đã cho chúng tôi biết thêm khá nhiều về thể thao NGhệ An, và cả những suy nghĩ trăn trở của ông về thể thao tỉnh nhà. Trân trọng giới thiệu một số nội dung cuộc trao đổi này cùng bạn đọc.
Thưa ông Lô Trung Thành, chúng tôi xin chúc mừng ông và toàn thể huấn luyện viên, vận động viên, cán bộ, viên chức ngành thể thao tỉnh nhà nhân Ngày truyền thống Thể thao Việt Nam. Nhân đây, ông có thể cho bạn đọc VHNA được biết những đánh giá tổng quát nhất về thể thao Nghệ An trong những năm vừa qua?
Có lẽ cần phải nói dài ra một chút, có nghĩa là phải nhìn xa hơn về lịch sử phong trào, về ngành Thể dục, Thể thao(TDTT) của tỉnh ta. Nếu vậy, có thể nói rằng TDTT NGhệ An trong suốt mấy chục năm qua đã đồng hành cùng ngành TDTT cả nước đóng góp rất nhiều vào sự vận động và phát triển của đất nước, kể cả trong thời chiến cũng như trong thời bình. TDTT đem lại không chỉ sức khoẻ cho mọi người mà còn trực triếp hay gián tiếp đem lại những giá trị tinh thần cho mọi người, làm cho con người sảng khoái hơn, yêu cuộc sống, yêu đời hơn, có kỷ luật hơn và rèn luyện không chỉ là ý chí vươn lên mà cái chính là tinh thần đồng đội, cộng đồng, hướng mọi người đến, và có những khát khao chiến thắng chính đáng và vô tư nhất, nó làm cho con người trở nên thân thiện hơn, tốt hơn. Tôi cho rằng đó mới là thành tựu lớn nhất của TDTT trong suốt mấy chục năm qua.
Vậy nếu có một cái nhìn gần hơn, trong vòng vài năm trở lại chẳng hạn, thưa ông?
Tôi nói ngắn gọn nhé.
Vâng, thưa ông.
Thành tích nhiều hơn, cao hơn. Phong trào rộng khắp hơn, sôi nổi hơn. Đầu tư nhiều hơn, có hiệu quả cao hơn. Tính chuyên nghiệp hình thành và ngày càng cao hơn, rõ nét hơn.
Ông có thể cho một vài ví dụ?
Trước hết tôi nói về thể dục, thể thao phong trào. Vào buổi sáng và buổi tối, nếu anh để ý, không chỉ ở thành thị mà cả nông thôn nữa, người dân đủ các lứa tuổi đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh rất nhiều. Còn các môn thể thao cũng vậy. Cầu lông, bóng dá, bóng chuyền, quần vợt, cờ tướng...đâu đâu cũng có người chơi, địa phương nào, ngành nào cũng tổ chức thi đấu. Tính trong 5 năm trở lại đây ta có thể thấy năm 2005 có 800.000 người tập luyện thường xuyên, có 81.000 gia đình thể thao, 818 câu lạc bộ thể thao các con số tương ứng năm 2010 là 894.500 người tập luyện thể thao, 135.700 gia đình thể thao và 860 câu lạc bộ.
Đó là thể thao phong trào, vậy thể thao đỉnh cao, thể thao chuyên nghiệp thì sao?
Tôi đã có đánh giá ở trên rồi, tôi chỉ thêm một ý nữa là thể thao đỉnh cao của chúng ta trong những năm gần đây đã có sự phát triển toàn diện hơn. Nếu trước đây chúng ta dành nhiều quan tâm nhất, kể cả về tinh thần và vật chất cho bóng đá, thậm chí có nhiều người còn gọi sở Thể dục thể thao là sở Bóng đá (cười) thì bây giờ đã có nhiều môn hơn, và phát triển khá tốt như cầu mây, võ thuật, vật…Tôi xin cung cấp cung cấp thêm số liệu để các anh rõ. Có lẽ là ta hãy lấy kết quả tham gia các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc gần đây để tham khảo vậy. Ở đại hôi IV vào năm 2002 chúng ta có 7 Huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 12 huy chương đồng, xếp hạng 12/64. Đến Đại hội V vào năm 2006, chúng ta có 8 huy chương vàng, 8 huy chương bạc, 19 huy chương đồng, xếp hạng 19/66. Và đại hội VI năm 2010 chúng ta có 11 huy chương vàng, 11 huy chương bạc, 31 huy chương đồng, xếp thứ 16/66.
Qua con số này có thể khẳng định là thể thao đỉnh cao của chúng ta đang đứng vào tốp khá của cả nước.
Nhưng mà tôi thấy thứ hạng của chúng ta cứ trồi trụt, lên xuống trong bảng xếp hạng?
