Mùa Đông Hà Nội
Lời tác giả: Viết Ký ức Hà Nội, tôi xem như là một sự đối thoại với Hà Nội, ba mươi sáu phố phường của chị Ban Mai. Cái nhìn của tác giả Ban Mai là của một người phương Nam về Hà Nội với nhiều suy nghĩ và ưu tư.
Còn tôi, là cái nhìn của một người trẻ đã từng sống và học tập ở đây. Với tôi, Hà Nội là nơi gặp gỡ của bạn bè từ mọi miền của đất nước, là nơi cho tôi cảm nhận lòng tốt và sự ấm áp của tình người. Hà Nội cũng cho tôi thấm thía sự nhọc nhằn mưu sinh và giúp tôi thêm trưởng thành...Vì vậy, Hà Nội trong cảm nhận của tôi là một Hà Nội thật gần gũi và đời thường.
Nguyễn Hạnh Nguyên
Lần thứ ba, tôi đến Hà Nội vào buổi trưa một ngày tháng mười đầy nắng. Đã gần cuối thu, lẽ ra thời tiết phải mát mẻ, dễ chịu thì lại vẫn oi bức như đầu tháng sáu. Dường như mùa hè quá lưu luyến và không muốn rời đi. Xe khách dừng ở bến đỗ, tôi ì ạch với một túi xách và cái vali kéo ở lối ra. Những người chở xe ôm vây lấy tôi mời chào, tôi lắc đầu bảo có người nhà đón rồi. Thật ra chẳng có ai đón tôi cả, tôi chỉ muốn thoát khỏi họ để ra ngoài, tìm một chiếc taxi đi cho thoải mái. Quãng đường từ bến xe về trường tôi học chỉ hơn 1km nhưng cũng đủ để tôi hồi tưởng lại hai lần trước tôi từng đến đây.
*
Lần đầu tiên, tôi là con bé tỉnh lẻ ngơ ngác lên thủ đô thực hiện ước mơ vào đại học. Bến xe Kim Mã ồn ào, lộn xộn, đông đúc. Trên đường từ bến xe về địa điểm thi nằm trong một xã của huyện ngoại thành, cách 3km so với đường quốc lộ, tôi chỉ thấy người và xe cộ tấp nập. Hết kì thi, tôi vội vã về quê mà chưa kịp tìm hiểu gì về Hà Nội. Trong lòng tôi tự nhủ : thi đỗ đại học, tôi sẽ tha hồ khám phá Hà Nội. Nhưng năm đó, tôi thi trượt nên Hà Nội vẫn chỉ là ao ước trong tôi.
Năm năm sau, một lần nữa, tôi trở lại Hà Nội để thực hiện mơ ước về con đường học vấn. Bước chân của tôi không còn là của con bé mười tám tuổi rụt rè. Tôi đã tốt nghiệp đại học và chuẩn bị dự thi vào cao học. Đứa bạn cùng quê đang học trong trường đón tôi, đưa tôi đến phòng ở kí túc xá đã đăng kí trước. Suốt hai tháng, tôi quanh quẩn trong kí túc xá; lên giảng đường học và về phòng. Áp lực thi cử chiếm hết quỹ thời gian, tôi không dám lơ là, suốt ngày vùi đầu vào sách vở. Lần thứ hai đến Hà Nội, tôi vẫn chưa biết gì nhiều về Hà Nội.
Và lần thứ ba, tôi đến Hà Nội với tất cả sự háo hức và lo lắng. Tôi đã thi đỗ cao học và chuẩn bị nhập trường. So với lần thứ nhất, Hà Nội vẫn đón tôi với người và xe cộ tấp nập. Vẫn là bến xe đông đúc, vẫn những người chạy xe ôm chèo kéo dai dẳng đến khó chịu. Và thêm nhiều điều khác nữa đang chờ tôi ở phía trước … Lần này, tôi sẽ ở lại Hà Nội lâu hơn. Hai năm học ở đây, chắc chắn sẽ đủ cho tôi khám phá về Hà Nội.
*
Thời gian thấm thoát trôi đi, tôi lại đã xa Hà Nội. Hôm nay, ngồi trước computer, tôi chợt muốn viết lại, ghi lại những cảm nhận của mình về Hà Nội. Viết về Hà Nội, với tất cả kỉ niệm buồn vui của những ngày chưa xa.
