PV: Thưa nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, ông có hay về Nghệ không?
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (NS. NTT): Có chứ. Quê hương mà, bỏ làm sao được. Tôi sinh ra ở đó, mồ mả tổ tiên, ông bà, cha mẹ ở đó, cái nhúm rau của mình cũng ở đó. Không bao giờ quên được. Tôi vừa quê ra dịp trước Tết, về để sửa sang lại nhà thờ.
PV: Với ông, quê hương có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp âm nhạc của mình?
NS. NTT: Toàn bộ sự nghiệp âm nhạc của tôi bắt đầu từ quê hương, từ những lời ru, câu hát của mẹ tôi, những câu lẩy kiều, hát phường vải của cha tôi. Những câu hát, điệu hò của người dân quê tôi bên dòng sông Lam đã cho tôi tình yêu âm nhạc và thúc giục tôi dấn thân vào con đường sáng tạo vất vả này.
PV: Thưa nhạc sĩ, đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nghĩa là sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm không lâu, khi mà nhận thức về văn học nghệ thuật có thể nói có phần cứng nhắc và giáo điều thì đời sống âm nhạc miền Bắc lúc đó đã nổi lên với nhiều tác phẩm có thể nói là đầy chất trữ tình, chất chứa rất nhiều tình cảm, nhiều giá trị nhân văn. Tính nhân văn được gửi gắm trong cảm hứng chủ đạo là tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm. Xa khơi của ông là một trong số đó. Ông có thể nói về sự ra đời của tác phẩm này.
NS. NTT: Đúng vậy. Đến bây giờ nhìn lại, quả thực là chúng ta có thể phải đặt câu hỏi như thế thật. Nhưng tôi nghĩ đó cũng là điều dễ hiểu thôi. Dẫu có như thế nào thì văn nghệ sỹ vẫn là những người yêu nước và tràn đầy tính nhân văn. Tình yêu Con người và tình yêu Đất nước luôn luôn là cảm hứng sáng tạo của họ. Tùy vào từng bối cảnh mà tình yêu này là đại diện để cho tình yêu kia ẩn chứa…
PV: Chúng ta hãy trở lại với sự ra đời của Xa khơi?
NS. NTT: Khoảng năm 1956 - 1957, tôi may mắn có tên trong đoàn văn sĩ miền Bắc đi thực tế ở khu giới tuyến Vĩnh Linh do nhà thơ Lưu Trọng Lư khi ấy là Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật của Bộ Văn hóa dẫn đầu. Chúng tôi đi tận đầu cầu Hiền Lương, ra tận Cửa Tùng... Khi ấy đất nước đang chia cắt, cả đôi bờ đang mong ngóng người thân, mong ngóng ngày thống nhất đất nước. ở bên này sông mà chúng tôi thấy và nghe tiếng người bên kia sông Bến Hải. Và ngoài Cửa Tùng, là biển cả. Con cá ngoài biển vẫn tự do bơi lội còn con người ở đây thì bị ngăn cách bởi hai bên giới tuyến. Tôi nghĩ về độc lập dân tộc, về thống nhất đất nước và về khát vọng tự do của người dân bên kia dòng Bến Hải. Tôi nghĩ về sự cách trở, nhớ mong của những cặp tình nhân ở hai bờ Bến Hải, hai miền Nam - Bắc. Và tứ nhạc đã hình thành. Sau đó không lâu thì bài hát được hoàn thành. Thế nhưng, nó chưa thể được phát hành. Chính cái mượt mà sâu lắng của tình cảm lớn được ẩn chứa trong cái trữ tình bay bổng mà nhiều người chưa hiểu và không chấp nhận. Thậm chí còn có ý kiến phê phán. Nhưng rồi nó đã được giải Nhì trong một cuộc thi âm nhạc do ủy ban Thống nhất Trung ương, Bộ Văn hóa, Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp tổ chức. Bài hát Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người của anh Trần Kiết Tường lúc đầu tưởng bị loại, may sau đó được giải khuyến khích. Được giải rồi nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Tôi nhớ, hồi đó ông Trưởng ban Thống nhất đã đề nghị cho phổ biến thử trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Và thật là bất ngờ, bài hát đã được cán bộ đồng bào cả nước hưởng ứng nhiệt tình. Có một chị là Bí thư Huyện ủy ở Đồng Tháp Mười đã đề nghị liên tục phát bài này để động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân miền Nam. Cũng phải nói thêm một điều rằng, chị Tân Nhân đã thể hiện bài hát này rất thành công.
