Ở đây, tôi xin không phép không dùng từ “quan hệ bạn bè” hay “tình bạn” vì chính nhà thơ họ Hoàng, trong một bài viết về nhà văn họ Nguyễn sau hơn ba mươi năm kể từ lần gặp gỡ đầu tiên ấy, đã tự nhận: “Đối với tôi anh chưa phải là người thân lắm, nhưng không phải người sơ”. Điều này cũng dễ hiểu. Giữa hai ông có không ít điểm khác biệt, về “chuyên môn” (Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn, Hoàng Trung Thông là nhà thơ), về tuổi tác (ông Tưởng sinh năm 1912, hơn ông Thông sinh năm 1925 đến hơn một con giáp)… Song thiết nghĩ, trong giới văn nghệ sĩ, xưa cũng vậy mà nay càng thế, có được mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp với nhau đã là tốt lắm rồi. Cuối cùng, điều quan trọng vẫn là cái gì còn lại từ mối quan hệ ấy, để người ta còn nhớ về nhau, còn nói về nhau. Giữa bác Thông và cha tôi, tôi vẫn nghĩ, có không ít điều để nhớ, để nói…
*
* *
Nhà thơ Hoàng Trung Thông là một người quảng giao và uyên bác, đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi nhận từ chị Hà, con gái bác, cuốn sách Những người thân những người bạn mà bác gái thay mặt tác giả ký tặng gia đình tôi. Cuốn sách tuyển hơn bốn mươi bài viết của nhà thơ Hoàng Trung Thông về các nhà văn, nhà thơ cổ kim đông tây mà ông yêu thích, mến mộ hay đơn giản là ông “nhớ lại”, như tiêu đề bài viết về cha tôi trong cuốn sách này: Nhớ lại đôi điều về Nguyễn Huy Tưởng.
Với cái tiêu đề khiêm tốn ấy, nhà thơ Hoàng Trung Thông viết về cha tôi đã làm nhiều hơn thế, không phải do ông là một vị viện trưởng Viện Văn học cần phải viết sao cho xứng, mà trước hết bằng những trải nghiệm của một đồng nghiệp có nhiều đồng cảm. Tuy khác lĩnh vực, ông đã điểm qua một cách khá là bao quát quá trình sáng tác và các tác phẩm của cha tôi, chẳng hạn như về cuốn Ký sự Cao Lạng:“Cũng như Lên chiến khu, Ký sự Cao Lạng là bút ký ghi chép một cách sinh động cuộc chiến đấu và cách mạng của nhân dân ta đồng thời với những bút ký của Trần Đăng, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Tuân”. Đồng thời với nhận xét có phần “quan phương” ấy, là một giai thoại khá thú vị. Nguyên cuốn ký sự đó ban đầu có tên là Thắng từ biên giới, được đăng trên tạp chí Văn nghệ. Nhưng do chất lượng in ấn khi ấy còn quá thô sơ, chữ in bị mất nét, thiếu dấu… nên các ông ở miền Trung khi đọc đều đọc ra là… Thằng tù biên giới!
Và đây là một giai thoại khác. Lần đầu ra Việt Bắc dự hội nghị, nhà thơ trẻ Hoàng Trung Thông cũng lần đầu tiên được biết mặt các tên tuổi như Ngô Tất Tố và Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi, Nam Cao và Tô Hoài, Nguyên Hồng và Kim Lân... Ông sớm thâm nhập vào đời sống sinh hoạt của các văn nghệ sĩ “trung ương” – trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam bấy giờ đóng ở vùng rừng núi Tuyên Quang. Thế nào mà hội nghị lại hoãn đến một tháng, nhà thơ chẳng có việc gì làm ngoài đọc sách, và tối tối dự vào cuộc đàm đạo của các văn nghệ sĩ trên nhà sàn, có khi có cả rượu, nhưng nhiều hôm chỉ có sắn nướng ăn đã là vui lắm rồi. Tối hôm ấy, mọi người đang ngồi quanh bếp lửa nướng sắn, nói chuyện văn chương thì bỗng có một con rắn từ trong một ống nứa chui ra. Con rắn chắc nằm ngủ trong ống nứa từ lúc nào, nay gặp lửa nóng thì thức dậy bò ra. Thấy con rắn độc, mọi người đều hốt hoảng, ai nấy nhớn nhác. Hoàng Trung Thông cũng sợ, nhưng sớm trấn tĩnh, ông vồ lấy một cây gậy đập chết con rắn.
