Các sản phẩm của tập đoàn Masan như nước mắm Nam Ngư,
nước tương Chin Su, tương ớt...được bày bán tại chợ ở Hà Nội.
Ảnh chụp ngày 13/4/11.
Reuters
Mới đây, một quỹ đầu tư Mỹ đã bỏ ra cả trăm triệu đô la để mua lại 10% vốn của một tập đoàn sản xuất thực phẩm Việt Nam. Đây là một quyết định có thể bị cho là liều lĩnh, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang gặp các khó khăn kinh tế dai dẳng. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích được AFP hôm nay 24/4 trích dẫn, sự kiện đó cho thấy là giới đầu tư nước ngoài vẫn còn tin tưởng vào tương lai phát triển của thị trường Việt Nam.
Ngày 13/04/2011 vừa qua, Quỹ đầu tư Mỹ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) loan báo quyết định mua lại 10% cổ phần của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, một nhà sản xuất nước mắm hàng đầu tại Việt Nam. Với trị giá 159 triệu đô la, đây là một thương vụ mua lại công ty tư nhân lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.
Giải thích về quyết định này, một phát ngôn viên của quỹ đầu tư Mỹ cho rằng KKR rất tin tưởng vào sức vươn lên của thị trường Việt Nam vì lẽ « Trong thập kỷ vừa qua, tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng kể về kinh tế, về cải cách cơ cấu và về việc nâng cao rõ rệt mức sống của người dân ».
Nhận xét của nhà đầu tư Mỹ nói trên cũng là ghi nhận của nhiều quan sát viên khác về một nước đã có mức tăng trưởng bình quân 7,1% từ năm 1990 đến năm 2009, với gần 90 triệu dân, trong đó khoảng một nửa là thanh niên dưới 30 tuổi. Theo ông Adam Sitkoff, thuộc Phòng Thương mại Mỹ ở Hà Nội, bấy nhiêu dân đồng nghĩa với bấy nhiêu người tiêu thụ "dữ dội".
Trả lời AFP, quan sát viên này so sánh : « Ngày nay, khi đi bộ trên đường phố, tôi vẫn còn bị sốc khi thấy một đứa trẻ 10 tuổi, đầu đội mũ Gucci, tai nghe nhạc từ một chiếc iPod ». Đối với ông Sitkoff, tình trạng hàng thập niên trước đó phải chịu đựng các sản phẩm ít ỏi, kém chất lượng, giá lại cao, đã khiến cho nhu cầu tiêu thụ của người Việt Nam hiện nay tăng vọt.
Các cửa hiệu bán hàng xa xỉ, máy điện thoại di động BlackBerry hay xe hơi BMW hạng sang, ngày nay đã gần như là phổ biến, tương tự như là các tấm biểu ngữ màu đỏ, quân phục màu xanh của bộ đội hay các tiếng loa phóng thanh trên đường phố Hà Nội, các dấu hiệu cho thấy là Đảng Cộng sản vẫn cầm quyền.
Có điều là sau hai thập niên chạy theo tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam như đang phải gánh chịu hậu quả của việc không kịp cải thiện các định chế và đào tạo nguồn nhân lực để quản lý kinh tế đất nước trên phương diện vĩ mô.
Trong thời gian gần đây, cỗ máy kinh tế của Việt Nam liên tục bị hỏng hóc trên nhiều bình diện : lạm phát đạt mức gần 14% vào tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái, thâm hụt thương mại ước tính lên đến 12,4 tỷ đô la trong năm 2010 và đồng tiền Việt Nam bị suy yếu trầm kha, kể từ cuối năm 2009 đến nay đã bị phá giá bốn lần.
Bên cạnh đó, tệ nạn tham nhũng và quan liêu lãng phí cũng đã làm sứt mẻ uy tín tài chánh của Việt Nam, đặc biệt là mối nghi ngờ càng lúc càng gia tăng về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam sau vụ tập đoàn đóng tàu Vinashin bị đứng bên bờ vực phá sản.
Mới thứ Tư 20/04 vừa qua, Công ty thẩm định Tài chánh Moody’s đã tiếp tục duy trì đánh giá tiêu cực của họ đối với Việt Nam. Ông Christian De Guzman, một chuyên gia phân tích của Moody's cho rằng việc đầu tư vào cổ phiếu hoặc trái phiếu của Việt Nam vẫn hàm chứa rất nhiều "rủi ro".
Tuy vậy, Moody’s vẫn công nhận rằng trong dài hạn, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn « tốt và đều dặn ». Theo ông Dariusz Kowalczyk, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Pháp Credit Agricole CIB : « Giới đầu tư dài hạn vào Việt Nam tin rằng các khó khăn kinh tế vĩ mô chỉ tạm thời, trong lúc tiềm năng của Việt Nam rất vững chắc ».
Một trong những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài là chi phí nhân công vẫn còn thấp tại Việt Nam, khuyến khích giới sản xuất quốc tế di dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam, hay là chọn Việt Nam là nơi đến thứ hai trong chiến lược gọi là « Trung Quốc + 1 » của họ.
Trong tình hình lạc quan chen lẫn dè dặt kể trên, một số nhà phân tích đã cho rằng việc một quỹ đầu tư lớn như KKR (hiện quản lý 61 tỷ đô la tài sản trên thế giới), lại tin tưởng vào triển vọng củaViệt Nam, sẽ có tác động lôi cuốn đối với các nhà đầu tư khác.