PV: Khi viết Xa khơi và khi nó chưa được ghi nhận, chưa được phổ biến, thậm chí bị phê phán, ông có suy nghĩ gì?
NS. NTT: Mỗi văn nghệ sỹ đều phải tự giác giác ngộ bản thân mình. Đó là bản chất của văn nghệ sỹ, của những người sáng tạo, những người có tài năng. Phải có độc lập suy nghĩ, độc lập tư duy. Nếu anh nhận thức được chân lý, nhận thức rằng điều đó là đúng thì anh phải kiên trì theo đuổi và bảo vệ. Tôi nhận thức sâu sắc rằng, văn học nghệ thuật phải gắn liền với đời sống xã hội, với số phận, với sự sống chết của Đất nước và của Nhân dân.
Và tôi nghĩ rằng, văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng phải đồng hành với thời đại nếu không đi trước được thời đại. Điều đó có nghĩa là nó sẽ và phải mang những yếu tố thẩm mỹ mới so với thời kỳ trước đó của thời đại. Bản chất của văn học nghệ thuật, của âm nhạc không đồng hành với những giá trị tạm thời mà nó tồn tại là bởi những giá trị đích thực sâu sắc, sâu xa của nó. Bởi vậy mà văn nghệ sỹ phải tự giác, tự tin, tự trọng. Các nhạc sỹ phải làm việc với sự say mê sáng tạo đến tận cùng khả năng của mình để đưa lại cho người nghe những giá trị đích thực của nghệ thuật, của âm nhạc.. Và để làm được điều đó thì dù cho phải đốt cháy cả bản thân mình cũng phải tự giác chấp nhận. Người nhạc sỹ phải nhận thức và cố gắng hết sức làm thăng hoa các giá trị âm nhạc, đưa các giá trị âm nhạc đi đến tận cùng của cái đẹp.
PV: Ông là người tiếp thu tài tình vốn dân ca trong sáng tạo âm nhạc của mình. Âm nhạc dân gian, dân ca có vị trí như thế nào trong sáng tác và sự nghiệp âm nhạc của ông?
NS. NTT: Điều này tôi đã nói rồi. Dân ca đưa tôi vào con đường âm nhạc, và dân ca là nền tảng cho những sáng tạo của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng xin rằng, tôi vận dụng, phát huy các giá trị của dân ca nhưng khi phát triển dân ca tôi luôn cố gắng không dừng lại ở dân gian. Phải thoát ra khỏi vòng kim cô ngũ sắc của dân ca để đem lại cho dân ca những giá trị âm nhạc, những giá trị thẩm mỹ mới…
PV: Dân ca luôn là mạch nguồn để cho các thế hệ nhạc sĩ tiếp thu và nâng cao, phát triển. Dân ca Nghệ Tĩnh cũng vậy, và không ít các nhạc sĩ đã biết chắt lọc để phát triển trong các sáng tạo của mình. Ông có nhận xét như thế nào về quá trình tiếp thu và phát triển vốn dân gian này?
NS. NTT: Đó là việc làm đúng đắn và rất cần thiết. Tôi nói thật nhé. Rõ ràng là chúng ta đã có nhiều năm tiếp thu, vận dụng và cố gắng phát triển dân ca. Và chúng ta đã có được một số kết quả nhất định. Nhưng theo tôi thì chúng ta làm chưa được bao nhiêu. Nhiều người nghiên cứu, vận dụng nhưng thành tựu chưa nhiều. Nhìn chung là vẫn chưa thoát ra khỏi dân ca, chưa vượt lên được để trở thành các tác phẩm âm nhạc có giá trị thẩm mỹ cao.
