Cuộc sống quanh ta
Thấu triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá lãnh đạo, quản lý trong tình hình hiện nay
1. Thước đo văn hóa lãnh đạo-quản lý là lòng dân
Di sản Hồ Chí Minh thấm sâu tư tưởng, lối ứng xử văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo- quản lý mặc dù Người không nói, viết trực tiếp một bài nào về vấn đề này.
Nói văn hóa lãnh đạo- quản lý là nói tới cái đẹp, cái giá trị của cá nhân nhà lãnh đạo, quản lý hoặc của tổ chức chính trị trong hệ thống chính trị, gồm Đảng cầm quyền và Nhà nước (trực tiếp là Chính phủ). Văn hóa lãnh đạo- quản lý gồm hai hệ thống giá trị là giá trị lãnh đạo và giá trị quản lý, có nội hàm riêng nhưng lồng và đan xen vào nhau, tức là trong văn hóa lãnh đạo có văn hóa quản lý và ngược lại; đồng thời kết tạo thành văn hóa lãnh đạo - quản lý. Văn hóa lãnh đạo - quản lý là nguồn lực nội sinh to lớn, vô tận của Đảng và Chính phủ, chìa khóa cho năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tạo dấu ấn khai sáng sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy “Đảng ta là đạo đức, là văn mình” là Người nhấn mạnh văn hóa lãnh đạo của Đảng. Người nói “Văn hóa không thể đứng ngoài mà đứng trong kinh tế và chính trị”, điều đó có nghĩa là tổ chức chính trị, hoạt động chính trị, đảng chính trị, cá nhân nhà chính trị phải thấm sâu văn hóa. Làm chính trị là phải có năng lực chính trị, mà thực chất và cốt tủy là năng lực văn hóa. Làm chính trị mà say sưa quyền lực là chính trị phi văn hóa. Cuộc sống đời thường cho thấy những người làm chính trị mà thiếu tâm, dưới tầm, tức kém đức và tài, thường thích dùng quyền lực như là cứu cánh cho vị trí lãnh đạo của mình.
Lãnh đạo, quản lý thuộc khoa học chính trị, văn hóa lãnh đạo, quản lý là hạt nhân của văn hóa chính trị. Trong những năm gần đây, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong khi khẳng định sự phát triển của xã hội dựa trên thế của “kiềng ba chân”: gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội”, Đảng ta “đặc biệt coi trọng nâng cao văn hóa lãnh đạo, quản lý”[1], “Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền”[2]. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước thực chất và sâu xa là nâng cao văn hóa cầm quyền của Đảng và văn hóa quản lý của Nhà nước; đồng thời nâng cao văn hóa lãnh đạo, quản lý của từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Sau khi nắm chính quyền, kiên trì bản chất giai cấp công nhân của Đảng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh bổn phận của Đảng cầm quyền là nước độc lập rồi thì phải làm cho dân được hưởng hạnh phúc, tự do. Ngày nay, trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, kiên trì mục tiêu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Muốn thực hiện được mục tiêu đó, trước hết Đảng phải đề ra được một cương lĩnh cách mạng xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với xu thế vận động của thời đại.
Thước đo văn hóa lãnh đạo-quản lý là lòng dân. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ. Đảng cầm quyền để dân làm chủ. Đảng cầm quyền nhưng dân là gốc. Đảng cầm quyền vì dân; cầm quyền do dân Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân; trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Bài học quý giá Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta ngày nay là: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”[3].
Trong đường lối lãnh đạo và cương lĩnh của Đảng, tức là về mặt lý thuyết, Đảng đã khẳng định rõ ràng, tất cả mọi hoạt động của Đảng là vì hạnh phúc của nhân dân. Nhưng cái khó nhất, cũng là văn hóa cao nhất của Đảng cầm quyền lại không phải nằm ở lý luận mà phải nằm ở thực tiễn. Hành động để đem lại hiệu quả thật sự cho dân chúng từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến “tương, cà, mắm, muối” và lấy hiệu quả đó làm thước đo mới là điều khó nhất của một đảng cầm quyền. Bác thường dạy: “Nói thì dễ, làm thì khó”. Cái khó trong khi làm không phải là khó khăn, vất vả, mệt nhọc mà cái chính là không vượt qua được chính mình, không thắng nổi chủ nghĩa cá nhân để thực hiện quan điểm quần chúng, để thật sự vì dân. Ví dụ: “Miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng”[4]. “Làm theo lối “quan” chủ” tức là lãnh đạo thiếu văn hóa, lãnh đạo bằng quyền lực, “làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm”[5]. Làm như vậy thì dân oán. Mà “dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị , là thất bại”[6] (người trích nhấn mạnh). Chính trị thất bại tức là không được lòng dân. Mà cái nguy hiểm nhất là mất lòng dân. Bởi vì, mất tiền và của cải cải thì còn làm lại được, còn một khi đã mất lòng tin, đặc biệt là mất lòng tin của dân là mất tất cả. Nâng cao văn hóa cầm quyền là Đảng phải có sự lựa chọn sáng suốt, có tầm nhìn, trí tuệ và bản lĩnh văn hóa giữa việc lấy cái căn bản quy tụ lòng dân thay vì lợi ích trước mắt và thành tích mang mầm bệnh. Văn hóa cầm quyền là phải “sao cho được lòng dân”[7], “Chính phủ là công bộc của dân”.
