Khách mời văn hóa

Tiến sĩ Trần Ngọc Vương: Sống là thực hành những quy phạm văn hóa

Ts Trần Ngọc Vương hiện là cán bộ giảng dạy khoa Văn học trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Kể từ năm 1976, ngoài thời gian đứng trên giảng đường, ông đã không ngừng nghiên cứu và đã có hơn hai mươi chuyên luận, sách tham khảo với những đề tài về lý luận văn hóa, văn học và hàng trăm bài báo khoa học đã được ông trình bày mạch lạc, khúc chiết và rất nghiêm túc trong nghiên cứu.

 
* Nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu và truyền bá văn hóa Việt Nam, ông thấy thế nào về sự chuyển biến rất nhanh của những giá trị văn hóa đang thay đổi? Theo ông thách thức lớn nhất của giới trẻ hiện nay trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống để làm nền tảng cho mình trước khi tiếp thu những giá trị văn hóa khác biệt để chọn lọc?
TS Trần Ngọc Vương: Cảm giác bao trùm là cảm giác lo âu. Thách thức lớn nhất đối với giới trẻ là khả năng lựa chọn đúng những giá trị và mô thức văn hóa thích hợp cho chính mình. Nhớ rằng tuyệt đại đa số người Việt Nam hiện thời về mặt văn hóa là đi từ xã hội tiền tư bản lên một cõi đời… chưa rõ.
Vào thời đại tiền tư bản chủ nghĩa, các nền văn hóa hình thành và phát triển một cách chậm rãi, nên đối với các thành viên của một cộng đồng văn hóa nhất định nào đó, những truyền thống văn hóa một khi đã được xác lập thì có sức bền đáng kể bởi chúng được bảo lãnh và bảo chứng qua rất nhiều thế hệ. Tính khép kín của văn minh nông nghiệp trồng trọt định cư hàng mấy nghìn năm đã làm cho bức tranh văn hóa thế giới thành ra đa dạng, khác biệt và hết sức phong phú về mặt hình thức biểu hiện. Việc truyền thừa văn hóa trước đây diễn ra ở khắp mọi nơi, mọi lúc, mọi dạng thức tồn tại và hoạt động. Vào thời đại ấy, đối với người được coi là có giáo dục, sống cũng tức là thực hành những quy phạm văn hóa.
Những yếu tố mà ngày nay định danh là những giá trị văn hóa toàn cầu trên thực tế có nguồn gốc chủ yếu từ những quốc gia phát triển vượt trội chỉ trong khoảng vài ba thế kỷ gần đây nhất. Nói thẳng thắn thì những thứ “giá trị toàn cầu” đó đều là “giá trị văn hóa tư sản” cả. Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới đương nhiên có ảnh hưởng quyết định đến nội dung, tính chất và sự định hướng của các khoa học xã hội và nhân văn. Còn ở những quốc gia đang tiếp tục duy trì “định hướng xã hội chủ nghĩa” ít nhất trong hệ tư tưởng nhà nước, những người “cầm chịch” cho khoa học xã hội và nhân văn nói chung, cho việc nghiên cứu văn hóa nói riêng trên thực tế là đang lâm vào một tình trạng mất phương hướng nghiêm trọng, có thể nói là một sự khủng hoảng toàn diện. Hàng loạt tín điều trong cả một thời kỳ dài tưởng rằng đã kịp trở thành “thiên kinh địa nghĩa”, đã được nhớ nhập tâm, thuộc nằm lòng, kiểu như mô hình “con người mới”, kiểu như “chủ nghĩa quốc tế vô sản”, kiểu như “những tấm gương điển hình” buộc người ta phải học theo suốt kiếp … thì giờ đây, nói nhẹ nhàng là bị “tạm quên”, tạm gác lại.
 
