Cuộc sống quanh ta

HOÀI ANH lầm lũi qua cõi người

        Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy
         Ra phố mua bao thuốc lá
        Chín năm sau anh mới trở về nhà.
       (Nhớ ngày thủ đô khánh chiến- Hoài Anh)

Theo câu thơ, tôi lần đến tìm nhà thơ Hoài Anh. Không nhớ chính xác là năm nào, nhưng hình như là năm sáu chín, bảy mươi gì đấy. Hà Nội đã vào cuộc chiến tranh chống trả quyết liệt với không lực Hoa Kỳ. Điện đóm Hà Nội mất thất thường. Nhà anh ở phố Hàng Bồ, nhưng nhà phía trong, phải qua một lối nhỏ hun hút tối. Lối đi nhỏ và sâu, ban ngày cũng tối mù như ban đêm. Vừa đi, vừa lần tay dọc bờ tường mà bước. Thỉnh thoảng, lại giật mình vì hụt bước chân, bởi lối đi cao thấp bất chợt. Đã vậy, phòng anh ở lại trên gác hai, phải leo qua cầu thang gỗ cũ kỹ ọp ẹp và nhớp nháp. Gian phòng rộng chừng hơn chục mét vuông. Cả giường chiếu, sách bút, chạn bát, bếp dầu đều được xếp bề bộn trong đấy. Với chỗ ở như thế, thời điểm ấy, với anh em viết là lý tưởng lắm rồi. Chỉ tội mái thấp, không có cửa sổ, nên nóng kinh khủng, Tôi ngồi bệt xuống sàn gỗ mọt ruỗng cũ kỹ, tay cầm quạt nan quạt nấy quạt để xua bớt cơn nóng mùa hè. Nhà thơ khi ấy đang dở tay bắc nồi cơm, vì người vợ anh đi làm chưa về. Ngồi chưa ráo mồ hôi, bỗng tôi rợn tóc gáy bởi sách báo, thước kẻ bay vèo vèo qua đầu. Hai cậu bé Văn - Vũ, cặp con sinh đôi của nhà thơ vừa chui ở gầm giường lên, chúng nô đùa ném đuổi táo tợn bất chấp khách khứa của bố.

Anh gắt khẽ con, rồi lúi cúi giở chồng sách lấy tập bài đưa tôi. Bài viết trên giấy giang vàng ố, mặt nhẵn mặt nhám. Tập bài có đến ba bốn bài viết về các làng nghề, tổ nghề. Chả là, dạo ấy tôi làm ở một tờ báo ngành, chuyên phải lo mục bài viết về mảng truyền thống của nghề thủ công. Anh là cộng tác viên thân quen của báo.
Hoài Anh là người thông minh, có trí nhớ rất đặc biệt. Chuyện về nghề dệt, nghề may,  về ông tổ nghề rèn, bà tổ nghề tơ tằm... anh đều hiểu và kể vanh vách. Anh là nhà thơ, nhưng chăm chỉ viết bài cho nhiều tờ báo, để thêm tiền nuôi hai cậu con còn bé xíu và nghịch ngợm.

Nhận bài và đặt anh viết bài tiếp, tôi vội xin phép ra về để anh còn phải lo tiếp công việc bếp núc. Anh tiễn tôi ra cửa và phân trần: " Tôi phải tranh thủ viết bài ở cơ quan, về nhà, tôi làm đầy tớ cho hai đứa trẻ !".
Những năm chiến tranh ấy, không riêng Hoài Anh, mà như ai cũng sống vất vả. Nhưng xem ra nhà thơ Hoài Anh có cái dáng vất vả hơn. Khi áo trong quần, khi áo bỏ ngoài quần, lúc dép cao su bốn quai, lúc lê dép nhựa mòn gót không quai hậu, vai khoác túi vải vừa cũ vừa bẩn chứa đầy bản thảo sổ sách, anh đến các toà báo. Ngày ấy, Hà Nội hoạ hoằn lắm mới có xe máy. Xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu. Gia đình Hoài Anh có một cái xe đạp cũ, anh nhường vợ đi làm. Vả lại, anh lại không biết đi xe đạp, nên toàn cuốc bộ. Cuốc bộ từ nhà tới cơ quan. Cuốc bộ từ cơ quan tới các toà báo để gửi bài. Cứ men theo bờ hồ Hoàn Kiếm sang báo Hà Nội mới, anh xuống phố Bà Triệu, để tới báo Cứu Quốc, báo Văn Nghệ. Tạt sang phố Hồ Xuân Hương, ném bài vào thùng thư của báo Tiền Phong, báo Thiếu Niên Tiền Phong. Tiện rẽ sang báo Tổ Quốc, báo Thống Nhất ở phố Nguyễn Du. Rồi quặt về phố Lý Thường Kiệt, qua báo Độc Lập lấy nhuận bút, rồi trở về nhà lo cơm nước là vừa.
Nói về tài cuốc bộ, trong giới cầm bút, có lẽ không ai hơn anh. Nhiều hôm, anh đi bộ xuống tận chợ Mơ, ngã Tư Sở, chợ Bưởi để gặp bạn viết đặt bài. Cứ lếch thếch như thế mà đi. Đôi chân anh đã quen đo độ đường của phố phường Hà Nội. Anh vẫn giữ thói quen đi bộ cả khi chuyển vào sinh sống ở Sài Gòn. Thành phố Sài Gòn rộng dài đến vậy, đôi chân anh đi bộ làm sao xuể, nghĩ cảnh ngộ ấy mà thương anh làm sao !

