Cuộc sống quanh ta

Đuổi bắt cầu vồng [1]

Tôi nhớ một câu chuyện như thế này. Một hôm, tôi đi từ trường về nhà – trường cách nhà tôi khoảng một dặm – thì tôi thấy một cây bồ đề mọc khoảng giữa đường đi. Bình thường tôi đi qua cây bồ đề ít nhất bốn lần trong ngày: một lần đi đến trường, một lần về nhà ăn trưa, một lần đi học chiều và một lần trở về nhà.

Tôi đi qua cái cây ấy cả nghìn lần, nhưng chỉ có một lần tôi thực sự thấy nó. Hôm ấy trời rất nóng. Khi đến gần cây bồ đề, tôi toát cả mồ hôi. Tôi đứng dưới tán cây và cảm giác mát lạnh đến nỗi không muốn bước đi nữa mà không hiểu tại sao. Chỉ đơn giản là đứng cạnh một bóng cây to, ngồi xuống và cảm nhận về cái cây kỳ lạ ấy. Tôi không thể giải thích điều gì đã xảy ra nhưng thực sự tôi cảm thấy hạnh phúc quá đỗi như thể có một điều bí ẩn vừa được hé mở giữa lòng tôi và cái cây kia. Bóng mát của nó chẳng phải là nguyên nhân vì đâu phải chỉ có một lần tôi bị toát mồ hôi và đi dưới những tán cây xanh râm mát. Dường như trước đây cũng có lần tôi dừng lại như thế, nhưng chưa bao giờ tôi chạm vào gốc cây và ngồi đó như thể gặp lại một người bạn cũ.