* Ông đã từng rất nhiều năm nghiên cứu văn hóa Việt Nam, cùng với một số nhà nghiên cứu khác nghiệm thấy một đặc điểm phản ánh quy luật phát triển của xã hội Việt Nam trong truyền thống là “pháttriển theo lối trầm tích chứ không theo lối phủ định”. Theo ông, điều này ảnh hưởng gì đến nhu cầu “bắt kịp thời đại” khi những làn sóng thay đổi mà ở phương Tây thì đang “cuồn cuộn” diễn ra, còn phương Đông thì dường như chưa có một làn sóng như thế?
TS T.N.V: Vấn đề quá lớn để có thể đưa ra một câu trả lời đoan chắc. Trước hết là phải thảo luận kỹ một vấn đề mang tính triết học phổ quát của lịch sử: có hay không có những “lối phát triển” khác nhau của các xã hội khác nhau? Tôi thì tin là có, nhưng còn quá ít người quan tâm đến xác tín này… Tiếp đó, phải bàn sâu về những “ưu điểm và hạn chế” của mỗi lối phát triển như thế. Rồi nữa, có thể hay không thể “phối kết hợp” hai lối phát triển ấy với nhau? Một thời, thế giới bị cuốn theo ngả đường Âu hóa, “dĩ Âu vi trung” (eurocentrism), nhưng nếu lùi ra xa, quan sát sự phát triển của nhân loại theo một khung thời gian đủ lớn, thì đã chắc đâu “ngả đường châu Âu” là đường cái quan của toàn bộ lịch sử? Vô số người phương Tây hiện đang đòi hỏi và thực hành “sống chậm”, mà sự lựa chọn của Trung Quốc hiện thời biến quốc gia mình thành “đại công xưởng, đại công trường” của thế giới - một sự bắt nhịp “ngả đường châu Âu” muộn mằn - cũng đã làm xuất hiện vô số những thanh gươm không chỉ tự treo lơ lửng ngay trên đỉnh đầu của cộng đồng mình mà còn “kề cổ” những cộng đồng khác…Chỉ có một điều chắc chắn, đó là bất cứ một thế lực cầm quyền có trách nhiệm nào cũng phải có nghĩa vụ (pháp lý và đạo đức) lựa chọn một hay những phương thức phát triển đưa lại hạnh phúc tối đa cho tuyệt đại đa số thành viên cộng đồng mà mình lãnh đạo hay cai trị. Thước đo nhân tính cho mọi tôn chỉ là hạnh phúc của đại đa số cư dân, thước đo của mọi tội ác là số nhân mạng phải trả, điều đó thì ở mọi nơi mọi lúc khó thay đổi.
 
* Ông từng viết:“một số nhà nghiên cứu gọi những tên tư sản ngày nay là tư sản lưu manh”. Đó có phải là điều rất đáng sợ cho một nền sản xuất thị trường - tiêu dùng giả trá và rối loạn khiến dẫn đến những giá trị văn hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng?
TS T.N.V: Mệnh đề vừa nhắc tới được viết ra trong bối cảnh cụ thể là Việt Nam đầu những năm ‘80. Ở thời điểm ấy, không ai ở Việt Nam có quyền (hợp pháp) có nhiều tiền, nhiều tài sản. Đói kém tràn lan, suy dinh dưỡng ở tầm quốc họa mà. Nhưng trong thực tế thì vẫn có không ít người có nhiều tiền, nhiều tài sản. Ai học qua kinh tế - chính trị học một chút cũng có thể biết, rằng có hai “type” nhà tư sản điển hình, là nhà doanh nghiệp và nhà tư sản tài chính. Họ nắm hai đầu dây của cái “thòng lọng” “tiền - hàng”. Vậy ở ta lúc đó, có tiềm lực để có thể gọi là tư sản, theo bạn, thì là ai? Trừ một số rất ít những người “giàu ngầm” từ trước cất giữ được một ít tài sản - số này tôi không gọi là tư sản - còn thì không ai có thể bằng con đường hợp pháp mà giàu được cả. Không gọi họ là tư sản lưu manh, thì gọi là gì?
Khi “cơ chế” đã “đổi mới”, nhiều người trong số họ nhanh chóng trở thành những nhà tư sản “chính cống”. Nhưng quán tính của một thời dài vẫn dung dưỡng trong nền kinh tế những “dấu tích thời đại” của nó. Buôn lậu và buôn quyền lực, dưới mọi dạng thức, đều là cốt lõi của “đặc chất lưu manh” ấy. Sự dối trá cô đặc ở những kẻ như vậy tạo ra một “từ trường”, hút vào quanh chúng những kẻ làm ăn chụp giật, trọc phú, hãnh tiến và thiển cận. Có một mối liên hệ rất rõ giữa hàng giả và lối “tư duy nhiệm kỳ”. Chất lưu manh cũng được “tiếp sức” bằng cả tâm lý tiểu nông cố hữu nữa. Mà nguồn “dưỡng chất” này, thì khá “mênh mông”. Còn quá nhiều việc phải làm, còn cần nhiều thời gian nữa để khắc phục hạn chế này ở ta.
 