Khi chưa đến Hà Nội, tôi vẽ lên Hà Nội trong trí tưởng tượng của mình với tất cả vẻ đẹp và sự nên thơ. Tôi khám phá Hà Nội qua những trang văn của Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân… Tôi tìm hiểu về Hà Nội qua những ca khúc trữ tình; qua từng bức tranh hay qua mỗi thước phim tư liệu tôi xem. Hà Nội trong tôi là một vùng đất văn hóa, cổ kính đồng thời cũng là một thành phố năng động, hiện đại. Như một lẽ tự nhiên, chưa đến Hà Nội nhưng tôi đã có sẵn thiện cảm và tình yêu đối với Hà Nội. Rồi đây khi từng ngày hít thở không khí của Hà Nội, đi trên những đường phố của Hà Nội; tôi cảm nhận về Hà Nội ở một góc nhìn hiện thực và gần gũi hơn.
Nếu như ấn tượng đầu tiên của tôi về Hà Nội là người đông đúc và xe cộ tấp nập thì ấn tượng tiếp theo cũng vẫn là người và xe. Tôi nhớ hồi mới nhập học, mỗi khi ra đường nhìn thấy xe cộ nườm nượp chạy qua, tôi hoa mắt. Bạn tôi đùa rằng: “tớ có cảm giác người Hà Nội sống ở ngoài đường hay sao ấy. Đi đường toàn thấy người là người không”. Tôi chưa có điều kiện đến một số thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng hay Cần Thơ nên tôi không dám so sánh. Song tôi băn khoăn tự hỏi : ở những thành phố ấy, có hay tắc đường kẹt xe như Hà Nội không? Với thành phố nơi tôi sống, chuyện tắc đường kẹt xe chỉ là hãn hữu. Ở Hà Nội, cứ mỗi lần đèn đỏ ở ngã ba ngã tư, tôi nhìn dòng xe ở chiều ngược lại vọt qua, ùn ùn một hàng dài. Rồi mỗi lần muốn đi bộ sang đường, tôi mất không ít thời gian vì xe chạy qua liên tục, tôi ngập ngừng không dám bước.
Hà Nội trong tôi không chỉ là người và xe mà còn là sự ngột ngạt của khói bụi. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi tập thói quen cứ ra đường là phải mang khẩu trang, bất kể đi đâu. Không có khẩu trang, mùi khói xe làm tôi nhức đầu choáng váng, rồi bụi thì khỏi nói. Nếu không có kính mắt thì chắc cứ phải lo dụi mắt. Tật cận thị của tôi thế mà lại hay. Có sẵn cặp kính chống bụi, nếu không chắc tôi phải mang kính dâm bất kể là đông hay hè. Có lẽ vì vậy mà tôi thường thích đi xe bus, vì tránh được khói bụi. Nhưng xe bus thì cũng có nỗi khổ của xe bus. Trọ học hai năm thì cũng chừng ấy thời gian tôi gắn bó với xe bus Hà Nội. Tôi tích lũy đủ kinh nghiệm để đi xe bus cho an toàn, nhưng dĩ nhiên cũng không tránh được vài “tai nạn” nho nhỏ như bị va đập bầm tím tay chân. Tôi cũng thấm thía cảnh chen lấn để lên được xe, những khi tắc đường xe nhích từng chút một, những khi lái xe đi ẩu thắng gấp, tôi khốn khổ lo đu bám sao cho khỏi ngã. Có thể nói tôi vừa sợ vừa thích xe bus Hà Nội.
Tất nhiên Hà Nội không chỉ chật chội, đông đúc người, xe và bụi khói…
Hà Nội đẹp và nên thơ như trong hình dung của tôi. Tôi đã khám phá nét đẹp của Hà Nội bốn mùa, theo cách rất riêng tôi. Mùa thu, tôi thích đi dạo ở Bờ Hồ ngắm những dáng liễu mềm mại bên mặt nước xanh, cầu Thê Húc màu đỏ son nổi bật và tháp Rùa rêu phong. Trời xanh mây trắng, lá vàng buông rơi … Mùa hạ, tôi thích ngắm hoàng hôn huyền ảo ở Hồ Tây. Mặt trời như hòn than đỏ dần dần chìm vào mặt nước hồ. Phía chân trời xa xa, vài ba tia nắng còn sót lại, hắt tỏa lên những đám mây. Gió mát lành mang theo hơi ẩm thật dễ chịu. Mùa xuân, trước khi về quê nghỉ tết, tôi luôn tìm cách lượn lờ vài vòng ngắm những vườn đào vườn quất bên khu Nhật Tân. Tôi cũng mê mẩn cả buổi sáng ở chợ hoa Quảng An, ngắm cho thỏa thích những loại hoa với đủ sắc màu. Mùa đông, trời lạnh nên tôi lười đi. Nhưng thỉnh thoảng nổi hứng, tôi đi xe bus vào trung tâm, dạo quanh phố cổ, kiếm món gì nong nóng ăn để lấy sức đi bộ. Rồi tôi đi suốt hai phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí qua hết chừng ấy tiệm sách để ôm về vài cuốn đọc dần.