Tôi được biết có nhiều đồng nghiệp, và đồng thời chủ yếu là đồng hương Nghệ Tĩnh của chúng ta đã có nhiều cố gắng bảo tồn và chắt lọc để phát triển vốn dân ca trong các sáng tác âm nhạc của mình. Tôi trân trọng công việc và thành tựu của các anh Nguyễn Văn Tý, ánh Dương, An Thuyên, Nguyễn Trọng Tạo… Tuy nhiên tôi cũng xin nói thật là bên cạnh đó vẫn còn nhiều các sáng tác lấy chất liệu từ dân ca của chúng ta vẫn ở trong tình trạng chưa vượt thoát khỏi dân ca để trở thành những tác phẩm âm nhạc có giá trị thẩm mỹ mới, khác với dân ca.
PV: Lâu nay người ta nói có một số nhạc sĩ của chúng ta ở xứ Nghệ đã sáng tạo nên một số làn điệu mới. Đó là các ông Thanh Lưu, Vi Phong, Nguyễn Trung Phong…Không biết nên nhận thức vấn đề này như thế nào cho đúng?
NS. NTT: Theo tôi không phải như vậy. Chưa có cái gì mới cả. Đó hoàn toàn là cái bóng, cái hình của ví dặm cũ. Tức là ví dặm là A thì cái này là A’. Đáng ra phải hoặc là A hoặc là X nào đó cơ chứ không phải là A’.
PV: Sáng tạo nên một làn điệu mới để bổ sung vào kho tàng dân ca là việc đương nhiên có. Không phải ngẫu nhiên mà dân ca của một cộng đồng nào đó đã hoàn thiện, hoàn chỉnh ngay từ đầu mà đã được bổ sung dần trong lịch sử tồn tại của cộng đồng đó, loại hình dân ca đó.
NS. NTT: Tôi đồng ý với điều đó nhưng cũng phải nhắc lại rằng điều đó là vô cùng khó. Hàng mấy trăm năm, hàng ngàn năm mà dân ca của chúng ta cũng chỉ cơ bản có mấy làn điệu đấy thôi. Có lẽ phải bắt đầu từ cách hiểu như thế nào là làn điệu.
PV: Tôi được biết ông đã nghiên cứu và vận dụng chất liệu của nhiều loại dân ca khác nhau nhưng hình như ông vẫn thành công hơn cả khi tiếp thu và phát triển dân ca Nghệ Tĩnh?
NS. NTT: Điều đó là đúng. Vì tôi từ nhỏ đã được thấm dân ca xứ Nghệ. Nhưng điều thứ hai, không phải vì tôi là người Nghệ Tĩnh mà nói đâu, mà vì khách quan, tôi thấy là ví dặm của Nghệ Tĩnh có chiều sâu ghê gớm lắm, các giá trị của nó có một chiều sâu thăm thẳm hơn bất cứ làn điệu dân ca nào, từ Bắc đến Nam…Cái chất của ví dặm giúp cho tôi có Xa khơi và lẩy Kiều làm cho tôi có Mơ quê. Đó là hai ca khúc tôi ưng ý nhất trong toàn bộ gia tài âm nhạc của tôi.
PV: Độ sâu mà ông đang nói là độ sâu về âm nhạc hay là về ca từ?
NS. NTT: Độ sâu về âm nhạc mới là quan trọng. Cái mà tác động lên tôi nhất là độ sâu âm nhạc của ví dặm Nghệ Tĩnh. Tôi viết Hang Pac Bó không sâu bằng Xa khơi đâu. Bởi vì bản thân chiều sâu của Then là như vậy và nó tác động lên cảm nhận và tư duy âm nhạc của tôi chỉ đến vậy. Còn âm nhạc của ví dặm thì sâu vô cùng và nó tác động lên tư duy, cảm xúc của người sáng tác vô cùng mạnh mẽ và sâu sắc…
PV: Hơn 30 năm qua, ở Nghệ Tĩnh chúng ta đã tổ chức nghiên cứu và thử nghiệm để phát triển dân ca Nghệ Tĩnh thành một kịch chúng, gọi là kịch hát Nghệ Tĩnh. Có khá nhiều vở kịch hát Nghệ Tĩnh đã được dàn dựng. Và cho đến nay vẫn có những ý kiến chưa đồng nhất về khả năng phát triển của loại hình nghệ thuật sân khấu này. Theo ông thì phẩm chất, đặc điểm âm nhạc của dân ca Nghệ Tĩnh có thể phát triển thành kịch hát không?