Ông Tưởng liền ra một vế đối:
Ra Việt Bắc Trung Thông đánh rắn
Người đánh rắn đối lại liền:
Vào Nghệ An Huy Tưởng chén gà
Với tất cả sự khiêm tốn, nhà thơ tự cho câu đối chưa thực hoàn chỉnh, nhưng ông vẫn thích ở chỗ chữ “đánh” đối với chữ “chén”. Là kẻ hậu sinh, người viết bài này còn thích ở chỗ chữ “Việt Bắc” – nơi cha mình đi kháng chiến suốt mấy năm trường, đối với chữ “Nghệ An” – quê hương của bác Thông. Quê hương đã theo nhà thơ nhập một cách thật tự nhiên vào một câu đối vui, cũng như quê hương luôn phảng phất qua những trang văn của cha tôi, và nhất là trong những trang nhật ký...
*
* *
Nhà thơ Hoàng Trung Thông hay rượu, điều này nhiều người đã hồi ký về ông. Ngay trong hơn mười trang viết về cha tôi, bác cũng có tới vài ba lần nhắc đến rượu. Mấy ngày sau kỷ niệm nói trên, ông Thông và các văn nghệ sĩ đã có buổi “đánh chén” thực sự. Hôm ấy, trên nhà sàn của ông Chánh Cuốn, các ông làm thịt dê nhắm với rượu. Món thịt dê do bác Ban, người đầu bếp của cơ quan nấu dưới sự chỉ đạo của họa sĩ Tô Ngọc Vân, một người không chỉ sành ăn mà sành cả nấu nướng. Kết cục là mọi người đều “say khướt” – chữ dùng của bác Thông trong bài viết, và cùng nhau nhảy điệu “sòn là sòn”... Rượu vào thì thích hát, thích nhảy, âu cũng là chuyện thường tình. Nhưng rượu mà đến độ không chỉ cánh trẻ như Nguyễn Đình Thi, trung niên như Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, mà cả đến các bậc trưởng lão như Ngô Tất Tố, Tôn Quang Phiệt cũng đều nhảy cả, như nhà thơ còn nhớ được, thì phải nói hồi kháng chiến các ông sống với nhau vui thật!...
Hòa bình lập lại, các ông vẫn uống rượu với nhau, nhưng có phần phải giữ gìn hơn. Một lần, có một cuộc mít tinh lớn của các anh em văn nghệ sĩ sắp đi lao động sau một đợt đấu tranh tư tưởng căng thẳng. Do tính chất quan trọng của sự kiện, đồng chí Trường Chinh sẽ đến phát biểu ý kiến với hội nghị. Nhưng cũng hôm ấy, nhà thơ Hoàng Trung Thông, cha tôi và mấy ông nữa rủ nhau đi uống rượu, mà theo chương trình buổi lễ, nhà thơ sẽ là người thay mặt anh em lên hứa hẹn. Vì thế, trước khi đi uống với nhau, ông Thông nói với ông Tưởng là hôm nay sẽ không uống say quá, để còn về cho kịp giờ. Mặc dù đã nhất trí với nhau như thế mà lúc các ông về tới hội trường, đồng chí Trường Chinh đã đến rồi. Nhà thơ nhanh chóng nhập cuộc. Đến phần mình, ông lên thay mặt anh em nêu quyết tâm đi lao động tìm hiểu cuộc sống để viết cho tốt. Thế rồi cũng xong. Kết thúc buổi lễ, ông vội đi tìm các bạn nhậu để hỏi, có ai ngửi thấy mùi rượu qua mi-crô không? Người nói có, tất nhiên là trêu thôi, riêng ông Tưởng thì cười hề hề mà bảo chẳng ngửi thấy mùi rượu nào. Và nhà thơ Hoàng Trung Thông kết luận: “Do đó tôi thấy tính đôn hậu của một nhà văn như Nguyễn Huy Tưởng”. Người không ở vào hoàn cảnh như ông Thông, khi ấy và như thế ấy, có thể không hiểu tại sao lại có một nhận xét như vậy!
*
* *
Thực ra, giữa bác Thông và cha tôi không phải chỉ có những chuyện vui vui hay những kỷ niệm chung về rượu. Lần nhà thơ ra Việt Bắc đầu tiên ấy, cha tôi, những khi có dịp, thường tranh thủ tâm sự với bạn về chuyện sáng tác, tất nhiên theo cái cách mà như nhiều người cùng chung nhận xét, bao giờ cũng rất nhẹ nhàng. Nhưng cũng chính vì thế mà nhà thơ còn nhớ mãi. Như hôm các ông đưa nhau vào ATK (an toàn khu) thăm nhà thơ Tố Hữu trước khi ông Thông về lại miền Trung, ông Tưởng thủ thỉ bảo bạn khi sánh bước trên một đồi cọ bạt ngàn: “Cậu ạ, con đường nghệ thuật rất dài mà cuộc đời lại ngắn... Chúng mình phải phấn đấu cho có những tác phẩm khi viết ra không tự thấy hổ thẹn với lương tâm mình”. Và đây nữa, một cử chỉ tha thiết ân tình của ông Tưởng, khi ông vừa nắm chặt tay vừa dặn bạn trước lúc chia tay: “Các cậu sắp về quân khu IV rồi có cái gì hay thì gửi ra cho chúng tớ”...