* Theo ông có phải vì thế mà người ta dùng các loại hình nghệ thuật để khơi gợi vẻ đẹp tinh thần cho những tâm hồn đang ào ạt trong cơn lốc kinh tế thị trường và những lãng quên quá khứ kinh hoàng để thủ thân?
TS T.N.V: Mở đầu “Bản thảo kinh tế - chính trị”, K. Marx khẳng định ngay rằng, con người, trước khi muốn làm khoa học, làm nghệ thuật, làm một “động vật chính trị”…, thì phải lo thu xếp việc thỏa mãn những nhu cầu thuộc “bản năng gốc” là ăn, mặc, ở, tự vệ, đi lại, và “tái sản xuất ra bản thân đời sống xã hội”, tức là sinh con đẻ cái. Một khi những “nỗi sợ hãi nguyên thủy” ấy còn chưa được giải quyết “dứt điểm” thì tất cả những người, những cộng đồng nào “nâng cấp nhu cầu” (theo mô hình tháp nhu cầu của Maslow) quá nhanh đều bị những cá nhân và những cộng đồng còn lại coi là hão huyền, phù phiếm. Vậy nhưng ngay từ thuở con người mới bước chân ra khỏi trạng thái mông muội, dã man nguyên thủy thì đã xuất hiện những chứng cớ chắc chắn cho thấy nghệ thuật nói chung đã được hình thành vừa như một cứu cánh vừa như một nguồn lực kéo mỗi cá nhân và các cộng đồng vươn tới và đạt đến những cảm nhận hạnh phúc cao cấp và đích thực hơn. Trong truyền thống văn hóa Đông Á, giàu suông vẫn bị coi khinh, vẫn chỉ có thể là “bạch đinh, trọc phú”, phải “phấn đấu” để mà “sang”. Tuy ngôn từ đại chúng thường xuyên ghép “giàu” với “sang”, nhưng thực ra, ở nền văn hóa khu vực này, “giàu” (phú) được phân biệt rạch ròi với “sang” (quý) suốt cả mấy nghìn năm. Sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật, trong đó có văn chương, đã trở thành lẽ sống của không ít những cá nhân xuất sắc suốt chiều dài lịch sử.
Nhưng đã là một xã hội, thì dù đang trong quá trình vận động quyết liệt, căng thẳng đến đâu, vẫn còn lại rất nhiều góc yên tĩnh, rất nhiều “chiếu nghỉ”, và cả những “chốn phù hoa”. Chức năng chính yếu của những nơi chốn như vậy là chức năng phục hồi. Sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật chắc chắn là một thứ thần dược đưa lại cho nhiều người cảm nhận về hạnh phúc, cung cấp lý do để khẳng định một “sự đã rồi”: đời đáng sống.
 
