Tri Tân là tạp chí có khuynh hướng dân tộc, yêu nước chuyên về khảo cứu, số 1 ra ngày 3/6/1941, trụ sở 349 Phố Huế - Hà Nội, do cụ Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng làm chủ nhiệm. Đều đặn ra hằng tuần, Tri Tân đã thu hút được đông đảo các cây bút có uy tín thời đó như Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (sau là Chủ tịch Quốc hội đầu tiên), Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Chu Thiên Hoàng Minh Giám (nhà văn, tác giả Bóng nước Hồ Gươm), Biệt Lam Trần Huy Bá, Đặng Thai Mai (nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Giải thưởng Hồ Chí Minh 1996), Vệ Thạch Đào Duy Anh (Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000), Kiều Thanh Quế… đến các cây bút trẻ mới xuất hiện nhưng sớm gây được tiếng vang như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi…
5h chiều 7/9/1945, ban quản trị lâm thời đoàn văn hóa Bắc Bộ đang họp tại nhà văn hóa (hội Khai trí Tiến đức cũ) thì có tin điện thoại của Bộ Ngoại giao cho biết rằng Cụ Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ lâm thời muốn hội đàm với đại biểu đoàn văn hóa khoảng 19h.
Ba anh Trương Tửu, Thượng Sỹ, Nguyễn Đức Quỳnh do anh Nguyễn Hữu Đang hướng dẫn, lên Bắc Bộ phủ để yết kiến Cụ Hồ Chủ tịch.
Biết tiếng Cụ đã lâu, lần đầu được gặp Cụ trong bộ y phục quá giản dị, chúng tôi không giấu nổi sự cảm động. Nét mặt gân guốc, đôi mắt quắc thước, điệu bộ hồn nhiên bộc lộ một tinh thần tranh đấu cương quyết và một tâm hồn nhân đạo, chân thành.
|
Hồ Chủ tịch với Luật sư Vũ Trọng Khánh - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Giáo sư Đặng Thai Mai, ông Nguyễn Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại thoái vị), ông Vũ Đình Huỳnh (người đeo kính đen đứng sau ông Vĩnh Thụy) - Bí thư của Hồ Chủ tịch, ông Ngô Quang Châu, ông Trần Huy Liệu - Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, ông Lưu Văn Lợi, ông Nguyễn Đình Thi (từ trái sang phải). |
Sau mấy lời giới thiệu của anh Nguyễn Hữu Đang, anh Trương Tửu nhân danh Chủ tịch Ủy ban Văn hóa lâm thời Bắc Bộ Việt Nam, chào mừng Cụ Hồ, tán thành cuộc cách mạng dân chủ vừa đắc thắng và đặt lòng tín nhiệm vào tài năng sáng suốt của Cụ trong công việc lãnh đạo dân tộc đường giải phóng.
Lời nói thủng thẳng và rành rọt, Cụ Hồ cảm ơn anh em trong giới văn hóa:
- Theo ý riêng của tôi, lời Cụ Hồ nói, trong sự giải phóng dân tộc và kiến thiết một nước Việt Nam mới, nhiệm vụ của các ngài trong giới văn hóa cũng rất là nặng nề quan trọng. Dân tộc chúng ta đã bước sang một giai đoạn mới tất nhiên phải có một chính thể mới và một văn hóa mới. Khi chúng ta còn bị nô lệ thì văn hóa của chúng ta cũng mang nặng những dấu tích nô lệ. Bây giờ độc lập, văn hóa cũng phải có những dấu tích độc lập. Phải độc lập trước đã rồi văn hóa mới phát triển được. Dân tộc còn bị áp chế, hàng triệu đồng bào chúng ta vẫn còn chết đói đầy đường thì các ngài có thể ngồi trong tháp ngà mà sáng tác được không? Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hóa nhận thấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là: Củng cố nền độc lập của Việt Nam , sửa soạn cho đất nước một văn hóa mới và phải làm thế nào cho văn hóa Việt Nam sẽ chiếm được một địa vị trong nền văn hóa thế giới.
- Thưa Cụ, lời anh Trương Tửu đáp lại, toàn thể anh em trong giới văn hóa chúng tôi, bao lâu nay, vẫn sống trong sự áp bức ngột ngạt của chính sách thực dân. Tuy vậy dù cường quyền áp bức đến bực nào, anh em chúng tôi cũng vẫn cố gắng vươn đến một ánh sáng, vươn đến độc lập và tự do. Ngày nay sự giải phóng của dân tộc đã thực hiện một phần rất lớn. Các ánh sáng tự do cần thiết cho sự phát triển của văn hóa mà chúng tôi hằng khao khát đã nhờ sự giải phóng ấy mà bắt đầu tưng bừng, cho nên đối với chúng tôi, tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà trong lúc này cũng tức là tranh đấu cho sự giải phóng của nền văn hóa Việt Nam.
Cụ Hồ Chủ tịch gật đầu tỏ ý bằng lòng:
- Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng của quốc dân, tranh đấu cho nền độc lập và kiến thiết một nền văn hóa mới. Cái văn hóa mới này cần phải có tính cách khoa học, tính cách đại chúng thì mới thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại.
