Tính chính đáng càng được công nhận, sự thống trị càng được cảm thấy nhẹ nhàng, sức mạnh càng bớt cần thiết. Nguyên tắc cai trị sơ đẳng đó, ai cũng biết, Đông cũng như Tây. Có điều lạ là, trong khi ở phương Tây, khái niệm légitimité (tiếng Anh: legitimacy) chiếm cứ trung tâm của tư tưởng chính trị, xã hội, nhất là từ khi được Max Weber dùng để giải thích tương quan giữa thống trị và uy quyền, thì ở phương Đông, ngôn ngữ tiếng Việt của ta chưa thống nhất được trên một từ thông dụng để chỉ khái niệm ấy. Mỗi khi dùng từ "tính chính đáng", tôi đều phải mở ngoặc đơn và buồn rầu chua thêm một tiếng Tây: légitimité.
Tại sao người ta tin rằng một sự cai trị nào đó là chính đáng? Câu trả lời tùy thuộc vào văn hóa, tập tục, tín ngưỡng, lịch sử riêng biệt của mỗi tập thể. Một xã hội phong kiến không chia sẻ cùng một quan niệm chính đáng với một xã hội tư bản. Weber đã viết những trang nổi tiếng khi phân biệt ba loại uy quyền dựa trên ba tính chính đáng khác nhau: dựa trên truyền thống, dựa trên hấp lực cá nhân, dựa trên luật lệ. Ý thức hệ ảnh hưởng mạnh mẽ trên việc xây dựng tính chính đáng. Ở Tây phương, tôn giáo càng thoái trào từ thế kỷ 18, ý thức hệ càng tiến tới, lấp đầy khoảng trống: trí thức, tư tưởng gia, tả cũng như hữu, thay thế chức sắc nhà thờ, sản xuất, điều động ngôn từ chính trị.
Không thống nhất trên cách nói, tính chính đáng cũng là khái niệm căn bản từ xưa trong tư tưởng chính trị phương Đông. Vì thượng bất chính hạ tất loạn, nên Khổng Tử phải chính danh. Mạnh Tử còn cho phép thí cả vua nếu vua là bạo chúa. Sức mạnh cần thiết cho việc ổn định xã hội ; bạo lực thì không. Ở đâu có "bạo" thì ở đấy có "phạt", Bình Ngô Đại Cáo đã đưa nhận xét đó lên hàng nguyên tắc. Ở bên trong của mỗi quốc gia, khó chối cãi nguyên tắc đó, dù ở phía Đông hay phía Tây, dù kim hay cổ. Vậy trên trường quốc tế thì sao? Tính chính đáng có làm cơ sở cho sức mạnh hay không? Làm sao xây dựng được một quan niệm chung về tính chính đáng khi mỗi quốc gia có thể có một quan niệm riêng, biết ai đúng ai sai? Trong một xã hội cực kỳ phức tạp như thế, vắng một niềm tin chung, vắng những giá trị chung, những phong tục tập quán chung, lấy gì làm thước để đo tính chính đáng? Lý lẽ của kẻ mạnh là khuôn vàng thước ngọc? Hay là sức mạnh nào cũng có giới hạn, như Hegel nhìn chiến trận của Napoléon ở Tây Ban Nha và thấy "bất lực của chiến thắng"? Phải chăng, ngay cả trong chính trị quốc tế, "anh có thể làm bất cứ việc gì với cây dao găm của anh trừ việc ngồi trên nó"?
Trong học thuyết phương Tây, hai quan niệm đối nghịch nhau về tương quan quốc tế thường làm tiền đề cho mọi tranh luận: quan niệm của Hobbes về tình trạng rừng rú, vô luật lệ, và quan niệm của Kant về thế giới an bài, "hòa bình vĩnh cữu". Thế giới chúng ta đang sống chắc đang nằm trên điểm nào đó giữa hai thái cực ấy, gần hay xa cực nào là tùy cách nhìn. Nói thế chắc không đến nỗi phản bội Hobbes vì ông cho rằng tình trạng rừng rú là tiêu cực, con người chỉ muốn nhanh chân thoát khỏi tình trạng đó bằng cách thiết lập một uy quyền chung. Hobbes chỉ nói đến con người, không nói đến các quốc gia, nhưng suy từ luận lý của ông mà ra, nói thế chắc không trái nghĩa. Với Kant, "hòa bình vĩnh cữu" hãy còn là dự phóng lâu dài, phải liên tục hoàn tất từ tiến bộ này đến tiến bộ khác rồi mới thực hiện được. Trong thế giới không hẳn rừng rú cũng không hẳn đã giã từ chém giết này, sức mạnh trần trụi nhất cũng biết ngụy trang dưới lớp áo đạo đức mà ý thức hệ làm thợ may vẽ kiểu, đo cắt, tô màu cho hợp thời trang. Nước lớn áp đặt ý thức hệ của mình, quan niệm về giá trị của mình, nhưng các nước vừa và các nước nhỏ không phải lúc nào cũng ngậm miệng mà nghe. Giữa chiến tranh lạnh, Nehru dám quy tụ khối các nước không liên kết. Nasser dám chống đế quốc trong vùng Trung Đông của ông. Tito đám đương đầu Ông Anh Cả. Việt Nam dám đánh bại siêu cường. Bằng tư tưởng, bằng hành động, tất cả đều có vấn đề với cùng một câu hỏi: trật tự thế giới này là trật tự gì? Tất cả đều trả lời: trật tự này tôi không chấp nhận ; trật tự thế giới phải khác thế. Tính chính đáng gắn liền với đối đáp đó về nguyên tắc của trật tự thế giới. Nguyên tắc gì?
Gạt bỏ những bàn cãi phụ, tranh chấp gần đây về tính chính đáng của trật tự thế giới xoay quanh đề mục chính: chủ quyền quốc gia có còn là nguyên tắc chỉ nam nữa không hay là quyền của con người? Nước chúa tể trên thế giới ngày nay, nước Mỹ, giương cao ngọn cờ nhân quyền, mở thập tự chinh, tuyên dương trật tự mới đang lập. Hôm qua, nghĩa là trong chiến tranh lạnh, họ chỉ trích Liên Xô là "cường quốc cách mạng", toan tính xáo trộn một thế giới đã đi vào nề nếp. Hôm nay, họ hãnh diện làm cách mạng, quyết tâm lật nhào một trật tự thế giới cổ hủ dung dưỡng bọn bạo quyền nấp sau thành trì chủ quyền quốc gia. Chiến tranh ở Irak là chiến tranh giải phóng, giải phóng nước đó và giải phóng cả vùng Trung Đông khỏi một trật tự áp bức: đó là chiến tranh chính đáng?
