Khách mời văn hóa

Giáo sư Đỗ Huy: Hồ Chí Minh là một trí thức lớn hoạt động thực tiễn (kỳ 1)

VHNA: Nhân sơ kết 4 năm hưởng ứng Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kỷ niệm 121 năm ngày sinh, 100 năm tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, VHNA đã có lời mời giáo sư Đỗ Huy (ViệnTriết học), người đã có nhiều năm nghiên cứu về Hồ Chí Minh làm khách tháng 4. Câu chuyện trao đổi tập trung về sự nghiệp và nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh và ý nghĩa của nó với sự vận động của văn hoá nước nhà. Chúng tôi giới thiệu một số nội dung của cuộc trao đổi này.

 

Nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh bắt nguồn từ cái đúng, cái tốt

Thưa GS, là người có nhiều năm nghiên cứu về văn hoá và Hồ Chí Minh, vậy theo GS ở Hồ Chí Minh những phẩm chất văn hoá nào là nổi trội và tiêu biểu nhất?

Nếu văn hoá là trình độ Người của các quan hệ xã hội, thì nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh tiêu biểu cho một trình độ trí tuệ vô cùng mẫn cán và thông thái, một tầm nhìn rất xa, rất rộng, khoan dung và giàu năng lượng thực tiễn; một ý chí vô song biểu hiện thành những giá trị đạo đức vĩnh cửu và một tấm lòng yêu nước cháy bỏng, tinh thần tự hào dân tộc hoàn quyện với những giá trị văn minh tiến bộ của nhân loại. Theo tôi, phẩm chất văn hoá nổi trội và tiêu biểu nhất ở Hồ Chí Minh biểu hiện trong nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh. Đó là một nhân cách của vĩ nhân thấu hiểu thực tế hơn mọi người, nhìn xa hơn mọi người, nhận thức đúng hơn mọi người và có ý chí mạnh mẽ hơn mọi người, đặc biệt là hoà quyện và thấu hiểu cuộc sống của bản thân mình với nhiều tầng lớp, giới tính, thế hệ khác nhau trong dân tộc và nhân loại. Nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh đã kết tinh cái đúng, cái tốt và cái đẹp của dân tộc và loài người tiến bộ.

Văn hoá Hồ Chí Minh là một hệ thống thống nhất hài hoà các giá trị, chúng tôi nghĩ vậy. Theo GS thì hệ thống giá trị đó được kết tinh từ những nguồn gốc nào?  Và năng lượng, năng lực nào đã chọn lựa, thâu hoá và sắp xếp các giá trị từ các hệ thống khác nhau thành một hệ thống hoàn hảo, và hài hoà ở Hồ Chí Minh, thành văn hoá Hồ Chí Minh?

Hệ thống giá trị tạo nên nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh bắt nguồn từ cái đúng. Những phẩm chất văn hoá ở Hồ Chí Minh luôn luôn gắn liền với các quy luật vận động khách quan, là sản phẩm lịch sử của quá trình hoạt động thực tiễn của Người trong các phong trào lớn của thế kỷ XX. Cái đúng thể hiện trong nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh vừa gắn liền với các quy luật khách quan vừa gắn với tầm nhìn khoa học, với năng lượng trí tuệ, gắn lý luận với thực tiễn, gắn dân tộc với nhân loại, cá nhân với xã hội, gắn cái chung với cái riêng, gắn cái động với cái tĩnh…

Trong hệ thống giá trị tạo thành nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh thì cái tốt được thể hiện thành ý chí và tư tưởng đạo đức của Người. Và tư tưởng đạo đức ấy có nguồn gốc rất xa từ những giá trị đạo đức của dân tộc. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là hiện thân của tư tưởng hoà đồng, đoàn kết, yêu nước, thích ứng, tiết kiệm, giản dị của truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, hệ thống giá trị tạo nên nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh về phương diện đạo đức và tư tưởng đã gắn với thế giới quan khoa học của cái đúng. Hồ Chí Minh đã nâng các giá trị đạo đức của truyền thống dân tộc lên một tầm cao mới. Ý chí đạo đức, tinh thần yêu nước ở Hồ Chí Minh gắn với những thành tựu khoa học và thế giới quan biện chứng của thế kỷ XX. Vì thế, những giá trị và tư tưởng đạo đức trong nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh đã vượt xa và cơ cấu lại những nội dung cơ bản của các giá trị đạo đức truyền thống.

Nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh còn thể hiện mạnh mẽ sức sống trong hệ thống giá trị của cái đẹp. Về phương diện thẩm mỹ đặc trưng ở khả năng sáng tạo tuyệt vời trong mọi hoạt động của Người đều hướng tới cái hài hoà, cái đẹp. Mỹ cảm và lý luận về giáo dục thẩm mỹ trong nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh luôn luôn đánh thức những khát vọng sâu thẳm của con người về một thế giới khoan dung và hoàn thiện. Chính hệ thống giá trị mỹ cảm này đã làm cho nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh không chỉ sáng tạo nên các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao mà còn tạo nên những chuyển biến lý luận căn bản của văn hoá nghệ thuật cách mạng ở Việt Nam.

Hệ giá trị ấy là thành quả của phương pháp khoa học ở Hồ Chí Minh trong mọi hoạt động sống. Phương pháp ấy gắn cái riêng với cái chung, cái dân tộc với cái quốc tế, cái dân tộc với các tộc người, các cá nhân với cái xã hội, con người với tự nhiên. Hệ giá trị ấy đồng thời cũng là thành quả của ý chí đạo đức Hồ Chí Minh.

Xét về mặt hình thức thì văn hoá Hồ Chí Minh gần hơn với hệ thống văn hoá nào theo cách phân loại giai cấp tính (phong kiến, tư sản, vô sản...), hoặc là theo địa lý nhân văn (phương Đông hay phương Tây, Khổng giáo hay Ki tô giáo...)?

Nhiều người nghĩ rằng, hình thức văn hoá mà Hồ Chí Minh lựa chọn là hình thức văn hoá Nho giáo. Sự thật thì ngay từ năm 1927, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện hệ thống giá trị Nho giáo duy trì rất nhiều bất công, bất bình đẳng xã hội. Vì thế, trên phương diện hệ thống, hình thức văn hoá Nho giáo không thể phù hợp với nền văn hoá mới ở Việt Nam. Tuy hệ thống Nho giáo có những yếu tố nhập thế, hành đạo giúp đời, mang thế giới đại đồng và có kỹ năng giáo dục đạo đức tỉ mỉ, nhưng nó là hình thức văn hoá duy trì một trật tự xã hội bình yên, không bao giờ thay đổi. Hồ Chí Minh trong các tư tưởng về văn hoá của mình có sử dụng nhiều khái niệm thuộc hệ thống giá trị văn hoá Nho giáo, nhưng Người đã đưa vào đó những nội hàm rất mới. Những nội hàm này hoàn toàn không nằm trong hệ thống giá trị văn hoá Nho giáo mà nó là một bộ phận hợp thành của hệ thống giá trị văn hoá Việt Nam mới của thời đại Hồ Chí Minh.

Cũng như vậy, cụ Hồ nói cụ cố gắng làm một người học trò nhỏ của Giêsu nói riêng và của đạo đức phương Tây nói chung vì ở đó tán dương lòng bác ái, cổ vũ lòng từ thiện. Song hình thức văn hoá mà Hồ Chí Minh lựa chọn lại không thể là hình thức văn hoá Thiên chúa giáo hay của phương Tây bởi vì hình thức văn hoá mà Hồ Chí Minh lựa chọn để xây dựng nền văn hoá Việt Nam mới phải gắn liền với việc giải phóng những người nghèo khổ ra khỏi mọi sự tha hoá, trong đó có sự tha hoá, sự ban ơn về mặt tinh thần. Hình thức văn hoá mà Hồ Chí Minh lựa chọn là một hình thức văn hoá gắn với những năng lượng giải phóng, đổi mới, phát triển của đại đa số nhân dân. Phải hành động để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người lao động, người cùng khổ khỏi mọi tha hoá. Vì thế, hình thức văn hoá mà Hồ Chí Minh lựa chọn phải là thành quả của cuộc đấu tranh của tuyệt đại đa số nhân dân vì phẩm giá dân tộc và tự do của con người. Hình thức văn hoá ấy phải bắt nguồn từ truyền thống và những năng lượng tiềm ẩn của dân tộc.