Khoảnh khắc đó vẫn đọng mãi trong tôi như tia sáng của một vì sao. Đời người có bao nhiêu chuyện xảy ra, vậy mà tôi chưa từng gặp một sự kiện nhỏ nào nhưng lại sống lâu trong lòng tôi đến thế. Bất kể lúc nào quay lại, tôi cũng thấy cây bồ đề năm xưa. Hôm đó tôi thực sự không hiểu; bây giờ tôi cũng không rõ nhưng tôi biết chắc chắn có một cái gì đó đã xảy ra. Từ bấy đến giờ, tôi xem cây bồ đề xa lạ ấy như một người thân yêu của mình và gắn bó với nó hơn hết thảy điều gì khác. Lệ thường, khi đi qua cây bồ đề, thể nào tôi cũng ngồi xuống dưới gốc cây ít phút chỉ để cảm nhận về cây. Dường như một sợi dây nào đó đã nối kết chúng tôi.
Một ngày kia, tôi rời trường và chuyển đến một thành phố khác để vào đại học, tôi từ giã bố mẹ, chú bác và cả gia đình mình mà không rơi nước mắt. Tôi không phải là người dễ khóc. Thế nhưng phải xa rời cội bồ đề, tôi đã khóc. Nó còn lại trong tôi như một tia sáng nhỏ nhoi. Khi tôi khóc, tôi có cảm giác cây cũng khóc với mình mặc dù tôi không thể thấy được giọt nước mắt chảy từ đôi mắt của cây. Tôi cảm giác được nỗi buồn khi tay chạm vào cây, và tôi như nghe được lời chúc phúc tạm biệt. Đó là lần gặp cuối cùng, vì khi tôi quay trở lại vào năm sau, cây bồ đề đã bị đốn ngã và chuyển đi vì một lý do ngớ ngẩn.
Chẳng là người ta muốn xây một tượng đài nhỏ để biến khu vực này thành một điểm đẹp nhất giữa thành phố. Tượng đài xây lên để tưởng niệm một gã ngốc nghếch giàu có nào đó đã thắng cử và trở thành chủ tịch ủy ban thành phố. Ông ta 35 tuổi, cái tuổi đúng quy định để được làm chủ tịch ở cái thành phố này. Mọi người rất vui mừng khi có vị chủ tịch mới bởi với một người ngốc nghếch đến mức như thế, bạn có thể làm đủ mọi chuyện mà không hề bị can thiệp chút nào. Bạn có thể xây nhà ở giữa đường phố, ông ta cũng chẳng có ý kiến, chỉ cần bạn bầu cho ông ta lên chức chủ tịch. Vậy nên cả thành phố hết sức sung sướng vì hết thảy đều được tự do. Các thành viên trong ủy ban đều hân hoan khi ông ta được làm chủ tịch. Mọi người đều muốn ông cứ mãi mãi làm vị chủ tịch đáng kính của ủy ban thành phố. May thay, ngài chủ tịch ngốc nghếch lại qua đời. Nhưng tiếc thay, cũng vì thế mà người ta lại chọn đúng nơi có cây bồ đề để xây dựng đài tưởng niệm ông. Thế là cây bồ đề bị đốn ngã. Những tảng đá cẩm thạch đã thay cho một cái cây tỏa bóng xum xuê.
Theo đuổi hạnh phúc là điều không thể. Nếu nhìn vào kinh nghiệm của mình và tìm lấy một phút giây hạnh phúc – có vẻ như rất hiếm hoi – thì chắc rằng bạn chỉ thật sự hạnh phúc vào đôi ba lần nào đấy trong cuộc đời. Kể cả khi niềm hạnh phúc ngắn ngủi xuất hiện thì cũng không có ngoại lệ: rằng hạnh phúc đến khi bạn không tìm kiếm nó.
Cố tìm kiếm hạnh phúc chỉ khiến cho bạn càng thêm tiếc nuối.
Tôi không đồng ý với Đức Jesus ở nhiều điểm. Phải chăng tôi là người không tốt? Ngài dạy rằng: “Tìm thì sẽ thấy. Hỏi sẽ được trả lời. Gõ cửa, cửa sẽ mở”. Tôi không nghĩ thế.
Những người biên soạn Hiến pháp Mỹ hẳn là đã chịu ảnh hưởng quan điểm này của Chúa Jesus – tất nhiên, vì họ là tín đồ của Chúa. Khi viết “mưu cầu hạnh phúc”, dù là ý thức hay vô thức, họ đã nhớ đến thông điệp của Chúa: “Tìm sẽ gặp”. Nhưng tôi nói: “Nếu tìm, bạn sẽ không bao giờ gặp”. Đừng tìm, nó vẫn còn ở đó.