Khúc ngoặt 11-9
Đây đâu phải là lần đầu nước Mỹ làm cách mạng ! Cũng chẳng mới mẻ gì đề tài quyền của con người. Trong lịch sử ngoại giao của nước Mỹ, người mà tên tuổi được hậu thế mang đặt cho khuynh hướng can thiệp vì lý tưởng nhân quyền, tự do, là tổng thống Wilson (1912-1920), thủ lãnh đảng Dân Chủ, ở phía tả. Với Wilson, nước Mỹ đã khai thác triệt để ngôn ngữ cứu thế: nước Mỹ có nhiệm vụ tung vãi khắp thế giới những nguyên tắc chính trị của chính mình, bởi vì cái gì làm nước Mỹ thành công thì cũng làm cho cả nhân loại thành công. "Làm cho cả thế giới thành nơi an trú vững chắc của dân chủ", danh ngôn đó của Wilson trở thành khẩu hiệu đối ngoại. Đối ngoại của Mỹ phải dựa trên những giá trị đạo đức bởi vì nước Mỹ là hiện thân của đạo đức. Chừng đó thôi chẳng phải đã là quá cách mạng rồi sao? Chẳng phải đã khác như ngày với đêm so với quan niệm cổ điển cho rằng quốc gia là những con "quái vật lạnh lùng" chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, chẳng cần biết đạo đức, luân thường là gì? Thế là nước Mỹ của Wilson phải khác Âu châu: tư tưởng về chiến lược của Âu châu vẫn còn dừng lại ở nguyên tắc tương quan lực lượng, hễ thăng bằng thì không làm chiến tranh được, thì hòa bình. Hòa bình đâu có phải chỉ dựa trên tiêu chuẩn duy nhất là sức mạnh? Bằng chứng là chiến tranh diễn ra liên miên ở Âu châu, hết chiến tranh Napoléon đến thế chiến thứ nhất. Hòa bình phải dựa trên những nguyên tắc khác nữa, trong đó dân tộc tự quyết là một. Dân tộc… bao nhiêu quan niệm khác nhau, tùy hiểu như một cộng đồng hay như một tập hợp những cá nhân. Hiểu theo lối thứ hai thì dân tộc phát biểu ý muốn của mình qua lá phiếu của các cá nhân thả vào thùng phiếu một cách tự do, dân chủ. Hòa bình là như vậy nữa, ai dám phản bác trên lý thuyết ?
Chủ thuyết Wilson là nguồn cảm hứng của phe tả tiến bộ, thiên về "lý tưởng". Bởi vì ở Mỹ cũng có trường phái "duy thực", thường nằm ở phía hữu, chủ trương duy trì cẩm nang thăng bằng lực lượng như nguyên tắc căn bản của chính trị quốc tế. Họ nói: nước Mỹ can thiệp để bảo vệ thăng bằng trên thế giới vì đó là lợi ích của nước Mỹ, và khi ai đụng đến lợi ích đó thì nước Mỹ ra tay, chẳng cần đợi luật lệ quốc tế can thiệp, cái gì mà một quốc gia không bảo vệ được bằng sức mạnh của mình, đừng hòng cộng đồng quốc tế bảo vệ. Duy trì thăng bằng lực lượng là duy trì nguyên trạng, tức là bảo thủ : phe "duy thực" nhìn thế giới như thế giới hiện có, khác với phe "duy lý tưởng" nhìn thế giới như thế giới phải là. Sự khác biệt giữa hai phe là có thực, nhưng không phải phe "duy thực" không biết ngôn ngữ của Wilson. Dù đảng nào lên cầm quyền, Dân Chủ hay Cộng Hòa, ngôn ngữ ý thức hệ vẫn tuôn trào trên đầu lưỡi: nước Mỹ là một quốc gia "biệt lệ", không giống ai, bởi vì đó là quốc gia làm mẫu mực cho thế giới, ngọn hải đăng chiếu sáng trên đồi. Ngược lại, không phải phe "duy lý tưởng" không có hai bàn tay sắt, không biết hét ra bom nguyên tử. Sau 1945, vì đối thủ của nước Mỹ cũng có sức mạnh tương đương và hệ ý thức hoàn vũ giật gân không kém, "thực tiễn" và "đạo đức" dung hợp với nhau trong một chính sách không hẳn hòa cũng không hẳn chiến, không thối cũng không tấn: chính sách ngăn đê, containment. Vẫn tăng cường sức mạnh không ngừng, vẫn rao giảng tự do không ngớt, hai cánh "duy thực" và "duy lý tưởng" đồng thuận với nhau trong việc giữ nguyên trạng bức màn sắt, dù cho bên kia có gởi xe tăng đàn áp chư hầu hay xây tường cấm cản dân chúng bỏ phiếu bằng chân.
Chiến tranh Việt Nam bẻ gãy sự đồng thuận đó. Một số lớn dân chúng Mỹ, trí thức thượng lưu và trẻ, ý thức được tính cách bất công, bất chính đáng, phi nghĩa của một cuộc chiến được rao giảng là để bảo vệ tự do, đứng lên phản đối. Cá nhân của tổng thống Nixon và nhất là của tay tham mưu của ông, Kissinger, tinh hoa trí thức của phe "duy thực", góp phần đắc lực vào việc tẩy chay một chính sách đối ngoại quá thiên về sức mạnh trần trụi, coi rẻ tiếng lòng lý tưởng thầm thì trong tâm hồn người Mỹ. Do chiến tranh Việt Nam, cánh cấp tiến - thường được gọi là "quốc tế cấp tiến", liberal internationalists - bỗng thấy mình mọc cánh bồ câu trước bầy diều hâu hiếu chiến, phần đông ở phía hữu. Sự phân biệt bồ câu / diều hâu che mờ trong một thời gian sự phân biệt duy thực / duy lý tưởng. Diều hâu chủ trương đốp chát với Liên Xô, cứng rắn và ngờ vực tột độ. Bồ câu chủ trương tìm cách chung sống hòa bình, xuống thang căng thẳng, khai thác quan hệ kinh tế, thương mại.
Thập niên 1970 không những dán nhãn bồ câu cho phe "quốc tế cấp tiến" mà còn cung cấp chất liệu để làm dồi dào thêm lý thuyết của phe này. Hòa hoãn trong bang giao giữa hai siêu cường lúc ấy và tăng trưởng kinh tế của Âu châu và Nhật đưa đến nhiều cạnh tranh căng thẳng giữa Mỹ và đồng minh trên những vần đề mới mà phái "duy thực" lãng quên vì quá chúi mũi vào sức mạnh quân sự: khủng hoảng tài chánh, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng môi trường, chiến tranh thương mại, vai trò của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, các công ty liên quốc gia, hiện tượng liên đới giữa các quốc gia kể cả các quốc gia thù nghịch. Những vấn đề mới đó đáng lẽ đã có thể làm mới hơn nữa tư duy và thực tiễn của phe cấp tiến. Tiếc thay, trên thực tế, từ Carter đến Clinton, phe này không tạo ra nổi một chính sách đối ngoại mạch lạc, ăn khớp lý thuyết và hành động. Họ công nhận nguyên tắc chủ quyền quốc gia, nhưng cũng hô hào nguyên tắc dân tộc tự quyết, với những kết luận trắng đen lẫn lộn hoặc mâu thuẫn. Họ nêu cao dân chủ, nhân quyền, nhưng khi áp dụng lại lúng túng như thầy cúng mất sớ điệp giữa bạn với thù, giữa quyền lợi kinh tế, chiến lược với thông điệp nhân bản, đạo đức. Họ chủ trương tự do thương mại nhưng sẵn sàng áp dụng trừng phạt thương mại để bảo vệ… nhân quyền. Carter để lại hình ảnh một ông tổng thống lực bất tòng tâm: lòng của ông có thể đạo đức thật, nhưng lý lẽ của một siêu cường chỉ cho phép ông lựa chọn một trong hai con đường, hoặc đạo đức giả, hoặc về vườn.