Nhiều người cho rằng, học thuyết của Tôn Văn được Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý nhất để xây dựng nền văn hoá mới ở Việt Nam. Đúng là chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ngưỡng mộ khi ông chủ trương liên Nga, liên công và phù trợ công nông và phê phán đạo đức học của Hán và Tống Nho. Sự gặp gỡ giữa tư tưởng của Tôn Trung Sơn và Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc. Ngay từ năm 1924, Hồ Chí Minh đã nhận định: “chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước” (Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.1, tr. 467). Tuy vậy, hình thức văn hoá mới ở Việt Nam mà Hồ Chí Minh lựa chọn không phải là hình thức văn hoá mà Tôn Văn đề xuất. Trước hết là chủ nghĩa dân tộc trong văn hoá Việt Nam không phải là chủ nghĩa dân tộc chật hẹp, một chủ nghĩa quốc gia. Trong văn hoá mới ở Việt Nam , Hồ Chí Minh đã lựa chọn một chủ nghĩa dân tộc gắn liền với tinh thần quốc tế, một hình thức văn hoá dân tộc khi thắng lợi nó sẽ gắn chặt với chủ nghĩa quốc tế. Trong hình thức văn hoá này mọi sự sáng tạo, hưởng thụ đều là do nhân dân quyết định. Phạm trù nhân dân tạo nên bản sắc, sức sống và hình thức văn hoá mới do Hồ Chí Minh lựa chọn.

Trong hình thức văn hoá mà Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng, người ta thấy rõ nhất là những giá trị tinh thần truyền thống. Đó là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần khoan dung, ý chí tự lực tự cường, ý thức đoàn kết; song những giá trị truyền thống này đã được Hồ Chí Minh gắn với tinh thần của thời đại mới, những mục tiêu phát triển đất nước theo hướng chủ nghĩa xã hội.

Nghiên cứu tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh, ta có thể thấy, ngoài tính dân tộc, tính nhân loại phổ biến của các hình thức văn hoá, còn có hình thức giai cấp, hình thức dân tộc, hình thức tộc người, hình thức vùng, hình thức miền, hình thức nhóm, hình thức liên văn hoá văn hoá cá nhân… Văn hoá mà Hồ Chí Minh lựa chọn là gắn truyền thống với hiện đại, dân tộc với quốc tế, cá nhân với xã hội vì một chủ nghĩa nhân văn cao cả. Sự đa dạng văn hoá là cội nguồn của sự phát triển văn hoá.

Văn hoá Hồ Chí Minh có những giá trị nào có ý nghĩa toàn nhân loại?

Nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh đã cống hiến cho thời đại nhiều giá trị xuất sắc. Những kiệt tác của Người như Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường kách mệnh, Tuyên ngôn độc lập… không chỉ có ý nghĩa cho công cuộc giải phóng dân tộc ở Việt Nam mà nó còn cổ vũ phong trào giải phóng nhiều dân tộc trên thế giới. Hồ Chí Minh đã được tổ chức UNESCO tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam.

Nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh vừa là một nhà hoạt động cách mạng quốc tế vừa là một anh hùng giải phóng dân tộc. Những hoạt động văn hoá, những sản phẩm văn hoá của Hồ Chí Minh đều hướng tới chống cái xấu, cái ác, bảo vệ, cổ vũ cái tốt, cái đẹp. Hoạt động của Hồ Chí Minh mang lại ấm no, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam và góp phần bảo vệ hoà bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Vì lý do đó, nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh sống mãi không chỉ trong lòng dân tộc Việt Nam mà còn mãi trong lòng nhân dân nhiều dân tộc trên thế giới.

Như tôi đã nói ở trên, tính bất tử, tính nhân loại của những giá trị văn hoá của nhân cách văn hoá theo Hồ Chí Minh không phải ở chỗ nhà văn hoá đó hoạt động văn hoá ở ngoài dân tộc mà tính nhân loại phổ biến của văn hoá nằm ngay trong tính dân tộc của văn hoá. Nhiều nhà văn hoá tầm cỡ trên thế giới được toàn thể nhân loại tôn vinh do họ hoạt động văn hoá vì cái đúng, cái tốt, cái đẹp của dân tộc mình. Trong thế giới này, mỗi dân tộc đều là một bộ phận của cộng đồng quốc tế. Nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh mang lại độc lập tự do, quyền bình đẳng và công bằng cho nhân dân Việt Nam đều được nhân loại tôn vinh. Vì thế, nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh vừa có giá trị dân tộc vừa có giá trị nhân loại.