Hà Nội không chỉ đẹp trong bốn mùa, Hà Nội còn đẹp trong từng khoảnh khắc tôi chợt bắt gặp… Sông Hồng một sớm mai. Mưa vừa tạnh, mặt trời ló ra sau đám mây. Những tia nắng đầu ngày chiếu xuống, cả mặt nước long lanh như dát vàng. Từ cầu Thăng Long, tôi chiêm ngưỡng cảnh thần tiên, vừa ngỡ ngàng vừa vui thích. Lần đầu tiên ngắm nhìn con đường gốm sứ ven sông Hồng, tôi cũng có cảm giác tương tự như vậy. Những bức tranh đa chủ đề, được ghép bằng vô số những mảnh sứ nhỏ đầy màu sắc, thật công phu khiến tôi không khỏi khâm phục sự sáng tạo và bàn tay tài hoa của các họa sĩ. Cùng với cầu Long Biên, nhà hát Lớn, Văn Miếu Quốc Tử Giám, con đường gốm sứ ven sông Hồng đã trở thành một trong những biểu tượng của riêng Hà Nội.
Cũng vì có tâm hồn ăn uống nên tôi không thể bỏ qua việc khám phá ẩm thực của Hà Nội. Túi tiền eo hẹp, tôi chẳng bao giờ dám mơ bước chân vào những nhà hàng sang trọng và đắt tiền song tôi cũng có dịp thưởng thức không ít những món ngon ở đây. Nào bún chả, bún ốc, bún đậu; nào phở, bánh cuốn, chè, kem, ô mai, hoa quả dầm. Trong đó, có những món không của riêng Hà Nội mà có thể bắt gặp ở nhiều nơi khác nhưng không hiểu sao chỉ có thưởng thức ở Hà Nội tôi mới thấy ngon và cảm nhận hết hương vị của nó. Tôi mê nhất là bún chả và hoa quả dầm. Bún chả thì ở phố Hàng Mành, hoa quả dầm thì ở phố Tô Tịch. Mỗi lần đi chơi Bờ Hồ tôi thường rủ rê bạn bè ghé đây ăn. Tôi cũng mê ô mai Hàng Đường, mua một vài loại rồi thỉnh thoảng bỏ ra nhâm nhi cũng thú lắm.
*
Hai năm học ở thủ đô, tôi không rõ mình tiếp xúc được với bao nhiêu người Hà Nội gốc : “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Song tôi tin rằng những chủ nhà trọ thực dụng và tính toán, những bà bán hàng ở phố hàng Đào lạnh lùng trả lời “không biết” khi tôi hỏi đường đều không phải là những người Hà Nội tiêu biểu. Ngược lại, một chút gì đó của người Hà Nội, tôi nghĩ mình đã gặp được ở những gia đình tôi đến dạy kèm cho con cái họ. Họ thường tiếp đón tôi lịch sự, ân cần chu đáo, hỏi thăm về công việc của tôi, về phương tiện tôi đi lại. Tôi biết mình chỉ là một gia sư, nhưng mỗi khi được nghe họ gọi một tiếng “cô giáo”, tôi thấy lòng mình xúc động. Công việc dạy kèm, không chỉ giúp tôi trang trải cuộc sống mà còn cho tôi rất nhiều niềm vui, cho tôi biết một phần về người Hà Nội. Nhất là những người phụ nữ Hà Nội giữ vai trò “nội tướng” trong gia đình đã dành được rất nhiều cảm mến nơi tôi. Từ cách họ tổ chức gia đình đến việc dạy dỗ bảo ban con cái trong sự ứng xử đều khiến tôi thấy khâm phục. Dù cho, tôi không có điều kiện để tìm hiểu sâu hơn nữa về người Hà Nội, để có thể viết về họ với những mỹ từ ngợi ca. Nhưng những gì mà tôi đã chứng kiến ở họ và viết ra đây, đủ để tôi giữ ấn tượng đẹp về người Hà Nội.
