Cuộc sống quanh ta

Cần năng lực sử dụng người tài!

Trong báo cáo của Tổng bí thư Nông Đức  Mạnh đọc trước Đại hội XI ngày 12.1.2011 có nói đến vấn đề chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp.

Điều đó cho thấy chủ nghĩa cơ hội, thực dụng đang phát triển, nạn tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, người dân cả nước đang phải sống chung với “đồ rởm” chức, quyền, bằng cấp. Để tẩy rửa các “đồ rởm” đang làm gia tăng mầm bệnh trong cơ thể bộ máy công quyền Nhà nước, hơn lúc nào hết chúng ta bình tĩnh tìm hiểu “thần dược” của Bác Hồ để lại cho đời, đó là bài học về năng lực sử dụng người tài tuyệt vời mà Người đã sử dụng suốt từ khi vừa dành được chính quyền năm 1945, cho đến ngày Người đi xa…

Ngày 27.8.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị thành Chính phủ lâm thời nước VNDCCH để mời thêm “nhiều nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó”. Đó là động thái đầu tiên của bài học “năng lực sử dụng người tài quan trọng hơn đào tạo người tài”. Không lâu sau ngày nước nhà giành độc lập, Bác viết thư kêu gọi những người tài giỏi ra giúp đỡ Chính phủ, và cho đăng tin trên báo chí sẵn sàng dành thì giờ tiếp 15 phút với bất kỳ ai để nghe kiến nghị, góp ý phê bình về các vấn đề quốc kế, dân sinh.

Dành trọn cuộc đời sưu tầm và ngòi bút viết về Bác Hồ, trong một lần đàm đạo, Nhà văn Sơn Tùng nói với tôi: - Phải là người có Tài, có Tâm, có Tầm văn hoá như Hồ Chí Minh mới có thể làm được những việc phi thường như mời Bảo Đại, vị vua vừa thoái vị ra làm cố vấn Chính phủ mới, vời được chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng ra ghé vai cùng gánh vác việc nước; mời Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định ra thành lập Mặt trận Liên Việt... và kêu gọi được những trí thức người Việt trong nước và nước ngoài đi theo Chính phủ kháng chiến.

Bài học thành công trong nghệ thuật sử dụng người tài của Bác, suy cho cùng xuất phát từ điều rất giản dị, rất thống nhất, rất xuyên suốt là tư tưởng Đại đoàn kết toàn dân. Chính tư tưởng Đại đoàn kết toàn dânđã làm nên sức mạnh của Người và của thời đại Hồ Chí Minh.

                                                                        *

                                                                     *    *

“Khéo” dùng người tài của Bác, cụ thể là việc vời và sử dụng được rất nhiều người tài ra ghé vai cùng gánh vác việc nước, bài học lớn ấy đã đang được áp dụng như thế nào trong công cuộc xây dựng đất nước ở đầu thế kỷ 21?  

Trong khi câu trả lời chính xác mà tôi kỳ vọng đang trú ngụ trong tim óc những người làm công tác tổ chức Đảng và chính quyền các cấp, thì ngày 14.1.2011 tại diễn đàn Đại hội Đảng lần thứ XI, ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã đọc tham luận “các giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng”. Ông Chiến nói: -”Nếu giàu nhanh do làm giàu chính đáng, lên chức nhanh do tài năng là rất đáng trân trọng; nhưng những biểu hiện giàu nhanh là do tiêu cực, tham nhũng, lên chức nhanh là do dùng tiền để chạy chức chạy quyền thì phải nghiêm trị”. Ông Chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng cũng nhìn nhận giữa quyết tâm chính trị với hành động thực tiễn chống tham nhũng còn có khoảng cách đáng kể, số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Tình trạng sa sút phẩm chất, nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức trong thi hành công vụ chậm được khắc phục; hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, giàu nhanh, lên chức nhanh chưa được quan tâm chỉ đạo làm rõ.Sự yếu kém trong quản lý, điều hành, dẫn đến các sai phạm, gây thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước trong một số doanh nghiệp, trong đó có yếu tố vụ lợi; đã xuất hiện dấu hiệu sự liên kết, móc nối giữa chủ doanh nghiệp với một số người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Đảng và Nhà nước để tiêu cực, tham nhũng.

Ông Chiến kiến nghị: “Trong nhiệm kỳ tới cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh cải cách hành chính và hoàn thiện các quy định nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản, quản lý thu, chi ngân sách, quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, công tác tổ chức, cán bộ…Công chức phải giải trình nguồn gốc tài sản khi có yêu cầu và biện pháp xử lý những hành vi làm giàu bất chính. Có chính sách khoan hồng mạnh mẽ hơn nữa đối với những trường hợp đưa hối lộ nhưng tự giác khai báo trước khi bị phát hiện. Hoàn thiện quy định xử lý tài sản tham nhũng”.

Giải pháp tiếp theo được đề cập là khẩn trương nghiên cứu áp dụng biện pháp kỹ thuật điều tra đặc biệt đối với tội tham nhũng, hình phạt phải đủ sức răn đe. Có hướng dẫn cụ thể để xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kiểm tra chặt chẽ việc cho bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo và việc đặc xá cho phạm nhân phạm tội tham nhũng. “Tôi đề nghị Đại hội trong lựa chọn các Ủy viên Trung ương kỳ này, ngoài tiêu chuẩn chung cần coi trọng tiêu chuẩn không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí”.

Tham luận về công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng do đại biểu Trịnh Long Biên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương cho biết: Trong nhiệm kỳ qua số đảng viên bị thi hành kỷ luật không giảm, xử lý kỷ luật có trường hợp chưa nghiêm, chưa kịp thời, chưa đồng bộ.Tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn diễn biến phức tạp, vi phạm chưa giảm. Tính phê bình và phê bình trong tổ chức đảng còn yếu. Một trong các nguyên nhân chủ yếu là do chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong đó có trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp. Nhiệm kỳ đại hội X, trong tổng số đảng viên bị kỷ luật ở 3 cấp: số bị kỷ luật ở cấp trung ương do ủy ban kiểm tra Trung ương xử lý chiếm 52,3%; ở cấp tỉnh thì do Ủy ban kiểm tra xử lý chiếm 68,1%; ở cấp huyện, do ủy ban kiểm tra xử lý chiếm 64,3%.

Nếu những năm qua công tác tổ chức cán bộ từ cấp Trung ương đến cấp xã phường biến bài học về sử dụng người tài của Bác thành “thuốc kháng sinh”, hẳn trong báo cáo đọc trước Đại hội XI ngày 12.1.2011, đồng chí Tổng bí thư không phải nói đến vấn đề chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp. Từ thập niên cuối cùng thế kỷ trước đã manh nha “chợ” mua chức bán tước. Theo dân gian thì chợ này “họp” quanh năm suốt tháng, xem chừng đông vui nhộn nhịp hơn chợ Viềng mỗi năm chỉ họp một phiên...

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513044

Hôm nay

2145

Hôm qua

2436

Tuần này

2981

Tháng này

219917

Tháng qua

121356

Tất cả

114513044