                                                           *
                                                       *    *
Anh em viết thơ đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước, khi được chọn bài in trong tuyển thơ "Sức mới 1, 2" và sau này được in trong tuyển thơ "Ba năm chống Mỹ cứu nước, 1965 - 1967" của NXB Văn học là như đã được khẳng định năng lực.
Bài thơ "Bức tranh gà" của Hoài Anh đã sớm được chọn in trong các tuyển thơ đó. Anh có mảng thơ viết về Hà Nội thời kháng chống Pháp rất hay. Đấy là hình ảnh những ngõ phố cổ, với con người Hà Nội hào hoa mà quyết liệt. Anh thân thuộc từ viên gạch vỉa hè tới chiếc ghế trong rạp hát và cả mái phố rêu phong nhấp nhô. Những địa danh: Cổng Đục, Ngõ Gạch, Ô Quan Chưởng, Hàng Đào, Hàng Bạc, rạp hát Tố Như vào thơ anh với rất nhiều cảm xúc. Tôi không tường tận thời thơ ấu của anh. Chỉ biết, anh sinh ra ở làng quê huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) nhưng lên kiếm sống ở Hà Nội rất sớm. Rồi anh tham gia kháng chiến. Anh trải qua nhiều nghề. Có dạo, nghe đâu anh làm ở một rạp hát, lo việc nhắc vở và kéo phông màn gì đó. Có phải vì thế  anh hiểu được tâm trạng người nghệ sĩ trong thời khói lửa, mà viết được bài thơ hay "Lời thề rạp Tố Như" đó chăng?!

Dạo tôi quen biết anh, là anh đã làm việc ở Sở văn hoá Hà Nội. Kỳ đó, sở có sáng kiến in các tập văn thơ mong mỏng cho các cây bút trẻ ở Thủ đô. Tuy là sách mỏng thôi, nhưng lại tập hợp đông đủ anh em viết. Anh tham gia biên tập các tập sách đó. Rồi sau Hội văn nghệ Hà Nội ra đời, anh chuyển sang biên tập tạp chí của Hội một thời gian. Công việc giao tiếp nhiều, anh em viết ở Hà Nội, cả lớp già và lớp trẻ, hầu như ai cũng biết Hoài Anh. Làm công tác biên tập lâu năm, nhưng anh lại chẳng có một chức tước gì. Cấp trên không giao hay là anh từ chối không nhận? Anh có tính nồng nhiệt đốc thúc anh em gửi bài vở. Nhưng hễ tạp chí ra mắt, không có bài của tác giả này, tác giả kia là anh lại đau khổ phân bua "Tôi đã đưa vào rồi, trên không duyệt đấy. Khổ thế !".

Anh có tài viết nhanh. Viết báo thì đã đành. Ngay cả làm thơ cũng vậy. Báo này báo kia đang cần bài thơ về đề tài này nọ, tối đến đặt bài, sáng sau anh cuốc bộ đến nộp bài sớm. Mà toàn bài in được trở lên. Anh là người làm báo rất nhậy. Có báo cần bài viết nghiên cứu về điện ảnh, có tạp chí cần bổ sung bài viết giới thiệu một vở cải lương mới dàn dựng, anh nhận tất. Người đặt bài anh, yên tâm vì khả năng ứng phó của anh. Vì kiếm sống? Hay năng lực linh hoạt của người làm báo là thế ?!

