Cuộc sống quanh ta

Tiếp biến nghịch trong văn hóa ứng xử

Con người dù sinh sống ở bất kỳ quốc   gia nào trên trái đất đều có những quy   tắc ứng xử với tự nhiên và xã hội. Nhiều quy tắc đã được kiểm nghiệm, sàng lọc khắc nghiệt qua hàng ngàn năm để trở thành những giá trị văn hóa của toàn nhân loại hoặc của một dân tộc. Khi nói tới giá trị văn hóa ứng xử là nói tới những quy tắc đã được chưng cất đạt đến độ chuẩn mực trong ứng xử xã hội.

Về quy luật, văn hóa thường tồn tại theo chiều tiếp biến. Nếu tiếp biến theo hướng phát triển thì đó là tiếp biến thuận và ngược lại là tiếp biến nghịch. Tiếp biến nghịch có thể diễn ra toàn bộ, có thể diễn ra cục bộ (một khía cạnh) và nhất thời (ở một thời điểm nhất định) trong một giá trị văn hóa. Tiếp biến nghịch được coi là bình thường khi sự tiếp biến đó có ý nghĩa như một hiện tượng phản biện tức thời cho phát triển, nhưng khi nó đã vượt qua hiện tượng để mang dấu hiệu phổ biến thì chắc chắn không còn là bình thường nữa và đó là những cảnh báo của suy thoái văn hóa.

Tiếp biến nghịch trong một số giá trị văn hóa diễn ra ở hầu khắp các nền văn hóa của các dân tộc. Khi thế giới chuyển động dữ dội về chính trị và cải biến sâu sắc về kinh tế - xã hội thì tiếp biến nghịch càng mạnh mẽ, hậu quả là nhiều nền văn hóa khổng lồ của các quốc gia Châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ), Châu Âu (La Mã, Hy Lạp, Pháp, Nga), Châu Phi (Ai Cập)… đã không còn đủ khả năng đề kháng để giữ được bản sắc trong một số giá trị. Có thể hiểu điều này qua một dẫn chứng tuy nhỏ nhưng rất tiêu biểu: Xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, ấm đun nước Samovar một thời đã trở thành văn hóa trà và là biểu tượng cho sự nồng ấm trong gia đình, Samovar gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Nga dịu dàng và lòng hiếu khách của người Nga đồng thời cũng là biểu tượng thịnh vượng của dân tộc Nga. Thế nhưng giờ đây Samovar đã không còn giữ được nét văn hóa trà độc đáo của dân tộc Nga. Cấu trúc, kiểu dáng, trang trí, chất liệu và cả cách sử dụng Samovar truyền thống chỉ còn là lưu niệm trong ký ức của người Nga và du khách.

Văn hóa Việt Nam nói chung và Văn hóa Nghệ An nói riêng cũng không nằm ngoài bối cảnh đó. Đặc biệt trong khoảng trên ba thập kỷ gần đây khi công cuộc đổi mới của Việt Nam trở nên sôi động, chính sách mở cửa ngoại giao theo hướng đa phương và đa dạng hóa quan hệ đã góp phần làm cho việc tiếp biến của văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú và trở nên vô cùng phức tạp. Lý thuyết xây dựng nền văn hóa đa dạng trong thống nhất trong thực tế đang chịu quá nhiều áp lực, diện mạo văn hóa đã và sẽ tiếp tục xuất hiện một số tiếp biến nghịch, cảnh báo dấu hiệu không bình thường trong đời sống xã hội. Sau đây là một số lưu ý:

1. Cảm xúc: Văn hóa Việt chịu sự chi phối trực tiếp của văn hóa và triết học phương Đông, người Việt nhìn chung có cuộc sống giàu cảm xúc, đầy lòng trắc ẩn và dễ chia sẻ thương yêu. Truyện Cổ tích Việt xem đó như một thuộc tính của người Việt, nhân vật chính (Tấm trong Tấm Cám, người em trong sự tích Cây khế, Lang Liêu trong sự tích Bánh chưng bánh dày…) đều là những mẫu hình như vậy. Ca dao tục ngữ thì đầy ắp những chia sẻ kiểu như một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Đến nàng Kiều của Nguyễn Du thì vẫn vậy, đa cảm và xúc cảm tới mức nhận hết khổ ải về mình để nhường một sự bình yên cho bố, cho em và cho cả kẻ đã rắp tâm bôi bẩn cả một đời Kiều.