NS. NTT: Về vấn đề này thì không chỉ là ở Nghệ Tĩnh mà cả nước đang làm. Khu Năm có bài chòi chẳng hạn. Tôi thấy tất cả các nền âm nhạc đều đi lên từ dân ca, ở nước ta cũng vậy và nước nào cũng vậy. Bản thân nó không tồn tại độc lập ngoài các giá trị dân gian. Rồi một số hình thức sân khấu như chèo, tuồng, cải lương… cũng thế thôi. Tất cả đều đi từ vốn dân ca đi lên. Cải lương là bắt đầu từ các điệu của ông Cao Văn Lầu chẳng hạn… Còn ngoài này thì tôi thấy trong chèo có cả bóng dáng, và giá trị của nhiều loại dân ca, cả quan họ, cả ả đào, các điệu dân ca của đồng bằng Bắc bộ đều có ở đó cả. Nó đi từ thấp lên cao, chỉ có điều là phải có bàn tay nhào nặn của những người sáng tạo trên nhiều mặt, trong một tổng thể để nó thành kịch, không riêng gì về mặt âm nhạc mà cả văn học, sân khấu, vũ đạo, hình thể biến chuyển trên sân khấu. Đó là cả một vấn đề rất lớn, đòi hỏi rất cao, rất nhiều cả về trí tuệ và tài năng. Phải có tài năng thực sự mới đưa âm nhạc dân gian phát triển lên một loại hình âm nhạc có tính kịch. Đây là cả một quá trình lâu dài và không đơn giản tý nào. Vấn đề là chúng ta có đủ tài năng không? Có đủ tài năng thì chúng ta mới làm được nếu không thì vẫn bị trói buộc trong vòng kim cô của một nền âm nhạc bình thường chứ không thể phát triển thành kịch được.
PV: Trong xu thế giao lưu và hội nhập hiện nay, nhạc trẻ đã xuất hiện và chiếm thế thượng phong trong đời sống âm nhạc nước nhà. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?
NS. NTT: Tôi cho đó là chuyện bình thường. Đối với lớp trước tôi thì tôi là người trẻ. Sau tôi, các thế hệ sau tôi thì họ là trẻ. Trong tôi không có khái niệm nhạc trẻ, nhạc già chỉ có các âm nhạc thích ứng với các thời đại và các giá trị thẩm mỹ của thời đại. Tôi chỉ mong cho các thế hệ đi sau có nhiều tài năng hơn, sáng tạo hơn và đạt được nhiều thành tựu, nhiều đỉnh cao hơn các thế hệ đi trước. Con hơn cha là nhà có phúc chứ. Sự nghiệp âm nhạc là của cả một quốc gia, cả một dân tộc chứ đâu có phải của một vài người, thậm chí là của một vài thế hệ. Và sự nghiệp này dứt khoát sẽ không dừng lại. Nếu có dừng lại chỉ là nhất thời thôi. Đó là quy luật lịch sử và là quy luật tồn tại và phát triển của âm nhạc, của văn hóa. Và vì vậy, tôi nghĩ thế hệ sau phải hơn thế hệ trước. Nếu thế hệ sau không hơn thế hệ trước là có tội. Thời gian sẽ sàng lọc, các giá trị sẽ sàng lọc các tác phẩm của họ. Văn hóa, các giá trị thẩm mỹ cao đẹp nhất của dân tộc, của thời đại sẽ sàng lọc các tác phẩm của họ. Đó là quy luật khách quan. Thế hệ chúng tôi cũng đã bị, và được, sàng lọc. Hãy bình tĩnh, động viên và khuyến khích sự ra đời của các tác giả mới. Tôi mong trong mười năm, sau sự sàng lọc của các giá trị thẩm mỹ, đọng lại được hai người, một trăm năm đọng lại được 7 – 8 người và trong hàng vạn tác phẩm đọng lại hai tuyệt tác đã là mỹ mãn lắm rồi. Bởi vì thực sự trong nghệ thuật, trong sáng tạo nghệ thuật, cho dù anh có hàng trăm, hàng vạn tác phẩm mà không có tác phẩm đỉnh cao thì sự nghiệp