Cuộc sống quanh ta

Tật xấu "hôi của" cần phải loại trừ

Hôm 14-4, chiếc xe tải chở đầy dưa hấu bị lật trên Quốc lộ 1, địa bàn xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, một cảnh tượng được xem là “bình thường” lại xảy ra: người dân, người đi đường đã không giúp chủ xe, tài xế thu dọn hiện trường, lại xúm vào hôi của, gây cản trở giao thông; trong số đó có nhiều em học sinh trên đường đi học về cũng “tham gia”.

Nhớ lại mấy tháng trước, tại Trạm thu phí cầu Bến Thủy cũng xảy ra vụ tai nạn lật xe tải chở bia. Như là một “dịp may” hiếm có, nhiều người dân lập tức xông vào hôi của, tranh cướp từng chai bia.

Không chỉ thế, với nhiều người bị tai nạn giao thông, bất tỉnh trên đường, khi được đưa đến bệnh viện thì may giữ được mạng sống, chứ còn tài sản trên người thì đã “không cánh mà bay”. Thì ra một số người làm nghề xe ôm, bán báo “xung phong làm người tốt” đưa nạn nhân đến bệnh viện rồi lợi dụng người bị nạn bất tỉnh, thò tay móc trộm ví tiền, điện thoại di động; họ còn lột cả đồng hồ, nhẫn… Đối tượng Nguyễn Văn Huy (SN 1989, quê tỉnh Hà Nam) đã bị bắt quả tang tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương hôm 15-3, và gần đây nhất, hôm 15-4, hai đối tượng đã lấy cắp túi xách của người bị tai nạn giao thông trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội là những “người tốt” như vậy…
Đó là những hành động vô liêm sỉ, bất nhân mà xã hội, cộng đồng cần phải lên án và đấu tranh loại bỏ. Dưới góc độ pháp luật, đó là hành vi trộm cắp tài sản, hành vi cướp của cần được trừng trị đích đáng. Còn dưới góc độ đạo đức, đó là hành động phi nhân không thể chấp nhận được trong một xã hội có kỷ cương và hoàn toàn xa lạ với truyền thống “thương người như thể thương thân” của con người Việt Nam.
Nghĩ sâu xa hơn, đó là “kết quả” của lối sống tầm thường, bẩn thỉu, tham lam, ích kỷ, trục lợi mà đáng tiếc thay, lâu nay cộng đồng dường như chưa đặt thành một tiêu chuẩn đạo đức để điều chỉnh hành vi từng cá nhân. Người ta vẫn xem nhẹ việc con em, người thân của mình bỗng dưng đưa về nhà một quả dưa hấu, thùng bia, gói bánh v.v… từ vụ tai nạn giao thông trên đường. Người ta vẫn không thấy đau đớn khi chồng, cha, con, em mình mang về nhà một chiếc ví, chiếc điện thoại, đồng hồ lạ… Chính vì thế, người ta không hề cảm thấy xấu hổ khi xông vào “hôi của”, họ đã cho rằng mình hoàn toàn “có quyền” hành động như vậy, bởi vì cũng có rất nhiều người khác đã làm và đang làm như vậy? Ý thức kém về nhân phẩm và tâm lý “bầy đàn” đã làm họ tối mắt trước món lợi nhỏ nhoi… “Hôi của” là một tật rất xấu, cần phải loại trừ trong một xã hội đang hướng đến những giá trị nhân bản và văn minh.
Lại nghe chuyện động đất ở nước bạn, trong quá trình đào bới, tìm kiếm nạn nhân nhiều người dân Nhật Bản đã nhìn thấy hàng triệu đồng yên trong đống đổ nát, song không hề ai gom nhặt, không một ai hôi của… Ở Việt Nam ta, thời chiến tranh từng có những bà mẹ già hiến tặng cỗ quan tài giành sẵn cho mình để lót đường cho xe vào mặt trận. Thời đó, mẹ Choàng sống ở làng Thuận Bài, xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã tháo nhà để lát đường cho xe qua. Câu nói nổi tiếng của mẹ “Xe chưa qua nhà không tiếc” đã tiếp thêm sức mạnh cho những đoàn xe trên đường chiến đấu giành độc lập, tự do Tổ quốc. Và hiện nay, biết bao nhiêu tấm gương “nhường cơm sẻ áo”, giúp đỡ người tàn tật, người nghèo khổ vươn lên làm chủ cuộc sống trên khắp mọi miền đất nước đã được tôn vinh…
Đó mới chính là tinh thần, đạo nghĩa, phẩm chất nhân văn của con người Việt Nam và chính những điều đó góp phần làm nên danh dự và sức mạnh của dân tộc ta.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513174

Hôm nay

2275

Hôm qua

2436

Tuần này

21111

Tháng này

220047

Tháng qua

121356

Tất cả

114513174