Nói đến Chính phủ là nói đến quản lý của Nhà nước. Trong điều kiện đảng cầm quyền thì văn hóa lãnh đạo và văn hóa quản lý thâm nhập vào nhau. Giá trị, uy tín, quyền uy tạo sức mạnh của đảng cầm quyền không chỉ trong khuôn phép của Đảng mà được “cân, đong, đo, đếm” bằng văn hóa quản lý. Nói cách khác, văn hóa quản lý là một thước đo của văn hóa lãnh đạo của đảng cầm quyền.
2. Ba điểm trọng yếu về văn hóa lãnh đạo-quản lý trong tình hình hiện nay
Một là, Đảng và đảng viên không được phớt qua pháp luật, làm trái pháp luật
Trên cơ sở nhận thức nhà nước là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng, văn hóa của đảng cầm quyền là Đảng phải tôn trọng chính quyền, tôn trọng Nhà nước. Đảng cầm quyền nhưng không thể và không được đứng trên Nhà nước, đứng trên và đứng ngoài pháp luật. Đảng lãnh đạo chứ không thể và không phải là đảng trị. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng là một xã hội có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đây là một nhận thức rất quan trọng trong cấu trúc quyền lực của hệ thống chính trị đương đại. Với nhà nước đó thì Quốc hội là cơ quan có quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết. Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu Quốc hội nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”[8]. Đảng cầm quyền, mọi tổ chức và cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật và tuân thủ hiến pháp và pháp luật mà không có một ngoại lệ nào. Tất cả họ phải hành xử theo đúng hiến pháp và pháp luật.
Chỉ hơn một tháng sau khi Đảng ta nắm quyền, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng “dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng...”. Hồ Chí Minh còn nói rõ hơn, nhiều người trong chính phủ phạm những lầm lỗi rất nặng nề, mà một trong số đó là “cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân”. Có những đảng viên “âm thầm phớt qua phép luật, trốn tránh và làm trái phép luật. Về điểm này những người ngoài Đảng cẩn thận hơn. Vì đảng viên thường xem phép luật, chính quyền, v.v. là việc trong nhà”[9].
Khi Đảng trở thành đảng cầm quyền thì việc giải quyết mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước là giá trị văn hóa hàng đầu, vì Đảng phải hoàn thành sứ mạng “kép”. Là người lãnh đạo Nhà nước, Đảng phải xứng danh lãnh đạo với một chiều sâu trí tuệ, một bề dày đạo đức, sự vững chắc về bản lĩnh chính trị và phương thức lãnh đạo trọng dân, tin dân, gần dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân, nghe dân (nhưng không theo đuôi quần chúng). Là một thành tố của hệ thống chính trị, Đảng phải hành xử phù hợp với hiến pháp và luật pháp, không được lạm quyền, coi khinh dư luận. Không coi trọng việc bàn bạc với dân; nghe, lấy ý kiến của nhân dân, của các nhà khoa học và các chuyên gia sẽ không tạo được sự đồng thuận cao, sớm muộn sẽ chịu hậu quả khó lường.
Hai là, người lãnh đạo có gan tự phê bình, không giấu giếm khuyết điểm, phát huy dân chủ và khuyến khích nhân dân, đảng viên phê bình mình.
Trên cơ sở luôn luôn tự phê bình và hoan nghênh nhân dân, đảng viên phê bình mình, Đảng phải nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức làm chủ, nâng cao tính tích cực công dân, tự do ngôn luận, tranh luận, phản biện, chất vấn có chất lượng khoa học; khuyến khích nhân dân tham gia vào các công việc của Đảng và Nhà nước, khắc phục mọi thứ dân chủ hình thức theo kiểu “trình diễn dân chủ”, “trang trí dân chủ”. Không chỉ là phản biện của Mặt trận đối với Đảng mà phải có chất vấn trong Đảng.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”[10]. Phải khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến. Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản. “Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”[11].