Chừng nào dừng việc tìm kiếm hạnh phúc lại, khi ấy bạn mới có hạnh phúc – bởi lẽ tìm kiếm đồng nghĩa với sự căng thẳng, còn không thiết tha mưu cầu đồng nghĩa với sự nghỉ ngơi. Hạnh phúc chỉ thực sự đến khi nào bạn được nghỉ ngơi.
Một người cứ mãi đòi hỏi kiếm tìm làm sao có thể được thảnh thơi! Anh ta đâu có cố nghỉ ngơi. Bạn sẽ ngạc nhiên nếu nhìn kỹ cuộc sống quanh bạn: chính những người nghèo khó lại dễ hài lòng với cuộc sống hơn. Người dân Ethiopia chết đói mà không chút cay đắng hay oán hận. Phần lớn những người luôn bất an đau khổ lại là những người Mỹ. Thật kỳ lạ. Ở nước Mỹ, mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người. Nó chẳng có liên quan đến bất kỳ hiến pháp nào trên thế giới.
Theo đuổi hạnh phúc là một sự rồ dại vì chẳng bao giờ người ta có thể thành công. Càng cố gắng, càng giãy giụa người ta càng bất hạnh và đau khổ.
Hạnh phúc là cái đang diễn ra. Bạn không quản lý nó, không tạo ra nó, không sắp xếp nó. Hạnh phúc nằm ngoài những nỗ lực của bạn. Ngay khi đào một cái hố trong vườn, nếu bạn hoàn toàn bị thu hút vào việc ấy – bạn tập trung đến độ bỏ quên cả thế giới xung quanh và cả bản thân bạn – thì chính khi đó, hạnh phúc hiện diện.
Hạnh phúc luôn đi cùng chúng ta. Nó không phải là chuyện thời tiết, chuyện đốn gỗ hay đào hố trong vườn. Làm một cái gì đó không phải là hạnh phúc. Đừng trông đợi, hãy nghỉ ngơi, thưởng thức sự tồn tại của mình, bạn sẽ thấy hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy không đến không đi. Nó luôn ở đó, như hơi thở lưu thông, như mạch máu tuần hoàn trong cơ thể bạn.
Nếu cứ khăng khăng đi tìm hạnh phúc, bạn sẽ đánh mất nó. Nỗi bất hạnh là người bạn đồng hành của sự đeo bám. Càng đeo đuổi một mục tiêu nào đó, bạn càng dễ rơi vào nỗi bất hạnh. Con người đã chạy theo tiền bạc, quyền lực và tôn giáo một cách liều lĩnh. Họ đi khắp thế giới để tìm cho được ai đó dạy cho họ thế nào là hạnh phúc.
Điều quan trọng nhất là hãy trở về và quên mọi thứ đi. Nếu thích vẽ, bạn không cần phải đi học vẽ; hãy tưới màu sắc lên bức vải trước mặt. Đứa trẻ nào cũng có thể làm được điều đó. Hãy tô màu lên bức vải, có thể bạn sẽ ngạc nhiên: Ồ, mình có phải là họa sĩ đâu, vậy mà có một cái gì đẹp đẽ đang hiện ra trước mắt. Màu sắc hòa trộn vào nhau theo một cách nào đó đã tạo ra một sản phẩm không thể gọi tên.
Những tác phẩm hội họa hiện đại thường không có tên; thậm chí nhiều bức tranh còn không có cả khung nữa (bởi lẽ cuộc sống rộng lớn làm gì có kích cỡ). Hãy nhìn qua cửa sổ, bạn sẽ thấy bầu trời dường như bị đóng khung, nhưng bầu trời mênh mông kia sao có thể đóng khung được. Người họa sĩ thậm chí không cần vẽ lên bức vải mà vật liệu của anh ta là vô số thứ: bức tường, nền nhà, trần nhà. Đó là những bức tranh kỳ lạ, song từ đó tôi có thể nhìn được bên trong tâm hồn người nghệ sĩ. Họ không quan tâm đến việc làm ra một bức tranh; họ chỉ quan tâm đến hành động vẽ tranh. Nó đâu phải để bán. Người ta không thể mua cái trần nhà. Trong khi người họa sĩ chú tâm từng nét vẽ, một cái gì đó đã âm thầm đi vào sự sống của họ, khiến họ hứng thú cao độ mà không có lý do nào cụ thể.
