Cuộc sống quanh ta

Bản lĩnh văn hoá Hồ Chí Minh với đội ngũ cán bộ lãnh đạo - quản lý hiện nay

1. Nhận ra chính mình là khó nhất

Phải có bản lĩnh mới nhận ra chính mình, đúng mình.

Điều này tưởng dễ nhưng thể hiện nó trong cuộc sống hằng ngày thì rất khó. Mà nếu không nhận ra chính mình thì cũng không thể hiểu đúng người khác. Không nhận ra mình, không làm cho người khác hiểu mình, và không hiểu được người khác là lãnh đao-quản lý không có văn hóa. Đó là một cách tiếp cận văn hóa thông minh và khoa học.

Là lãnh tụ tối cao của Đảng và dân tộc, đứng ở đỉnh cao quyền lực 24 năm liên tục, nhưng Hồ Chí Minh luôn nhận ra chính mình, coi mình là người của nhân dân. Người thường nói với các đồng sự “không có nhân dân thì không có Bác”. Người tự nhận mình là công bộc của dân và thực tế cả cuộc đời Người chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Những khi Người phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo, đều vì mục đích đó. Người xác định chức vụ Chủ tịch nước mà Người đảm trách là do nhân dân ủy thác và vì vậy Người phải gắng sức làm như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận. Dám công khai chức vụ của mình là do dân ủy thác là bản lĩnh. Nhưng bản lĩnh hơn là vui lòng rời khỏi chức vụ đó khi nhân dân không tín nhiệm nữa để về với cuộc sống điền viên, dân giã, câu cá trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi. Chúng ta hiện nay có được cán bộ nào như thế?
Người tự coi mình là một trong những đồng chí già, và có những việc không làm được, rất cần những cán bộ trẻ để làm. Đã già thì theo quy luật, rồi chết. Hoặc là khi tiến lên máy móc, nếu không biết kỹ thuật, có lãnh đạo được không? “Nếu không biết, phải mời anh ra, cho người khác giỏi hơn vào làm... chớ không phải như ngày xưa: “sống lâu lên lão làngKhi viết thư gửi các đồng chí tỉnh nhà sau ngày nước nhà độc lập, Hồ Chí Minh nói rõ “không dùng danh nghĩa Chủ tịch của Chính phủ, chỉ lấy danh nghĩa của một đồng chí già mà viết để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm với các đồng chí”. Trong Thư gửi các phụ lão, Người viết “đây tôi lấy danh nghĩa là một người già mà nói chuyện với các cụ”. Gửi thiếu nhi Việt Nam đêm Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người mở đầu “đây là Hồ Chí Minh nói chuyện với các em”. Người xưng hô cháu với cụ Phụng Lục, một phụ lão cứu quốc ở huyện Ứng Hòa, Hà Đông. Trao đổi với phóng viên báo Granma (Cuba) Người nói: “Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”. Nói chuyện với cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm ở Nghệ An, Hồ Chí Minh trao đổi một cách thẳng thắn: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ, kể cả ở Liên Xô, Trung Quốc, thì chúng mình dốt lắm. Tôi cũng dốt lắm”[1]. [2].
Một nét nổi bật trong bản lĩnh văn hóa Hồ Chí Minh là tự phê bình. Chỉ mấy tháng sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bài Tự phê bình, Hồ Chí Minh viết một cách rất thật lòng. Người xác định phận sự của Người như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ hạnh phúc của nhân dân. Người đánh giá rất cao cố gắng của đồng bào, trước hoàn cảnh khó khăn đó, người giúp sức, kẻ giúp tiền. “Còn tôi thì lo lắng đêm ngày để làm tròn nhiệm vụ của mình, sao cho khỏi phụ lòng đồng bào toàn quốc. Chỉ vì tôi tài hèn đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào”[3]. Thật ra lúc đó, Chính phủ do Người đứng đầu đã làm được rất nhiều việc. Đó là xây dựng nền độc lập của nước nhà; lãnh đạo cuộc kháng chiến miền Nam; ra sức kêu gọi tăng gia sản xuất và tìm mọi cách cứu nạn đói ở miền Bắc; tổ chức cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên ở nước ta, chuẩn bị thành lập Quốc hội. Nhân dân biết và ghi nhận những điều đó nhưng quan trọng hơn là nhân dân thấy rõ sự chân thành của người đứng đầu Chính phủ thật sự muốn đáp ứng khát vọng của lòng dân, vì hạnh phúc của dân. Người đứng đầu Chính phủ dám nhận mình là “tài hèn đức mọn” trong khi đã làm được bao nhiêu điều thể hiện tài cao đức rộng thì đúng là một thái độ “vô tiền khoáng hậu”. Người thẳng thắn chỉ ra “cái tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch; nhiều nơi chính trị vẫn chưa vào lề lối”. Chỉ ra ưu, khuyết điểm, Người kết luận: “Tôi phải nói thật: những sự thành công là nhờ đống bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi”.
Những trình bày trên không chỉ là thái độ khiêm nhường, một trong những nét nổi bật của phong cách ứng xử văn hóa Hồ Chí Minh mà điều đó thể hiện bản lĩnh văn hóa, phẩm chất văn hóa theo tinh thần văn hóa Lão Tử: Thánh nhân cao hơn thiên hạ vì biết đứng sau thiên hạ.
Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta không thấy một cán bộ lãnh đạo-quản lý nào nhận ra được chính mình theo thái độ, tấm gương Hồ Chí Minh. Chúng ta đang thiếu phẩm chất và bản lĩnh văn hóa Hồ Chí Minh. Không ít cán bộ lãnh đạo-quản lý đang tự huyễn hoặc mình khi có một một chút quyền lực. Họ tưởng rằng cứ ngồi ở ghế lãnh đạo-quản lý thì đương nhiên có lòng cao thượng, có văn hóa. Họ quên mất lời dạy của Bác, rằng “ai giữ được đạo đức thì người đó có lòng cao thượng”. Trớ trêu hơn là không ít người có quyền nhưng đó là chức vụ qua mưu mẹo, thủ đoạn, bằng công nghệ nịnh hót, mua chức, chạy quyền chứ không phải do cán bộ công chức, nhân dân tín nhiệm, không phải do thật sự có đức có tài. Nhưng khi có chức vụ rồi thì lại “lên mặt làm quan cách mạng” như Bác đã chỉ ra. Họ không nhận ra được hay cố tình không nhận ra điểm xuất phát “thường thường bậc trung” của mình, và đi lên từ đâu. Rõ ràng đó là những người tài hèn đức mọn. Nghịch lý đời thường là những kẻ dốt nát lại hay cao ngạo, thích lộng ngôn, lộng hành và say mê quyền lực, những người tài giỏi lại rất khiêm nhường, không thích dùng quyền lực.
Nhiều cán bộ khi có chút chức quyền thì hay thao thao bất tuyệt, nói “hết giờ này qua giờ khác, nhưng điều nhân dân, cán bộ nhân viên cần lại không nói đến”. Đáng phê phán hơn là cách nói vô thưởng vô phạt đang rất phổ biến hiện nay. Những cụm từ như “về cơ bản”, “nhìn chung là”, “một bộ phận không nhỏ”, “chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng một số cán bộ chưa thật sự quán triệt”; v.v.. Rõ ràng là chẳng có một chút thẳng thắn, thật sự, thật thà nào trong các cụm từ nói trên. Trong trường hợp người lãnh đạo nhắc tới khuyết điểm của đơn vị thì bộc lộ kiểu tư duy trong cụm từ “chúng ta” không có mặt người đứng đầu.
Bác Hồ đã dạy “Đảng ta là một Đảng chân chính, cách mạng, là đạo đức, là văn minh”. Ngoài vấn đề bản chất của Đảng phải thể hiện điều đó thì mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện sự văn minh của mình. Văn minh của người cán bộ lãnh đạo-quản lý hoàn toàn xa lạ với cách ứng xử không bao giờ dám nhận khuyết điểm một cách thật lòng về mình; hoặc nhận khuyết điểm một cách chung chung theo kiểu “những khuyết điểm đó lãnh đạo chúng tôi xin nhận trách nhiệm”; “lãnh đạo chúng tôi đã kiểm điểm nghiêm khắc và xin rút kinh nghiệm”.... Cách ứng xử đó là một trò đùa xem khinh dư luận, xem khinh quần chúng, xem thường cán bộ nhân viên cấp dưới. Tại sao trong nhiều trường hợp như nhận thành tích của đơn vị, nhận các hình thức khen thưởng, “cái tôi” lớn thế nhưng khi nói tới khuyết điểm, sai lầm thì lại chẳng thấy “cái tôi” đâu? Tại sao cán bộ lãnh đạo-quản lý hôm nay không soi vào tấm gương Hồ Chí Minh để thấy rằng Người không nhận phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng vì Người cho rằng thành tích là do nhân dân làm nên, còn Người tự cho mình chưa xứng đáng nhận các phần thường cao quý đó, bởi nhiệm vụ nhân dân giao cho chưa hoàn thành. Khi qua đời, trên ngực Người không có một tấm huân chương nào. Mỗi khi nhận phần thưởng cao quý, chúng ta có cầm thấy xấu hổ với Bác Hồ?