 * Những trải nghiệm nào trong cuộc đời ông đã đưa ông đến với một đời sống phong phú như hiện nay, khi mà ông vừa có những luận lý Tây phương, kiến văn về Nho giáo lại vừa có những suy tư với Phật pháp?
TS T.N.V: Tôi được sinh ra và lớn lên ở một vùng đất chịu quá nhiều thiệt thòi về hưởng thụ và giao lưu văn hóa, đấy là nói so với các cộng đồng cư dân người Kinh khác thuộc vùng đồng bằng. Câu chuyện “kế thừa di sản tự ngàn xưa” của cha ông ở vùng quê tôi lại cũng là cả một câu chuyện cắc cớ dài kỳ. Kể từ trong vòng dăm trăm năm lại đây tra cứu trong các danh mục “Các nhà khoa bảng Việt Nam”, sẽ không tìm được một vị đại khoa (Nho học) nào quê Quảng Bình cho tới tận thời Lê sơ. Tuy nhiên, trước tôi vài thế hệ trong họ nội họ ngoại nhà tôi đều có người đi học, thậm chí cũng có người (cụ ngoại) là võ quan của Hàm Nghi, có một vài người bên nội làm thầy đồ dạy học. Tôi không kịp biết mặt ai trong số họ, thậm chí cũng rất khó hình dung về “thực trạng học vấn” của những người ở thế hệ ngay trên mình. Chỉ biết rằng mẹ tôi không biết chữ đã đành, ngay bố tôi giỏi lắm cũng chỉ kịp “ăn mày cửa Thánh” được vài “chữ rơi chữ vãi”. Vậy nhưng các chú tôi thì nghe nói lại được học hành tử tế, đâu như ngoài chữ quốc ngữ, còn biết cả Hán văn, Pháp ngữ, rồi kịp đi hoạt động, kịp sáng lập chi bộ đầu tiên ở vùng, cũng kịp trở thành liệt sĩ khi chưa có hậu duệ… Chắc chắn vì “ít chữ” nên bố tôi tự rút khỏi những “trách nhiệm” mà “tổ chức” muốn ông phải “gánh vác”. Cụ thể hơn thì tôi không thật rõ. Chỉ biết rằng sau khi “hoàn dân”, ông có định ra một lời ước “nội bộ”, rằng từ giờ trở đi, nếu đứa con nào còn có thể học mà không học tiếp, thì ông chém! Thành thực mà nói, cái sự đến trường của tôi như là một sự ngẫu nhiên, chả có gì “lãng mạn” mà cũng chẳng hề là “biến cố trong đời”. Chỉ vì ở nhà không biết chơi với ai nên phải theo chị gái đến lớp mà thôi. Hôm đầu đi theo chị chỉ mặc độc có một cái may ô, chưa có quần. Tha thẩn ở cửa lớp (hồi đó trường còn chưa có tường bao, lớp còn là nhà tranh vách đất đúng nghĩa mặc dù sân trường thì khá rộng), rồi ngồi xuống lấy que chọc đất, vun vun cát, vẽ lăng quăng…Thầy giáo từ trong lớp trông ra, thấy có lúc cái thằng bé kia… ngồi vô ý quá, mà con cái nhà ai không biết, cứ một mình chơi mãi đấy không chịu đi chỗ khác, bèn hỏi cả lớp là “có ai biết thằng cu nớ không?”. Chị tôi đương nhiên và hồn nhiên nhận em, nói thêm là đưa theo vì để ở nhà không ai coi cả. Một vài hôm rồi tự nhiên có lần thầy bảo chị tôi: “Em về hỏi xem cậu có xin được thầy Hiệu trưởng cho em của em vào lớp học được không?”. Xin cho tôi học thì dễ, vì thầy Hiệu trưởng “vừa là đồng chí vừa là đàn em” của bố. Vậy là tôi đi học, với chỉ một điều kiện là vào lớp phải mặc quần.
 