Cụ nói tới đây thì anh Nguyễn Đức Quỳnh xin phép Cụ trình bày một vài ý kiến:
- Thưa Cụ, lời anh Quỳnh nói, Cụ đã nói đến tính cách khoa học của văn hóa mới, chúng tôi xin đề cập đến sự hợp tác của các nhà kỹ thuật, chuyên môn trong công việc kiến thiết quốc gia. Theo chỗ chúng tôi nhận xét, ít lâu nay thì các nhà kỹ thuật chuyên môn trong công việc kiến thiết quốc gia hình như vẫn còn chút ít ngần ngại khi muốn hợp tác với Chính phủ để thi thố tài năng của mình. Họ là những người sống bằng kỹ nghệ và chỉ muốn làm việc cho kỹ thuật. Họ muốn được quyền đứng ngoài những xu hướng chính trị của đảng phái để phụng sự Tổ quốc.
Mắt Cụ Hồ sáng hẳn lên. Cụ với tay cầm quản bút ghi trên một tờ giấy để trước mặt Cụ (chúng tôi thấy Cụ ghi bằng chữ Hán), Cụ đặt quản bút xuống chậm rãi nói:
- Tôi nhờ ngài thanh minh với tất cả những anh em trong giới kỹ thuật chuyên môn rằng: Nước Việt Nam không phải của Việt Minh. Nước Việt Nam là của quốc dân Việt Nam . Chính phủ lâm thời hiện thời này không phải là Việt Minh là của toàn thể quốc dân.
Cụ dừng lại giơ tay phải lên như muốn xua đuổi một điều ngộ nhận của nhiều người đối với Chính phủ, và nói tiếp:
- Đấy ngài xem… Trong Chính phủ lâm thời có cả vua, quan lại cũng có, địa chủ cũng có, nông dân cũng có, công nhân cũng có. Đây là một Chính phủ Liên hiệp quốc gia, không có màu sắc quốc gia nào lấn át cả. Lúc này bất cứ người nào miễn là có tài và đừng phản cách mạng thì có thể phụng sự được quốc gia, toàn quốc. Trong lúc chung quanh mình bao nhiêu người đói khát, mình có thừa thóc gạo, phải đem mà giúp ích cho đồng bào. Nếu có thể mà lúc này không đem tài năng ra phụng sự quốc dân thì không những quốc dân có quyền chê trách mà ngay đến chính anh có tài đó cũng phải chê trách. Chừng như có một ý kiến gì mạnh mẽ mới nảy ra trong óc Cụ, mắt Cụ bỗng trở nên hân hoan và nghiêm trọng. Đôi mắt Cụ như lắng sâu vào trào lưu tiến hóa của lịch sử. Và Cụ hỏi:
- Thật chưa bao giờ dân nước chúng ta có một sự đoàn kết rộng đến thế. Bổn phận chúng ta ngày nay - bổn phận của các ngài là làm sao cho sự đoàn kết rộng ra, càng ngày càng sâu xuống, phải củng cố sự đoàn kết ấy cho nó bắt rễ xuống, cho nó bền chặt mãi.
Cụ dừng lại, cảm động, gian phòng im lặng.
Sợ mất thêm nhiều thì giờ của Cụ, anh Trương Tửu liền tường trình đại cương công việc của đoàn văn hóa Bắc Bộ Việt Nam đang tiến hành:
1. Tổ chức cuộc trưng bày văn hóa.
2. Dự thảo một chương trình của tuần lễ văn hóa.
3. Vận động đại hội nghị toàn quốc văn hóa.
Nghe nói tiếng "toàn quốc", Cụ Hồ gật đầu:
Đại hội nghị toàn quốc văn hóa… phải, phải làm thế mới được. Từ trước đến giờ, chính sách thực dân Pháp đã chia rẽ chúng ta nhiều lắm rồi. Tôi mong rằng các ngài cố gắng làm được như thế, tổ chức mau chóng cuộc đại hội nghị văn hóa toàn quốc, gây được mối liên lạc mật thiết của quốc dân và văn hóa. Chính phủ sẽ giúp đỡ các ngài những phương tiện để thực hành công việc đó.
Công việc đã kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Ông Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ mở cửa phòng bước vào, rút đồng hồ ở túi ra ghé tai Cụ Hồ báo cáo việc gì đó… Chúng tôi đoán rằng Cụ sắp phải tiếp đoàn đại biểu của giới khác, vội đứng dậy. Anh Trương Tửu thay mặt anh em trong đoàn văn hóa cảm ơn Cụ một lần nữa. Cụ cũng đứng dậy, nhờ chúng tôi chuyển lời chào của Cụ đến tất cả anh em trong đoàn văn hóa, và ngỏ ý mong anh em đoàn kết chặt chẽ với quốc dân để cùng tranh đấu cho sự giải phóng dân tộc.
Sau khi bắt tay Cụ Hồ Chủ tịch, chúng tôi lui về, trong lòng chan chứa cảm tình thành thực và tín nhiệm đối với Cụ Chủ tịch Chính phủ lâm thời.
Đến ngày 24/11/1946, Đại hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội với sự góp mặt của các đại biểu từ Bắc chí Nam . Đại hội dự kiến họp trong 7 ngày nhưng vì thực dân Pháp ngày càng lộ bộ mặt gây hấn, ngày kháng chiến toàn quốc đã gần kíp, Đại hội chỉ họp trong 1 ngày. Báo Cứu quốc thời đó đưa tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và phát biểu ý kiến trong vòng 40 phút. Nhưng hiện nay, theo nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy bài phát biểu đó của Người