Điều đó là có thật. Nhưng cần hiểu rằng chúng ta đang đứng trong một hàng ngũ cả nước, ai cũng muốn đi lên, ai cũng khát khao trưởng thành và chiến thắng như chúng ta. Có thể chúng ta không yếu đi mà là do họ mạnh hơn nên thứ hạng thay đổi. Thứ hạng là quan trọng nhưng chưa phải là tất cả. Cái chính là chúng ta có đội ngũ vận động viên và huấn luyện viên đông, mạnh, trính độ cao, có ý chí và khát vọng chiến thắng. Đội ngũ này là hạt nhân kích thích, làm đầu tàu cho cho thể thao phong trào phát triển. Đó mới là điều quan trọng nhất. Thực tiễn của thẻ thao Nghệ An trong những năm qua đã chứng tỏ điều đó. Vậy thì, theo tôi, đó là cái được rất lớn của chúng ta.
Theo ông thì những nguyên nhân nào đã làm cho thể thao Nghệ An phát triển khả quan như vậy?
Có rất nhiều nguyên nhân. Chủ quan có, khách quan có. Tôi chỉ xin nói mấy nguyên nhân chính. Thứ nhất là kinh tế của cả nước và của tỉnh nhà có sự phát triển. Hai là, nhận thức của người dân ngày càng đúng đắn hơn, tự giác hơn về tham gia hoạt động thể dục, thể thao; Ba là xét về tố chất người Nghệ An chúng ta có nhiều thuận lợi để hoạt động các môn thể thao, nhất là các bộ môn thiên về sức mạnh như vật, võ…
Tôi thấy hình như việc mở cửa giao lưu với thế giới, kể cả phát triển truyền thông nữa cũng là một yếu tố rất quan trọng để tác động vào và thúc đẩy thể thao cả nước nói chúng và của Nghệ An mở mang và phát triển?
Tôi đồng ý với ý kiến của anh. Mà có lẽ đây là một nguyên nhân rất quan trọng. Nhân đây tôi cũng xin nói là thể thao Nghệ An đã ra khơi đến vói biển cả, đã hội nhập quốc tế và đem lại kết quả rất đáng trân trọng, rất đáng khích lệ. Á vận hội vừa rồi chúng ta đã có 4 vận động viên tham gia và đã có 3 huy chương đồng. Rồi các kỳ Seagame, các cuộc thi vô địch thế giới của các môn thể thao…vận động viên của chúng ta đã tham gia khá nhiều và đạt thành tích khả quan.
Thưa anh, từ thực tiễn quản lý ngành thể thao, nếu không nói quá to tát là triết lý thì anh có thể cho biết phương châm phát triển thể thao của chúng ta đã và sẽ là gì, như thế nào?
Theo tôi được tiếp thu của các anh chị đi trước trao truyền kinh nghiệm, cùng với các đồng nghiệp tút kinh nghiệm, tôi thấy là cần phải xây dựng mô hình phát triển thể thao của ta theo hình chóp nón. Nghĩa là xây dựng thể thao phong trào thật rộng khắp, mạnh mẽ làm nền tảng để từ đó phát hiện và bồi dưỡng các tài năng thể thao đỉnh cao. Tôi thấy thực tiễn của phong trào ở huyện Quỳnh Lưu là đúng như vậy và rõ ràng là có kết quả rất tốt. Cứ nhìn vào môn bóng đá chúng ta cũng thấy rõ điều đó. Các giải bóng đá thiếu niên nhi đồng là nền tảng cho bóng đá chuyên nghiệp của chúng ta chứ không ở đâu khác. Quang Trường và một số cầu thủ khác là phát triển từ phong trào lên đấy.
Tôi cũng xin nói thêm là phương châm đó phải được áp dụng ngay cả trong thể thao đỉnh cao, có nghĩa là trong thể thao đỉnh cao thì chúng ta cũng phải lựa chọn những môn mũi nhọn để đầu tư phát triển có chất lượng và kết quả cao nhất. Từ cái nền chung, như tôi nói trên, là bệ phóng cho những thành tích đỉnh cao tầm quốc gia, quốc tế. Rồi chính cái kết quả, hào quang chiến thắng và kinh nghiệm đó sẽ trực tiếp kích thích cả thể thao đỉnh cao lẫn thể thao phong trào phát triển.
Vậy, có điều gì mà ông và các đồng nghiệp chưa làm được, còn cảm thấy chưa hài lòng?