* Nghe nói ông từng được đào tạo kiểu gà chọi?
TS T.N.V: Cũng chẳng biết rồi giấy khai sinh, học bạ… đã được lập nên như thế nào, chỉ biết cho tới tận khi tốt nghiệp phổ thông (1971) tôi không gặp khó khăn về chuyện thủ tục giấy tờ, mặc dù sau khi bố tôi mất, tôi vừa được chọn đi K. 8 vừa nằm trong nhóm lên cấp 3 được gửi ra tận Ninh Bình “hoa nghiệp”. Chỉ ra Bắc một năm, vừa tạm dừng chiến tranh phá hoại lần đầu là cả nhóm mười một thằng tự động rủ nhau về! Chẳng giấy tờ gì, thế mà về quê vẫn được học tiếp lớp 9! Cả mấy năm sau đó tôi được trường cấp 3 ở quê chọn “nuôi gà chọi” cho cả 2 môn văn và toán. Nhưng đương nhiên giải thưởng chỉ loanh quanh “hàng tỉnh” là cùng, vì đám học trò học trong nhà hầm với ngôi trường không có thư viện thì đào đâu ra “sự phát triển vượt trội”?
Vẫn tiếc rẻ khả năng đọc hiểu được các khoa học tự nhiên, nên tôi chỉ tạm dừng đọc về các lĩnh vực mà mình yêu thích vào năm cuối Đại học, khi phải dành gần hết thời gian cho việc làm luận văn tốt nghiệp. Một người cậu họ tôi, ông Hoàng Hữu Tiến, một trong hai tiến sĩ khoa học điều khiển học sớm nhất của miền Bắc Việt Nam trước 1975 (vị kia là Ngô Thúc Loan), người có thể sử dụng thành thạo 5 ngoại ngữ (Nga, Hoa, Anh, Pháp, Đức). Bám theo ông đi nghe ông giảng một cours về triết học cổ điển Đức mà anh Tô Duy Hợp đề nghị cho ban Lôgic Viên Triết học, tôi bàng hoàng nhận ra sức mạnh đích thực của sự thông thái.
Nhiều thứ tôi bộc lộ ra sau này thực chất là do được tích nạp từ cái thời mà bản thân chỉ là chàng trẻ tuổi vô danh còn bốn xung quanh thì mặt xanh nanh vàng vì thời buổi “quan liêu bao cấp” ấy. Cả một thời kỳ dài tôi ngốn ngấu hết món khó nhằn này sang món khó nhằn khác. Hai năm sau khi ở lại trường làm “cán bộ trẻ”, tôi sút sáu cân.
Có được ra nước ngoài sống và làm việc vài ba đợt, ngắn dài có khác nhau, cả ở Tây cả ở Đông (Nga, Trung Quốc, Pháp), nên tôi cũng ít nhiều có cơ hội đủ để sốt ruột và tự bắt buộc mình gắng gỏi. Khoảng cách giữa “ta” và “người” lớn quá!
Tôi cho rằng đối với người làm việc trong quỹ đạo khoa học xã hội và và nhân văn, việc thiếu hiểu biết đối với các học thuyết lớn (gồm cả triết học, tôn giáo, đạo đức hay học thuyết kinh tế - chính trị) sẽ không cho phép chủ thể nhận thức nhìn nhận và khám phá được những điều gì đó hay ho đáng kể. Có người ví mỗi một ngôn ngữ là một cánh cửa mở ra với thế giới, tôi cho rằng mỗi học thuyết cũng là một “ngoại ngữ” tuy lượng từ vựng không nhiều bằng nhưng lại khó tiếp thu hơn nhiều so với các từ vựng thông thường. Cho tới hiện thời, tôi vẫn duy trì được nhu cầu đọc và tiếp nhận thông tin vào bất cứ thời điểm nào có thể. Về phương diện trưởng thành trong các quá trình nhận thức, tôi nghĩ mình là người may mắn. Khai thác được những “tố chất trời cho”, ở nhiều chặng đời quan trọng thời trẻ hoặc còn tương đối trẻ, tôi lại gặp được một số người thầy phù hợp, được các vị ân sư ấy – thầy Ta cùng với thầy Tây - ưu ái, dẫn dắt tận tình và mắng mỏ tới số. Học giả Trần Đình Hượu là người định hướng ban đầu quan trọng nhất, và tôi tri ân thầy còn vì thầy đã đặt vào tôi một niềm tin đặc biệt. “Tôi nợ kẻ tin tôi, không nợ kẻ nghi ngờ”. Ngoài những đấng bậc ấy, tôi cũng học mót được nhiều ở lũ bạn bè lúc nào cũng ăm ắp và năng sản, hóng hớt được cả ở bọn trẻ hơn mình tuy gắng không để cho chúng biết. Nhưng so với những gì “lẽ ra”, tôi không thấy mình trả tới ngưỡng những món nợ trời, nợ đời và nợ người. Tôi nghĩ mình vẫn còn là một con nợ lớn.
Chưa già, nhưng cũng đã là người “có tuổi”, với khá nhiều triệu chứng phiền hà về sức khỏe, tôi e rằng mình không kịp thở phào để thốt ra một lời cuối “Xong!”.
Có một lời quan họ tuyệt hay, nói được rất nhiều nhưng không dịch được, không giảng giải tường minh được: “Dầu lòng vậy, cầm lòng vậy”. Tôi cố sống chủ động, dù lảo đảo. Trời cho tôi nhiều mà lấy đi cũng lắm. Bởi vốn là người sáng tác, trước đây tôi thường trút tâm tư vào thơ. Nhưng hơn chục năm trở lại đây, tôi tự cấm mình làm thế. Bởi tôi hiểu rằng, buông cho xúc cảm hoành hành, đến một ngưỡng nào đó sẽ không tự chủ được.
 