Anh là người có kiến thức rộng. So với lớp anh em viết dạo đó, anh là người thông thạo Đông Tây Kim cổ. Chả rõ anh học hành từ khi nào, nhưng anh đọc được cả thơ chữ Pháp, lại dịch được cả thơ Đường, thơ Tống. Trời phú cho anh trí nhớ thực tài, nên việc học ngoại ngữ có thuận tiện chăng? Anh sáng tác trên nhiều thể loại. Về sân khấu, năm 1961, anh có kịch bản "Xe pháo mã" đã dàn dựng và có giải thưởng. Văn, có tiểu thuyết "Chim gọi nắng", 1989; có truyện lịch sử "Ngựa ông đã về", 1978; có truyện thiếu nhi "Đuốc lá dừa", 1981. Phê bình tiểu luận, có "Người chở đò thời đại", có "Tìm hoa quá bước", 2001. Dịch, có "Thế kỷ thơ tình Pháp" và "Một trăm bài thơ Đường", 2001. Nghe nói, anh còn soạn dăm bảy vở tuồng, cải lương cho các đoàn, song anh không đứng tên anh. Người đa tài đến thế, nhưng hễ nói đến thơ, là chợt sững người lại. Với anh, thơ vẫn là đền đài vĩ đại nhất. Anh lao tâm khổ tứ, đeo đẳng đuổi bắt và có lúc tưởng trắng tay vì nó.
Một người sống chết với Hà Nội, vậy mà sau ngày giải phóng miền Nam, anh đùng đùng quyết định chuyển gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Không biết có phải tại đời sống của anh ở Hà Nội ngặt nghèo quá, hay anh muốn làm cuộc đi thực tế dài dài ở vùng đất mới, để anh đánh cuộc cùng thi ca?

Được tin anh rời Hà Nội, tôi không khỏi ngẩn ngơ. Phải chăng, những kênh rạch mênh mang và những cơn mưa rào bất chợt phương Nam đã hút hồn anh? Nếu sự xê dịch, để hồn thơ vụt loé, âu cũng là mừng. Nhưng lại có tin bạn bè cho hay: anh kỳ vọng vào đất cải lương trong ấy, hòng đem tài của mình xoay sở viết thuê vở này vở kia cho các đoàn diễn. Thật cảm thương cho nhà thơ Hà Nội di cư. Một năm, hai năm trôi qua, anh không bán được kịch bản cải lương nào. Đất cải lương phương Nam không đón nhận chàng thi sĩ chân đất đi bộ viết vở cải lương. Ngay cả bài vở của anh, hoạ hoằn mới được dùng trên các trang báo trong đấy.
Đời sống khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Hai tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Anh như người lạc trong cơn lốc thị thành phương Nam. Bi kịch đã xảy ra với Hoài Anh: gia đình tan vỡ. Nếu đời sống anh em viết rời Hà Nội vào Nam đều khá lên, thì số phận đã đẩy anh ngược lại. Thế là anh mất vợ, mất nhà mất cửa. Nhà thơ lại khoác túi vải cũ mèm chứa đầy bản thảo đến ngủ tá túc tại bàn làm việc cơ quan. Đôi chân nhà thơ lại thất thểu trên các ngả đường Sài Gòn.
Trong một chuyến vào Sài Gòn, tôi xếp mau xong việc để đi tìm gặp nhà thơ Hà Nội thuở nào. Tới cơ quan anh, mọi người cho hay anh sang thư viện. Tôi sang thư viện, lại được tin anh đã tới thăm người bạn. Lần theo địa chỉ người bạn, tìm anh, anh lại cuốc bộ theo ngả đường khác rồi. Cuộc rượt đuổi tìm nhau không thành. Gọi điện tìm anh? Anh làm gì có điện thoại riêng? Tôi mường tượng ra anh đang lang thang một góc phố nào đó. Tứ thơ nào đó kéo anh đi hay đời thường cơm áo xô đẩy anh đi? Có thể anh tạt vào quán cơm bụi làm một đĩa cơm còm, hoặc ghé một quán cóc tợp một chén rượu đế, ngửa mặt nhìn dòng người thành phố quay cuồng như cơn lốc. Và có thể anh chờ đêm xuống, để về ngả lưng trên bàn cơ quan. Giấc ngủ mơ màng có đưa anh về với bóng Tháp Rùa và rạp hát Tố Như ?..
.
Cô đơn là tài sản của người nghệ sĩ. Có một ai đã nói như thế. Nhưng con người không thể chỉ sống bằng sự cô đơn. May mắn cho anh, những câu chữ vẫn làm bạn đồng hành và chung thuỷ với anh. Trong  cô đơn, anh đã thốt lên: "Tôi phải viết ! Tôi sẽ viết!"                                                                                                                                                    
                                                                                               *

