Cuộc sống quanh ta

Hai câu chuyện

Chính quyền và quần chúng – Vào khoảng 440 trước khi Thiên Chúa giáng sinh thi sĩ Hy Lạp Sophocle sáng tác một bi kịch nhan đề Antigone.

Polynice là một người, vì bị xử trí oan, mang lòng thù Tổ quốc, đem quân về đánh đồng bào. Hắn tử trận. Nhà vua Creon cấm không ai được chôn cất. Em gái hắn là Antigone không chịu tuân lệnh ấy. Chị tin rằng nếu chị có phạm tội cho nữa thì tội của chị cũng là thiêng liêng. Chị không ngại: “Thời gian cần thiết để làm thỏa lòng người chết, dài hơn là thời gian cần thiết để làm hài lòng kẻ sống”. Bị bắt trong lúc chôn cất anh, chị viện pháp luật thiêng liêng của con người – được mai táng khi chết – của tình cốt nhục giữa anh và em. Chị nói:
- “Không phải Zeus hay thần Dikê đóng đô dưới đất, đã lập luật pháp ấy trong nhân loại. Tôi không tin rằng sắc lệnh của anh có hiệu lực cho phép một người thường chống lại pháp luật của thần thánh. Mặc dầu pháp luật này không ghi chép ở đâu cả, nó vẫn bất di bất dịch, không phải từ hôm qua hay hôm nay, mới có các pháp luật đó. Pháp luật ấy trường cửu và không ai biết nó bắt nguồn từ đâu, trong quá khứ. Pháp luật của anh, các thánh thần không thể trừng phạt tôi đã bất chấp nó, vì tôi không sợ ý chí của một ai trên trần thế”. Nhận thấy chính nghĩa về tay chị và chị được nhân dân ủng hộ, chị lên tiếng kêu gọi dư luận:
- “Còn gì vinh quang hơn là chôn cất một người anh? Đây này, tất cả các người nghe tôi đều tán thành hành động của tôi, nếu họ không, vì lo sợ, mà cứng lưỡi lại. Đó là quyền của bọn độc tài chuyên chính, muốn người ta làm gì, nói gì thì người ta phải làm, phải nói như vậy”.
Nhà vua Creon, tiêu biểu cho chính quyền độc tài, khi nghe thấy lập luận sắc bén, đanh thép ấy, thấy khó chịu và phản ứng ngay. Nhưng hắn không phản ứng với Antigone, hắn phản ứng với chính con hắn Hemon, là người yêu chị ấy, và vì tình yêu, đứng trên lập trường của Antigone chống lại bố. Cảm thấy con mình “mắc mưu địch”, Creon tìm cách “đả thông” con:
- “Người nào được quần chúng đặt lên địa vị lãnh đạo, người ấy ai cũng phải phục tùng, trong các chuyện nhỏ, các chuyện công bằng hợp lý… và ngay trong chuyện khác nữa. Không gì tai hại hơn bất tuân lệnh của cấp trên. Cho phép như vậy, các đô thị sẽ bị hủy hoại, các gia đình khuynh đảo, các quân đội đồng minh với nhau, cũng phải đi đến thất bại… Trái lại, muốn cứu vớt quần chúng, khi quần chúng được lãnh đạo tốt, là phải bắt quần chúng tự do phục tùng các lệnh đã được ban bố. Như vậy, ta bảo vệ trật tự chung…”. Hemon không dám phản kháng bố. Nhưng vì đi sát quần chúng, không mắc bệnh chủ quan, quan liêu, hắn nắm được dư luận cho nên hắn đã mạnh dạn “xây dựng” cho bố:
- “Bộ mặt của cha làm cho người trong quần chúng lo sợ khi nào họ nói cái gì mà cha không ưa. Con, trái lại, được nghe thấy trong đô thị dư luận của nhân dân thương xót thiếu nữ ấy vì đã có nghĩa cử vinh quang, và không đáng, vì nghĩa cử đó, phải chết nhục nhã… Xin cha chớ nên suy luận một chiều, theo cách phiến diện, xin cha đừng tin rằng chỉ cái gì cha nói mới đúng, mới hợp lý… Học hỏi ở người khác, không ngoan cố, thì dù mình tài giỏi thế nào nữa, đâu phải là tủi thẹn?”.