của anh coi như không có gì. Trong nghệ thuật tài năng xuất hiện không phải, không có và không chấp nhận một thứ bỗ bã, một thứ bình quân… Nghệ thuật đích thực là không bầu bán được, không mua bán được, không chỉ định được, không giáo dục trực tiếp được. Tự nó, tự các dân tộc nếu có tài năng sẽ tự phát sinh ra những tác giả và tác phẩm lớn. Dân tộc ta là dân tộc có tài năng nghệ thuật và nhờ vậy mà có một di sản văn hóa, nghệ thuật như vậy, mới có một Nguyễn Du tài hoa như vậy. Tôi chờ đón sự xuất hiện của các tác giả trẻ. Tôi mong các bạn sẽ có những tác phẩm đỉnh cao. Tôi rất mong các bạn sẽ vượt qua chúng tôi bằng những tuyệt tác, những giá trị thẩm mỹ đỉnh cao mới của thời đại.
PV: Vốn dân ca xứ Nghệ đang bị mai một dần, và ngày càng nhanh hơn. Thế hệ các ông đã biết tiếp thu có chọn lọc để sáng tạo, phát triển để có những tác phẩm âm nhạc mang đậm những dấu ấn bản sắc văn hóa của quê hương, của dân tộc. Âu cũng là quy luật, thế hệ nào rồi cũng trôi dần vào lịch sử… Vậy liệu chừng các sáng tác âm nhạc của các nhạc sĩ thế hệ sau sẽ như thế nào khi mà không có cơ hội tiếp xúc nhiều với nguồn dân ca của cha ông…
NS. NTT: Tôi cho rằng, đối với dân ca, cần nhìn nhận là có giá trị bảo lưu và giá trị phát triển. Bảo lưu có nghĩa là dùng các phương tiện hiện đại để thu lại, bảo tồn. Mà điều này thì người ta đã làm lâu rồi. Cách đây mấy chục năm Viện Âm nhạc, cụ thể là nhạc sĩ Lê Quang Định đã sưu tầm được rất nhiều các làn điệu dân ca của Nghệ Tĩnh, nhưng tôi tin là chưa đủ và cần phải tiếp tục, mặc dù bây giờ mà làm là quá muộn rồi. Đó là công việc của các cán bộ quản lý, của nhà nước, trên là viện, dưới là các sở. Cách bảo tồn thứ hai là phải làm cho thanh thiếu niên, cho tuổi trẻ hát được các câu ví dặm, hát được dân ca, hiểu được nó, thấm được cái hay của nó bất kể là lời cũ của cha ông hay lời mới mà ai đó mới đặt để phù hợp với cuộc sống mới. Điều thứ ba là phải có một đội ngũ nhạc sĩ yêu cái vốn dân ca ấy để phát triển nó lên. Đây là điều quan trọng. Nhân đây tôi cũng xin nhắc lại, có một người nói rằng cần phải sáng tác lại và sáng tạo thêm những làn điệu ví dặm mới. Về điều này tôi cho rằng đó là ảo tưởng. Không đơn giản vậy đâu. Những làn điệu dân ca mà ta biết ta có hiện nay là sự chưng cất từ tài năng và thẩm mỹ của biết bao nhiêu thế hệ ông cha ta. Là kết tinh tột cùng của ông cha, đừng có ảo tưởng sẽ làm nên các làn điệu mới. Anh ta muốn làm một nghệ nhân làm ra các làn điệu ví dặm mới khác với các làn điệu ví dặm đã có nhưng có giá trị ngang bằng hoặc hay hơn, có giá trị hơn các làn điệu cũ (cười), theo tôi quả thực là khó quá. ảo tưởng. Tôi cho là vậy. Theo tôi vấn đề là phải dựa vào dân ca, tiếp thu cái hay, cái đẹp, vào những giá trị và bản sắc của nó để phát triển nó lên. Mà điều này thì chúng ta đã có ý thức làm từ khá lâu rồi. Đã có khá nhiều nhạc sỹ để tâm làm việc này. Có thể có người thành công, người không thành công nhưng đó là một lối đi đúng, một nỗ lực cần nghi nhận và đánh giá cao.
