Cuộc sống quanh ta

Gò 13 hay sự tích gò Đống Đa

Ngày mùng 5 Tết hằng năm là ngày giỗ trận Đống Đa, tức là kỷ niệm trận đại thắng của vua Quang Trung, đánh tan mấy vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu (1789).


Theo học giả Doãn Kế Thiện (1891-1965) thì gò Đống Đa vốn được gọi là “Gò 13”. Vì sao lại là “Gò 13”? Cụ Sở Bảo (Doãn Kế Thiện) giải rõ lai lịch cái gò này như sau.

Theo một tục cổ truyền từ thời Xuân Thu ở Trung Hoa cổ, khi một nước nhỏ đánh bại quân xâm lược từ một nước lớn, thì người ta cho thu thập hài cốt quân địch lại, chất thành đống rồi đổ đất lấp kín thành từng cái gò, gọi là “kình nghê kinh quán” (nghĩa là gò to chôn xác kình nghê; kình và nghê là hai loại cá lớn chuyên sống bằng cách nuốt cá bé), những gò này mang ý nghĩa cảnh báo đối với nước lớn hãy trông đó mà coi chừng, đừng lặp lại hành động xâm lược mà có ngày bị chôn xác hàng đống như thế.

Sau trận đại thắng ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), quân Mãn Thanh chết có tới mấy vạn, việc chôn cất cần làm gấp. Vua Quang Trung hạ lệnh cho thu thập những thi thể quân địch xếp vào từng hố một rồi đắp đất cao lên thành gò, suốt từ trại Thịnh Quang đến trại Nam Đồng, tất cả là 12 cái, gọi là 12 kinh quán. Sau đó 63 năm, vào năm Tự Đức thứ 4 (1852), Nguyễn Hầu là Kinh lược Bắc Kỳ, lĩnh chức Tổng đốc Hà Nội, vì mở đường mở chợ trong cánh đồng Thịnh Quang – Nam Đồng, lại đào được hàng đống hài cốt chồng chất lên nhau, biết rõ đó là hài cốt quân Thanh, liền cho thu thập chôn vào một hố đắp thành gò cùng một dãy với 12 gò kia, trở thành cái gò thứ 13. Gò này ở cạnh Núi Ốc (Loa Sơn) là chỗ tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử. Gò này được đắp dính vào Núi Ốc, rồi sau mỗi lần đắp thêm, chẳng bao lâu Núi Ốc với Gò 13 nhập thành một gò to và cao hơn các gò kia. Như vậy cả 13 gò đó đều là những chiến tích oanh liệt chống ngoại xâm thời vua Quang Trung.

Nhưng nhà Tây Sơn chỉ giữ quyền lực được 14 năm (1788 - 1802). Nhà Nguyễn mở đầu bằng triều vua Gia Long là kẻ đã coi Tây Sơn là thù địch nên đối với các dấu tích nhà Tây Sơn để lại, nếu không cho phá đi thì cũng để mặc cho mai một theo thời gian, không muốn dân chúng nhắc đến nữa. 13 gò này do đó cũng chịu chung số phận. Tuy vậy do gắn với trận thắng lịch sử, nó vẫn được dân ta nhớ tới. Ngoài ra, các gò này còn được gắn thêm với đặc điểm “đống đa”. Nguyên là sau một năm đê vỡ bị ngập lụt, cánh đồng Thịnh Quang – Nam Đồng trở thành cánh đồng hoang, khắp nơi đều mọc đầy những cây đa; trên 13 gò này đều có những cây đa mọc um tùm.

Sau khi quân Pháp chiếm Hà Nội (1882), họ mở đường mở phố. Hoàng Cao Khải dựa thế quân Pháp, chiếm vùng Thái Hà làm ấp riêng, phá hoại san bằng hết 12 gò kia, chỉ có gò 13 vì vừa cao vừa rộng hơn mới còn được để lại. Năm 1883, Nguyễn Hữu Độ làm Kinh lược sứ Bắc Kỳ kiêm Hộ đốc Hà Nội, muốn lấy tiếng với sĩ phu, đã xin với triều đình Huế cho lập miếu Trung Liệt để thờ hai vị liệt sĩ là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu và hai trung thần là Đoàn Thọ và Trương Quốc Dụng. Nhưng sau đấy vì phải đối phó với nhiều cuộc nổi dậy, việc xây miếu bị xếp lại. Mãi đến năm 1890, Nguyễn Hữu Độ chết, Hoàng Cao Khải lên thay. Ông ta tiếp tục việc xây dựng đó, nhưng đổi “miếu” thành “từ”, “Trung Liệt” thành “Trung Lương” với ý đồ: sau khi y chết, con cháu y sẽ đem bài vị y đặt vào thờ trong đó, cùng với các vị trung thần liệt sĩ kể trên. Sau khi đổi tên xong, Hoàng Cao Khải còn tổ chức một cuộc thi thơ để gây dư luận tán thành việc làm của mình; nhưng số người hưởng ứng không nhiều, lại có những người tham dự để đưa ra những lời thơ rủa mát và chửi thầm kẻ chủ trì.

Tháng 3/1945, quân Nhật đảo chính Pháp, thế lực thân Pháp mất chỗ dựa, dân chúng và sĩ phu ta đã quăng bài vị họ Hoàng ra khỏi đền và lại gọi đền là đền Trung Liệt.

Theo phần đông sĩ phu thì việc xây đền Trung Liệt trên gò Đống Đa là một việc làm bất chính của một số quan chức triều Nguyễn cố ý làm lu mờ chân tướng di tích một chiến công lịch sử của quân dân ta thời vua Quang Trung. Tuy vậy, trên thực tế, gò Đống Đa vẫn là gò Đống Đa, đền Trung Liệt vẫn là đền Trung Liệt. Mùng 5 Tết hằng năm vẫn được dân chúng các nơi nhớ là ngày giỗ trận, lũ lượt kéo về đây, tưởng nhớ chiến công đại phá quân xâm lược của quân dân ta năm Kỷ Dậu (1789) dưới sự chỉ huy của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.

(theo: Sở Bảo Doãn Kế Thiện: Một di tích lịch sử, nhân ngày mùng 5 Tết: Gò 13 // Sinh hoạt văn hóa, Vụ văn hóa đại chúng (Bộ văn hóa), s. 37, số đặc biệt Xuân Mậu Tuất 1958)

Nguồn: TTVH

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513048

Hôm nay

2149

Hôm qua

2436

Tuần này

2985

Tháng này

219921

Tháng qua

121356

Tất cả

114513048