Một đất nước liên miên đi qua chiến tranh khốc liệt, liên miên đi qua sự tàn phá dữ dằn của thiên nhiên thì nguồn sống giàu cảm xúc của con người trong cộng đồng sẽ là giá trị văn hóa thuộc loại báu vật để sưởi ấm cho hàng vạn số phận bất hạnh.

Lịch sử và truyền thống là vậy nhưng tiếp biến thì không như vậy. Báo đài liên tục thông tin các chương trình từ thiện của các công ty, tổng công ty đang ăn nên làm ra. Mỗi chương trình có khi thu về cả trăm tỷ đồng nhưng sự ồn ào có vẻ thái quá lại đang nhằm một mục tiêu quảng bá khác mà không phù hợp với ý nghĩa của việc làm từ thiện vốn là tu tâm để tích phúc. Một số nhà nghiên cứu đã có lý khi cho rằng người Việt đang có biểu hiện gia tăng sự vô cảm ở nhiều thế hệ đương đại. Cuộc sống theo cơ chế thị trường và nhịp điệu công nghiệp hối thúc gấp gáp con người lao vào làm việc và kiếm tiền, thời gian dành để quan tâm đến nhau đang khan hiếm dần, nhiều gia đình xem việc cả tuần không thể có bữa cơm chung đủ mặt các thành viên đã là chuyện thường tình.

Tôi sống ở thành phố, cứ nghĩ chỉ ở thành phố con người mới vô cảm với thiên nhiên, đối xử với thiên nhiên tệ bạc như xả rác và xả khí thải bừa bãi. Nhưng về nông thôn rồi lên vùng rừng núi lại cũng thấy con người vô cảm ngoảnh mặt với thiên nhiên một cách đáng sợ. Dọc các lòng sông thượng nguồn bị khoét thủng để đào đãi vàng, khai thác khoáng sản, khắp các cánh rừng trải suốt cả gần biên giới Lào bị chặt phá để giờ sông đã cạn nước, rừng không còn cây. Hậu quả lũ lụt các năm vừa qua mới chỉ là phần nhỏ, cơn giận dữ khốc liệt của thiên nhiên thế nào thì thời gian tới chúng ta sẽ còn được minh chứng thêm nhiều.

Bạn tôi là một Việt kiều ở Thái Lan, trở về thăm quê thấy xóm làng đổi thịt thay da thì rất mừng. Nhưng một lần đến chơi nhà người thân trên phố Nguyễn Văn Cừ gặp cảnh nhà kế bên đang rất đau đớn chịu tang một cô gái trẻ vừa bị chết vì căn bệnh hiểm nghèo nhưng cũng sát gần ngay đó lại có nhà hàng xóm đang mở nhạc Jazz đến hết cỡ để đón cô dâu. Bạn tôi thấy lạ quá chừng, tưởng chuyện thành phố quá lắm thì cũng hai nhà sống sát nhau cả năm không biết nhau nay chứng kiến câu chuyện vô cảm đến nhẫn tâm này bạn tôi liên tưởng và tâm sự nỗi niềm khiến tôi rất day dứt “Chính trường và chính trị Thái Lan biến động khủng khiếp, kinh tế Thái Lan có trồi sụt nhưng văn hóa ứng xử của người Thái không hề có suy thoái”.

2. Tự trọng: Vô cảm với thiên nhiên và cộng đồng là trở mặt lại với tồn tại. Đó là điều đáng sợ nhưng đáng sợ hơn là sự vô cảm với chính mình. Vô cảm với chính mình thực chất là quá trình đánh mất bản thân khi lòng tự trọng đã chết. Trong các hình phạt truyền thống của làng xã thì người Việt rất sợ hình phạt bị dư luận cộng đồng khinh bỉ. Nhiều người có thể vượt qua được đòn roi nhưng không thể chịu được áp lực của miệt thị đành phải bỏ làng bỏ nhà mà tìm chốn dung thân. Thời đương đại đã khác, quanh câu chuyện phiếm ta vẫn thường nghe ông A chị B bị đứt dây thần kinh xấu hổ. Nói không quá thì điều đó đang rất phổ biến, ghé chân vào cơ quan nhà nước ta sẽ được biết không ít kẻ được gọi là sếp thiếu tự trọng đến mức cuối năm quên cả mồ hôi của thuộc cấp, dành hết các danh hiệu thi đua cho riêng mình. Có vẻ bây giờ nhân cách phải tụt xuống thì chức tước mới trồi lên được, người có văn hóa và có lòng tự trọng thì khó mà thích ứng với cơ chế quan trường. Tôi từng biết một sếp choai choai cỡ trưởng phòng sở đang kỳ ngoi lên, nhưng độ lỳ thì vô cùng đáng nể, thế gian có mắng chửi khinh miệt, có ví là đồ thằng này con nọ cũng bất chấp. Giới lãnh đạo xem đây là một trong những tiêu chuẩn cứng của quan chức và thường nói lóng ra là khả năng chịu nhiệt đến mức có ông quan tỉnh cuộc sống đầy những điều không minh bạch lại đi lập ngôn xây đắp lòng tin cho mọi người.