Chưa hết, Hà Nội trong tôi còn là sự ấm áp của lòng tốt và tình người. Hai năm học, tôi đã có thêm bao nhiêu bạn bè mới. Họ thường đến từ nhiều tỉnh/thành phố trên khắp đất nước. Và may mắn thay, chúng tôi có duyên được gặp nhau ở đây.
Tôi nhớ chị Thủy, người chị cùng ở trọ với tôi suốt năm đầu tiên tôi ở Hà Nội. Một vài người quen biết hai chị em tôi không khỏi thắc mắc tại sao chúng tôi hợp nhau đến thế. Chị là người Nam, tôi người Bắc. Chị học toán, tôi học văn. Hồi mới ở chung với chị, tôi thấy tức cười vì chị luôn gọi tôi là “cưng”. Tôi bảo chị rằng : ngoài Bắc người ta thường dùng từ “cưng” để gọi người yêu chị ạ. Rồi hai chị em tôi cùng cười. Chị quan tâm, chăm sóc tôi như một đứa em của chị. Thỉnh thoảng chị trổ tài nấu món Nam cho tôi ăn. Phải nói rằng chị nấu không khéo đâu, nhưng tình cảm của chị đặt vào từng món ăn ấy, khiến tôi thấy chúng ngon vô cùng.
Tôi nhớ Đoàn hơn tôi hai tuổi, nhưng hai đứa chỉ xưng hô “mày – tao”. Nó chê tôi khờ, dễ bị lừa. Tôi nhớ Tuyết Anh xinh xắn, dễ thương. Tôi nhớ The sắc sảo, luôn nhiệt tình chu đáo.
Tôi nhớ những người bạn học cùng lớp cao học đáng yêu. Họ đã bên tôi những khi tôi vui, những khi tôi gặp khó khăn hay buồn bã, ốm đau. Những lời động viên khích lệ, những sự giúp đỡ ân tình của họ khiến tôi không thể nào quên. Hà Nội đã cho tôi sự ấm áp của tình người khi tôi được sống trong sự yêu thương của bạn bè. Và sự ấm áp ấy, tôi còn được nhận từ những người tôi chỉ gặp một lần hoặc tôi không biết tên.
Tôi không quên lần duy nhất tôi bước lên xe bus đông đúc với một túi đồ nặng và được một boy bảnh trai nhường ghế. Tôi đoán cậu là sinh viên, ít tuổi hơn tôi, nhưng vì nhìn mặt tôi trẻ nên cậu gọi tôi là bạn. Cậu mỉm cười với tôi: “bạn cứ ngồi đi, đừng ngại”. Tôi nói cám ơn mà phút ấy nghe trái tim mình hơi … xao xuyến.
Tôi cũng không quên chị bán rau ở chợ tạm gần nhà trọ mà tôi không rõ tên. Lần nào chị cũng bán cho tôi thật rẻ, có khi cho không tôi luôn. Khi tôi ngại ngùng từ chối, chị bảo rằng chị bán đủ lãi hôm nay rồi, mớ rau này cho em đem về ăn, chẳng đáng là bao, của nhà chị trồng được mà. Tôi nói “cám ơn” mà lòng xúc động thật nhiều.
*
Bên cạnh những niềm vui ấm áp, Hà Nội trong tôi còn là những phút cô đơn, mặc cảm, chạnh lòng. Tôi sẽ không bao giờ quên được những buổi tối mùa đông sau giờ dạy tôi đứng chờ xe bus. Trời lạnh, tôi đứng co ro bên những người xa lạ, cảm giác mình thật lẻ loi. Không một người quen bên cạnh tôi. Tôi rất muốn khóc nhưng kìm lại được. Đứng giữa cái lạnh của buổi tối mùa đông và nghĩ đến sớm mai, mẹ tôi thức dậy đi làm trong giá rét, lòng tôi chợt xót xa.
Tôi cũng không sao quên được những đêm mưa, tôi thường mất ngủ. Bao nhiêu lo lắng đầy ắp trong tâm trí tôi. Việc học hành, công việc hiện tại, dự tính xin việc mai kia. Rồi có những lúc tôi ước gì tôi có người yêu. Để những ngày cuối tuần hay nghỉ lễ, tôi không phải ngồi làm bạn với chiếc computer. Để cuộc sống của tôi thêm những tiếng cười, thêm những nhớ nhung, thêm những hờn giận. Để tôi có thể thả hồn trong giấc mơ lãng mạn về “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Vậy mà, tôi vẫn ca bài ca độc thân hoài rồi lại tự an ủi mình : tại vì duyên số chưa đến.