Một năm sau, nhà thơ lại ra Việt Bắc, và lần này ông ở lại luôn làm báo Văn nghệ. Trên một số báo, tác giả Bài ca vỡ đất, Bộ đội về làng… có đăng một bài phê bình, thể loại mà rồi đây ông sẽ còn viết nhiều. Một hôm, ông Tưởng rủ ông Thông đi chơi thị xã Tuyên Quang. Trong bữa rượu hôm đó, ông bảo bạn: “Đã là nhà thơ thì viết phê bình hay lý luận cũng phải có chất thơ”. Câu nói khiến ông Thông bối rối, như ông đã kể lại trong bài viết: “Tôi ngượng ngùng vì tôi viết còn chưa có chất văn huống nữa là chất thơ”. Câu nói không chỉ cho thấy sự khiêm tốn mà cả ý thức của người viết. Gần ba mươi năm sau, nhà thơ, nhà tiểu luận Hoàng Trung Thông sẽ cho xuất bản một cuốn sách có tiêu đề: “Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống”.
Tôi không nghĩ với nhà văn, nhà thơ, một lời khuyên – nhất là khuyên về sáng tác – có nhiều tác động. Song tôi biết, qua nhật ký của cha mình, lời khuyên của bạn văn thơ bao giờ cũng khiến ông suy nghĩ, mà điều này, với ông, mới là quan trọng. Mùa xuân năm 1960, chỉ vài tháng trước khi qua đời, cha tôi có mời bác Thông về quê mình ở làng Dục Tú, nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Hôm ấy là ngày giỗ ông nội tôi, cha tôi mời bạn về ăn giỗ, và cũng để dẫn đi thăm Cổ Loa, cách Dục Tú chỉ một cánh đồng. Trong câu chuyện, nhà thơ Hoàng Trung Thông có khuyên cha tôi nên viết về đời Trần, như cha tôi có ghi lại trong nhật ký ngày 27-3-1960: “Về quê giỗ Thầy. Dẫn Hoàng Trung Thông đi xem Cổ Loa… Hoàng Trung Thông khuyên nên viết về đời Trần. Những trang sử chói lọi về Hưng Đạo”.
Đời Trần quả là mối đam mê của cha tôi. Trước cách mạng, ông từng viết về Hội nghị Diên Hồng, về nàng công An Tư phải đem cống cho Thoát Hoan… Khi dẫn bạn về quê, ông cũng vừa viết xong truyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng vềngười anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản cho các em nhỏ. Lời khuyên của nhà thơ lại một lần nữa nhắc nhở cha tôi về mối canh cánh vẫn mang trong mình về mảng đề tài này. Là một người viết luôn tự ý thức về việc hoàn thiện tác phẩm, cha tôi chưa bao giờ tự bằng lòng về những gì đã viết ra. Ngay trong kháng chiến, giữa những yêu cầu viết “phục vụ kịp thời”, ông luôn suy nghĩ sửa lại tiểu thuyết An Tư. Và lúc này đây, đi với bạn, ông vẫn biết là còn phải viết lại Lá cờ thêu sáu chữ vàng một lần thứ hai. Việc viết lại thiên truyện thiếu nhi ấy sẽ chiếm thời gian của ông cho tới giữa tháng 5, chỉ ít ngày trước khi vào bệnh viện để rồi không bao giờ trở lại với đời nữa…
*
* *
Gần năm mươi năm sau khi cha tôi qua đời, tôi mới thực hiện được điều tâm niệm là biên soạn một cuốn sách của ông về đời Trần. Cuốn sách mang tiêu đề “Nhà Trần”, gồm hơn ba trăm trang, bao quát cả một quá trình sáng tác của ông từ khi bắt đầu đến với văn chương, qua bài tiểu luận Hội nghị Diên Hồng, đến những tác phẩm nhiều chất sử thi như An Tư, Lá cờ thêu sáu chữ vàng… Cuốn sách cũng tuyển nhiều trang nhật ký của cha tôi về thời Trần, về đức Trần Hưng Đạo… Sẽ là không trung thực nếu tôi nói ý tưởng làm cuốn sách đó là từ lời khuyên của bác Thông với cha tôi – “nên viết về đời Trần”. Song có điều chắc chắn, tôi luôn nghĩ đến những lời đầy cảm thông hiểu bạn ấy, mỗi khi nhớ về bác Thông, người bạn thơ hay rượu của cha tôi...
(Viết theo nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và bài viết của nhà thơ Hoàng Trung Thông về ông)