Cử tri cho ông về vườn. Nhưng trước khi về lại với củ đậu phụng của ông, ông xắn tay áo căng thẳng với Liên Xô: gia tăng ngân sách quân sự, gấp rút tổ chức một lực lượng can thiệp thần tốc, cải tiến hệ thống vũ khí chiến lược, phát triển hạm đội trong vùng Vịnh, bố trí hiện diện quân sự ở Arabie Saoudite, cứng rắn ở châu Mỹ la tinh… Ông dọn cỗ ngon lành cho Reagan xơi. Ông muốn chứng tỏ ông không mềm như bún, nhưng làm sao ông cứng bằng Reagan ? Với một Reagan anh hùng mã thượng tranh cử trên lập trường sức mạnh, nước Mỹ thấy mình như tìm được một lãnh tụ và một niềm tin mới, vượt qua những nghi ngờ và mặc cảm do chiến tranh Việt Nam để lại. Dùng sức mạnh để đè sức mạnh, Reagan cũng không quên đè đối phương bằng ngôn ngữ thiện ác. "Đế Quốc Ác" là danh ngôn của ông. Ông thôi miên phe "duy thực" với hình ảnh cao bồi trừ ác tặc, gắn liền sức mạnh và đạo đức vốn nằm sâu trong tiềm thức dân tộc Mỹ. Và như thế, nhãn hiệu tín đồ Wilson, thường được ban cấp cho trường phái "quốc tế cấp tiến", nghĩa là phe tả, bây giờ bị các đồ đệ của Reagan, nghĩa là phe hữu, phỗng tay trên. Vừa "duy thực" mà cũng vừa "tín đồ Wilson": đó là trường phái mới vừa manh nha mà sách vở gọi là the Reaganists. Có ai ngờ, 25 năm sau, trường phái này vớ được một anh hùng mã thượng khác, Texas chính hiệu, George W. Bush, để tiếp nối dòng dõi Wilson-Reagan, tả nằm trong hữu. Chỉ cần đọc nhan đề một bài báo trong Wall Street Journal thuộc khuynh hướng hữu, dưới ngòi bút của một tác giả trẻ tuổi tài cao của phe hữu, Max Boot, là đủ thấy sáng rực hiện tượng sao đổi ngôi từ tả qua hữu này: "George W. Bush: the "W" stands for Woodrow" (George W. Bush: "W" có nghĩa là Woodrow - tức là Woodrow Wilson) [1]. Dưới thời Reagan, phe hữu "W" đó chưa phất cờ gióng trống như một trường phái thượng đẳng. Phải chờ đến ngày 11-9 hai mươi lăm năm sau rồng mới gặp mây và danh hiệu "tân bảo thủ" vừa khai trương mới vang lừng bốn cõi.
Nhưng thong thả… hãy nói thêm vài lời về Reagan. Vị tổng thống này dựng lại được một nước Mỹ tự tín, xóa mặc cảm thua trận của chiến tranh Việt Nam, giải tỏa lương tâm đạo đức bất an của một nước Mỹ vừa chối bỏ Nixon trân tráo, vừa hạ bệ Carter đạo hạnh. Đạo đức và sức mạnh: nơi hình ảnh và thuyết văn của Reagan có cả hai. Thời cuộc trên thế giới cũng chiều lòng ông: thập niên 1980 đánh dấu một loạt thay đổi chính thể, từ độc tài qua dân chủ, nhất là ở Nam Mỹ. Ngay cả "Bé Đốc " [2] ở Haiti cũng bị dân đuổi, ngay cả Marcos ở Phi Luật Tân cũng bị lật nhào mà Reagan không giơ ngón tay út giúp đỡ. Nước Mỹ của Reagan quả là sóng đôi lời nói với việc làm, trải rộng dân chủ ra khắp thế giới, với thù cũng như với bạn.
Reagan là mẫu mực của các lý thuyết gia "tân bảo thủ": bảo thủ, nhưng không ỳ ra giữ nguyên hiện trạng, phải thay đổi, cách mạng, thay đổi chính thể, "regime change"! Bởi vậy, "tân bảo thủ" chỉ trích nặng nề người kế vị Reagan, George Bush - Bush bố - khi ông tổng thống này dừng quân trước Bagdad, không thừa thắng xông lên triệt Saddam Hussein bạo tặc. Trước mắt phái "tân bảo thủ", chính sách thận trọng của Bush bố, quá thiên về mặt ổn định, là ví dụ điển hình của tính toán "duy thực".
Trong khi một chi nhánh của phe hữu giành nhãn hiệu Wilson như thế, phe tả, với Clinton lên nắm quyền, trái lại, vẫn tiếp tục những lúng túng của thời 1970 giữa đạo đức của ngôn ngữ và lợi ích của thực tế. Thực dụng, đặt ưu tiên vào việc nâng cao phồn thịnh kinh tế trong nước, Clinton tránh can thiệp xông xáo bên ngoài. Trong bốn năm đầu, ông bị chỉ trích là không có chính sách đối ngoại rõ ràng. Với Trung Quốc, ông cù cưa đổi chác việc thừa nhận điều khoản tối huệ quốc với việc áp dụng nhân quyền, nhùng nhằng bốn năm rồi nhân quyền thế vẫn thế. Anthony Lake, cố vấn an ninh của ông, đưa ra thuyết "lan rộng dân chủ", democratic enlargement, để phe tả cũng "W" không thua gì phe hữu, nhưng lan rộng thế nào thì cụ thể chưa thấy. Cụ thể, chỉ thấy Lake chỉnh lại cho ổn chính sách can thiệp quân sự thế nào để tránh sa lầy và nhất là để đạt cho kỳ được chỉ tiêu "zero xác lính", quan tâm chính của Clinton. Can thiệp nhân đạo ở Bosnie? Âu châu kêu gào khản cổ, ông vẫn án binh bất động cho đến phút cuối. Ở Somalie? Chỉ cần truyền hình phô ra hình ảnh dân địa phương kéo lê xác một lính Mỹ là Clinton rút quân như chớp. Diệt chủng ở Rwanda ? Ông bịt tai, nhắm mắt. Trên lý thuyết cũng như hành động, quả là phe tả phơi thân cho "tân bảo thủ" bắn. Trong sách vở, tác giả Stanley Hoffmann kết luận bằng một nhan đề: "The Crisis of Liberal Internationalism" [3]. Hữu như Bush bố cũng "duy thực", tả như Clinton cũng "duy thực", thậm chí George W. Bush khi mới nhậm chức lần đầu cũng "duy thực" vì cố vấn an ninh của ông, bà Condoleezza Rice, là "duy thực" chính cống vào thời điểm đó, chỉ có "tân bảo thủ" là không "duy thực" mà thôi. Ngày 11-9 đưa họ lên mây. Vì gió thổi theo chiều của họ.
Ngày 11-9 là bước ngoặt trong lịch sử an ninh của nước Mỹ, bởi vì đây là lần đầu nước Mỹ thấy mình bị tấn công từ bên ngoài, trên chính lãnh thổ của mình. Bị tấn công, trả đũa là chính đáng. Nhưng cái gì đã cho phép ông Bush gắn liền ngày 11-9 với chiến tranh Irak? Cái gì cho phép ông tấn công một nước không tấn công ông? Wilson! Reagan! Ông cắt nghĩa tại sao có khủng bố: "Chúng nó ghét chúng ta vì chúng ta yêu tự do" [4]. Thế là khủng bố Hồi giáo cực đoan và bạo quyền Irak dứt khoát dính chặt với nhau dù có bằng cớ hay không cũng thế. Chiến tranh Irak dứt khoát là chính đáng vì cái nước đó dung dưỡng một thứ trật tự nô dịch cần phải trừ khử? Trừ khử là tấn công. Ngày 11-9 đưa nước Mỹ vào thế tấn công trước để khỏi bị tấn công lần thứ hai: đây là chiến tranh phòng ngừa. Tấn công, chứ không phải chỉ là ngăn đê. Ngăn đê là thụ động. Tấn công là chủ động. Nước Mỹ chủ động làm chiến tranh và sẵn sàng làm chiến tranh một mình, không cần luật quốc tế, không cần Liên Hợp Quốc, để mang lại một trật tự thế giới tốt hơn, nghĩa là tự do?
