Thằng Lý Hạ dĩ nhiên là con ông Hạ. Học với tui từ cấp hai. Trường học ngay Trùa E. Vừa chùa vừa là trường, học xong, khi mô tui và hắn cũng đi coi bụt. Dân quê tui, tất cả ông Phật đều gọi chung là ông Bụt. Bọn tui ghé coi qua kẹt cửa, không dám nhìn lâu, sợ mù mắt. Nghe nói, nếu chỉ tay vào bụt là queo ngón tay liền. Có lần, Lý ta ngồi lên con voi đá trước cửa trùa. Lát sau, dái sưng to bằng quả bưởi tàu. Tui bôi vôi, hắn kêu hui hút, nhắt nước mắt, vừa cười vừa mếu. Ông y sỹ bảo đứa mô ác,chà lá nảy voi vô con voi đá. Cha hắn không tin, đem con lên chùa thắp hương. Mấy hôm sau, lôi tui ra sau lớp, hắn tụt quần khoe: "Dái khỏi rồi, coi nì".
Học giỏi ngang tui, nhưng hắn có tật nói tiếng quê, nên thua điểm tui. Thầy hỏi sao đi học chậm, hắn nói " Tại em bấp cục đớ, trợt cẳng bổ trửa cươi, trẹo trục cúi". Thầy trợn mắt, sặc nước miếng, hồi lâu mới dạy được. Hắn thích tiếng quê. Chả bù cho lũ bạn, chưa ra khỏi nhà đã đua trọ trẹ giọng "Bắc cù".
* * *
Bọn tui lên cấp ba thì Bụt mất dần. Bụt chất đống trong kho chứa đồ. Chính điện được chở đi làm trụ sở. Nghe bảo kẻ trộm khoét lưng tượng tìm được vàng. Hôm sau dân quân đem Bụt ra sân xếp hàng, chẻ thành củi nấu nước. Sân chùa lỏng chỏng tay, chân Bụt. Mấy ông cán bộ đến cả, e dân quân giấu vàng. Mít bửa ra, đỏ au như máu. Thằng Lý úp mặt vô lưng tui, không dám coi. Tui cũng hoảng, về nhà mới biết hai ống tay và lưng áo mình ướt nhoe nhoét.
Có nhà ăn trộm Bụt về, thấy không có chi. Tiếc của, đem Bụt làm cục kê củi, làm cả cầu tiêu. Cái nhà đó, giờ mô cả. Đi mất xứ rồi, chết sống không ai biết nữa.
Chợ Rạp ở ngay trước cổng Trùa E. Cây ngô đồng bốn người ôm nỏ khít mọc giữa chợ. Có bữa nhá nhem, trời mưa, tui và hắn đi học về, thấy có người ngồi thu lu bên gốc ngô đồng. Tội quá, nhìn ra là ông Bụt. Không biết đứa mô ác rứa, đưa Bụt đặt đây dọa người qua đường. Thằng Lý nân nỉ mãi. Nói đây là ông Bụt cuối cùng của Trùa. Muốn cứu Bụt mà không biết mần răng. Tui và hắn đành lụi hụi đem Bụt đặt dưới hàng rào chùa. Đưa Bụt về nhà, thì không đứa mô dám.
Trường cấp hai cũng dời đi. Chùa được sửa thành trường chính trị huyện. Đôi voi đá, một con chia cho huyện, một con xã giành về trụ sở cùng cái chuông to. Gươm giáo, áo mũ sơn son thếp vàng chia cho đội văn nghệ xã. Chuông bị bể, xã dùng đựng nước tiểu. Lại dùng trồng hoa mười giờ, cho đến khi bị trộm mất tiêu.
* * *
Có quyển sách viết, thông minh thường thiếu khôn ngoan. Hiền lành, tốt bụng hay ngu đần. Thằng Lý chìa tui xem, nói " Mi với tau vừa dại vừa ngu cả đôi!".
Xanh, người Lý yêu tha dép, bỏ hắn cưới chồng bên tê sông. Hắn thường thơ thẩn ra bờ sông, ngơ ngẩn nhìn sang. Tui đốt sạch mấy quyển thơ của hắn, bảo tau chuyển em Xanh rồi. Sau biết, hắn từ mặt tui mấy năm liền.
Hắn và em Hạnh gần như yêu nhau. Hồi Hạnh lên dạy Quỳ Hợp, yêu một thầy có vợ rồi. Hắn khăn gói lên tận trường, rồi ra tận nhà Hạnh ngoài Quỳnh Lưu, đòi cưới. Tui can, hắn bảo: "Tau phải cưới để cứu vớt đời Hạnh". Mãi sau này hắn mới biết ngu, khi thấy Hạnh và thầy đó lấy nhau và rất hạnh phúc. Tui trêu hắn: "May không lấy mi".
