Cuộc sống quanh ta
Hãy cứu lấy hồ Ba Bể!
Hồ Ba Bể, viên ngọc quý của thiên nhiên Việt Nam và thế giới đang "chết dần" bởi nạn khai thác quặng mỏ sắt. Sau khi cộng đồng dân cư khu vực xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn gửi hàng loạt đơn kêu cứu, Hội những người yêu Ba Bể đã tiến hành cuộc khảo sát thực địa tại khu vực này, và những điều "mắt thấy tai nghe" thật xót xa, đau đớn.
Viên ngọc xanh sắp biến mất
Mỏ sát ở Pù Ổ làm tan hoang vùng rừng ở khu vực Ba Bể
Hồ Ba Bể là một quần thể hồ được biết đến là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất của Việt Nam, năm 1995 Hội nghị hồ nước ngọt trên thế giới tổ chức tại Mỹ đã công nhận hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Năm 2004, vườn quốc gia Ba Bể lại được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Từ 15-11-1997, Nhà nước Việt Nam đã làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hồ Ba Bể là di sản thiên nhiên thế giới. Tháng 6 năm nay, Việt Nam sẽ lại làm lễ đón nhận danh hiệu Ramsa- khu đất ngập nước có tầm quan trọng toàn cầu cho Ba Bể. Nhưng chỉ trong mấy chục năm qua, hồ Ba Bể đã bị bồi lấp gần 4km2. Vì đâu mà hồ Ba Bể lại nên nỗi này?
Sau khi nhận được hàng chục lá đơn đề nghị với hàng trăm chữ ký đại diện cho các gia đình của người dân các bản Nà Áng, Bản Duồn, Thôm Phả, Chợ Điểng (thuộc xã Quảng Bạch và xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn) gửi tới Hội đồng hương Bắc Kạn tại Hà Nội với đề nghị kêu gọi chấm dứt khai thác các mỏ quặng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân các dân tộc và nguy cơ bồi lấp hồ Ba Bể, Hội đồng hương Bắc Kạn và Hội những người yêu Ba Bể đã tổ chức một đoàn khảo sát thực tế tại các mỏ khai thác quặng ở Pù Ổ, Bản Cuôn - Khau Slăm thuộc xã Đồng Lạc và xã Quảng Bạch huyện Chợ Đồn; mỏ đá trắng thạch anh thuộc xã Quảng Khê, huyện Ba Bể.
Những dòng nước đục ngầu,
kéo theo bùn đất đổ vào hồ Ba Bể
Khi đến khảo sát các điểm đang bị bồi lấp trên hồ Ba Bể với tốc độ chóng mặt là Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tổc, các thành viên trong đoàn đều cảm thấy sửng sốt và xót xa, vì ở khía cạnh du lịch, Vườn Quốc gia Ba Bể chưa kịp phát triển, thì đã bị tàn phá. Nhà thơ Dương Thuấn, Chủ tịch Hội đồng hương Bắc Kạn, cho biết, hồ Ba Bể đang bị thu nhỏ lại. Trước đây hồ Ba Bể rộng 11km2 với độ sâu trung bình là 45m nhưng giờ chỉ còn khoảng 9km2 và sâu khoảng 25m.
Theo quan sát của nhà bào Đỗ Doãn Hoàng, người đã thực hiện loạt phóng sự về tiếng kêu cứu từ hồ Ba Bể, cả ba con suối cung cấp nước cho hồ Ba Bể đều đang bị vùi lấp. Có những con suối như suối Tả Hang đã bị vùi lấp đến mức chỉ còn là một cái ngòi. Và có những hồ đã thực sự biến mất như hồ Pé Tàu (thuộc xã Cao Thượng), hồ Pé Vài và hồ Pé Nản (thuộc xã Khang Ninh). Tuy nhiên, điều khiến đoàn khảo sát bức xúc chính là sự "hiện diện" ngang nhiên của một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở đây. Bởi sau những cuộc đào xới, bùn đất được mưa lũ theo các con suối tống ào ào vào hồ Ba Bề như muốn "xóa sổ" hồ này, gây ra ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh vùng hồ.