Ngôn từ chính thức lặp lại nguyên văn lập trường của "tân bảo thủ". Bởi vì chiến tranh này còn là chiến tranh ý thức hệ, nước Mỹ phải phóng ra khắp thế giới lý tưởng và những giá trị của mình, phải thắp sáng lên tính năng bẩm sinh cải đạo của mình? Đó là nhiệm vụ mà đạo đức buộc phải làm, bởi vì, trong bốn biển năm châu, ngày nay có ai chống lại việc bành trướng tự do, dân chủ đâu? Đạo đức đã buộc phải làm thì nước Mỹ đừng ngại dùng đến sức mạnh quân sự. "Đô hộ thì có gì đáng trách đâu khi đô hộ để phục vụ những nguyên tắc lành mạnh và những lý tưởng cao quý?" Ấy là giọng nói thật tình của William Kristol, chủ biên tờ tuần báo The Weekly Standard, tiền đồn của "tân bảo thủ". Mấy câu viết ở trên là tóm tắt quyển sách của ông, không dày lắm, 178 trang, nhưng mang tựa đề tiêu biểu:"Con đường của chúng ta bắt đầu từ Bagdad" [5]. Chiến tranh! Lật Saddam! Chiếm đóng! Regime change! Ấy chỉ là mới khởi đầu. Rồi Irak sẽ dân chủ. Rồi cả Trung Đông sẽ tự do. Thế giới sẽ hồng lên bình minh của born again. Có gì chính đáng hơn con đường ta đi ?
Thế giới nhất cực
Đọc đi đọc lại, ngôn ngữ ý thức hệ của nước Mỹ, dù tả, dù hữu, dù "duy thực", dù "duy lý tưởng", dù bảo thủ, dù "tân bảo thủ", tựu trung cũng một luận điệu ấy thôi, có gì lạ? Vậy mà lạ. Ba yếu tố mới giúp nó đổi cựu thành tân. Một là ngày 11-9 như đã nói. Tất cả các tác giả nghiên cứu về truyền thống chính trị quốc tế của Anh và Mỹ đều nhấn mạnh yếu tố địa dư của hai nước: cả hai đều là đảo, được đại dương bảo vệ, cả hai đều giàu cho nên cả hai đều có thể thay thế chiến tranh bằng thương mại, thuyết ngôn đạo đức và thuyết ngôn luật pháp, khác với các nước lục địa, chung quanh là lân bang ngấp nghé, phải thường xuyên củng cố lực lượng và chẳng ngần ngại tự bảo vệ bằng chiến tranh. Ngày 11-9 biến hòn đảo Bắc Mỹ thành lục địa, đất liền đất, từ đất này thọc máy bay vào đất kia. An ninh, vốn là một khái niệm tương đối, trở thành "an ninh tuyệt đối", nghĩa là phải giết cho kỳ được địch thủ, có thực hay chỉ phỏng đoán, bằng mọi phương tiện.
Ngày 11-9 đảo ngược tâm lý người Mỹ. Đang chống can thiệp quân sự trên thế giới, đang sợ sa lầy như ở Việt Nam, đang buộc chính quyền nếu làm chiến tranh thì phải là "chiến tranh sạch", thả bom từ trên mây, "zero xác lính" dưới đất, dân Mỹ, thoắt một cái, phất cờ ái quốc nồng nhiệt ủng hộ chiến tranh. Lòng dân đã trở như thế, ngay cả trí thức phe tả cũng núng, hùa theo. Chúng tôi ủng hộ chiến tranh ở Irak "không phải vì theo George Bush mà mặc dù ông ấy là Bush". Ông Bush là một chính trị gia "ghê tởm một cách bất thường" nhưng "tương lai của Irak là chính yếu". Ai nói câu đó? Ronald Asmus và Kenneth Pollack, cố vấn của Clinton. Bản chất của chiến tranh Irak là "chiến tranh chống phát xít", phe tả của ta phải biết như thế. Ai nói? Paul Berman, triết gia tiếng tăm của phe tả [6]. Thế là trên bàn cờ tư tưởng ở Mỹ lại một trường phái mới nữa xuất hiện, gây chia rẽ và cắn rứt lương tâm giữa lòng phe tả: "tân tự do". Hữu có tân (bảo thủ) thì hiển nhiên tả cũng có tân (tự do). Berman cắt nghĩa: "đảng Baas và phe tôn giáo cực đoan là hai nhánh của cùng một xung động duy nhất: chủ nghĩa toàn trị Hồi giáo, tức là một biến thiên tôn giáo của chủ nghĩa toàn trị mà Âu châu đã biết". Bởi vậy, "chiến tranh toàn diện chống khủng bố" là tiếp nối cuộc chiến đấu mà nước Mỹ đã thực hiện tại Âu châu chống chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Berman-phe tả tẩm nước hoa tư tưởng cho một chiến tranh không khỏi nặng mùi dầu hỏa của phe hữu [7]. Thế mà chẳng lạ sao? Bồ câu mọc mỏ quặm của diều hâu ; diều hâu chớp chớp đôi mắt nâu của bồ câu ; có bao giờ ai nghe nói liberal hawks? [8] "Không phải chúng tôi chạy theo đuôi phe hữu đâu ; chúng tôi chỉ hòa mình theo thế giới như thế giới đang là". Ai nói? Michael Tomasky, bình luận gia của tờ New York Magazine, phe tả.
Yếu tố thứ hai biến chuyện cũ thành mới là sự tan rã của Liên Xô. Liên Xô biến mất, Âu châu không còn là trái tim của tranh chấp nữa. Từ Âu châu, tranh chấp gay gắt nhất chuyển qua Trung Đông. Khi Mỹ đụng đầu Liên Xô ở Âu châu, không phải không có bất đồng ý kiến giữa Mỹ với đồng minh về chiến thuật, chiến lược, nhưng thấm vào đâu so với bây giờ: bây giờ Mỹ bất đồng ý kiến với tất cả bạn bè trên phương thức đối với thế giới Ả Rập. Khi tổng thống Bush tuyên bố: "Chưa biết cuộc chiến này sẽ tiếp diễn như thế nào nhưng kết quả là chắc chắn. Tự do và khiếp sợ, công lý và bạo tàn luôn luôn làm chiến tranh với nhau và chúng ta biết rằng Thượng Đế không trung lập giữa bên này và bên kia" [9], cả thế giới, hoặc hầu hết, lo ngay ngáy rằng chiến tranh này đang là chiến tranh giữa Thượng Đế với Thượng Đế, nghĩa là chiến tranh thời trung cổ.
Yếu tố thứ ba là hệ luận của yếu tố thứ hai, nhưng đây chính là mấu chốt của vấn đề: Liên Xô tan rã, sức mạnh trên thế giới dồn vào một cực, nhất cực bất phân. Một mình ngự trị thế giới, nước Mỹ không phải chỉ là bá chủ, nước Mỹ là đế quốc, tất cả là chư hầu ? Trên đầu nước Mỹ có Thượng Đế hay không, chẳng ai dám chắc, nhưng dưới trần thế này thì rành rành nước Mỹ là Thượng Đế ! Thượng Đế không phải chỉ có sức mạnh khi nổi giận, Thượng Đế còn phán ra lời nói. Lời nói của Thượng Đế Bush không mới gì so với Wilson, nhưng cái mới là bây giờ, thế giới nhất cực, nước Mỹ có thừa sức mạnh và chân tay rảnh rang để phán gì thì làm nấy và làm một mình!