Mới đây sau một chuyến công tác ở nước láng giềng Lào về, Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải - người thường được gọi bằng cái tên thân mật là ông già ozon của Việt Nam đã khám phá những nét rất bình dị và thường nhật trong cuộc sống của người Lào, cảm nhận về lòng tự trọng của người dân đất nước Triệu Voi, Tiến sỹ Khải đã có lời khẩn cầu thú vị “Chẳng cần đâu xa, chúng ta học chính người Lào” - Báo Nông nghiệp Việt Nam số 8 (12.01.2011) và số 9 (13.01.2011).

“Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Đói cho sạch, rách cho thơm” là những chuẩn mực truyền thống của người Việt về lòng tự trọng. Trải qua những quăng quật của cuộc sống đương đại, không ít người đã xô đổ chuẩn mực này, không đói cũng ăn vụng, không túng cũng làm càn, mà cái kiểu ăn lại tạp và trắng trợn vô cùng, ăn cả hàng ngàn m2 đất đai của nhà nước, ăn cả mấy đồng tiền lẻ và hàng cứu trợ của người nghèo, ăn cả xương cốt của hàng trăm liệt sỹ; làm càn đến mức coi thường luật pháp, bất chấp kỷ cương nhào nặn cả một Tập đoàn kinh tế to kềnh càng như Vinassin thành tập đoàn của gia đình. Chúng ta không thể là những người hoài cổ, nhưng nếu đứng từ những giá trị văn hóa đích thực của cha ông thì không thể không giật mình trước sự tiếp biến nghịch này. Một số công trình nghiên cứu xã hội gần đây ở Thành phố Hồ Chí Minh đã cho kết quả kinh tế của Thành phố này liên tục tăng trưởng nhưng chất lượng cuộc sống của người dân đang giảm dần bởi vô số những rủi ro đang tiềm ẩn trong môi trường, kinh tế và xã hội. Hơn 3/4 thế kỷ qua chúng ta phấn đấu cho một trong những mục tiêu là công bằng xã hội nhưng xem ra khoảng cách kẻ giàu - người nghèo của Việt Nam ngày càng nới rộng. Dự báo GDP bình quân đầu người năm 2010 của Việt Nam vào khoảng hơn 1.100USD, nhưng nhiều chuyên gia am hiểu kinh tế cho rằng việc phân bổ đang theo kiểu 1 đồng cho 99 người và 1 người có 99 đồng. Xét đến cùng đó là hệ quả xót xa trong tiếp biến nghịch của lòng tự trọng.