GSTS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định, việc khai thác này trước tiên sẽ làm môi trường của hồ Ba Bể biến đổi. Thứ hai là môi trường sinh thái sẽ bị tàn phá. Hành động này còn là một sự xâm hại về mặt văn hóa. Bởi nơi đây tập trung rất đông đồng bào dân tộc. Họ đang rơi vào một "bi kịch" vì ngay bản thân họ rất bực mình với việc khai thác này nhưng con em họ vì miếng cơm manh áo vẫn phải đi làm thuê cho các cơ sở khai thác đó.
Sự "vô cảm " của Bắc Kạn?
Bãi bồi này đã "xóa sổ" 4 km lòng hồ Ba Bể
ở khu vực bản Pác Ngòi
Có lẽ "đáng sợ" hơn cả vẫn là sự "vô cảm" của chính quyền nơi đây khi họ cấp phép cho những doanh nghiệp này. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết, anh đã viết hàng loạt bài về sự ô nhiễm và tình trạng bồi lắng của hồ Ba Bể, nhưng anh không nhận được bất cứ một sự phản hồi nào từ phía chính quyền. "Tại sao người ta lại cấp phép cho một công trường khổng lồ, khai thác lở lói ở ngay đầu nguồn ven con suối lớn chảy vào Ba Bể? Được biết, sắp tới còn 2 công ty nữa cũng được cấp phép. Thậm chí ngay trong vùng lõi của Vườn quốc gia Ba Bể cũng có những công trình khai thác khác, nói là làm thủy lợi nhưng thực chất là họ đang khai thác khoáng sản" nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khẳng định. "Thử hỏi vì sao những người dân nơi đây khi viết lá đơn kêu cứu, họ lại không gửi chính quyền sở tại mà gửi cho chúng tôi, những người nặng lòng với Ba Bể. Nhìn cách "hành xử" của chính quyền Bắc Kạn với thiên nhiên, môi trường như vậy, câu trả lời hẳn là đã rõ" ông Dương Thuấn nói.
Về vấn đề giấy phép, ông Đặng Hùng Võ cũng cho biết, " tôi chưa tận mắt nhìn thấy giấy phép cấp cho các dự án khai thác ở đây nên tôi chưa nói được. Nhưng tôi chắc chắn một điều việc kiểm tra đánh giá, báo cáo tác động môi trường đang bị buông lỏng".
Box:
GSTS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường:
Người ta cho rằng, muốn giàu có thì phải đánh đổi. Nghĩa là đổi lấy một thứ quý giá để lấy về một thứ quý giá hơn. Nhưng nếu chúng ta lên Ba Bể thì thấy rằng sự đánh đổi này thật "vớ vẩn". Tôi muốn nói rằng, với những sự việc này rõ ràng Bắc Kạn đang "ăn quỵt" môi trường. Nhưng phải hiểu một điều rằng, không ai ăn quỵt được môi trường. Bây giờ chúng ta "vay" của thiên nhiên 1 đồng thì ngày mai chúng ta phải trả lại cho thiên nhiên 1000 đồng. Và cái trả lại trong tương lai sẽ nhọc nhằn hơn rất nhiều. Các nhà lãnh đạo Bắc Kạn cần phải tỉnh táo hơn.
GSTS Chu Hảo: Nếu cứ đà này, chỉ mấy chục năm nữa, hồ Ba Bể sẽ không còn nữa. Và nếu ngay bây giờ chúng ta không ngăn chặn việc này, thì không những hồ Ba Bể mà nhiều vùng hồ khác cũng sẽ bị "xóa sổ".
GSTS Phạm Vĩnh Cư, Chủ tịch hội những người yêu Ba Bể:
Hồ Ba Bể là một hồ duy nhất của Việt Nam có hẳn một Hội những người yêu Ba Bể. Hội được thành lập vào năm 1997 với mong muốn góp tiếng nói và tâm huyết của mình để bảo vệ và gìn giữ viên ngọc xanh quý giá này. Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy ủng hộ để gìn giữ một trong những di sản lớn của thiên nhiên Việt Nam. Hiện chúng tôi đang hoàn tất báo cáo, hồ sơ về sự việc này để gửi lên Thủ tướng Chính phủ.
tin tức liên quan
Videos
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Một nước Nhật quá xa xôi!
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Lenk
Thống kê truy cập
114513174
Hôm nay
2275
Hôm qua
2436
Tuần này
21111
Tháng này
220047
Tháng qua
121356
Tất cả
114513174