Làm một mình, đó là điều mới chưa hề có. Ngay cả Wilson còn phải dựa trên luật quốc tế và tổ chức quốc tế. Ngay cả Reagan còn vướng bận Quốc Hội, muốn giúp phe chống cách mạng Contras ở Nicaragua cũng phải lén lút. Tổng thống Bush thì không vướng mắc gì nữa, cho nên ông chẳng thấy ai trên đầu ngoài quyền lợi của nước Mỹ. Ông nói thẳng thừng như thế. Quyền lợi của nước Mỹ là tối thượng. Cái gì hợp với quyền lợi đó thì nhận. Cái gì trái thì dẹp. Ngay cả quyết định của các tổ chức quốc tế. Ngay cả những hiệp ước mà nước Mỹ đã ký. Tòa án hình sự quốc tế? Bush rút lui chữ ký của chính quyền Clinton. Hiệp ước Kyoto về môi trường? Dẹp! Hiệp ước Moscou về tên lửa chống tên lửa, hiệp ước về khí giới sinh học v.v …? Charles Krauthammer chế diễu: "Lằn ranh chính phân biệt các quan niệm về đối ngoại là lằn ranh phân chia giữa những người tin vào giấy tờ và những người tin vào quyền lực. Trường phái giấy tờ đã cai trị trong những năm 1990 " [10].
"Trường phái giấy tờ" có thể chất vấn Krauthammer: vậy thì ai đề xướng, ai thực hiện, ai tổ chức tòa án hình sự Nuremberg, tòa án hình sự La Haye? Ai đề xướng Liên Hợp Quốc, ai là linh hồn của Hiến Chương? Ai xướng xuất bản Tuyên ngôn về tội ác diệt chủng, ai đưa những tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức vào những văn bản quốc tế ấy? Chẳng lẽ cũng là trường phái giấy tờ của Mỹ? Trả lời của Krauthammer: nước Mỹ chưa hề bao giờ công nhận một quyền uy nào cao hơn Hiến pháp của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ngay cả các ông tổng thống thuộc đảng Dân Chủ cũng chỉ phê chuẩn một phần và rất trễ một số hiệp ước quốc tế căn bản của luật nhân đạo, chẳng phê chuẩn phụ bản đính kèm 1977 của các hiệp ước Genève, chẳng phê chuẩn hiệp ước loại trừ mìn chống cá nhân, từ chối không áp dụng phán quyết của Tòa án quốc tế La Haye trong vụ kiện với Nicaragua về việc Mỹ ủng hộ phe chống chính phủ Contras. Ấy chỉ là vài ví dụ. Còn về việc cất quân chinh phạt đây đó, nếu Mỹ đặt vấn đề ra trước Hội Đồng Bảo An là vì nghĩ rằng biểu quyết của Hội Đồng là nên làm chứ không bao giờ nghĩ rằng đó là cần thiết. "Đa phương khi có thể, đơn phương khi bắt buộc phải làm", châm ngôn đó của bà Madeleine Albright, bộ trưởng ngoại giao của Clinton, nghe cũng khá rồi, nhưng chưa đúng hẳn. Đúng hẳn phải là thế này, và đó là châm ngôn của Bush: "Đơn phương khi có thể, đa phương khi bắt buộc làm". Từ đó, nẩy ra "học thuyết Bush" về quyền tấn công phòng ngừa của nước Mỹ, điều mà Hiến Chương Liên Hiệp Quốc không thừa nhận, vì chỉ thừa nhận một loại chiến tranh hợp pháp thôi là chiến tranh tự vệ chính đáng. Cũng từ đó, châm ngôn của lãnh tụ "tân bảo thủ" Paul Wolfowitz, nhân vật số 2 của Bộ Quốc Phòng, được áp dụng triệt để đối với đồng minh của Mỹ trong chiến tranh Afghanistan cũng như trong chiến tranh Irak: "Chiến trận định đoạt liên minh, không phải liên minh định đoạt chiến trận". NATO vẫn còn đấy, nhưng cũng giống như cái thực đơn, tùy bữa ăn mà chọn món, không phải cứ vào bàn là bắt buộc khai khẩu với món xúp gà trống gô-loa.
Đó là mới. Ta đây một mình. Âu châu bực nhất cái tác phong gia trưởng đó. Cái chủ nghĩa đơn phương đó. Sức mạnh, nước Mỹ luôn luôn là sức mạnh. Nhưng chưa bao giờ sức mạnh quân sự được phô trương trịch thượng như thế trong lý thuyết và hành động. Một tác giả có uy tín từ lâu trong trí thức đại học, Robert Tucker, trích một câu nói của Burke (1729-1797), phê phán: chính sách của ông Bush là "quân sự trong nguyên tắc, trong châm ngôn, trong tinh thần, trong tất cả động tác". Ông nói: trước đây, trong chiến tranh lạnh, Mỹ cũng phô trương sức mạnh, nhưng với thuyết minh là để "bảo vệ tự do, dân chủ". Bây giờ, chính quyền Bush không phải giữ đạo mà là cải đạo, biến đổi thế giới thành dân chủ hết thảy. Khi chiến tranh lạnh bắt đầu, các tác giả nổi tiếng nhất của Mỹ, Walter Lipmann, George Kennan, Hans Morgenthau… cảnh giác dân chúng Mỹ không nên tưởng rằng, với ý định tốt, mình có thể cứu cả thế giới. Nghĩa địa không đủ đất để chôn nạn nhân của ý định tốt. Tucker khuyên người Mỹ không nên quan niệm về nước mình như một đế quốc mà như một dân tộc, như một thành viên của một hợp quần các nước mạnh, quan tâm đến quyền lợi của các nước khác, không phải như ông chủ. Điều độ, vừa phải, moderation, theo ông, là tiêu chuẩn của một lãnh đạo được chấp nhận. Khổ thay, ông trích Alexander Hamilton, một trong những người soạn thảo Hiến pháp Mỹ, "tinh thần vừa phải trong một nước tràn đầy sức mạnh là hiện tượng chưa bao giờ xảy ra, hiện tượng mà bất cứ ai khôn ngoan sẽ không chờ đợi để thấy" [11]. Tổng thống Bush và các lý thuyết gia, cộng sự viên "tân bảo thủ" chung quanh ông là minh chứng. Nói một cách lễ độ, người Pháp gọi là délire de puissance, nhiệt cuồng vì sức mạnh. Nói nôm na là lố. Điên. Ca sĩ Bruce Springsteen du ca chống ông Bush trong khắp nước Mỹ suốt tháng 10 cuối cùng của năm tuyển cử vừa qua cũng vì bức xúc trước điên loạn của sức mạnh. Ông viết tuyên ngôn: "Chúng ta hiện diện dưới cái nhìn của Thượng Đế khi nào chúng ta thực hiện thực sự những đặc tính tốt nhất của con người - tôn trọng người khác, lương thiện với mình, trung thành với lý tưởng. Chỉ như vậy, linh hồn của chúng ta mới hiển thị, như là dân tộc và như là cá nhân. Chính phủ Mỹ tách rời quá xa những giá trị của nước Mỹ. Đã đến lúc phải bắt đầu khởi hành lại để đi tới. Đó là điều mà cả nước Mỹ chờ đợi ; đó là điều mà chúng ta ôm giữ tự đáy lòng" [12]. Bằng đàn hát, Bruce Springsteen đã trả lời câu hỏi mà các lý thuyết gia gộc đặt ra sôi nổi trong năm tuyển cử vừa qua: với ông Bush, sức mạnh của nước Mỹ có chính đáng không?