Trong khi đánh giá thành tích của đơn vị cũng vậy, chúng ta đang xa rời cách ứng xử của Bác Hồ. Với Hồ Chí Minh, bao giờ Người cũng nhấn mạnh có được thành tích là nhờ đồng bào cố gắng, tức là nhờ sự đóng góp sức người, sức của, trí tuệ của nhân dân, của cán bộ công chức. Còn chúng ta hiện nay thường có cách nói về những kết quả đã đạt được là nhờ sự lãnh đạo của cấp ủy, sự cố gắng nhiệt tình, nhiều kinh nghiệm của các đồng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo. Tuy nhiên, cả về mặt lý luận và thực tiễn, thì như Bác Hồ đã chỉ ra “không có Đảng và Chính phủ thì nhân không ai dẫn đường; không có nhân dân thì Đảng và Chính phủ không đủ lực lượng”. Nhưng khi nói Người thường chỉ nhấn mạnh vế sau. Theo tinh thần Hồ Chí Minh thì chất lượng khoa học của tư duy này là ở chỗ phải xác định: Vì ai mà làm? Phụ trách trước ai?. Trong một nước thì Chính phủ và Đảng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước dân. Trong một đơn vị thì cán bộ lãnh đạo-quản lý vì cán bộ nhân viên mà làm và chịu trách nhiệm trước cán bộ công chức.
Chỉ thấy lãnh đạo-quản lý mà không thấy dân; chỉ thấy ưu điểm mà không thấy khuyết điểm, yếu kém; chỉ thích chức này, quyền nọ mà không chịu rèn đức luyện tài; chỉ thích lên mà không thích xuống; thiếu và xa rời tư duy về dân, về cán bộ công chức; không đi đúng đường lối quần chúng theo cách ứng xử của Hồ Chí Minh để chạy theo tư duy quyền lực là một sai lầm lớn, nhất định thất bại. Bài học vô giá mà Bác Hồ dạy chúng ta là gì? Đó là “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sữa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[4]. Bác nói về Đảng cũng là nói về Chính phủ, về mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo-quản lý. Điều này rất khó, nhưng khó dễ là tại mình. Chúng ta nói học và làm theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh thì không thể lãng tránh. Vì lãng tránh là thất bại.
2. “Phò chính, trừ tà”, đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ nhân tố tích cực
Bản “lĩnh phò chính trừ tà” gắn chặt với bản lĩnh nhận ra chính mình. Chỉ có nhận ra chính mình thì mới có thể phò được chính, trừ được tà, mới dám có tư duy khoa học và cách mạng trong xây và chống. Bởi vì, nếu mình không cần kiệm liêm chính mà bảo người khác làm thì vô lý. Tất nhiên như trên đã nói, hiện nay có tình trạng mình không chính mà vẫn dạy người khác chính, mình không liêm vẫn bảo người khác liêm theo tinh thần “tôi yêu cầu và mong rằng các đồng chí (trừ tôi ra) sẽ thực hiện tốt cần kiệm liêm chính theo tấm gương Hồ Chí Minh”. Đó là một trong những vấn nạn cần phải được loại bỏ ra khỏi đội ngũ cán bộ-lãnh đạo quản lý của chúng ta ngày hôm nay.