                                                                                       *          *
Thật lạ,  thơ với người vốn là một, vậy mà có lúc thơ và con người Hoài Anh lại rất khác nhau. Nom  dáng vẻ anh cũ càng, nhầu nhĩ và có phần yếu đuối, vậy mà  thơ anh viết về thủ đô những ngày kháng chiến lại rất hào sảng, tung hoành và vạm vỡ. Những câu thơ ấy, đã đi vào  nỗi nhớ người đọc.
          Giặc sủa từng chùm liên thanh
          Lựu đạn, bom ba càng đáp lại
          Xác thù lấp kín thềm nhà
          Cây sấu cụt tay vẫn trơ trơ trước cửa
          Khói đạn bay bụi vữa xóa nhòa
          Mảnh tường đổ như người chết  đứng
          Còn giơ lưng cho đồng đội diệt thù.

          ...

           Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến
           Chín năm ròng lòng vẫn Thủ đô.
      
Đấy là khổ thơ trong bài thơ “ Nhớ ngày thủ đô kháng chiến ” mà anh viết đã mấy chục năm về trước. Con người nom xộc xệch và có phần luộm thuộm ấy, lại có những câu thơ thần thái, đài các, bóng bảy.
                      Nhớ thời muộn dại sớm khôn
             Tóc xanh như khói, mắt buồn như mây.
             Hoặc:
                     Câu thơ đầu phố về thăm gác buồn
             Hoặc:
                     Hồn hoa hôm ấy ngỡ nay hiện về.
                                                      ( Gặp bạn ở Hà Nội )
             
Cuối năm 2007, nhà thơ Hoài Anh có xuất bản tập thơ “ Hòa mạng ”. Đây là tập 3 trong tuyển tập thơ gần 1000 trang của anh. Vì lý do tài chính, tập 1, tập 2 chưa in được, nên ra mắt bạn đọc bắt đầu từ tập 3. Phần hai trong tập, gồm những bài thơ anh viết về những người thân trong gia đình, họ mạc, làng xóm của anh. Bài nào cũng  đẫm  buồn. Nhà thơ viết về người cha của mình hy sinh trong cuộc chiến tranh giữ nước “ Tư xác cha vùi nấm đất đen. Bụng xuyên lỗ đạn máu tươi hoen. Đêm đêm không dám ra vườn mận. Sợ gió âm ti thổi tắt đèn”. Rồi đến người ông nội “ Leo bậc thêm xưa nhớ đã lâu. Trượt chân ông ngã rách da đầu ”. Hoặc khi viết về người em trai thiệt thòi không nói được, với nhiều cảm thương “ Miệng em ú ớ âm môi. Mắt em âm bản chiếu hồi phim câm ”. Còn đây là chân dung người chị :
                             Nay trở về quê chị đã già
                             Một đàn cháu chắt xúm quanh bà
                             Cái vòng quanh quẩn chuồng và bếp
                             Muốn thoát nhưng mà chẳng thoát ra.
Cái đời sống nhọc nhằn và buồn tẻ ở làng quê, in thẫm  vào trang viết. Thương  một người anh bị chết vì trâu húc thủng bụng giữa đồng,  trên đường về quê anh chỉ thấy “ Thấy lớp da đầu đang toạc máu. Sừng trăng nhọn hoắt húc thần nông ”. Lại một người anh nghèo khó đi kiếm sống quê người,  khi kiệt sức quay về quê , nằm chết ở vệ đê “ Cách nhà chỉ khoảng vài trăm mét. Máu mủ dường như thuộc lối về”. Quê nhà  lầm lũi, nghèo khó, kỉ niệm về quê  với nhà thơ , như toàn thấy buồn. Nhớ về tuổi thơ của mình, không có sự thơ thới, ấm áp, mà  Hoài Anh chỉ nhớ về thưở xách giỏ mò cua cá giữa đồng nước úng ngập “ Ký ức lùa đâm ngạnh cá rô”. Hình ảnh người bà, bùi ngùi,  sâu  đậm.
                          Nhớ hồi cha cháu học trường xa
                          Giầu thuốc năm xu mua biếu bà
                          Bà hái cau vườn nhai bỏm bẻm
                          Quết trầu tươi đậm nghĩa ân hòa
                          Cha cháu từ xa cõi thế này
                          Cháu còn dại chửa biết leo cây
                          Lưng còng bà nhặt ăn cau rụng
                          Trệu trạo niềm đau nuốt lại đầy
                                                                  “ Bà tôi”
Ngoài đời , hầu như không thấy anh nói về sự cô đơn của mình. Nhưng trong thơ, thì nỗi cô đơn như không dấu được. Bước vào tuổi bảy mươi, những câu  thơ viết ra bằng nỗi niềm trĩu nặng của một con người đã biết cái giới hạn của đời mình:
                           Ru ta cuối đất cùng trời
                      Cái thân bảy thước ra người ẩm ương
                            Ru ta chân lấm bụi đường
                       Ngàn phương thu lại một phương xó nhà
                            Ru ta chí rộng hải hà
                      Mà nay lọm khọm ông già hết hơi...
Rồi :           
                        