Tính chính đáng và vai trò của Âu châu
Nếu tranh luận này xảy ra giữa phe bênh và phe chống ông Bush thì lý lẽ và kết luận chẳng có gì hấp dẫn. Câu chuyện trở nên có ý nghĩa khi tranh luận nổ ra giữa các lý thuyết gia "tân bảo thủ" gộc với nhau. Xin hạn chế vấn đề với ba tên tuổi lẫy lừng nhất: Krauthammer, Fukuyama, Robert Kagan.
"Duy thực" chính cống, Kagan không nhận luật hay các định chế quốc tế như là nguồn cội ban cấp tính chính đáng. Trong chiến tranh lạnh, hành động của Mỹ là chính đáng, không phải vì dựa trên luật hay trên Liên Hiệp Quốc gì, mà là vì vai trò đặc biệt của Mỹ, vai trò bảo vệ tự do, ít nhất là cho Tây Âu. Bây giờ, khi đe dọa Liên Xô tan biến rồi, quan tâm của Âu châu là tìm cách kiềm chế sức mạnh của Mỹ để kiếm chút ảnh hưởng trên quốc tế. Kiềm chế qua đâu? Qua Hội Đồng Bảo An mà Pháp là một trong năm nước có quyền phủ quyết. Bởi vậy, người Mỹ chúng tôi tin rằng Âu châu các anh chống chiến tranh Irak không phải chỉ vì bụng dạ các anh chống chiến tranh mà chính vì các anh chống người Mỹ chúng tôi làm chiến tranh mà không qua Hội Đồng Bảo An. Các anh muốn kiếm chút ảnh hưởng nên các anh nói: Âu châu có thể mang đến cho Mỹ tính chính đáng mà Mỹ đang thiếu. Nhưng nói thế, các anh biết chính các anh giả dối: khi các anh kêu gào chúng tôi tham chiến ở Kosovo, vì sợ nước Nga phủ quyết, chính các anh tảng lờ, qua mặt Hội Đồng Bảo An, gạt tính hợp pháp qua một bên để đưa vấn đề đạo đức, nhân quyền, chống "thanh lọc chủng tộc" lên hàng đầu. Ở Kosovo, các anh dựa trên đạo đức chứ đâu có dựa trên luật lệ để làm cơ sở cho tính chính đáng của bom đạn thả trên đầu dân Serbes? Nếu các anh có một lưỡi để bào chữa cho chiến tranh ở Kosovo và một lưỡi khác để chống chiến tranh của chúng tôi ở Irak thì còn đâu là luật lệ ? Luật đã không có thì chúng ta phải trở về với thế giới thực có, trong đó "vài quốc gia, dựa trên nền tảng đạo đức của riêng mình và trên quan niệm về công lý, về trật tự mà mình theo đuổi, quyết định cho chính mình khi nào thì chiến tranh được biện minh, khi nào thì không. Dù sao thì đó là thế giới duy nhất mà chúng ta hằng sống. Đó là thế giới mà quốc gia nào có sức mạnh áp đặt quan niệm về công lý của mình trên các nước khác, tin rằng lý lẽ nằm cả về phía mình".
Thế thì phải chăng sức mạnh tạo ra lý lẽ? Lý lẽ của con chó sói trong La Fontaine luôn luôn thắng lý lẽ của con cừu? "Duy thực", con chó sói của Kagan có tư tưởng cao hơn. "Không phải tất cả mọi quan điểm về công lý đều có giá trị như nhau. Chủ nghĩa tự do được nung nấu bằng một lòng tin vào đạo đức và công lý - bảo vệ nhân quyền được nâng lên như một sùng bái - cho nên tín đồ của tự do, ở Âu cũng như ở Mỹ, không thể chấp nhận một thứ tương đối chủ nghĩa theo kiểu đó… Nói một cách khác, thế giới trong đó không có một tiêu chuẩn duy nhất về luật quốc tế không hẳn là một thế giới không có đạo đức và công lý". Đối với người Mỹ chúng tôi, khi chúng tôi phải đối phó với vấn đề: giá trị của con người quan trọng hơn hay chủ quyền quốc gia quan trọng hơn, thái độ của chúng tôi thoải mái hơn Âu châu các anh nhiều. "Bằng bản tính tự nhiên, bằng tập tục, bằng ý thức hệ, nước Mỹ chúng tôi thường đứng về phía bảo vệ những nguyên tắc tự do hơn là những tế nhị của ngoại giao dựa trên chủ quyền quốc gia. Mặc dầu nước Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Liên Hiệp Quốc và soạn thảo Hiến chương, nước Mỹ không bao giờ sẵn sàng chấp nhận tính chính đáng của Liên Hiệp Quốc hay học thuyết chủ quyền bình đẳng của bản Hiến chương. Mặc dầu nước Mỹ bảo vệ kịch liệt tự chủ của mình, nước Mỹ không quan tâm nhiều như thế về nguyên tắc bất khả xâm phạm chủ quyền đối với các nước khác. Nước Mỹ dành cho mình quyền can thiệp bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Và mặc dầu nước Mỹ cũng có thể giả dối để biện hộ cho mình như những nước khác, nước Mỹ thường biện minh sự can thiệp của mình dưới danh nghĩa bảo vệ lý tưởng của tự do".
Giọng văn của Kagan vốn là như thế. Nói thẳng, nói thật. Ai không ưa thì phê bình là trịch thượng. Nhưng ưa hay không ưa đâu phải là vấn đề: ông chỉ "duy thực" mà thôi ! Nhưng nếu chỉ "duy thực" thì tư tưởng vẫn chưa lên cao được chín tầng mây. Hãy tiếp tục nghe ông nói thêm về vai trò của Âu châu.
Kagan mạt sát Âu châu nhưng ông kết luận là Mỹ cần Âu châu! Không phải cần vì anh chàng này mang lại tính chính đáng qua hợp tác trong Hội Đồng Bảo An hay trong luật quốc tế gì đâu! Cần, vì Âu châu và Mỹ họp nhau lại thành trái tim của thế giới tự do, dân chủ. Bởi vậy, ông Bush cần phải quan tâm hơn đến vai trò đóng góp của Âu châu, vượt qua quan niệm "duy thực chật hẹp", định nghĩa lại lợi ích của nước Mỹ một cách đột phá hơn: "nước Mỹ không thể làm ra vẻ hành động, hoặc hành động thực sự, như thử chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình. Nước Mỹ phải hành động thế nào để đem lợi ích cho toàn thể nhân loại, hoặc ít ra là phần nhân loại cùng san sẻ những nguyên tắc tự do chung". Chiến tranh của Mỹ ở Irak quan trọng là vì vậy: không phải chỉ vì tương lai của Irak hay của vùng Trung Đông mà còn vì thanh danh của nước Mỹ, tính chính đáng của nước Mỹ như là cường quốc lãnh đạo thế giới. "Tóm lại, nước Mỹ phải theo đuổi tính chính đáng thế nào cho chân thật nhất với bản chất của mình bằng cách phóng tay phát động những nguyên tắc dân chủ, tự do không phải chỉ như phương tiện để đem lại cho mình an ninh hơn nữa mà như chính cứu cánh". Thế mới đích thực là văn chương "tân bảo thủ". Bảo thủ cổ điển chỉ ngấp nghé đến mức phương tiện. Tân bảo thủ đột phá lên cứu cánh.