Lúc sinh thời, Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về “phò chính trừ tà”. Phải là người thật sự có trí tuệ, bản lĩnh và luôn nhận thức đúng mình trên cái nền, cái gốc vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân thì mới dám “phò chính trừ tà”. Có những vấn đề lớn nhiều người đã biết ở những mức độ khác nhau, bài viết này không có ý định đi sâu, nhưng cũng xin được điểm qua mấy nét nổi bật. Đó là bản lĩnh ra đi một mình, vượt đại dương để tìm đường cứu nước cứu dân. Kiên quyết chống thực dân phương Tây, nhưng Hồ Chí Minh lại không choáng ngợp trước văn minh phương Tây. Ngược lại, Người muốn khám phá, tìm hiểu và khai thác các giá trị của các nền văn minh đó để về giải phóng đồng bào. Nếu nói rằng Hồ Chí Minh có bản lĩnh sử dụng chủ nghĩa tư bản để chống chủ nghĩa thực dân- một kiểu trá hình của chủ nghĩa tư bản- trên đất nước mình thì cũng đúng. Nhưng thật sự khoa học thì lúc đó Hồ Chí Minh đã có nhãn quan sáng suốt, sự nhạy cảm chính trị tuyệt vời khi coi Tự do- Bình đẳng-Bác ái là giá trị chung của nhân loại. và Người muốn tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau các khái niệm đó, xem các nước tư bản làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào tôi. Một người kiên quyết chống thực dân phương Tây xâm lược lại chủ động tìm đến văn hóa phương Tây, hiện thân cho nền văn hóa đó, là một hiện tượng kỳ lạ không chỉ về bản lĩnh văn hóa mà cả bản lĩnh chính trị. Ở Hồ Chí Minh, bản lĩnh cách mạng và bản lĩnh văn hóa hòa quyện vào nhau.
Hồ Chí Minh là con người đề cao tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Trong mọi ứng xử văn hóa ngoại giao, Người luôn luôn lấy lợi ích dân tộc làm trọng. Đứng trước muôn vàn đối thủ, Hồ Chí Minh đều thể hiện bản lĩnh của nhà chính trị- văn hóa-ngoại giao lịch lãm và tự chủ, bình tĩnh và đĩnh đạc, chủ động và tỉnh táo để vượt qua mọi cạm bẫy, đẩy lùi mọi đòn tiến công hiểm độc và mọi thủ đoạn xảo trá của đối phương. Trong các mối quan hệ song phương, đa phương với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là các nước lớn, Người ứng xử theo phong cách Hồ Chí Minh “có lý có tình, hài hòa nhuần nhị”, không làm mất lòng bè bạn và vẫn nhận được sự ủng hộ to lớn của các nước trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược. Người là sứ giả và hiện thân cho nền văn hóa hòa bình.
Trước nay, khi bàn tới xây dựng đội ngũ cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thường chỉ nói tới đức tài một cách chung chung. Hồng chuyên là cần nhưng không thể thiếu phong cách lãnh đạo, bản lĩnh chính trị-văn hóa, nhất là khi công cuộc đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu. Hiện nay, hằng ngày chúng ta đang phải đối mặt với nhiều cái giả, cái ác, cái xấu, cái sai, cái cũ kỹ, lạc hậu, tiêu cực biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Bên cạnh đó cũng xuất hiện những điển hình tiên tiến, nhân tố tích cực, nhiều tiếng nói thẳng thắn, chân thành chống lại sức ỳ, bảo thủ, loại này thường không giữ chức vụ lãnh đạo-quản lý. Noi theo tấm gương Hồ Chí Minh, công cuộc đổi mới đang rất cần những cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo- quản lý, dám đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực, bảo vệ những nhân tố tích cực.
Vì quá say sưa với chức vụ, trong hệ thống quyền lực của chúng ta hầu như đang thiếu vắng những con người có bản lĩnh “phò chính trừ tà” như Hồ Chí Minh. Có chăng thì đó lại là “nhân dân”- những người không có chức quyền lãnh đạo-quản lý. Đáng lên án hơn, không ít cán bộ lãnh đạo-quản lý lại cổ súy, định hướng cho tư tưởng “dĩ hòa vi quý” theo tinh thần “giữ đoàn kết nội bộ”. Nhiều cán bộ lãnh đạo-quản lý xếp những cán bộ hay tìm tòi, phát hiện cái mới, phê phán (chứ chưa nói gì tới đấu tranh) tiêu cực, tư duy bảo thủ, trì trệ vào hàng những người khó hợp tác, không ủng hộ (nặng hơn là chống) lãnh đạo, gây mất đoàn kết (?!). Nếu Hồ Chí Minh dám tự phê bình, động viên và thực hành “phò chính trừ tà” là một hiện tượng hiếm thấy, kỳ lạ thì cũng thật kỳ lạ là trong bối cảnh hiện nay, nhiều cán bộ lãnh đạo-quản lý không có khí khái, không dám chống tiêu cực, không dám bảo vệ những nhân tố tích cực, a dua với với cái giả, cái xấu, cái sai, theo kiểu “thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi”, “theo gió bẻ buồm”. Người ta đang có cách ứng xử khá phổ biến, thiếu văn hóa theo kiểu “ngậm miệng giữ ghế’ tức là ngậm miệng ăn tiền. Người thì hành xử theo tư duy “ăn cây nào rào cây đấy”, kẻ thì nhân danh tổ chức, tập thể để lộng hành, đạt được mục đích cá nhân. Đây đó trong họp hành có những diễn văn, bài phát biểu, nếu suy ngẫm có trách nhiệm thì đó là tư duy cũ kỹ, lạc hậu trước đổi mới. Vẫn theo xu hướng bệnh thành tích, tụng ca nhau, kể lể những việc đã làm được. Có những đơn vị có những hoạt động “yếu kém bền vững” nhưng vẫn được coi là thành tích vì ổn định. Vì thích “ổn định trì trệ”, cán bộ lãnh đạo-quản lý không thích nói tới khuyết điểm, không thích bàn và thực hành dân chủ, không thích nghe những tiếng nói “trái chiều”, không thích có những ý kiến mới mang tính đột phá về tư duy. Cán bộ lãnh đạo-quản lý ở Việt Nam còn quá xa lạ với hai từ “trách nhiệm” và tệ quan liêu, trong lúc đó chính Hồ Chí Minh đã chỉ ra quan liêu đẻ ra tham ô, lãng phí, và muốn trừ sạch tham ô, lãng phí thì trước hết phải tẩy sạch bệnh quan liêu. Người ta ngại đụng chạm, thích “đóng cửa bảo nhau”, “chín bỏ làm mười”, “một sự nhịn chín điều lãnh”. Người ta cần lá phiếu (để cuối cùng là lợi ích) hơn là sự phát triển của đơn vị. Vì vậy, không ít những biểu hiện vuốt ve loại cán bộ vừa vừa, hạng ở giữa- mà theo Hồ Chí Minh thì loại cán bộ này bao giờ cũng nhiều hơn hết- mà không chú ý những nhân tố tích cực, những tiếng nói tâm huyết vì sự phát triển. Đây là loại cán bộ say sưa với chữ “nhẫn” theo kiểu nhẫn nhục chờ thời, vụ lợi, chứ không phải là “kiên trì và nhẫn nại”. Người ta sẵn sàng hy sinh tất cả để đổi lấy chút lợi ích vật chất tầm thường. Đó là loại cán bộ lãnh đạo-quản lý thiếu văn hóa, dưới văn hóa. Bản lĩnh Hồ Chí Minh là trọng dụng người hiền tài, muốn nghe nhiều loại ý kiến khác nhau, tạo bầu không khí dân chủ trong sinh hoạt. Cán bộ lãnh đạo hiện nay thì hầu như thích kẻ khéo ninh hót mình, ghét người chính trực, ghen ghét, đố kỵ, dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình (Bác Hồ gọi là “đạo vị”).
Công cuộc đổi mới của đất nước đang đi vào chiều sâu. Trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững, mọi vấn đề đang phát triển theo quy luật. Sau giải phóng miền Nam đến trước đổi mới, sự tồn tại của đất nước cơ bản là do sự áp đặt quyền lực, duy ý chí. Trong bối cảnh lúc đó, nhiều nhận thức ấu trĩ, nhiều sự bằng lòng, thỏa mãn ngây thơ vẫn còn có đất tồn tại. Sau 25 đổi mới, theo xu thế phát triển của thời đại, cuộc sống đang vận động theo quy luật, không có đất cho những kiểu tư duy cũ kỹ, lạc hậu. Những cán bộ lãnh đạo-quản lý thiếu bản lĩnh văn hóa vẫn có thể còn tồn tại một thời gian nữa, nhưng đó chính là nỗi đau cho dân tộc. Bởi vì, mỗi ngày còn tồn tại những loại cán bộ đó là tạo thêm một cản lực, làm chậm con đường phát triển của đất nước. Tất nhiên theo quy luật, họ sẽ phải rời khỏi vị trí. Dưới ánh sáng Đại hội XI của Đảng, sự thắng lợi của công cuộc đổi mới không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh loại bỏ tư duy cũ kỹ, lạc hậu, kém bản lĩnh trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo-quản lý./.
 

[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb, CTQG, H, 1996, t.10, tr.465.
[2] Hồ Chí Minh, Sdd, t.10, tr.469.
[3] Hồ Chí Minh, Sdd, t.4, tr.165.
[4] Hồ Chí Minh, Sdd, t.5, tr.261.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513074

Hôm nay

2175

Hôm qua

2436

Tuần này

21011

Tháng này

219947

Tháng qua

121356

Tất cả

114513074