Mãi sau này, hắn cưới cô học trò, sinh viên trường đại học hắn dạy. Đứa con gái cưng, đặt tên Lê Gin. "Gin, ngái" tiếng Hương-sơn ý là "gần, xa", hắn nói gọi tên con như rứa cho đỡ nhớ quê. Có lần tui gởi cho hắn bài thơ toàn tiếng quê Hương-sơn. Vợ chồng hắn hì hụi chép vào tờ bìa to, treo lên. Khen hay hè, lạ hè. Bài đó như ri:
Gưởi Lý Hạ
Triều triều ra ngọ ngong mi,
Chộ ai quăn trốôc, cụng nghi bậu mềnh.
Túi hụ khung chộ mi sang,
Tau ôm trục cúi nỏ ngàng chi cơm
Dừ thì tau Bắc, mi Nam.
Móm mui gấu nác, trẹo hàm gấy con.
Trôông răng trấy đất xuây vần,
Tau mi ngồi tọoc một lần đạ nư.
Hắn nắc nỏm: "Thích nhất từ đạ nư. Sướng nhất là nghe vợ tau nói với tau từ ni!".
* * *
Tui chuyển về dạy trường huyện vài năm thì mở đường 8. Đường mới chạy qua chợ Rạp. Cây ngô đồng bị hạ. Hôm đốn cây, trời động mưa, mà dân đến xem đông nghịt. Bị cưa, chặt mất gốc, cây như rùng mình rồi từ từ ngã xuống trong mưa. Tiếng cây rền, như tiếng rên đau đớn hoang dại, kéo dài u u mãi. Người già bảo, mãi mấy hôm sau, đêm khuya vẫn còn văng vẳng tiếng u u ai oán đó.
Đồi Vọng Sơn mà Trùa E tọa lạc, xã bán cho họ ụi lấy đất đắp đường mới. Đất Chùa đắp tới mô biết đó. Mới đắp màu vàng tươi, sau đỏ dần, rồi bầm đen lại. Xã cho đếm từng xe, nghe bảo còn đề phòng trộm mất kho vàng yểm dưới đất. Cả đồi cây oai linh dần hóa thành bãi đất tang thương. Có người bảo, đó là mở cử địa ngục, ma quỷ bị Bụt yểm trấn nay sổng ra hết, rồi coi mà loạn. Không tin cũng rợn.
Xã được mùa bán đất ở, duy vùng đất chùa bán rẻ cho, mới có người mua. Xóm Mu Bưởi lập lên trên nền chùa. Hầu hết người từ xa đến mua lại đất, lập nghiệp.
Cán bộ giàu lên rất nhanh, từ đất, từ vàng của chùa hay từ đổi mới tư duy chi chi cũng không rõ.
Trùa E thật sự bị tru di tận âm ti.
Có người bảo, đất chùa thiêng rải đến đâu, người chết đến đó. Đoạn đường đắp đất Trùa E tai nạn cứ liên tục. Mà xem kìa, những kẻ phá chùa, chết có yên đâu !
Có người lại bảo không phải. Bụt Trùa E hiền hơn bụt tất cả các nơi. Nhẫn nhịn đưa thân làm cầu tiêu, lý gì lại oán người dẫm lên đất. Tai nạn khắp nơi, đâu chỉ đoạn đường rải đất chùa. Cán bộ đời mới, xe chạy vù vù, gái gú, ăn uống lu bù. Chết bất đắc kì tử nhiều lắm, riêng chi vùng Phúc Dương chùa ngự.
* * *
Tui chưa vô Nam thăm Lý. Hắn cũng ít khi về quê. Làm ở phòng nghiên cứu khoa học của trường, nghiã là ngồi chơi quanh năm, hắn bèn thầu giữ xe. Mỗi tuần đến nhiệm sở dăm tiếng, nhưng suốt ngày mươi tiếng thu phát vé. Vừa bận vừa rỗi. Kỷ niệm thành lập trường Hương-sơn, hắn có gửi thơ về đăng. "Cây ngô đồng Chợ Rạp" và "Trùa E". Ông hiệu trưởng trường tui không hiểu tiếng quê, vứt. Sau thiếu bài, lại chét vô tập san.
CÂY NGÔ ĐỒNG CHỢ RẠP
Cây ngô đồng
Cây ngô đồng
Cao vút giữa thinh không
Chợ Rạp tháng mười lăm phiên chẵn
Mẹ đi chợ về, cây mía dài, cong
Cây ngô đồng
Cây ngô đồng
Bếp lửa chập chờn một chiều đông
Mưa gió kinh hồn , chân tay cóng
Người về Sơn Phú, kẻ sang sông.