Nhưng Creon không chịu phục thiện: “Tuổi tác như tao đây mà phải nhờ mày dạy khôn à? Chẳng nhẽ một đô thị dạy ta những lệnh ta cần phải ban bố hay sao? Phải chăng ta đây trị vì để một đứa khác điều khiển ta ư?”.
Hemon đau đớn nhắc lại cho bố nghe một sự thật hiển nhiên: “Một đô thị đâu phải là của riêng một người?”. Nào có một mình Hemon xây dựng cho bố đâu? Cả cụ Tiresias là thầy bói trứ danh, hiểu biết ý định của thần thánh, đọc được trong tương lai, cũng không quản ngại tuổi cao, đến gặp Creon để thuyết phục hắn:
- “Ai cũng có thể sai lầm được. Nhưng người nào khôn và may mắn, thì biết hối lỗi, tìm cách xóa bỏ các tai hại nó gây ra, không có thái độ ngoan cố, không ỳ ra. Ngoan cố thì vụng đấy”.
Nhưng Creon không thực sự cầu thị, hạ lệnh giết Antigone. Hắn không ngờ Hemon cũng chết theo tình nhân.
“Dưới đáy ngôi mồ dùng để chôn sống Antigone, chị này đã lấy thắt lưng treo cổ. Hemon kiệt sức, ôm mình Antigone, khóc lóc thảm thiết, rên rỉ về người yêu đã từ trần, người bố đã tàn nhẫn, tình duyên của mình đã chấm dứt… Khi Cremon xuất hiện, Hemon nhìn bố với con mắt ngơ ngác, nhổ vào mặt bố rồi rút gươm. Creon lùi, chạy. Hemon đâm bố nhưng không trúng. Lúc đó, quay cơn điên cuồng về mình, hắn đâm gươm vào ngực và giang hai tay yếu ớt, hắn ôm lấy xác của thiếu nữ. Máu hắn hộc ra đẫm cả má nhợt nhạt. Ngã gục xuống, hiện thời hắn nằm chết cạnh xác Antigone.
Sau khi nhe báo tin này, Eurydice là mẹ của Hemon cũng tự vẫn nốt. Creon một lúc chết cả vợ lẫn con.
***
Ái tình và lý luận – Trong nền văn nghệ thế kỷ XIII của nước Pháp, Henri d’Andeli có sáng tác một cuốn sách thú vị, được quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh. Câu chuyện này được ghi bằng các hình ảnh trăm mầu, trăm sắc, trên kính ở các ô cửa sổ nhà thờ.
Nhà vua Alexandre ở Hy Lạp, vì mê một mỹ nữ, sao nhãng công tác, chỉ đắm đuối với tình yêu. Ông thầy của nhà vua là triết gia Aristote lên tiếng phê bình:
- “Hoàng đế ơi, tôi tin rằng Hoàng đế đã mất tinh thần sáng suốt rồi, đến nỗi để người ta dắt đi đây đó, như con ngựa, con bò được chăn đi ăn cỏ, ngoài đồng. Đầu óc của Hoàng đế chắc là đã rối loạn vì một thiếu nữ địa vị xã hội thấp kém. Trái tim của Hoàng đế biến đổi đến nỗi mất hết mực thước rồi. Tôi khẩn khoản yêu cầu Hoàng đế, chớ nên đa mang như thế nữa, vì mất thời gian vô ích…”.
Vua Alexandre sau khi nghe thầy xây dựng, đâm ra thắc mắc, trở về tìm người yêu, ngắm nghía người yêu:
- “Mắt chị sáng sủa, cử chỉ dịu dàng, không có khuyết điểm nào đáng chê trách. Trán chị nhẵn, sáng hơn pha lê, thân thể đẹp, miệng xinh, tóc vàng. Alexandre than: “Sao mà ai cũng muốn tôi sống khổ cực? Thầy tôi cũng như họ hàng tôi, không ai thông cảm với tôi cả. Họ muốn ái tình phải nhập khuôn phép. Nhưng nào ái tình chịu theo lệnh của ai? Ái tình chỉ biết theo ý chí của mình thôi”.
Tình nhân của nhà vua, được hiểu biết câu chuyện, thấy tức tối đầy lòng. Chị ta cương quyết trả thù nhà triết học. Chị tin ở ái tình. “Ái tình cung cấp tôi đủ sức lực để tranh đấu. Uy lực của ái tình không bao giờ khiếm khuyết. Đối với tôi, thì dù biện chứng học hay văn phạm cũng phải thua. Ngày mai điều ấy sẽ được chứng minh rõ ràng”.