                         Ru ta bè bạn ríu ran
                     Giờ nghe con sáo gọi đàn mà thương
                         Ru ta duyên nợ văn chương
                     Đóng băng tài khoản trơ xương cõi còm
                                                                   « Ru ta »  
                                                            
                                                                                      *

                                                                                 *       *
Một sớm cuối năm se  lạnh,  nhà tôi chợt hỏi tôi lâu không thấy bác Hoài Anh trong Sài Gòn ra chơi?  Ngay chiều đó,  đi làm về, tôi đã thấy anh ngồi lụ khụ trong nhà tôi. Nom anh già nhanh quá. Mới sau một năm, sao tóc anh bạc trắng cả. Dáng ngồi gù gù như con gấu. Anh mắc chiếc áo rét to sụ, chân đi dép săng đan. Nhà tôi lên gác kiếm tìm đôi tất mới, đưa anh đi kẻo lạnh chân. Anh nói ngay “ Kỳ này  ra Bắc , sẽ ở hẳn ngoài này. Đất phương Nam đã ruồng bỏ  tôi  rồi !” 
Tôi vẫn biết tâm trạng nhà văn vốn thất thường, vui ngay và buồn ngay, ham mê tất cả và chán chường tất cả. Nghe anh nói vậy thôi, chứ tôi biết mảnh đất phương Nam nào đã bao giờ ruồng bỏ anh. Vào Nam, anh đã mất tất cả, nhưng chính anh lại được tất cả. Nếu tính đầu sách anh đã công bố, thấy đáng kính nể. Chỉ riêng năm 2006, một nhà sách trong Nam đã in cho anh bộ tiểu thuyết lịch sử 16 tập, mỗi tập in  1000 bản, với độ dày trên dưới 300 trang ( tổng cộng bộ tiểu thuyết này dày 4529 trang). Cũng chính mảnh đất phương Nam đã cho anh hoàn thành cuốn “ Chân dung văn học ” dày gần 1500 trang, đồ sộ và hoành tráng. Rồi năm 2007, Chi nhánh Nhà xuất bản Văn học tại thành phố Hồ Chí Minh lại cho xuất bản cuốn Biên soạn khảo cứu 756 trang của anh, với tên sách “ Xác và hồn của tiểu thuyết” Cuối năm 2008, một nhà sách trong Nam liên kết nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin cho in bộ sách “ Người chở đò thời đại ” của anh, khái quát chân dung văn nghệ sĩ việt nam thế kỷ 20, gồm 3 tập, gần 2000 trang. Vậy thì mảnh đất phương Nam đâu ruồng bỏ anh ? Và làm sao anh bỏ mảnh đất phương Nam được ?