Hồ Chí Minh là một trí thức lớn hoạt động thực tiễn

Hồ Chí Minh là một trí thức lớn của dân tộc. Đề nghị GS phân tích vai trò của Hồ Chí Minh với dân tộc trong tư cách một trí thức lớn?

Vâng, đúng, tôi cũng đồng ý với cách tiếp cận và nhận thức của anh khi nhận định Hồ Chí Minh là một nhà trí thức lớn, mặc dù cho đến nay rất ít công trình nghiên cứu chuyên biệt về nhà trí thức lớn Hồ Chí Minh. Sở dĩ ở Việt Nam và cả nhà nghiên cứu nước ngoài chưa có những công trình tầm cỡ nghiên cứu chuyên biệt về nhà trí thức Hồ Chí Minh bởi vì những chuẩn mực về trí thức, nhà trí thức, nhà trí thức lớn ở mỗi dân tộc, mỗi thời đại, mỗi giai cấp có sự khác nhau.

Tôi nghĩ cụ Hồ là một trí thức lớn trên cả lĩnh vực khoa học và lĩnh vực nghệ thuật. Mỗi lĩnh vực Cụ đều có sản phẩm có chất lượng cao và có ý nghĩa xã hội to lớn. Kiệt tác Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường kách mệnh, Tuyên ngôn độc lập, Sửa đổi lối làm việc đều là những di sản tinh thần quý hiếm đặc trưng cho văn hoá Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh. Những bài thơ trong Ngục trung nhật ký, những bài thơ làm trong khi đi đánh trận, trên rừng Việt Bắc và hàng ngàn bài báo của Hồ Chí Minh chứa rất nhiều giá trị lịch sử, nghệ thuật mà nhiều đời sau còn phải nghiên cứu. Toàn tập Hồ Chí Minh, hàng vạn trang sách chứa đựng một trình độ tri thức uyên bác, chúng trở thành những cuốn sách kinh điển của cả dân tộc Việt Nam và loài người tiến bộ. Có nhà trí thức lớn nào ở Việt Nam đã có sản phẩm trí tuệ, sản phẩm văn hoá như thế!

Trong hoạt động thực tiễn truyền đạt tri thức, Hồ Chí Minh đã mở những lớp huấn luyện lý luận cách mạng cho những nhà hoạt động cách mạng, những nhà trí thứ lớn. Người đóng góp to lớn vào việc xây dựng hệ thống giáo dục nhân dân và những quan điểm giáo dục mới ở Việt Nam.

Hồ Chí Minh là một nhà trí thức hoạt động thực tiễn. Người đã đào tạo rất nhiều nhà trí thức kiểu mới. Với đường lối công – nông – trí đoàn kết thành một khối, Người đã đưa nhiều nhà trí thức từ nghiên cứu sách vở xuống hoạt động thực tiễn và nhiều người lao động chân tay đến lớp học cũng như tự học trở thành những trí thức thực tiễn của dân tộc.

Tôi đồng ý với anh, Cụ Hồ là một nhà trí thức lớn của Việt Nam. Cái tôi chú ý nhất ở nhà trí thức Hồ Chí Minh là Người luôn tìm cách nâng cao dân trí và đặc biệt là đào tạo thật nhiều trí thức cho đất nước. Cách mạng vừa thành công Cụ đã mở một mặt trận to lớn chống giặc dốt. Cuộc chiến đấu chống ngoại xâm rất ác liệt, Cụ vẫn cho mở rất nhiều trường học để đào tạo trí thức cho cuộc kháng chiến. Cụ đã gửi rất nhiều thanh niên sang nước ngoài để học tập kiến thức về kiến thiết đất nước.

Có thể nói, vai trò của nhà trí thức Hồ Chí Minh là nâng cao trình độ tri thức cho dân tộc, rèn tạo đội ngũ trí thức kiểu mới, gắn trí thức với mọi hoạt động thực tiễn của dân tộc, nâng dân tộc Việt Nam lên một tầm cao trí tuệ mới của thời đại, đặt cơ sở cơ bản cho một xã hội học tập và chuẩn bị tích cực cho nền kinh tế trí thức.