Bạn đã hiểu vì sao tôi lại không thích ý tưởng theo đuổi hạnh phúc rồi chứ. Người nào đã đề xuất cái ý tưởng “mưu cầu hạnh phúc” cho nhân loại, người ấy đích thực là một kẻ đau khổ. Anh ta không bao giờ biết đến hạnh phúc. Anh ta chỉ theo đuổi nó và khuyến khích người khác giống như mình. Bao nhiêu lâu rồi, con người cứ thế tin rằng quyền cơ bản của mình là mưu cầu hạnh phúc không chút nghi ngờ.
Nijinsky*, một trong những nghệ sĩ múa lừng danh nhất thế giới, một “người-múa” vĩ đại mà tạo hóa đã sinh ra. Khi múa Nijinsky là một vị thần. Ông từng có những động tác nhảy tuyệt diệu như trong huyền thoại, đến nỗi người ta có cảm giác ông thoát khỏi sức hút của trái đất. Những vận động viên tham gia thi nhảy xa trong kỳ thế vận hội không thể so sánh với Nijinsky. Nhưng điều thần kỳ hơn nữa là cách ông rơi xuống mặt đất: như một chiếc lá – chậm rãi, nhẹ nhàng. Dường như chẳng có quy luật khoa học nào của vũ trụ có thể ảnh hưởng đến những bước nhảy của người nghệ sĩ huyền thoại đó. Cách chạm đất của Nijinsky bình dị, không vội vã, bởi chẳng có gì để ông cố bám lấy cả. Một chiếc lá rơi khỏi cành còn nhanh hơn bước chân của Nijinsky. Ông rơi như một chiếc lông chim, không một tiếng động.
Người ta hỏi đi hỏi lại: Sao ông có thể làm được như thế?
Nijinsky trả lời: tôi có làm gì đâu. Nếu gắng gượng làm, tôi chẳng bao giờ thành công. Càng cố gắng bao nhiêu, tôi càng thất bại bấy nhiêu. Tôi nghiệm ra một điều: điều kỳ lạ chỉ xảy ra khi tôi không cố gắng, không nghĩ nhiều về nó. Khi tôi “vắng mặt” thì điều kỳ lạ đến. Còn khi tôi bắt đầu suy nghĩ tại sao nó diễn ra thì ngay lập tức điều kỳ diệu không còn nữa; tất cả đã ra đi, và tôi trở lại mặt đất.
Giờ đây, Nijinsky đã biết rõ hạnh phúc là cái không thể theo đuổi. Nếu cần phải chia sẻ với nhân loại, hẳn người nghệ sĩ hiền minh ấy sẽ viết rằng: “chính sự theo đuổi mới là cội nguồn đau khổ”. Hoặc đơn giản hơn, “hạnh phúc là quyền cơ bản của con người” chứ không phải “sự mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người”. Sống hạnh phúc không giống như cuộc săn tìm của một gã thợ săn. Chúng ta thường kiếm tìm những chiếc bóng và chẳng bao giờ đến được bất kỳ nơi đâu. Và toàn bộ cuộc đời chúng ta bị bỏ phí.
Dù sống ở môi trường nào – chính trị, thương mại hay tôn giáo – con người đều liên tục đuổi theo những chiếc bóng nào đó. Họ tất bật, vội vã. Không ai hỏi họ đi đâu, vì cũng không ai rõ được. Chỉ một điều chắc chắn là họ phải xoay như chong chóng để tồn tại, để làm chủ một mục tiêu nào đó. Họ làm như thế vì họ cho rằng đó là quyền cơ bản của mình.
Vậy đó, người ta đi từ người phụ nữ này đến người phụ nữ khác, rồi một đến một phụ nữ khác nữa; hay đi từ người đàn ông này đến người đàn ông khác, lại đến người đàn ông khác nữa, hết phi vụ này đến phi vụ khác – tất cả chỉ nhắm đến mục đích hạnh phúc. Kỳ lạ thay, có vẻ như hạnh phúc luôn ở một nơi nào đó và con người cần phải chạy đến thưởng thức nó. Nhưng ta càng cố gắng thì hạnh phúc càng lùi xa.
Cỏ ở đồi bên kia luôn xanh hơn; bạn đừng nhảy sang ngọn đồi đó chỉ để xem có thật sự như vậy không. Hãy thưởng thức! Nếu cỏ bên kia xanh hơn, hãy ngắm nó đi. Tại sao lại hủy diệt mọi thứ bằng cách nhảy sang một ngọn đồi khác và nhận ra rằng cỏ ở đấy chẳng hề xanh hơn ngọn đồi của bạn tí nào.
 
