cũng không nên.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này

Nguồn: Bee.net(Theo TT &VH)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513072

Hôm nay

2173

Hôm qua

2436

Tuần này

21009

Tháng này

219945

Tháng qua

121356

Tất cả

114513072