Cây ngô đồng
Cây ngô đồng
Một trưa hè, nắng trắng đồng không
Chuyển trường, gánh vác, ngồi thở dốc
Nón ai quạt móp, má ai hồng
Cây ngô đồng,
cây ngô đồng.
Chợ Rạp như ngực ta rỗng không.
Từ dạo mở đường, người ta chặt
Hết hồn hoang dại thưở cha ông.
TRÙA E
Thấy chuyện Trùa E cũng la lồ
Nói Trùa mà nỏ chộ trùa mô?
Mấy mươi năm trước chùa còn Bụt
Nay có chi mô, chộ mô mồ?
Mấy trục căn nhà tranh kéo sưa
Chè, rau, lôông lợn với môn nưa
Hỏi ra. đã thành xóm Mu Bưởi.
Xây dựng cơ đồ.... Đạ nư chưa?
Cậu Trung dạy văn thì khen, nhưng tui không thích. Vì khi đọc, cứ nhoi nhói trong ngực.
* * *
Hè vừa rồi, hắn cùng con trai về quê xây mộ cho ông bà ông Hạ. Hôm làm lễ, hắn dắt tui leo qua ba bốn ngọn đồi vẫn chưa tới. Tui hỏi: " Răng đặt mộ xa lắc xa lơ như ri". Hắn nói: " Đặt gần để vài năm bị cướp đất à. Ngoài Hà nội, một đêm họ đổ bùn cướp cả trăm ngôi đó tề. Trùa E còn bị ụi tận đáy, mấy cục mả nhà quê nhằm nhò chi".
Cái thằng, nhìn như Bụt, thế mà thâm. Chợt nhớ, có học giả bên Tàu luận: " Tín ngưỡng phương Tây gắn với lòng dân, nên nhà thờ làm ở nơi đông dân nhất. Tín ngưỡng phương Đông xa rời lòng dân, nên chùa chiền đặt nơi thâm sơn cùng cốc". Tôi nghĩ, chẳng qua do tiền nhân lo lũ con cháu mất nết phá chùa, lấy đất bán thôi. Xa như chùa Yên Tử, chùa Hương Tich, có ai đến đó lấy đất được. Yên Tử mà gần dân như Trùa E, thành nhà ở từ tám hoánh.
Đi mãi cũng tới nơi. Như ngôi chùa thu nhỏ, khu mộ ẩn mình giữa bạt ngàn sim mua.
Thấy tui ngạc nhiên về quy mô hoành tráng, hắn cười: " Tiền giữ xe cả đấy, chứ cao học, giảng viên quẹt ruốc như tau thì mần chi được". Trời ơi, hắn cũng như tui, chỉ có lương trọc thì đừng hòng bước cẳng ra khỏi nhà.
" Đây là mả cha, mả mẹ tau, còn đây là mả tau". Chỉ vào ngôi mộ giả, hắn tiếp: "Tau làm xa như ri cũng để xí phần, mình không còn hộ khẩu ở đây, lỡ khi tau chết, họ làm khổ con cái". Hắn lấy mỗi ngôi mộ một nắm đất, cẩn thận gói lại , bảo mai đưa vào Nam để thờ.
Tơ mơ hôm sau, chưa hả hơi rượu "Toọc một lần đạ nư" với Lý lúc đêm, đã nghe chuông điện thoại réo. Giọng Lý lào khào" Xuống chỗ Trùa E mau, tau bị bắt"
Không kịp đóng đồ, tôi vọt bộ xuống, xóm tôi kề xóm Mu Bưởi .
Hóa ra cu cậu nảy ra ý phải có nắm đất Trùa E đưa vô Nam thờ. Mấy nhà dân nghi, không cho đất, mà còn giữ người lại. Không những không biết thầy Lý, giảng viên đại học, mà xóm Kẻ Mui, Kẻ Mỏ bên tê sông, họ cũng chưa nghe tới. Tui tới nơi, hóa ra họ cũng không biết thầy Trợ. Bẽ quá, thế mà dạy hàng ngàn học sinh giữa quê. Lý an ủi: "Chùa, Bụt họ cũng không biết, thì họ biết thầy mần chi?"
May mọi việc êm xuôi. Có người nhận ra tui. Cũng có người từng nghe, nơi đây đã có Trùa E. Gói cho tụi tui bao đất lộn đá to tướng, ông xóm trưởng nửa đùa nửa thật: "Không biết các thầy hâm hay vô công rồi nghề nữa"
Chia tay, Lý nói nhỏ : " Nhớ vô Nam, tau với mi đi khám viện Chợ Rẫy. Tau cũng nghi hai đứa mình bị hâm đó".
Vớ vẩn, cái thằng. Đùa kiểu này, hại sức khỏe lắm!
Nhớ về Trùa E. Tháng 9-2010