Con người cứ mãi đeo đuổi những ảo tưởng xa vời như thể nó sẽ bù đắp cho họ những gì đã mất.
Cuộc đuổi bắt ấy chẳng giải quyết được gì. Bạn có thể sống trong một tòa nhà tráng lệ mà vẫn khổ đau hơn cả khi bạn trú ngụ trong một túp lều tồi tàn. Nếu bạn cảm thấy đau khổ khi sống trong một túp lều rách rưới cũ kỹ thì ai cũng có thể cảm thông. Họ sẵn sàng lắng nghe bạn than phiền, kể lể. Mọi người đều hy vọng bạn sẽ tìm được một nơi trú ngụ tốt hơn, nếu không phải là một tòa nhà sang trọng thì cũng là một ngôi nhà nhỏ bé, đẹp đẽ. Niềm hy vọng ấy sẽ giữ cho bạn sống, thúc đẩy bạn cố gắng hết ngày này sang ngày khác. Nhưng có một cái gì đó không thể tựu thành, một thứ mà nó chỉ xảy ra khi bạn hoàn tất mọi điều. Đơn giản là bạn cứ ngồi xuống và nói: “Thế là đủ. Tôi sẽ không cố gắng nữa”.
 
Điều này đã xảy ra với Đức Thích Ca trong giây phút giác ngộ viên mãn.
Chính Ngài cũng đã theo đuổi mục đích của mình mà bỏ cả ngai vàng. Ngài là người khai sáng nhiều thứ, cũng là người đầu tiên buông bỏ nhiều thứ. Muốn rời bỏ một điều gì đó, trước hết bạn phải sở hữu nó. Đức Phật đã có và có nhiều hơn bất kỳ con người nào trên thế gian này. Ngài được nhiều cung nữ xinh đẹp vây quanh, ngày ngày được hưởng sơn hào hải vị, sống giữa hàng trăm nô lệ và ngự giữa những vườn thượng uyển lộng lẫy.
Đức Phật nói: “Ta đã từ bỏ tất cả. Ta không tìm kiếm hạnh phúc nào ở thế gian. Ta sẽ tìm kiếm nó, theo đuổi nó, làm mọi thứ để có thể tìm thấy hạnh phúc thực sự”.
Trong sáu năm, Ngài đã làm những gì mà bất cứ ai cũng có thể làm. Ngài đi gặp những bậc thầy, những bậc đại sư, nhà thông thái, nhà hiền triết, những vị thánh. Đất nước Ấn Độ có thừa những bậc đạo cao đức trọng đó, đến nỗi bạn không cần phải đi tìm họ. Chỉ cần ra ngõ, bạn đã có thể gặp được họ. Họ ở khắp mọi nơi, nếu bạn không thấy họ, họ sẽ tìm bạn. Thời của Đức Phật là như vậy. Thế nhưng, sau sáu năm ròng tu tập – khổ hạnh, ăn kiêng, luyện tập yoga – Ngài vẫn không tìm được hạnh phúc. Và chuyện xảy ra vào một ngày kia…
Suốt quãng thời gian tu hành, Đức Phật đang ăn kiêng, tu khổ hạnh và ép xác mỗi ngày, Ngài trở nên yếu ớt đến nỗi không thể xuống dòng sông nhỏ Niranjana để tắm. Nếu không vịn vào một gốc cây bên bờ sông, Ngài có thể bị trượt chân trôi theo dòng nước. Trong khi đang bám vào gốc cây, Ngài bỗng lóe lên một suy nghĩ: “Các hiền triết cho rằng tồn tại cũng giống như một đại dương. Nếu sự sống là đại dương, thì bất kỳ điều gì ta đã làm đều không đúng, bởi nếu ta không thể băng qua được con sông Niranjana bé nhỏ này thì làm sao có thể băng qua đại dương sự sống? Những gì ta đã làm là lãng phí thời gian, năng lượng và thể xác”. Cuối cùng, Ngài quyết định quay trở lại bờ, quyết định vứt bỏ mọi nỗ lực và ngồi xuống dưới một gốc cây.