Vậy thì làm thế nào để Âu châu đóng góp vào tính chính đáng? Nhượng cho Âu châu một chút quyền hành để gây chút ảnh hưởng, nhưng không để cho an ninh của Mỹ - nghĩa là của cả thế giới tự do - bị cơ nguy. "Duy thực" như thế thì Âu châu mừng húm rồi! Khoan khoan, "tân bảo thủ" tiếp theo liền: với điều kiện là Âu châu không được khác với Mỹ trong cách nhận định bản chất của những đe dọa toàn cầu và phương thức để ngăn chận chúng. Tại sao? Tại vì nước Mỹ chúng tôi chỉ có thể nhìn thế giới qua cặp mắt của chúng tôi chứ không phải của người khác. Bởi vậy, nếu các anh cứ tiếp tục theo đuổi mục đích ngăn chận sức mạnh của chúng tôi thì kết luận chỉ có thể như thế này mà thôi: nước Mỹ cần Âu châu để tăng thêm tính chính đáng, nhưng Âu châu bất lực trong việc đem đến tính chính đáng đó"[13]. Con chó sói của La Fontaine lại hiện nguyên hình.
Có lẽ Kagan bay cao quá chăng trên bầu trời "tân bảo thủ"? Krauthammer níu bạn đồng môn của ông lại ở mức khí quyển của "duy thực". Ông xác định: "Có hai dòng tư tưởng tân bảo thủ chính về ngoại giao, chứ không phải một. Có democratic globalism mà Blair và Bush gán cho mình và được các tư tưởng gia như Robert Kagan và Bill Kristol thuyết giảng. Và có democratic realism mà tôi minh thuyết từ lâu". Khác nhau chỗ nào giữa "toàn cầu dân chủ" và "duy thực dân chủ"? Trả lời: cả hai đều là dân chủ cả vì cả hai đều chủ trương phát động dân chủ như vừa là phương tiện vừa là cứu cánh của ngoại giao Mỹ, nhưng một bên thì "duy thực" vì bác bỏ tầm vóc "toàn cầu" cùng mức thang lý tưởng quá cao của bên kia và bắt buộc phải có nhu cầu chiến lược mới can thiệp quân sự. Do đó, châm ngôn của Krauthammer là: "Chúng ta sẽ ủng hộ dân chủ bất cứ nơi đâu, nhưng chúng ta chỉ cống hiến máu và tiền tại những nơi nào có nhu cầu chiến lược - nghĩa là những nơi nào cốt yếu cho chiến tranh rộng lớn hơn chống lại kẻ thù hiện hữu, kẻ thù đang đe dọa sự tồn vong của tự do trên tầm mức toàn cầu". Thế nào là "tầm mức toàn cầu"? Trước đây là phát xít, cộng sản ; bây giờ là Hồi giáo Ả Rập cực đoan. Cái gì là "cốt yếu" trong "chiến tranh rộng lớn" đó? Hãy nghe rõ câu trả lời: nếu một thay đổi trong lãnh đạo chính trị tại một nước nào đó có hậu quả quyết định trong việc tiêu diệt bọn Ả Rập / Hồi giáo cực đoan thì đó là cốt yếu. Nói trắng ra thì regime change! Chiến tranh Irak là như thế. Nó cốt yếu. Vì vậy nó chính đáng.
Nhưng ai quả quyết rằng thay đổi lãnh đạo như thế ở Irak thì bọn Ả Rập / Hồi giáo cực đoan kia sẽ tiêu vong? Ai quả quyết rằng dân chủ có thể từ ngoài mang đến cho các nước Ả Rập? Nước Mỹ! Nước Mỹ của tổng thống Bush! Dứt khoát là như vậy! Krauthammer lý luận: "Ở đâu có viết rằng dân Ả Rập không có khả năng thực hiện dân chủ?" Ông hỏi vặn như vậy là khéo quá, vì không ai trả lời được. Nhưng ở đâu viết rằng can thiệp bằng bom đạn có thể đem lại dân chủ cho nước bị ném bom? Ông trả lời: Nhật và Đức! [14]. Nhưng ai nghe được? Giữa nội bộ "tân bảo thủ" với nhau, tính chính đáng của chiến tranh Irak có nguy cơ gây chia rẽ. Fukuyama là người khai hỏa.
Mũi tên của lịch sử, theo ông, bay vào đích dân chủ. Nhưng không phải hễ nước Mỹ muốn là dân chủ hiện ra. Ông đếm: từ khi chiếm Phi Luật Tân năm 1899 đến khi chiếm đóng Afghanistan và Irak bây giờ, nước Mỹ đã thực hiện 18 dự án "dựng nước", nation-building. Kết quả chẳng hoành tráng gì, trừ Nhật và Đức, nhưng ví von không được! Chúng ta, ông nói, được chỉ định là "người canh giữ an ninh cho toàn thế giới", nhưng ai chỉ định? Chính chúng ta! Chúng ta nói: thế giới phải tin chúng ta vì "nước Mỹ không giống bất cứ nước nào khác ; đó là nước dân chủ tiêu biểu cho những giá trị toàn cầu, cho nên không tính toán lợi ích riêng như các đại cường quốc tập tễnh làm bá chủ". Lý luận kiểu đó như Krauthammer là chính chúng ta ban cấp tính chính đáng cho chính chúng ta trong khi tính chính đáng phải tìm nơi mắt của người khác! Vậy thì phải làm gì? Fukuyama đề nghị một chính sách đối ngoại "tân bảo thủ" khác, thực tiễn hơn, tế nhị hơn, cư xử một cách ngoại giao hơn, dựa trên nền tảng liên minh thực sự mà chính quyền Bush tỏ vẻ không cần đếm xỉa. Ông viết: "Nước Mỹ cần phải nhớ rằng sự cách biệt về sức mạnh giữa mình và các nước khác bị nhìn với cặp mắt nghi ngờ trên toàn thế giới". Hãy tận dụng soft power, "sức mạnh mềm" mà nước Mỹ có thừa ngoài sức mạnh quân sự và hãy thực tế trong những chương trình "dựng nước" kiểu Irak [15].
Fukuyama có còn là "tân bảo thủ" nữa không khi nhấn mạnh sự thận trọng như một đức tính và chỉ trích chiến tranh Irak như một sự thiếu khôn ngoan? Trước tuyển cử, ông tuyên bố sẽ không bầu cho Bush, chuyện lạ. Chiến tranh huynh đệ tương tàn [16] giữa ông với Krauthammer sẽ có ảnh hưởng gì không trên trí thức phe hữu? Sẽ thêm ai nữa ngoài ông ý thức được tính cách nguy hiểm, phiêu lưu, gây hỗn loạn của chính sách Bush? Của đế quốc Mỹ?
Đế quốc và trật tự
Nước Mỹ, nói chung, không thích gọi mình là đế quốc tuy danh hiệu này được dùng từ lâu để chỉ vai trò của nước Mỹ dưới thời tổng thống McKinley (1897-1901) và nhất là dưới thời Theodore Roosevelt (1901-1909). Đế quốc? Vâng, nhưng "đế quốc tiến bộ". Về sau, những người chỉ trích chính sách của Mỹ thường dùng danh từ "đế quốc", nhưng những người bênh vực giải thích rằng đó không phải là imperialism chính hiệu mà là ý muốn bảo vệ tự do thương mại và dân chủ [17]. Bằng chứng là nước Mỹ không có một ý thức hệ đế quốc, không có những định chế đế quốc, không chiếm đóng lãnh thổ, không định cư dân chúng bên ngoài "tổ quốc mẹ" như các đế quốc châu Âu, cổ và kim. Gác qua một bên tranh luận hấp dẫn này, chỉ cần nhắc lại hai đặc tính cố hữu trong nếp suy nghĩ của nước Mỹ đã nói nhiều trên đây cũng đủ để hiểu tại sao nước Mỹ mang tiếng là "đế quốc": tự cho mình là biệt lệ ; tự hành động đơn phương. Góp hai đặc tính đó lại với nhau, Kagan dõng dạc tuyên ngôn nước Mỹ là "benevolent Empire". Có ai từng thấy một "đế quốc nhân từ" bao giờ đâu ? Nhưng nước Mỹ của tôi là "biệt lệ" như thế đấy: ai than phiền nước Mỹ là bá chủ có biết mình là buồn cười chăng khi bao nhiêu kẻ khác thấy "quan trọng biết chừng nào phải có một nước Mỹ thống trị như thế để mang lại một nền an ninh và phồn thịnh phải chăng cho thế giới " [18].