Sáng hôm sau, chị thắng một chiếc áo sơ mi thôi, nhẹ nhàng, mỏng đẹp, phất phới trước gió. Chị dạo chơi ngoài vườn, vừa đi, vừa hát, nhan sắc tuyệt vời hơn bao giờ hết. Nhà triết học đang đọc sách cũng phải ngẩng mặt lên nhìn, sau đó, không hạ mắt xuống nữa, cứ theo dõi mỹ nữ mãi. Nhưng liên hệ bản thân, nhà triết học than thân:
- “Trái tim tôi biến chuyển thế nào? Tôi đây đã già, đầu bạc, vừa xấu lại vừa xanh, vừa đen lại vừa gầy, chỉ giỏi về môn triết lý. Bao nhiêu sức lực của tôi đã cống hiến cho nghiên cứu rồi…”.
Lúc ấy mỹ nữ vừa đi, vừa hát, hái hoa kết thành bó. Nhà triết học thấp thỏm, mong chị lại gần chỗ mình. Qủa thực chị ta lại gần. Trong khi trái tim đập mạnh đến nỗi có thể phá tan ngực, nhà triết học lên tiếng đưa tình:
- “Thưa mỹ nữ, tôi sẵn sàng hiến dâng mỹ nữ từ trái tim đến linh hồn, từ đời sống đến cả danh dự của tôi. Ái tình và tạo hóa đã giằng buộc tôi với mỹ nữ, tôi không thể nào xa lìa mỹ nữ được…”.
Mỹ nữ khoan hồng, nghe, tủm tỉm cười với một nụ cười nghênh tiếp. Chị thông cảm với nhà triết học đã cố “tìm hiểu” chị. Chị sẵn sàng, se duyên kết nghĩa với nhà triết học, nhưng chị đặt một điều kiện, có một điều kiện thôi. Chị muốn được cưỡi lên lưng của nhà triết học để dạo quanh vườn. Nhà triết học tranh đấu tư tưởng gay go. Thỏa mãn yêu cầu của mỹ nữ thì còn gì là phẩm giá con người, danh dự người trí thức nữa? Nhưng không còn con đường nào khác cả. Vả lại vườn này vắng tanh, ai biết đến? Rốt cuộc, nhà triết học đầu hàng vô điều kiện, chịu để đóng cương vào người, rồi làm ngựa để mỹ nữ cưỡi. Alexandre gặp thầy, lăn ra cười, cười cho đến khóc, rồi hỏi thầy:
- “Thưa thầy sao lại lạ thế này? Chẳng nhẽ thầy lại làm ngựa cho người ta cưỡi? Chắc là thầy loạn óc rồi. Vừa đây, thầy dạy tôi chớ nên mắc mưu ái tình, thế mà bây giờ lại chính thầy bị ái tình biến thầy thành con vật để người ta cưỡi?…”.
Nhà triết học thẹn và nhục. Nhưng nhanh trí, đã tìm thấy ngay câu trả lời:
- “Tâu hoàng thượng, tôi cảnh cáo hoàng thượng là đúng. Hoàng thượng đang tuổi trẻ mơn mởn, chứa chan nhiệt lực của tuổi thanh niên. Còn tôi đây, đã già nua. Tuy nhiên chỉ cần có một giờ thôi mà ái tình đã tiêu tán tất cả nhận thức của tôi phải bao năm nghiên cứu mới thu được. Thế lực của ái tình thực là mãnh liệt, thắng hết mọi trở ngại. Bây giờ hoàng thượng phải nhận định rằng nếu một người như tôi mà còn bị điên cuồng vì ái tình thì hoàng thượng là người trẻ trung lại càng phải đề cao cảnh giác hơn nữa. Muốn tránh thiên hạ chê trách, nhất định không nên đi vào con đường tình ái…”.
Để kết thúc câu chuyện này, thi sĩ khuyên:
“Qua câu chuyện này, ta nghiệm thấy, chớ nên chê ai, chớ nên quở trách những tình nhân, nam và nữ, tuân theo lệnh của ái tình một cách triệt để.
Sự thật như tôi đã nói, khi nào còn Trời Đất, còn loài người, thì Ái tình luôn luôn thăng và thăng mãi mãi”./.
(GPMĐ -  tập I -  Minh Đức xuất bản tr. 49 – 52)
KMS sưu tầm và giới thiệu
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513174

Hôm nay

2275

Hôm qua

2436

Tuần này

21111

Tháng này

220047

Tháng qua

121356

Tất cả

114513174