Tuy nhiên, tâm trạng thảng thốt, thất thường ở anh kỳ này thấy phơi rõ. Con người anh đầy vẻ mệt mỏi, chán chường và chậm chạp. Nhưng sức làm việc và niềm say mê làm việc ở anh thì vẫn thấy mạnh mẽ. Biết anh hay thức khuya dậy sớm, mỗi lần anh ra, chúng tôi thường bố trí anh nghỉ  gần phòng làm việc. Anh có tài thức khuya. Tôi tự thấy mình đã lọ mọ, ngày lo việc mưu sinh, đêm đêm  dành thời gian cho chữ nghĩa. Thường thường một giờ sáng mới ngủ, có tối đam mê ngồi thức lỳ tới hai ba giờ sáng. Những ngày anh Hoài Anh ở nhà tôi, tôi thấy anh thức thông đêm là bình thường. Anh căm cụi ngồi viết. Vẫn quen viết bút bi. Hình như anh mù tịt về vi tính . Máy tính trên bàn thường bật sẵn, nhưng không thấy anh sờ tới. Nhiều đêm đã khuya, tôi đi ngủ, thì anh lại ngồi thay vào cái bàn tôi ngồi, anh viết. Anh lia bút rất nhanh. Bút chạy ràn rạt trên trang giấy. Bản thảo của anh thường gạch xóa , cắt dán rất lằng nhằng. Tôi còn nhớ hơn hai chục năm về trước, thưở tôi làm việc ở một tờ báo, anh cộng tác, cũng vẫn những trang bản thảo kiểu ấy. Cô đánh máy ở tòa báo tôi dạo ấy phải kêu lên là bản thảo anh gạch xóa nhiều quá, may được cái, chữ anh  dễ luận, dễ đọc. 
Kỳ này ra, anh đang gấp gáp hoàn thành cuốn tiểu thuyết về
Hà Nội thời thực dân Pháp chiếm đóng, để hưởng ứng kỷ niệm nghìn năm Thăng Long. Cuốn sách chừng ba trăm trang. Anh khoe, đã viết được  già nửa rồi. Thì ra cái mảnh đát Thăng Long vừa cổ kính vừa mơ màng này vẫn ám ảnh anh, cuốn hút anh. Anh còn vừa viết xong kịch bản sân khấu về vị vua Lý Công Uẩn, rồi anh còn toan chuyển thành kịch bản phim truyện. Kỳ trước anh có mang đề cương kịch bản này ra Hà Nội, được nhiều nhà chuyên môn  đánh giá cao. 
Không gặp gỡ, không giao tiếp bạn bè nhiều như mọi lần, sau một đêm thức trắng làm việc, sáng sớm anh đã khoác túi ra đi. Hỏi ra mới hay, anh đến  tặng bộ sách mới của anh cho một vị lãnh đạo cao cấp. Chả là vị lãnh đạo này, qua người thân, có nhắn gửi lời thăm anh, ngỏ ý muốn có được bộ sách mới của anh. Tôi không biết có phải sự tôn kính vị lãnh đạo cao cấp kia? Hay vì có tình vị riêng gì ? Hay anh hồn nhiên tin là vị lãnh đạo kia đã đánh giá đúng sức làm việc của anh? Tôi chưa rõ.  Nhưng chắc chắn là anh không có mưu cầu nhờ vả một điều riêng gì.  
Anh hăm hở đi, một chập đã thấy anh quay về.  khuôn mặt  đầy nỗi mệt nhọc. Anh không nói, tôi không nỡ hỏi kết quả cuộc gặp gỡ ra sao, vì thấy anh  lập cập chuẩn bị đồ  về quê. Tôi chỉ kịp sắp mấy cuốn sách , tờ báo cho anh, rồi tiễn anh lên xe.