Chư hầu ngày xưa và chư hầu ngày nay, nếu phải chấp nhận đế quốc cũng là vì thế thôi: vì trật tự mà nó mang lại. Ít ra, đó là tính chính đáng mà đế quốc có thể biện minh cho mình. Chính sách của ông Bush, chiến tranh ở Irak và lý thuyết của "tân bảo thủ" chung quanh ông đang đưa thế giới đến một tình trạng trái ngược: xáo trộn, bất an, khủng hoảng. Kagan mô tả nước Mỹ như một Gary Cooper, súng lục bên hông, đi rảo chung quanh vòng đai của một thị trấn đầy ác tặc. Thế giới không thấy hình ảnh đó. Chỉ đoán rằng chắc ông Bush đang nuôi trong đầu một quan niệm chính đáng hậu lai - một expost legitimacy [19] - nghĩa là: trăm nghìn hãy cứ trông vào một ta, rồi các ngươi sẽ thấy, Âu châu sẽ phải nhập vào, Irak sẽ hòa bình dân chủ, Trung Đông đổi mới. Chừng đó ai sẽ biết ai chính đáng. Ta cương quyết đi tới, các ngươi rồi phải theo sau. Đó là tính chính đáng của một lãnh đạo xứng đáng. Trong khi chờ đợi, các ngươi đã thấy, dân chúng Mỹ bỏ phiếu cho ai? Đâu có phải cho gà Kerry của Âu châu? Ấy là chuyện tình kể trước rạng đông!
Xin khép lại bài viết này bằng hai nhận xét. Nhận xét thứ nhất: tinh hoa của Hiến pháp Mỹ nằm trong cơ chế checks and balances, trong thế đối trọng giữa các quyền lực mà nước Mỹ đã dạy cho thế giới. Đã học được nguyên tắc triết lý chính trị sáng suốt đó, thế giới bắt buộc phải nghĩ rằng quyền hành tập trung vào cả một tay ta như thế là không chính đáng, căn cứ trên chính niềm tin của nước Mỹ. Nhận xét thứ hai là câu nói nổi tiếng của Cecil Rhodes, chính trị gia Anh (1853-1902) thời bành trướng đế quốc, câu nói mà Hannah Arendt đã lấy hứng cho quyển sách "Đế Quốc" của bà: "Si je pouvais, j'annexerais les planètes". Nếu có thể, ta sát nhập vào nước Anh cả những hành tinh.
* Giáo sư Đại Học Amiens, Pháp
Chú thích
Tác giả chân thành cảm tạ GS Trần Hữu Dũng đã cung cấp những tài liệu mới nhất để viết bài này.
[1] Max Boot, The Wall Street Journal, 1-7-2002.
[2] "Baby Doc", tiếng lóng để chỉ Jean-Claude Duvalier, lên cầm quyền tiếp theo cha, "Papa Doc", cả hai đều độc tài, cả hai đều được Mỹ tích cực ủng hộ.
[3] Stanley Hoffmann, "The Crisis of Liberal Internationalism", trong: World Disorders: Troubled Peace in Post-Cold War Era, Rowman and Littlefield, Lanham 1998.
[4] Trích từ bài "La Nouvelle République: une Nation sous Dieu", của Chris Morris, viết cho Festival de photojournalisme de Perpignan, Le Monde 2-9-2004.
[5] Theo bản dịch tiếng Pháp: Notre route commence à Bagdad, ed. Saint Simon, 2003.
[6] và [7] Xem tóm tắt khuynh hướng này trong Daniel Vernet, Les "néolibéraux", George W. Bush et la guerre en Irak, Le Monde 10-3-2004. Xem thêm Anatol Lievan ở chú thích [8] dưới đây.
[8] Anatol Lieven: Liberal Hawks Down, The Nation, 25-10-2004. Bài viết này tóm tắt và phê bình quyển sách tập thể tập trung những bài viết của khuynh hướng "tân tự do" trong đó có phần đóng góp của P. Berman. Dưới nhan đề: "The Fight is for Democracy: Winning the War of Ideas in America and the World", quyển sách do George Packer chủ biên.
[9] Trích trong: Norman Podhoretz, World War IV: How It Started, What It Means, and Why We Have to Win, Commentary, September 2004.
[10] Charles Krauthammer, The Clinton Paper Chase, The Washington Post, 25-10-2002.
[11] Robert W.Tucker and David C. Hendrickson, The Sources of American Legitimacy, Foreign Affairs, November-December 2004.
[12] Bruce Springsteen, Tous en scène pour John Kerry, Le Monde 8 et 9-8-2004.
[13] Robert Kagan, Clashing Views, Foreign Affairs, March-April 2004.
[14] Charles Krauthammer, In Defense of Democratic Realism, The National Interest, n°77, Fall 2004.
[15] Francis Fukuyama, The Neoconservative Moment, The National Interest, n° 76, Summer 2004.
[16] Mấy chữ "chiến tranh huynh đệ tương tàn" là lấy trong Danny Postel, Fukuyama's Moment: A Neocon Schism Open, http//www.opendemocracy.net/debates/article-3-117-2190.jsp#
[17] Xem Pierre Hassner et Justin Vaïsse, Washington et le monde: Dilemmes d'une superpuissance, CERI/Autrement, 2003, trang 82.
[18] Robert Kagan, The Benevolent Empire, Foreign Policy, Summer 1998.
[19] Expost legitimacy là chữ của Fukuyama trong bài viết đã dẫn ở trên. Cùng một ý như vậy, Tomasky và McFaul viết: America "eliminates" the enemies of liberty. It declares unilaterally what it wants, and the rest of the world has to follow, for "who can afford to back the United States"? (trích trong Anatol Lieven, đã dẫn ). Dịch: Nước Mỹ trừ khử những kẻ thù của tự do. Nước Mỹ tuyên bố mình muốn gì một cách đơn phương, và cả thế giới đều phải theo, bởi vì ai có thể làm nước Mỹ thối lui? Gần đây hơn nữa, một tác giả viết cùng một ý : "Neocons did not reject multilateral activities for the sake of it, nor did they wholly reject any notion of seeking global legitimacy for US action. They believed, on the contrary, that such legitimacy would be bestowed retrospectively, in the light of military and political success ... If the US wielded its might successfully, in the end the world would see it was right and would want to associate with Washington". (Gerard Baker, Neo-Conspiracy Theories, National Interest, Winter 2005). Dịch : Tân bảo thủ không gạt bỏ những quan hệ đa phương vì lý do chúng là quan hệ đa phương, cũng không hoàn toàn gạt bỏ mọi ý niệm tìm tính chính đáng cho hành động của Mỹ trên hoàn cầu.
Nguồn: Sách: Từ Đông sang Tây