* Điều làm ông “tự vấn” mỗi ngày hiện nay là gì? Ông có xem đó là một giá trị sống hay không?
TS T.N.V: Tôi sống với niềm tin rằng bất cứ sự vật, hiện tượng, quá trình… nào cũng kinh qua một chu trình phát sinh, phát triển, hoàn thiện và tiêu vong. Phật giáo định đoạn là “thành, trụ, hoại, không”. Mọi sự bất lực xảy ra là do “muốn”. Sự bất lực gắn chặt với mọi chủ thể, dù chủ thể ấy là gì, là ai. Bất lực thì bất hạnh. Nhưng “muốn” tức là “sống”. Đời là cái hữu hạn ngắc ngoải giữa hai bờ vực vô hạn, là sự chết dở. Nhưng tôi những muốn hỏi ai đó đã đạt tới sự bất tử: sự bất tử có gì hay? Đời sở dĩ đẹp vì nó hữu hạn. Chắc chắn cõi vĩnh hằng nào cũng nhạt nhẽo. Điều tôi “tự vấn” mỗi ngày ? “Làm thế nào để trót tồn tại rồi thì đừng là một tồn tại thua kém?” - hướng tới bản thân, hướng tới các cộng đồng từ bé đến lớn trong chừng mực vẫn coi đó là cộng đồng của mình.
Thú thật nhé, tôi đã từng sợ hãi khi “đọc phải” một câu triết ngôn đúng một cách nguy hiểm: “Cuộc đời chỉ vô nghĩa đối với những ai nhăm nhe đi tìm ý nghĩa của nó”.
 
* Gia đình ảnh hưởng đến cuộc sống của ông như thế nào? Đó có phải là một trong những thành tố mà ông đang tiếp tục xây dựng thật vững chắc, để cho những thành viên trong gia đình ông có một cuộc sống tốt hơn ông mong muốn hay không?
TS T.N.V: Gia đình đối với tôi vẫn không thể chỉ là “gia đình hạt nhân” như lý luận xã hội học gia đình đương đại khẳng định. Máu gia tộc trong con người tôi còn khá đậm. Điều đáng buồn là không có nhiều thành viên trong phạm vi gia tộc (dùng đến chữ “ruột”) tuyên bố rằng thôi không làm ảnh hưởng đến tôi nữa. Tôi lại chỉ là một người làm công ăn lương bình thường trong ngành giáo dục, không chức quyền, không có “bổng ngoại” nên để thỏa mãn được “trí tưởng bở” của một số người (thân) là điều chẳng dễ dàng. Dĩ nhiên, hoàn cảnh như thế cũng lại phải “dầu lòng vậy, cầm lòng vậy”.  Chưa bao giờ tôi mơ mình giàu có, chỉ mong không bị ám ảnh bởi những sự thiếu hụt của những nhu cầu thông thường cho người thân của mình. Điều chắc chắn là cũng như mọi người, tôi luôn mong muốn gia đình mình hạnh phúc và đầm ấm.
 