Trong bối cảnh hiện nay, theo GS thì giới trí thức nước ta cần học tập và làm theo những phẩm chất nào nhất của Hồ Chí Minh?

Nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh hội tụ trí thông minh của một nhà minh triết, lòng dũng cảm phi thường của một anh hùng, ý chí mạnh mẽ của một nhà đạo đức, tài năng của nhà nghệ sĩ, sự mềm dẻo và khôn khéo của một nhà ngoại giao, sự kiên định của người cộng sản và lòng khoan dung vô bờ của một người mẹ hiền .

Anh hỏi chúng ta nên làm theo những phẩm chất nào ở Hồ Chí Minh? Câu trả lời không dễ, bởi vì tuỳ công việc của mỗi người, tuỳ trình độ của mỗi người, tuỳ hoàn cảnh của mỗi người, chúng ta coi tấm gương nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh là nguồn cổ vũ và giáo dục. Tôi nghĩ rằng, Hồ Chí Minh là một vĩ nhân, có rất nhiều phẩm chất của một vĩ nhân mà ta muốn làm theo cũng rất khó, đấy là chưa nói đến không thể. Tôi nhớ đến hai sự việc. Một sự việc vào năm 1945, ngay khi cách mạng mới thành công, trong hàng ngũ cách mạng đã xuất hiện rất nhiều ông quan cách mạng. Nhiều người đọc bức thư của Cụ Hồ gửi cho uỷ ban nhân dân các làng, các xã, các huyện, các tỉnh, các kỳ và muốn làm theo để chống lại mấy ông quan cách mạng tham ô, hủ hoá, nhưng quan điểm giai cấp coi công nông là tốt đẹp, là trong sạch, những người trí thức không có phương tiện và phương thức gì để giúp đỡ cách mạng chống lại những “ông quan cách mạng” ấy. Vào những năm cuối của thập kỷ 60 của thế kỷ XX, trong Di chúc của Cụ Hồ có viết đến một cuộc chiến đấu khổng lồ dựa vào nhân dân để chống lại những hư hỏng của cán bộ đảng viên. Cụ nói, trước tiên là xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Công việc lớn như vậy vào những năm 60 của thế kỷ trước trong cơ chế quan liêu bao cấp, giới trí thức cũng bất lực không đóng góp gì được trước cái hư hỏng của xã hội. Trên quan điểm giai cấp ấu trĩ, có thời kỳ trí thức đã trở thành đối tượng cần cải tạo trước tiên.

Vậy trí thức của nước ta cần thể hiện vai trò của mình với dân tộc như thế nào trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay?

Bây giờ, vào thời kỳ đổi mới, nhưng đổi mới lại đẻ ra rất nhiều quyền lực. Quyền lực chính trị, quyền lực của đồng tiền, quyền lực thế hệ. Trong xã hội, sự phân tầng rất nhanh, đơn giá cho nhiều sản phẩm của người lao động trí óc rất rẻ, địa vị xã hội của họ không được những chuẩn mực bảo hộ đúng đắn. Tôi đơn cử: một giáo sư, một viện sĩ sản xuất một cuốn sách từ 5 năm đến 10 năm, đưa đến nhà xuất bản, khi sách ra, họ được tiền nhuận bút 10% theo giá bìa và số lượng in. Cuốn sách nào cũng in với số lượng rất ít, tiền nhuận bút vô cùng ít ỏi. Các trí thức muốn phục vụ Tổ Quốc cũng khó.

Theo ý tôi, hiện nay trong xã hội Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực vô chuẩn tạo ra tình trạng thiếu công bằng, quy luật giá trị của thị trường bị vi phạm nghiêm trọng. Chúng ta chuyển từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cái cơ chế này tồn tại còn lâu dài nhưng hệ thống lý luận về nó, công cụ hành chính điều chỉnh nó đang có chỗ bất cập, chưa hoàn thiện. Tôi nghĩ, hãy tập trung giới trí thức có năng lực lý luận và thực tiễn xây dựng cho được một hệ thống lý luận phát triển đất nước theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đủ sức thuyết phục là một công việc lớn hiện nay.

Phản biện với mục đích xây dựng có phải là yêu nước, là có trách nhiệm với đất nước không?