Buổi tối hôm đó, dưới ánh trăng lồng lộng mênh mang, lần đầu tiên trong sáu năm trời, Ngài được ngủ một giấc ngon lành, không phải lo âu mình sẽ đi đâu, làm gì vào sáng mai. Không tu luyện, không khổ hạnh, không cần phải dậy sớm trước khi mặt trời mọc. Đó là lần đầu tiên Ngài hoàn toàn tự do, thoát khỏi mọi cố gắng, tìm kiếm, theo đuổi. Ngài đã ngủ một giấc ngủ khác thường, và một buổi sáng khi mở mắt ra, ngôi sao cuối cùng đã tắt. Người ta cho rằng ngôi sao cuối cùng biến mất đồng nghĩa với sự biến mất của con người Tất Đạt Đa trước đó. Giờ đây Ngài đã thực sự sống trong sự an lạc, không còn lo lắng đến tương lai, không còn theo đuổi điều gì, không cố gắng làm một điều gì nữa… Nằm xuống, không vội vã thức sớm, Ngài nhận ra rằng sáu năm qua giống như một cơn ác mộng. Nhưng tất cả đã qua đi. Ngôi sao đã biến mất, và thái tử Tất Đạt Đa cũng không còn hiện diện như một con người trần tục.
Người ta gọi đó là kinh nghiệm an lạc, kinh nghiệm về sự thật cuối cùng mà chúng ta cứ mãi tìm kiếm và bỏ lỡ nó bao nhiêu lần. Nhiều Phật tử đã không thể hiểu nổi ý nghĩa của câu chuyện này. Đó là biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời Đức Phật mà không gì có thể so sánh được.
Nhưng có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên lắm… Tôi không phải là Phật tử, và tôi bất đồng với Ngài về cả nghìn việc. Song, tôi là người đầu tiên trong hai mươi lăm thế kỷ nhấn mạnh câu chuyện này và đưa nó thành vấn đề cốt yếu, bởi lẽ đó chính là giây phút thức tỉnh sâu sắc của Ngài. Nhiều Phật tử và tu sĩ Phật giáo không thể kể lại câu chuyện này, bởi vì nếu kể lại thì biết bao công sức khổ luyện của họ có ý nghĩa gì? Họ đang cố đạt tới điều gì? Họ đang rao giảng điều gì, thực hành và cầu nguyện cái gì? Nếu bạn kể lại câu chuyện rằng Đức Phật đã chấm dứt mọi nỗ lực tìm kiếm những giáo điều vô nghĩa thì người nghe sẽ hỏi bạn: Vậy, ông đang rao giảng cho tôi thực hành một thứ vô nghĩa hay sao? Và chúng ta sẽ phải chấm dứt việc rao giảng đó trong nay mai hay sao? Nếu cuối cùng chúng ta vẫn phải dừng lại thì tại sao lại bắt đầu nó làm gì?
Đối với các tu sĩ, điều này thật khó trả lời; đặt câu hỏi như thế là hủy diệt toàn bộ sự nghiệp và công lao tu tập suốt một đời của họ.
Sự thật và niềm an lạc của con người cũng giống như thế. Bạn chỉ cần ngồi xuống, không làm gì cả, chờ đợi – không phải chờ đợi Godot, mà chỉ đơn giản là chờ đợi, không phải vì một cái gì đặc biệt mà chỉ đơn giản là chờ đợi, ở tư thế chờ đợi, và điều gì đến sẽ đến. Hạnh phúc cuối cùng sẽ đến.
                                                                              Lê Thị Thanh Tâm dịch



[1] . Từ sách: Hạnh phúc tại tâm, Osho. Ts. Lê Thị Thanh Tâm và Dương Ngọc Hân dịch, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2011.
* Vaslav Nijinsky (1890 – 1950): Nghệ sĩ múa ba lê huyền thoại người Nga gốc Ba Lan. Tên tuổi của ông sống mãi cũng những vở ballet lừng danh như Cleopatra, Người đẹp say ngủ…

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513077

Hôm nay

2178

Hôm qua

2436

Tuần này

21014

Tháng này

219950

Tháng qua

121356

Tất cả

114513077