Văn hóa truyền thống, phía sau giá trị trọng tình, bộc lộ cái hạn chế duy tình, thiếu văn hóa tranh luận mà thực chất là giấu giếm khuyết điểm và thích khen, không thích chê, trở thành bệnh thành tích. Bác dạy: “Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế”[12]. Nâng cao văn hóa của đảng cầm quyền là thể hiện một đảng văn minh như cách nói của Bác Hồ. Ngược lại, “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sữa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Trước khi có Hiến pháp 1946 trong đó ghi rõ quyền lợi của công dân Việt Nam về “tự do ngôn luận”, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trách nhiệm của thanh niên Việt Nam “không phải ủng hộ Chính phủ chỉ bằng những lời hoan hô suông mà cần phải phê bình, giám đốc, tham gia ý kiến vào công việc của Chính phủ”.
Trên nền tư duy “Chính phủ là công bộc, đầy tớ của dân”, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng “khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi... Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ”[13].
Khuyết điểm giống như vết nhọ trên mặt, tự ta không thấy được. Nó phải được người khác chỉ ra, ta mới rửa sạch, nếu không thì mãi mãi chúng ta mang vết nhọ. Khuyết điểm, sai lầm là xấu xa, là phản văn hóa, nhưng nếu nhận ra khuyết điểm, sai lầm, tìm đúng nguyên nhân và khắc phục, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm thì đó là một hành vi mang giá trị văn hóa. Nhân dân chỉ ra sai lầm của Đảng và Chính phủ, chính là người mang lại giá trị văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý cho Đảng và Chính phủ. Nhận thức rõ điều đó, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở “Chính phủ mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ tận tụy của nhân dân”.
Tư duy Hồ Chí Minh là Đảng và Chính phủ phải luôn luôn tạo điều kiện để nhân dân phê bình mình. Bởi vì, dân chúng thông minh, sáng tạo “biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.
“Dám nói” theo quan điểm Hồ Chí Minh là một giá trị văn hóa đỉnh cao. Chỉ có một đảng cách mạng chân chính, đạo đức, văn minh thì mới đủ bản lĩnh tạo điều kiện cho dân dám nói. Và chỉ khi nào dân chúng và cán bộ đảng viên dám nói, dám phê bình, kiểm soát hoạt động của Đảng và Chính phủ thì Đảng và Chính phủ mới làm việc tốt hơn và cán bộ, viên chức các cơ quan chính phủ mới thật sự là công bộc của dân. Vì vậy, “cần phải có biện pháp khác, biện pháp nghiêm ngặt hơn, để trừng trị loại cán bộ tha hóa, biến chất. Phải gây nên một đạo đức để ngăn ngừa, gây nên một phong trào quần chúng gớm ghét, bao vây lũ giặc ấy. Biện pháp ấy là gây nên một cuộc vận động trong công nông chống tiêu cực, làm cho những kẻ “chạy” không sống còn được”[14].
Ba là, Đảng cầm quyền và người lãnh đạo phải có văn hóa trọng người, biết dùng người
Văn hóa của đảng cầm quyền, văn hóa lãnh đạo đạo, quản lý có một nội dung căn cốt là văn hóa dùng người. Con người sáng tạo ra văn hóa và cũng là sản phẩm của văn hóa. Cán bộ là gốc của mọi công việc. Mọi việc thành hay bại đều liên quan tới cán bộ tốt hay kém.
Một trong những phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền là thông qua cán bộ và công tác cán bộ. Hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác cán bộ, đó là nạn chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy dự án, chạy bằng cấp, chạy tuổi, chạy huân huy chương... Lại có một dạng thách thức khác, đó là năng lực, bản lĩnh, đạo đức, phương pháp công tác của cán bộ không tương xứng với vị trí, chức vụ quản lý, lãnh đạo. Một thực tế đáng buồn đang diễn ra ở những mức độ khác nhau ở tất cả các loại cán bộ, các ngành, các cấp, các địa phương là có một loại cán bộ không rèn đức, luyện tài mà chỉ rèn “công nghệ” xu nịnh, luồn cúi, a dua, “đi nhẹ, nói khẽ, hay cười, chạy và chạy...”, “thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi”, theo gió bẻ buồm, không có khí khái. Còn loại cán bộ được Đảng, Nhà nước giao cho trọng trách làm công tác cán bộ lại thích người chạy và kẻ khéo nịnh hót mình, ghét người chính trực. Nhưng nguy hiểm nhất là những cái đó đang dần dần có xu hướng trở thành “giá trị” trong cơ cấu quyền lực của hệ thống chính trị, của xã hội và được xã hội đồng tình, chưa bị sức mạnh văn hóa, đạo đức của xã hội, của nhân dân đánh bại. Những ai chỉ chăm chú rèn đức, luyện tài, phát biểu trung thực thẳng thắn vì sự thật thà đoàn kết và phát triển của đơn vị mà lại thiếu những “tố chất chạy”, lại trở thành những người “xa lạ”, không thức thời. Nói tóm lại, một nguy cơ lớn đang hiện hữu ở những mức độ, quy mô khác nhau là sự đảo lộn giá trị. Một đơn vị mà đa số cán bộ thuộc loại kém và trung bình, mang tư tưởng “dĩ hòa vi quý, chín bỏ làm mười”, còn thiểu số là tích cực, trung thực, thẳng thắn, thật sự tu dưỡng hồng, chuyên thì nguyên tắc “thiểu số phục tùng đã số” sẽ không mang lại kết quả tích cực như mong muốn.