Có chứ. Không bao giờ và không có ai, không có cái gì là hoàn hảo cả. Phải liên tục vận động để hoàn thiện. Cuộc sống luôn có sự đổi thay buộc mính phải vươn lên để có những đỉnh cao mới. Và chính đó là quy luật vận động phát triển. Chúng tôi tự thấy rằng, so với nhu cầu phát triển thì tư duy làm thể thao của chúng ta vẫn còn chậm một bước, chưa mạnh mẽ để theo kịp sự phát triển, để có kết quả khả quan nhất. Tôi xin đưa ra một ví dụ: Trong thời gian qua, chúng ta chưa có sự lựa chọn hợp lý các môn để đầu tư nên kết quả chưa cao. Tại sao chúng ta đặt cược vào điền kinh khi mà các điều kiện chưa chín muồi, nhất là lực lượng vận động viên? Đó là một quyết định chưa chính xác, chẳng hạn.
Thứ hai là về cơ chế chính sách với vận động viên còn nhiều bất cập và chậm trễ, có thể nói là còn nhiều điểm yếu. Chúng ta chưa tiếp nhận được các vận động viên sau khi nghỉ thi đấu và đã học xong đại học về công tác huấn luyện tại ngành. Trường hợp anh Dương Trọng Bình là một dẫn chứng.
Thứ ba, một điều cần nói để có hướng khắc phục là chúng ta rất chậm đầu tư cho một số môn thể thao thành tích cao. Mãi đến tháng 12.2010 mới có chế độ dinh dưỡng mới cho vận dộng viên, khi mà đã kết thúc Đại hội TDTT toàn quốc?! Đó là chưa nói đến điều kiện nhà ở, sinh hoạt, học tập của các vận động viên đang rất khó khăn. Hiện tại các VĐV đang phải ở trong nhà cấp 4 xây đã mấy chục năm rồi, dột nát lắm, tội nghiệp lắm.
Vậy có hiện tượng chảy máu VĐV không, thưa ông?
Có chứ. Tôi xác nhận là có tình trạng này. Năm vừa rồi đã có 5 VĐV đi và chắc là sẽ còn có đi nữa nếu chúng ta không nỗ lực có cải tiến về chính sách phù hợp đối với họ.
Theo ông thì đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Tôi nghĩ là có nhiều nguyên nhân, mỗi VĐV rời khỏi đội ngũ đều có những lý do, những nguyên nhân không hẳn giống với người khác song có lẽ cái chính là do chính sách, chế độ đãi ngộ của chúng ta chưa tương xứng với tài năng và sự cống hiến của họ. Trong lúc đó, điều kiện tập luyện và thi đấu, chế độ chính sách của một số địa phương, ngành tốt hơn, lại có chính sách thu hút VĐV hấp dẫn nên sự quyết định ra đi của họ không phải là không có lý. Và thứ hai là do nhận thức về trách nhiệm cống hiến cho quê hương, cho ngành của một vài VĐV chưa cao…Chúng tôi rất lấy làm tiếc về điều này song nhiều trường hợp, nói thật với anh là lực bất tòng tâm, không giữ nổi. Thôi thì để các em đi để các em có thể phát triển tốt hơn. Ở đâu cũng là vì nền thể thao nước nhà cả.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tính chuyên nghiệp của thể thao tỉnh nhà?
Đây là một vấn đề quan trọng mà mọi nền thể thao cần phải hướng đến và bây giờ tự đánh giá như thế nào cũng không phải là dễ…Theo tôi thì thể thao của NGhệ An chúng ta đang trên đường xây dựng để hình thành tính chuyên nghiệp cả về tổ chức, tập luyện, thi đấu, các dịch vụ hậu cần…Nói tóm lại là tính chuyên nghiệp chưa rõ ràng, còn mờ lắm. Nhưng các anh hiểu cho rằng đây là tính trạng chung của cả nước, không riêng gì Nghệ An. Do cọ xát nhiều hơn nên ở tỉnh ta tính tính chuyên nghiepj của thể thao còn rõ hơn một số tỉnh khác khá nhiều đó anh ạ.
Đối với thể thao Nghệ An, môn bóng đá được chú trọng phát triển nhiều nhất và bước vào lộ trình chuyên nghiệp sớm nhất. Ông có thể cho chúng tôi biết thêm về vấn đề này?
Đúng là như vậy. Sông Lam Nghệ An đã và đang trên lộ trình chuyên hóa trên tất cả các mặt. Hiện nay thuộc Công ty cổ phần Sông Lam Nghệ An và có đối tác đầu tư là Ngân hàng Bắc Á. Sau một thời gian khó khăn, hiện nay đội bóng đã ổn định hơn nhiều và thi đấu cũng đang tốt hơn. Tôi ti là Sông Lam NGhệ An sẽ trở lại trong tốp dẫn đầu của bóng đá Việt Nam.
Vậy việc xã hội hóa thể thao của chúng ta lâu nay như thế nào? Tình trạng nhà nước ‘bao sân”thể thao còn nhiều không?