Quê anh, cái làng nhỏ bên bờ sông Châu, tôi chưa có dịp về thăm. Chỉ biết qua lời anh kể, đấy là làng nghèo của vùng đồng chiêm trũng  Bình Lục, Hà Nam. Anh bỏ làng  đi theo người cha vào bộ đội năm anh mười hai tuổi. Rồi anh cũng rất ít có điều kiện trở về thăm nơi chôn rau cắt rốn của mình. Hình ảnh quê nghèo, đồng trắng nước trong  đã theo anh những ngả đường phiêu bạt. Ở cái làng quê nhỏ bé và lam lũ ấy, anh còn hai người em trai của mình. Đời anh vinh hoa không biết có tới được đâu, chứ hai người em trai anh ở lại làng thì gánh trăm đường lận đận. Anh từng kể tôi nghe, anh thương hai người em của anh lắm. Họ là những người nông dân chân chỉ,  chưa từng được đi xa khỏi làng. Đã vậy, một người em lại thiệt thòi không nói được. Anh em về thăm nhau, người em chỉ ú ớ vài tiếng, người anh thi tuổi cao tai nghễnh ngãng, không nói không nghe được gì với nhau,  nước mắt trào ra. Quê anh còn người dì ruột em mẹ anh, tuổi đã cao lắm rồi. Bà như quả trám khô, cho anh nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ. Mẹ anh lâm bệnh mất sớm, khi mấy anh em anh còn rất nhỏ. Bà dì và hai người em của anh cũng chả biết anh là nhà văn nhà thơ nổi tiếng hay không nổi tiếng, chỉ thương anh đi công tác xa quê lâu quá không về.
Con đường  theo cha đi làm cách mạng,   sớm đưa anh rời xa cái làng quê lam lũ. Những ngả đường công tác, những mảnh đất, những cảnh đời đã gặp, như  sớm khắc sâu trong tâm khảm anh, một tâm hồn mong manh dễ xúc động. Có phải vì thế, anh sớm đến với  văn chương. Văn chương khỏa lấp và giải tỏa tâm hồn anh?
Thơ anh vốn tinh tế, vậy mà ngoài đời anh lại sống rất lơ ngơ. Năm trước, cũng ở trong Nam ra, anh cũng sắp đặt chuyến về thăm quê. Ngoài việc mang chút tiền về cho người em, biếu bà gì, anh còn chuẩn bị quần áo rất kỹ càng. Vốn là người sinh hoạt xuề xòa, luộm thuộm, vậy mà anh còn nhờ nhà tôi mua dùm  hộp khăn giấy thơm. Tôi ngạc nhiên hỏi, mới hay, anh chuẩn bị sẵn để về  rửa  mặt mấy hôm. “ Quê tôi, vốn quen dùng nước ao. Dân cầu tõm mà ! ” Mấy hôm ở quê lên, hộp khăn giấy thơm vẫn còn nguyên. Anh khoe, ao làng lấp gần hết, mọi nhà xây nhà ngói, nhà bê tông cả rồi. Người em trai tội nghiệp của anh đã được địa phương xây tặng ngôi nhà tình nghĩa.

Lần này ra Hà Nội, anh  hăm hở muốn về quê sinh sống. Anh khoe với nhà tôi, là sẽ về thuê đổ đất lấp một phần  ao nhà, dựng nếp nhà tre để ngồi viết văn. Rồi  sẽ trồng cây ăn quả, quây ao thả cá. Anh giã từ đất phương Nam, giã từ phố phường ồn ã. Anh sẽ thanh thản ngồi viết và viên mãn tuổi già ở quê. Ngay thoạt đầu nghe anh nói, tôi đã không tin anh sẽ làm được,  cho là anh hoang tưởng. Nhưng thấy anh nói say sưa quá,  sốt sắng  quá, làm tôi cũng có lúc phải tin và tự hỏi , nhà thơ Hoài Anh, đợt này  về quê sinh sống thật chăng? 
Về quê được ba hôm, anh lại  bắt xe lên Hà Nội. Dáng anh bơ phờ. Tôi chưa kịp hỏi, anh đã giãi bày “ Hỏng, hỏng hết rồi. Kế hoạch về quê ở,  lại đổ vỡ ” Tôi không hỏi vì sao việc không thành. Mà thành làm sao được, vì anh vốn còn lơ ngơ lắm. Khi hóa thân trên trang sách, anh thông minh, tỉnh táo như vị tướng điều hành đạo quân các con chữ. Khi ra cuộc đời thực, anh  ngơ ngác vô cùng. Từ trong Nam ra, anh dắt lưng  được mấy đồng vốn. Đó là sự tích cóp của một đời cậm cụi viết lách. Nhưng số tiền ấy, là quá nhỏ so với xã hội, Vậy làm sao thực hiện được  mộng ước xây nhà  nghỉ ngơi tuổi gìa tại đất quê ? Cái làng quê vốn đồng trắng nước trong, một thưở sẵn sàng xin nhau được vài sào đất , nay đã bắt đầu nổi cơn sốt “tấc đất tấc vàng”. Người em tật nguyền của anh vẫn nghèo như thưở nào. Người em út, tuổi chưa cao, nhưng vì vất vả, nên  tóc đã bạc trắng như ông cụ. Bà dì anh lại già hơn quả trám khô. Ai cũng muốn giữ anh ở lại, dù rau cháo, mong anh ở lại với làng xóm. Nhưng anh lại khoác túi ra đi. Anh lại quay vào  phương Nam, trở lại cái chốn phố phường đô hội ồn ào, mà anh lạc lõng. Sự cô đơn luôn bám đuổi anh. Đấy là nỗi niềm cô đơn của một nhà thơ, của một người nghệ sỹ. Anh lại vẫn một mình cuốc bộ với số phận mình.