PV: Hơn 50 năm sáng tác mà xem chừng số lượng tác phẩm của ông không được nhiều?
NS. NTT: Nói đúng hơn là ít. Chỉ chưa đầy 15 ca khúc và một số hợp xướng, nhạc thính phòng khác… Đối với tôi sáng tác vất vả quá. Một bài hát mà phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Mơ quê phải mất hơn chục năm. Xa khơi cũng vậy, phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Mãi đến gần đây tôi vẫn còn sửa lại một từ đấy. Trong lúc đó có người có đến hai ba trăm bài.
Sự ra đời và số phận của một tác phẩm chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, khách quan và chủ quan. Nietzche, một triết gia người Phổ có nói đại ý rằng để một tác phẩm ra đời phải có 3 yếu tố khách quan: Môi trường, thời điểm và thời gian. Còn chúng tôi thì cho rằng cần thêm một yếu tố nữa, đó là Trời cho. Tôi vẫn nói rằng tôi không viết Xa khơi mà đó là tạo hóa nhập vào tôi, là trời cho, tôi chỉ là chép lại mà thôi. Thứ hai là trí tuệ, tri thức và thứ ba là cái tâm, cái tình, là tình yêu.
PV: Phải yêu?
NS. NTT: ừ, đúng rồi, phải yêu đằm thắm mới viết được. Yêu hời hợt sẽ chẳng đi đến đâu cả. Nếu không thực lòng yêu nước, yêu nhân dân thì làm sao có những câu hát, những bài hát sống lâu được trong lòng nhân dân. Và cuối cùng tôi muốn nói là phải có môi trường xã hội thuận lợi. Có nghĩa là xã hội chấp nhận tự do sáng tác, ủng hộ, tạo điều kiện cho sáng tác và phổ biến tác phẩm.
PV: Nếu tôi không nhầm thì ông ít quan hệ và hợp tác với các cơ quan văn hóa, văn nghệ của tỉnh nhà?
NS. NTT: Điều đó là có thật. Tôi cũng lấy làm tiếc về điều đó. Anh là người đầu tiên của ngành Văn hóa Nghệ An, và cả Hà Tĩnh ghé vào nhà tôi và trò chuyện đấy.
PV: Hân hạnh quá. Xin cảm ơn ông. Thú thật là tôi đến đây chỉ với tư cách cá nhân thôi. Thưa nhạc sỹ, mặc dù vậy nhưng ông có sẵn sàng hiến tặng di sản âm nhạc của mình cho quê hương Nghệ An không?
NS. NTT: Tôi xin sẵn sàng kính tặng quê hương xứ Nghệ toàn bộ các tác phẩm âm nhạc của mình. Các cơ quan chuyên môn có thể nghiên cứu và sử dụng các tác phẩm của tôi để phục vụ bà con quê hương. Tôi không đòi hỏi bất cứ một điều kiện gì nếu tác phẩm của tôi được bà con ở quê sử dụng dưới bất cứ hình thức nào.
PV: Cảm ơn ông nhiều lắm. Xin chân thành kính chúc ông mạnh khỏe và có thêm nhiều tác phẩm mới! Hy vọng một ngày nào đó sẽ có một chương trình âm nhạc Nguyễn Tài Tuệ ở trên quê Nghệ của chúng ta.
Phan Thắng (Thực hiện)