Nhà nước vẫn phải tiếp tục quan tâm đầu tư cho thể thao, nhất là thể thao đỉnh cao, nhất là các môn khó sinh lợi về vật chất. Kể cả thể thao phong trào thì nhà nước vẫn phải quan tâm. Mấy năm vừa rồi ngân sách tỉnh đã đầu tư cho thể thao phong trào khá nhiều. Trong chương trình đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hàng chục sân vận động mới của các xã đã được xây dựng. Còn thể thao đỉnh cao thì nhà nước còn phải đầu tư nhiều hơn. Ở các nước phát triển, nơi mà có nền thể thao chuyên nghiệp từ rất lâu rồi thì nhà nước vẫn phải bao cấp đấy thôi.
Bây giờ nói về vấn đề xã hội hóa thể thao ở tỉnh ta, tôi thấy là có nhiều điều rất đáng phấn khởi. Ở đây cần nhìn nhận ít nhất là hai mặt của nó. Hoạt động, hưởng thụ và quan tâm, đầu tư cho thể thao. Mục tiêu là làm cho mọi người đều có quyền và có cơ hội, có điều kiện tham gia các hoạt động thể thao từ tập luyện, thi đấu đến xem thi đấu. Và thứ hai là động viên và tạo điều kiện cho mọi người, mọi tổ chức, đoàn thể đều tự nguyện tham gia xây dựng các nguồn lực cho pahts triển thể thao.
Về mục tiêu thứ nhất tôi đã có nói ở trên rồi. Rõ ràng là điều kiện , cơ sở vật chất được cải thiện nên phong trào thể thao quần chúng của ta phát triển rất mạnh, rất nhanh đều khắp từ miền xuôi đến miền ngược, miền núi đến đồng bằng…Về việc huy động các nguồn lực để đầu tư cho phát triển thể thaothif rõ ràng là trong thời gian qua có biến chuyển và có kết quả hieeujquar tốt, ngày càng tốt hơn. Anh thấy đó, bây giờ đến giải của xã, của phường cũng có nhà tài trợ. Rồi đầu tư cơ sở vật chất cho thể thao nữa, phát triển rất nhanh. Đến bây giờ cả tỉnh có 110 nhà tập có mái che. Rất nhiều sân vận động ở các xã các phường là do đóng góp của người dân làm nên. Nhiều cơ sở thể thao là do các doanh nghiệp đầu tư. Chắc anh biết hệ thống sân bóng đá, quần vợt ở Câu lạc bộ lao động Nghệ An là do các doanh nghiệp và tư nhân đầu tư đấy. Các công trình này được phát huy và bảo quản rất tốt. Tôi thấy và tin chắc là quá trình xã hội hóa thể thao sẽ phát triển hơn trong những năm tới.
Chúc mừng về những điều đó vì đó chính là điều cần hướng tới của mọi nền thể thao. Mọi người có quyền và có điều kiện tập luyện và thi đấu thể thao là mục tiêu phát triển của ngành thể thao chúng ta.
Thưa ông, vậy trong thời gian tới, các ông xác định công việc trọng tâm là gì?
Trước hết phải nói về mục tiêu phấn đấu, mục tiêu phát triển là trở thành một địa phương đứng trong tốp 10, Top Ten của cả nước, xứng đáng là trung tâm thể thao của vùng Bắc Trung bộ. Muốn vậy, phải đề cao trách nhiệm hướng dẫn phong trào, quản lý chặt chẽ nhưng tạo mọi điều kiện cho mọi hoạt động TDTT phát triển. Và theo đó, theo tôi, cần kiên trì phương châm phát triển theo hình chóp nón, đi bằng hai chân là thể thao phong trào và thể thao đỉnh cao. Ngoài việc đầu tư toàn diện nhưng có chọn lựa cần phải xem xét và sớm điều chỉnh lại hệ thống đào tạo để có nhiều vận động viên có trình độ chuyên môn, học vấn, văn hóa cao, đủ năng lực vươn ra tầm khu vực. Cụ thể trước mắt là xây dựng trường trung học phổ thông năng khiếu TDTT trên cơ sở chuyển giao quản lý trường THPT Hữu nghị. Đi theo đó là phải thường xuyên nghiên cứu để có hệ thống cơ chế chính sách về quản lý và phát triển thể thao phù hợp với sự phát triển chính trị, kinh tế xã hội của cả nước và của tỉnh. Và không thể khác được là phải thường xuyên chú trọng để nâng cao tính chuyên nghiệp và xã hội hóa của thể thao. Tất cả những nội dung này sẽ được thể hiện cụ thể hơn, có hệ thống hơn trong Chiến lược phát triển thể thao mà chúng ta sẽ xây dựng trong năm nay.
Cảm ơn ông và một lần nữa xin chúc mừng ông và toàn thể cán bộ, vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài…của ngành thể thao tỉnh nhà nhân ngày Thể thao Việt Nam.
Thảo Nguyên (thực hiện)