3. Dục vọng: Hồi năm 1981 đi học Cao học, tôi may mắn được các thầy Trần Hữu Tá, Phương Lựu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành Khung dạy dỗ. Trong ký ức của tôi đó là một thế hệ thầy giáo vô cùng chuẩn mực về tài năng và nhân cách. Tuy nhiên các Thầy đều giống nhau ở chỗ là rất đạm bạc về vật chất. Có lần tôi mạn phép hỏi Thầy Phương Lựu “sao các Thầy giỏi vậy mà không thấy giàu có gì cả?”. Thầy trả lời “Đây là sự lựa chọn của cả một thế hệ, đời người không mấy ai trọn vẹn mọi bề, nếu được cái này thì sẽ hỏng cái kia”. Ba mươi năm rồi càng sống tôi càng thấm thía cái dục vọng thánh thiện của lớp tiền nhân. Nếu ai đó nói không thích tiền và quyền lực, không thích nhà cao cửa rộng, không thích vợ đẹp con khôn có lẽ không phải là lời nói thật. Điều khác của văn hóa là chỉ cho con người biết kiềm chế được những dục vọng làm tổn thương đến nhân cách, nhưng đó lại là việc vô cùng khó bởi sức cám dỗ của vật chất và quyền lực bất kỳ lúc nào cũng đầy quyến rũ. Đây cũng là điều rất dễ gây ra tiếp biến nghịch và thực tế đang rất nhức nhối. Có những dục vọng tầm thường đến đê hèn và cả những dục vọng thú vật cuồng dại đã loang lổ trong nhiều lớp người ở nhiều môi trường khác nhau. Có hay không chỉ vì giành nhau chức tước mà cán bộ đảng viên không từ thủ đoạn nào để triệt hạ nhau? Tại sao Thầy giáo mang sứ mệnh thiêng liêng đến vậy lại ép học sinh đang tuổi vị thành niên của mình quan hệ tình dục? Tại sao chỉ vì một mảnh đất mà người con có học hẳn hoi nỡ dỡ bàn thờ bố và đuổi cả mẹ già ra khỏi nhà? Hàng ngàn câu hỏi nhẫn tâm chưa có lời đáp và đó là dục vọng truyền thống đã bị tiếp biến nghịch.

Dục vọng tùy thuộc vào điều kiện, có thể phù hợp với người này nhưng lại không phù hợp với người kia. Phù hợp là nằm trong giới hạn cho phép, nếu vượt quá giới hạn của dục vọng thì không còn là chính mình ví như nước đã sôi 100 độ thì sẽ chuyển hóa thành hơi. Do vậy kiềm chế dục vọng cá nhân là một trong những điều kiện hàng đầu để xã hội bình yên, cộng đồng càng nhiều người có ý thức biết sống đúng theo chuẩn mực chung thì môi trường càng nền nếp kỷ cương. Điều này có vẻ như xuyên suốt các thời đại, vì như cách đây hơn 2.500 năm Đức Khổng Tử cũng đã răn dạy học trò nhất nhật khắc kỷ phục lễ thiên hạ quy nhân yên (mỗi ngày mỗi người nén mình lại theo điều quy định thì thiên hạ sẽ yên bình). Hàng ngày bước vào các công sở thấy không biết bao nhiêu là khẩu hiệu kêu gọi sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, trong cơ quan còn có cả bộ quy chế nội bộ quy định chi tiết từ việc nhỏ nhất là đi vệ sinh phải dội nước, Đảng viên thì có cả chục điều cấm không được làm, nhưng dục vọng đã không được kiềm chế và là nguyên nhân chủ yếu làm suy thoái đạo đức. Bao nhiêu năm rồi chúng ta phấn đấu xây dựng con người và lối sống xã hội chủ nghĩa, nhưng thực tế đang phải chấp nhận một sự thật cay đắng là ngày càng nhiều những cá nhân sống theo kiểu bầy đàn, kẻ toan tính mánh lới bẩn thỉu luôn hưởng lợi và người trong sạch luôn chịu thua thiệt.

4. Danh tiếng: Sống ở đời ai cũng muốn giữ được tiếng thơm và muốn được mọi người quý trọng. Ngụ ngôn có câu chuyện: Cáo có hiềm khích với Sói, thấy Thỏ nhanh nhẹn bèn nhờ đến nhà Sói giảng hòa. Cáo khoác cho Thỏ bộ lông của mình để thêm oai vệ. Dọc đường muông thú thấy Thỏ đều nể sợ. Thỏ khoái chí vô cùng. Xong việc trên đường về Thỏ gặp bầy Cáo. Thỏ lớn tiếng chào đồng loại. Một con Cáo tinh ranh đã phát hiện đó là con Thỏ khoác bộ lông Cáo và lao tới. Thỏ trở thành miếng mồi cho bầy Cáo trong nháy mắt. Người hiền tài đức độ không ai đi quảng danh mà danh tựa hương cứ tự nhiên phát tán. Lần giở trong sử Việt bao anh hùng có công với nước đã mai danh ẩn tích, thời gian chồng lớp bụi phủ nhưng sớm hay muộn họ đều xứng đáng được chiêu tuyết. Bây giờ đọc báo hàng ngày thấy hoa cả mắt về công nghệ lăng xê nghệ sỹ, thấy chóng cả mặt về bệnh háo danh, hình thức, thành tích giả, bằng cấp giả, huân chương giả. Tôi đã chứng kiến không ít cơ quan kết quả công việc rất đại kháinhưng báo cáo thành tích thì kêu như chuông chùa. Thậm chí có những việc không làm, không triển khai nhưng vẫn báo cáo và báo cáo hay hẳn hoi. Đánh giá cuối năm, hầu hết các cơ quan đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, các chỉ tiêu đều đạt và vượt nhưng kỳ lạ là sự nghiệp không phát triển, môi trường làm việc không được cải thiện, đời sống người lao động vẫn kiểu phú quý giật lùi. Có cơ quan để lấy trọn bộ sưu tập khen thưởng đã phải giở bài đi đêm, quan hệ với chuyên viên thi đua Trung ương còn thân mật hơn cả với lãnh đạo Bộ, vì thế mới có chuyện tháng 6 hàng năm nhân viên cơ quan đã kháo nhau cờ thi đua của Chính phủ đã về tới Thanh Hóa! Rồi lại có chuyện nghe rất khôi hài về một ông quan đầu ngành của tỉnh đi dự họp chuyên chọn chỗ ngồi liền sau lãnh đạo tỉnh để được vào ống kính truyền hình nổi danh cho bàn dân thiên hạ biết.