*
Hà Nội trong tôi còn là nỗi thao thức về những phận người nhỏ bé tội nghiệp. Một buổi tối khuya, tôi đang ngồi đọc sách chợt nghe tiếng rao : “ai khoai nướng đây”. Tiếng rao chậm buồn, có vẻ mỏi mệt của một người già. Tôi bỏ sách, chạy ra hành lang ngó xuống đường. Ánh đèn đường hiu hắt soi bóng một người đàn ông gầy nhỏ đang đẩy xe hàng khiến lòng tôi thương cảm. Dù rất muốn chạy xuống, mua giúp ông vài củ khoai nhưng tôi không thể vì giờ đó nhà chủ đã khóa cửa. Sau đó, cứ mỗi lần nghe tiếng rao, tôi lại chạy ra hành lang ngó xuống đường đến khi nào ông bán khoai đi qua. Tôi tự hỏi sao ông không bán vào ban ngày để ít nhất tôi có thể gặp ông một lần. Lần nào, tôi cũng không khỏi băn khoăn : hôm nay, ông bán có được nhiều không?, khi nghe tiếng rao của ông chìm lỉm vào màn đêm tĩnh lặng.
Không ít lần trên đường, tôi bắt gặp những người già cả, những đứa trẻ nhỏ đi ăn xin. Tôi không có nhiều tiền để cho họ, chỉ một ít tiền lẻ, mong rằng sau một ngày, họ sẽ có một bữa cơm để ấm lòng. Cũng không ít lần tôi bắt gặp những người thu mua đồng nát, với những chiếc xe đạp cọc cạch và tiếng rao lạc đi giữa những âm thanh ồn ào khác. Những cô, những chị bán hoa quả đã rong ruổi khắp những phố phường đông đúc. Họ đều từ những vùng quê trôi dạt lên đây kiếm sống, gánh nặng mưu sinh đè nặng lên vai. Ở chốn phồn hoa đô hội này, hóa ra cũng không thiếu những mảnh đời nhọc nhằn đáng thương.
Hà Nội trong tôi còn là kỉ niệm không quên về những ngày tôi học tập dưới mái trường ĐHSP. Tôi đã được gặp bao nhiêu thầy cô giáo mà trước đây tôi chỉ mới thấy tên họ trên những cuốn sách. Không ít giờ lên lớp khiến tôi say mê, hứng thú. Thỉnh thoảng, tôi còn đi học ké những chuyên ngành khác rồi bị mang tiếng là “chăm chỉ”. Ngày bảo vệ luận văn tốt nghiệp, tôi không khỏi nuối tiếc. Hai năm học, phút chốc qua đi như một giấc mơ. Tôi ghi nhớ những lời căn dặn chân tình của các thầy cô tôi yêu quý vào phút chia tay. Không chỉ đem đến cho tôi kiến thức, các thầy cô còn là những tấm gương về đạo đức, lòng yêu nghề để tôi soi mình vào đó, để hoàn thiện mình hơn trên con đường nghề nghiệp mà tôi đã chọn.
*
Với tôi, hai năm sống và học tập ở Hà Nội là khoảng thời gian ý nghĩa và thú vị hơn rất nhiều so với bốn năm tôi học đại học ở một thành phố khác. Hai năm, tôi thêm trưởng thành, vững vàng. Hai năm và mãi mãi, Hà Nội đã trở thành một phần đời sống của tôi. Hà Nội lung linh xa vời trong trí tưởng tượng của tôi khi tôi chưa đến với Hà Nội. Hà Nội hôm nay trong tôi không chỉ là Hà Nội của thi ca nhạc họa mà là một Hà Nội đời thường, gần gũi, thân quen.
Ngày tôi rời xa Hà Nội cũng là một ngày tháng mười nhiều nắng như cách đây hai năm tôi đến đây. Tôi nghe lòng mình bâng khuâng, như có nỗi buồn len nhẹ trong tim. Đường xá, cảnh vật dần lùi xa sau lưng tôi. Nhìn ra cửa kính ô tô, tôi ngắm một lần nữa dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa. Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ giản dị mà tôi từng đọc trước đây : “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn” (thơ Chế Lan Viên)
Và tôi hiểu rằng tôi đã để lại một phần tâm hồn mình với Hà Nội mến thương.
Hạ Long, tháng 3 - 2011