* Sự cô đơn thường thấy của những người hay tạo ra sự khác biệt trong sáng tạo của mình như thế nào? Những lúc ấy, ai là người có thể chia sẻ với ông?
TS T.N.V:Mọi tư duy nếu đạt tới tính độc lập thì đều mang dáng dấp cô đơn. Sáng tạo trong bất cứ lĩnh vực nào, quỹ đạo nào cũng trước hết xuất phát từ một cá nhân nào đó. Có lao động tập thể, kể cả lao động khoa học hay lao động nghệ thuật, nhưng không có tư duy tập thể. Sáng tạo quy mô nhỏ thì sự cô đơn chưa bộc lộ rõ rệt, nhưng về bản chất đã là có sự cô đơn ấy. Rập khuôn, bắt chước, mô phỏng hay dựa dẫm thì cô đơn sao được? Muốn cô đơn cũng không dễ.
Sản phẩm nguyên sơ của sáng tạo thì xuất hiện trong cô độc, nhưng bản chất của sự sáng tạo lại là vượt thoát ra khỏi một trạng thái “bằng phẳng” trước đó, nên bị chính trạng thái “bằng phẳng” đó quy định. Sáng tạo là vượt thoát, là hành vi phủ định. Spinoza có luận đề nổi tiếng “Phủ định cái gì thì bị cái đó quy định, ràng buộc”. Từ một góc độ khác, Engels cũng đã đưa ra một nhận định rằng thời Phục Hưng là “một thời đại khổng lồ đẻ ra những người khổng lồ”, và người đến sau chỉ có thể trở thành khổng lồ khi “đứng trên vai của người khổng lồ trước đó”. Theo nguyên tắc đó, thì sự chia sẻ trong sáng tạo diễn ra trước nhất và hữu hiệu nhất là đối với những ai “đứng” gần mình nhất trong quỹ đạo công việc đang tiến hành. Đó cũng là cơ sở để từ xưa tới nay người ta đi tìm “tri âm tri kỷ”, nảy sinh những mối quan hệ “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Thế nên, xin nhắc lại, người đứng gần mình nhất trong quỹ đạo của công việc sẽ là người sớm nhất mà mình chia sẻ kết quả, sản phẩm hay phát hiện.
Tôi từng ngỡ có thể trở thành cosmopolis (công dân thế giới). Rồi khi đến độ trung niên, qua vài lần khi ở nước ngoài tự cảm nhận, tôi mới rõ rằng mình ‘thuần Việt” quá để có thể đổi thay căn cước. Yêu tổ quốc mình da diết, hậm hực và cấm cảu, lắm khi chua chát nữa, tôi vẫn cố gắng để không trở thành người kỳ thị chủng tộc hay tự phụ quốc gia một cách trơ trẽn. Sẵn sàng thừa nhận những ưu thế và phẩm chất tốt đẹp có thật ở xứ người, của người, nhưng không thể cam tâm từ bỏ một ước vọng: đến một ngày nào đó không quá xa xăm, con người và xứ sở này thực sự là một cực hấp dẫn của những người ham sống, cộng đồng này, quốc gia này không ai có thể bắt nạt được.
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511096

Hôm nay

295

Hôm qua

2359

Tuần này

21470

Tháng này

217969

Tháng qua

121356

Tất cả

114511096