Háo danh và chuộng hình thức ngày càng trở thành căn bệnh trầm kha trong xã hội. Cấp dưới học cấp trên, học trò học theo thầy cô, tuổi trẻ học theo lớp già, xã học huyện, huyện học tỉnh, cả một guồng quay lầm lỳ và thản nhiên, ai cũng biết là dối trá giả tạo nhưng không ai lên tiếng, có vẻ như rất nhiều người, rất nhiều cơ quan đã miễn dịch với căn bệnh này.

5. Lời kết: Tôi không cho cảm hứng chủ đạo của các mối quan hệ xã hội bây giờ là nặng nề, nhưng các biểu hiện lệch lạc của một số chuẩn mực đã nêu ở trên đang cảnh báo những tiềm ẩn không bình thường và nếu tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ có hàng loạt chuẩn mực văn hóa ứng xử truyền thống bị phá vỡ, điều đó đồng nghĩa với việc tiếp biến nghịch sẽ gia tăng.

Trong những ngày đầu khi mới giành được chính quyền từ Thực dân Pháp để thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định thiên chức của Văn hóa là soi đường cho quốc dân đi. Hiểu như vậy để biết tính định hướng trong cuộc sống và trong phát triển của Văn hóa quan trọng đến nhường nào. Đương nhiên để soi được đường đi cho quốc dân cũng như định hướng được cho xã hội phát triển thì văn hóa phải là sự tiếp biến thuận, cuộc tiếp biến này vô cùng gian nan cam go, nếu một nền văn hóa hoặc một chuẩn mực văn hóa nào mà thiếu khả năng đề kháng thì tất yếu sẽ xẩy ra tiếp biến nghịch và sớm hay muộn cũng sẽ bị thoái hóa và đồng hóa.

Chúng ta đã tốn không biết bao nhiêu là giấy mực và công sức để nói về việc xây dựng nền văn hóa mới nhưng xem ra không ít tổ chức và cá nhân đang vin vào cớ tập trung đầu tư phát triển kinh tế để xem nhẹ sự nghiệp văn hóa, họ đã quên rằng văn hóa “không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị” - (Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 12 năm 1952). Bài học này sẽ để lại hậu quả khôn lường mà chúng ta đã và con cháu sẽ tiếp tục phải trả giá.

Có hay không các cao ốc ngày mọc càng nhiều và càng cao lên nhưng không ít chuẩn mực văn hóa ứng xử truyền thống đang thấp lùn trở lại ?

Có hay không két bạc trong nhiều gia đình đang ngày càng đầy thêm nhưng các quan hệ kỷ cương nội tộc đang dần dần vơi cạn ?

Có hay không chúng ta đang trồng cây đắng và quả đắng đang rụng vào từng bữa ăn của con cháu ta ?

Bao nhiêu câu hỏi kiểu như vậy lẽ nào không thức tỉnh được trách nhiệm của chúng ta.

                                                                                                                 Vinh, 01.2011


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513102

Hôm nay

2203

Hôm qua

2436

Tuần này

21039

Tháng này

219975

Tháng qua

121356

Tất cả

114513102