Tôi nhớ, cũng vào ngày cuối năm ngoái, khi anh  vừa buông bút   hoàn thành cuốn tiểu luận “ Xác và hồn của tiểu thuyết”, ấy là lúc có điện thoại của một nhà thơ nữ, người một thời anh rất quý mến, mời anh và tôi tới xơi cơm. Tôi còn đang phân vân, thì anh dốc đáo thúc tôi đi ngay. Bữa cơm thân mật và thịnh soạn ấy, anh như không ăn, mà chỉ uống bia liên tục. Nỗi xúc động hiện rõ trên khuôn mặt. Rồi bốc lên, anh đọc thơ cho cả nhà cùng nghe. Anh đọc một lúc tới mấy chục bài liền. Đọc bằng trí nhớ, không sai một chữ. Đấy là những bài thơ anh viết  tặng nhà thơ nữ kia, đã mấy chục năm trước, khi cả hai còn trẻ. Anh đọc , mà rân rấn nước mắt. Nhà thơ nữ kia, mặt đỏ dần lên. Như để dấu sự xúc động của mình, chị nói vui, thơ tình này anh Hoài Anh tặng ai mà chả được. Anh như người đang cơn nhập đồng, anh vẫn tiếp tục đọc thơ. Mà như không phải đọc thơ, anh đang quặn thắt đọc nỗi niềm đau đáu của mình cho một người nghe, cho mọi người nghe. Chồng nhà thơ nữ bữa đó cũng ngồi lặng nghe thơ. Anh vốn là một nhà dịch giả có hạng, từng bang giao nhiều nước, ngồi nghe  một lúc, rồi anh tế nhị lên gác. Có phải anh  nhường sự tự nhiên cho  buổi hội ngộ? Tôi thấy nhà thơ Hoài Anh bữa ấy đọc như gào lên. Đọc tới  câu thơ cuối cùng, người anh bã bời, khuôn mặt như thất lạc. Đó là những câu thơ của tình cảm đơn phương anh nén chặt trong tim anh mấy chục năm trời.  

Đêm ấy về nhà tôi, anh như không ngủ. Anh ngồi đốt thuốc liên tục. Anh cũng không  viết,  ngồi lặng lẽ một mình. Tôi cảm nhận được sự trống vắng của anh. Mỗi  con người, đều có những giây phút cô đơn trong trẻo như thé.

Năm 2004, tôi   viết  chân dung anh in trên báo Văn Nghệ. Báo in ra, tôi có gửi  bưu điện chuyển vào Sài Gòn biếu anh. Đọc bài   báo,  anh hồi âm ngay. Anh nói rằng nhờ có bài báo ấy, anh đã trở lại với  văn chương. Anh đã toan gác bút một thời gian, chán chường không muốn  viết  nữa. Có thể anh quý tôi mà nói quá lên thế, nhưng tôi biết sự chán chường kia là có thật trong con người anh. Tôi tin, ai sống hết mình, làm việc hết mình, thể nào cũng có giây phút chán chường, trống rỗng như thế. Tuy vậy, tôi cũng có niềm vui nho nhỏ và tôi tin chắc rằng, nhà thơ của những bài thơ “ Lời thề rạp Tố Như”, “ Bức tranh gà ”, một thời đã đi vào trái tim bạn đọc, dễ gì mà bỏ bút được? Chỉ có điều, anh vẫn lầm lũi cuốc bộ một mình trên con đường của anh. Anh vẫn lơ ngơ đi giữa cuộc sống cùng nỗi cô đơn. Cô đơn, muôn đời là sự khởi nguồn cho  sáng tạo!

(Để biết thêm về nhà thơ Hoài Anh, xin mời quý vị đọc thêm bài ở  ở đây và đây nữa.

                                                                      
                                                                       Hà Nội, 2004-2010
                                                               Nguồn: lethieunhon.com

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513144

Hôm nay

2245

Hôm qua

2436

Tuần này

21081

Tháng này

220017

Tháng qua

121356

Tất cả

114513144