Trước tình trạng đó, một đảng cầm quyền duy nhất lãnh đạo, nếu không có trí tuệ, tầm nhìn và bản lĩnh văn hóa trong việc dùng người thì nhất định thất bại. Đảng phải tìm thấy giá trị trong các mối quan hệ giữa người già và người trẻ; người trong Đảng và người ngoài Đảng; người có bằng cấp và không có bằng cấp, doanh nhân và trí thức, nhà lãnh đạo, quản lý và nhà khoa học... Trí tuệ văn hóa thể hiện bản lĩnh văn hóa của đảng cầm quyền là phải thấy thanh niên là người chủ tương lại của đất nước, thế hệ mới chắc chắn sẽ vượt thế hệ cũ (và có như thế thì đất nước và dân tộc mới có phúc). Có nhiều người không có bằng cấp nhưng có tài, có đức, cần trọng dụng họ. Không phải cứ ở địa vị lãnh đạo, quản lý là giỏi. Nhiều người nhờ giỏi chạy, giỏi nịnh hót, may mắn… mà lên vị trí lãnh đạo, quản lý. Những người đó không giỏi tài, đức mà giỏi chạy. Vì vậy, có một thực tế là, một người lãnh đạo, quản lý mất đi có người thay thế được ngay, còn một nhà khoa học chuyên ngành, thật sự khoa học mất đi, rất khó tìm người thay thế, thậm chí không có người thay thế. Trong Đảng cũng có những người kém, người xấu. Hồ Chí Minh dạy: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa... Trong Đảng ta chưa hoàn toàn tránh khỏi một vài kẻ vu vơ, những việc không chính đáng”[15]. Vì vậy, văn hóa của đảng cầm quyền là đủ khả năng phân định có chất lượng khoa học và cách mạng một cách rõ ràng vàng- thau, tốt- xấu, đúng- sai. Đảng không chọn được những người có đức, có tài, quyết tâm, suốt đời, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì đó là thất bại cho Đảng, cũng là thất bại cho cách mạng.
Đại hội XI đã hoàn thành chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Sự nghiệp đổi mới trong 5 năm tới sẽ được “ghi điểm” ở việc quán triệt tinh thần Đại hội và đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. Phải nhận thức rằng nếu không có Đảng lãnh đạo thì công đổi mới không thể thành công, nhưng điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc cứ có Đảng là đổi mới thành công. Mấu chốt là ở chỗ “Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy” như Hồ Chí Minh đã dạy. Văn hóa chính trị mà cốt lõi là văn hóa lãnh đạo - quản lý sẽ thật sự đem lại cho Đảng những tố chất trong sạch, vững mạnh. “Đảng vững” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là Đảng đạo đức, văn minh. Tăng cường xây dựng văn hóa cầm quyền, văn hóa lãnh đạo- quản lý là xây dựng năng lực, trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh, phương pháp, phong cách của Đảng, Chính phủ.
Các văn kiện được thông qua tại Đại hội XI có nhiều điểm mới, như đề cao dân chủ thật sự trong Đảng và trong xã hội; nhấn mạnh tính chất vấn trong Đảng có chất lượng khoa học; thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, tinh thần tự phê bình nghiêm túc được nêu cao. Quan trọng nhất là dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng nhấn mạnh, đề cao sức mạnh của dân tộc, khẳng định và đưa lên hàng đầu quan điểm: “Vinh quang đời đời thuộc về dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng!”… Đó là điều rất đáng mừng cho đất nước và dân tộc, ít nhất là trên phương diện Nghị quyết.
Thông qua được các văn kiện trình Đại hội và Nghị quyết của Đảng là điều quan trọng hàng đầu, nhưng đưa được các văn kiện đó vào cuộc sống, biến quyết tâm trong Đại hội Đảng thành quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, tạo được lòng tin của nhân dân vào lời hứa của Đảng mới là điều có ý nghĩa nhất, quyết định nhất.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.213.
tin tức liên quan
Videos
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Thống kê truy cập
114513145
Hôm nay
2246
Hôm qua
2436
Tuần này
21082
Tháng này
220018
Tháng qua
121356
Tất cả
114513145