Rõ ràng xã hội của chúng ta đang có rất nhiều vấn đề cần phải bàn, phải phản biện để làm rõ những cản trở, những mâu thuẫn, những vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy xã hội tiến lên. Những vấn đề đó có liên quan trực tiếp đến vấn đề tôi vừa trình bày ở trên. Đó là xây dựng nội dung lý luận có tính thuyết phục về lộ trình phát triển cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với thực tiễn ở nước ta. Tích tụ ruộng đất cho sản xuất lớn trong nông nghiệp theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là thế nào? Vì sao đất đai nhà nước quản lý mà lại lộn xộn và khiếu kiện như vậy? Vì sao sự phân tầng xã hội ta lại nhanh và sâu đến như vậy? Những vấn đề ngân hàng, tài chính, môi trường, công nghiệp hoá, hiện đại hoá… phạm vi phản biện xã hội đến đâu? Phản biện xã hội có trách nhiệm rồi có thể thực hiện được không? Rất nhiều vấn đề lý luận, mục tiêu thì tốt đẹp nhưng thực hiện được trong thực tế là rất khó. Tôi nghĩ rằng cần thiết phải phản biện xã hội để thiết lập cho được một số hệ chuẩn cơ bản làm cho xã hội ổn định, sinh thành và phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong đó phải thiết lập được hệ thống hữu hiệu khắc phục rủi ro, đề phòng khủng hoảng, ngăn chặn cái dốt, cái xấu, cái ác.

Phản biện xã hội có trách nhiệm trong lúc này chính là thể hiện lòng yêu nước tích cực. Hãy phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc để những phản biện có ý nghĩa tích cực, đẩy xã hội tiến lên.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được phát động hơn 4 năm. Chúng tôi thấy sự hưởng ứng rất rộng rãi và sôi nổi. Với tư cách một chuyên gia nghiên cứu về Hồ Chí Minh, theo ông, cuộc vận động đã đem lại những hiệu quả xã hội như thế nào? Nó đã có những tác động đến đời sống của đất nước ra sao?

Điểm nổi bật trong tấm gương và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là các quan hệ đạo đức mới phải gắn với khoa học và pháp luật. Nên tập trung vào tiêu điểm những giá trị đạo đức dựa trên khoa học và pháp luật để học tập, giáo dục và làm theo. Khoa học, pháp luật sẽ giúp chúng ta hiểu đúng đắn và nên làm theo nhân cách phẩm chất đạo đức nào ở Hồ Chí Minh. Gắn việc học tập và làm theo tấm gương cũng như tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với những cơ sở khoa học và chuẩn mực pháp luật, người học tập và làm theo sẽ có ý thức tự chủ và tự giác rõ ràng hơn.

Cụ Hồ đã đi xa hơn 40 năm rồi. Các thế hệ cháu chắt của Cụ hôm nay vẫn thông cảm sâu sắc trước nỗi đau thống thiết của Cụ trước những sai phạm về đường lối cải tạo nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp ở Việt Nam trong tình hình thế giới có cuộc đối đầu khốc liệt. Cơ chế đạo đức do Cụ thiết lập trong thời kỳ quan liêu, bao cấp khi chuyển sang cơ chế thị trường, dù là cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đã biến đổi và biến dạng rất nhiều và rất mau chóng; Nó đã làm lỏng lẻo, lay chuyển, khoả lấp rất nhiều quan hệ đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội. Sự phân tầng xã hội rất mau và rất sâu làm đảo lộn rất nhiều quan hệ đạo đức tốt đẹp do Cụ Hồ xây dựng trước đây. Nhiều người tốt, người lao động trung thực bị cái xấu, cái ác lừa đảo, tấn công trở thành bi kịch. Lối sống thực dụng đang gia tăng mạnh mẽ. Nhiều quan hệ xã hội hiện nay đang được bôi trơn bằng tiền bạc. Sự huênh hoang về những giá trị vật chất đang lấn át những giá trị tinh thần… Trước tình hình như vậy, cần phải học tập và làm theo những tư tưởng và tấm gương đạo đức tốt đẹp của Người trên cơ sở khoa học và pháp luật./.

Phan Thắng(Thực hiện); Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511093

Hôm nay

292

Hôm qua

2359

Tuần này

21467

Tháng này

217966

Tháng qua

121356

Tất cả

114511093