Việc đặt tên đường phố ở Vinh có nhiều thuận lợi, vì là thành phố trẻ, mới phát triển, sẽ học hỏi được kinh nghiệm đặt tên đường phố của các đô thị lớn đã định hình, như thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ chí Minh, v.v... Các thành phố lớn hiện nay, việc đặt tên quận, phường, tên đường phố theo hai xu hướng: Bằng chữ (tên đất, nhân vật, làng nghề, sự kiện) và bằng số (số thứ tự). Địa danh hành chính, tên đường phố có vai trò quan trọng hơn các loại địa danh khác, vì được sử dụng thường xuyên trong đời sống hàng ngày, chẳng những trong nước, mà cả ở nước ngoài. Để các địa danh, tên đường phố mới được chấp nhận dễ dàng và lưu truyền mãi mãi, chúng cần có những tiêu chuẩn sau đây:
- Tính dân tộc, tính truyền thống.
- Tính chính trị, tính đạo đức.
- Tính lịch sử, tính địa phương.
- Tính tiện dụng, tính đại chúng.
- tính thẩm mỹ.
Địa danh, tên đường phố bằng chữ hầu hết đạt cả 5 tiêu chuẩn trên, còn bằng số chỉ đạt tiêu chuẩn 4. Dùng chữ để đặt tên địa danh là truyền thống văn hóa dân tộc, mang tính phổ quát, có thể biểu thị quan điểm chính trị, đạo đức của cư dân, có thể chuyển tải những nguyện vọng, ước mơ của nhân dân địa phương. Việc đặt tên đường phố ở thủ đô Hà Nội có thể lấy làm tiêu chuẩn và kinh nghiệm cho việc đặt tên xã, phường, đường phố ở Vinh. Hà Nội đến tháng 7 năm 2001 có 447 tên đường phố, trong đó có 184 địa danh, 73 nghề, 3 sự kiện. Tất cả tên quận, phường và tên đường ở Hà Nội đều bằng chữ, còn các ngõ ngách là mang số.
Qua mấy đợt đặt tên đường ở vinh trước đây cũng đã có khiếm khuyết, được nhân dân nêu góp ý kiến với thành phố, đề nghị sửa đổi: Đường Ngư Hải - Đặng Thái Thân, 2 tên, nhưng chỉ là một nhân vật, gây hiểu nhầm cho người dân; các đường mang tên danh nhân văn hóa lớn của đất nước, như Trạng nguyên Bạch Liêu, Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, v.v... còn bị lẩn khuất, chưa xứng tầm. Một số đường phố chính bị cắt thành những đoạn ngắn để chia nhau đặt nhiều tên, làm giảm giá trị nhân vật và chưa tương xứng với tầm vóc của Vinh - một đô thị loại 1 (các đường: Trần Phú, Lê Duẩn, Nguyễn Du; Mai Hắc Đế, Lê Lợi, Quang Trung, Cao Thắng...). Thông thường người ta chỉ cắt đoạn khi mặt đường các đoạn có khẩu độ chênh lệch nhau. Nên chăng, các đường ngắn có khẩu độ hẹp, dù có cả đầu và cuối, chỉ nên đánh số ngõ, ngách. Hà Nội có nhiều ngõ ngách thông ra hai đường phố lớn, như ngõ Văn Chương (có cả điểm đầu và điểm cuối) và có độ dài vài ba cây số, chứ không phải như ở vinh đã có tới 75 đường có độ dài dưới 500 m (ngắn nhất là 100 m); trên 20 đường có khẩu độ rộng 5m, trong đó có 8 đường chỉ rộng 4m... Với cách đặt tên đường phố ở Vinh lâu nay, thì tương lai đô thị Vinh sẽ có hàng nghìn tên đường phố, trong khi ở Hà Nội vào năm 2001, mới chỉ có 447 tên đường phố. Quá nhiều tên đường cũng gây cản trở cho việc tìm địa chỉ của người dân và khách nơi khác đến thăm quan, du lịch. Hội đồng định tên đường phố ở Vinh nên có kế hoạch xây dựng một quĩ (ngân hàng) tên nhân vật khá lớn cho tương lai phát triển đường phố đô thị Vinh.
Cũng cần nói thêm là Vinh đã trở thành đô thị loại I, đường phố khá khang trang so với nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhưng hệ thống các bảng giới thiệu tên đường phố thì chưa đẹp, chưa qui củ, thậm chí còn có bảng viết sai tên nhân vật, như đường Trấn thủ Thận, lại ghi là Trần Thụ Thận; đường Nguyễn Hữu Điển (Điển ghi là Điến); có bảng tên treo bị quay ngược, không chỉ theo trục đường; có bảng bị người dân làm vật treo lốp, xăm làm quảng cáo vá sửa xe; nhiều bảng treo không có cọc, thấy chỗ nào ngoắc được là ngoắc vào, khá lộn xộn; nhiều bảng bị nhà hàng treo biển quảng cáo đè lên che khuất, v.v... cần được chỉnh trang lại cho đúng và đẹp.
Dùng nhân vật mới đặt tên cho đường phố mới phải cho tương xứng, tránh việc đặt rồi lại đổi lại như các lần trước đây. Hội đồng đặt tên đường cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn nhân vật, cần gắn với tiêu chí là nhân vật có tiếng trong lịch sử và được đồng bào biết đến tương đối nhiều. Đối với các danh nhân văn hóa lớn cần đặt ở vị trí tương xứng để làm rạng rỡ cho quê hương, đất nước.