1. Nhận thức về mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển bền vững
Điều đáng mừng là các văn kiện Đại hội XI của Đảng bàn tới phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên nhận thức có chất lượng khoa học và cách mạng quan điểm này thì phải cần đến các nhà khoa học có tâm huyết, có trách nhiệm với sự sống còn của đất nước, của chế độ bởi vấn đề không phải chỉ là phát triển hay văn hóa, mà là chính trị. Đó là một góc nhìn về văn hóa chính trị.
Điều này không mới. Khổng Tử vĩ đại đã đề cập tới mà có nhà nghiên cứu cho rằng đó là tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng phương Đông. Từ tháng 5-1921, trên Tạp chí Cộng sản, Hồ Chí Minh đã trân trọng dẫn lại lời Khổng Tử. Xin được dẫn nguyên văn: “Khổng Tử vĩ đại (551 trước C.N) khởi xướng thuyết đại đồng và truyền bá sự bình đẳng về tài sản. Ông từng nói: thiên hạ sẽ thái bình khi thế giới đại đồng. Người ta không sợ thiếu, chỉ sợ có không đều. Bình đẳng sẽ xóa bỏ nghèo nàn, v.v...
Học trò của Khổng Tử là Mạnh Tử, tiếp tục tư tưởng của thầy và vạch ra một kế hoạch chi tiết để tổ chức sự sản xuất và tiêu thụ. Sự bảo vệ và phát triển lành mạnh của trẻ em, sự giáo dục và lao động cưỡng bức đối với người lớn, sự lên án nghiêm khắc thói ăn bám, sự nghỉ ngơi của người già, không có điều gì đề án của ông không đề cập đến. Việc thủ tiêu bất bình đẳng về hưởng thụ, hạnh phúc không phải cho một số đông mà cho tất cả mọi người, đấy là đường lối kinh tế của vị hiền triết.
Trả lời một câu hỏi của vua, ông đã nói thẳng thắn: dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”(1).
Tư tưởng Khổng, Mạnh như đã nói, có nghiên cứu cho rằng đó là tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng phương Đông, đã được Hồ Chí Minh khai thác, chọn lọc tiếp thu như Các Mác đã tiếp thu tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng Pháp thế kỷ XIX của Xanh Ximông, Ôoen, Phuriê.
Chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp là tiền đề khoa học và lý luận (cùng với tiền đề kinh tế và tiền đề chính trị-xã hội) để hình thành chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội khoa học. Nhưng một thời gian dài, do không trở lại một cách nghiêm túc những tiền đề đó, nên có lúc chúng ta ngộ nhận, chủ quan, không phác họa được đầy đủ bức tranh phát triển bền vững ở Việt Nam; chúng ta không lường hết được hậu quả khôn lường khi tư duy chỉ nghĩ về tăng trưởng kinh tế.
Tư duy của Việt Nam cũng nằm trong dòng chảy tư duy nhân loại suốt nửa sau thế kỷ XX, coi GDP là cứu cánh, thước đo sự phát triển. Hai nước trên thế giới là ấn Độ và Trung Quốc luôn luôn tự hào là có mức tăng trưởng cao (ấn Độ 8%/năm; Trung Quốc 10%/năm). Trước Đại hội XI, Việt Nam có những năm cũng tự hào có mức tăng trưởng cao sau Trung Quốc, đứng thứ hai thế giới. Gần đây, tháng 3-2011, Quốc vụ viện Trung Quốc đã quyết định chấm dứt chính sách chủ yếu dựa vào cơ sở GDP. Tờ Tạp chí Chính thức của Bắc Kinh đã đăng bài Giã từ sự tôn thờ GDP, coi như bỏ đường lối phát triển lấy tăng lợi tức làm cơ sở. Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 hạ chỉ tiêu xuống còn 7% để tập trung vào phát triển bền vững. Báo ấn Độ The Hindu thì phê phán những người ấn Độ đặt vấn đề bao giờ thì đất nước mình đuổi kịp Trung Quốc (từ 8% lên 10% GDP/ năm). Bài báo viết: “Đặt vấn đề như vậy là ngu ngốc. Không những vì đánh giá tăng trưởng bao giờ cũng sử dụng những yếu tố độc đoán (chủ quan) mà còn vì mức sống của nhân dân chỉ được ảnh hưởng phần nào và gián tiếp của tổng thể tăng trưởng kinh tế”(2).
Như vậy, thế giới đã dần tỉnh giấc và chợt nhận ra sự chệch hướng khi lấy GDP làm thước đo hạnh phúc con người và sự phát triển của quốc gia. Chất lượng khoa học của nhận thức tạo ra giá trị ở chỗ càng ngày người ta càng thấm thía rằng toàn dân không được lợi từ cái bánh GDP. Nhiều nước lạm phát tăng nhanh, tỷ lệ thuận với tăng GDP, giá cả các loại tăng vọt, giá thuê nhà ở tăng… Nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng(3). Như vậy, tăng trưởng mạnh, tổng sản phẩm quốc gia (GDP) cao, nhưng người dân đâu có giàu, chưa nói gì đến sướng và hạnh phúc.
2. Một khía cạnh văn hóa chính trị trong di sản Hồ Chí Minh
Nhận thức như vừa nêu của thế giới chẳng có gì mới so với những gì có trong di sản Hồ Chí Minh. Như đã trình bày, từ năm 1921, Hồ Chí Minh đã nhắc lại lời người thầy là Khổng Tử về hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Hồ Chí Minh quan tâm tới hạnh phúc của nhân dân, bàn tới phát triển và phát triển bền vững, một khía cạnh của văn hóa chính trị từ rất sớm. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Người từng bước biến tư tưởng của thầy từ không tưởng đến khoa học. Hồ Chí Minh đi từ học thuyết giải phóng đến học thuyết phát triển, từ nước có độc lập đến dân phải được hạnh phúc, tự do. Người nói rằng “chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1- Làm cho dân có ăn. 2- Làm cho dân có mặc. 3- Làm cho dân có chỗ ở. 4- Làm cho dân có học hành”. Muốn có tự do, hạnh phúc phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo Người, mục đích trước sau chỉ có một là chủ nghĩa xã hội, nhưng con đường để đạt mục đích đó thì có nhiều và phải biết vận dụng và phát triển sáng tạo: “Từ cộng sản nguyên thủy, đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản, đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản)- nói chung thì loài người phát triển theo quy luật nhất định như vậy. Nhưng tùy hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau”(4). Người viết: “Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(5). Đối với Việt Nam đó là con đường qua chế độ dân chủ mới, tức là sự phát triển của Việt Nam trải qua ba giai đoạn: giải phóng dân tộc - dân chủ nhân dân - chủ nghĩa xã hội.
Người luôn hướng tới mục đích “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người dặn: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ. Người nào cũng biết yêu nước và đoàn kết”(6). Cách làm là “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. Người chăm lo xây dựng một xã hội học tập suốt đời, bởi vì “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu; dốt thì dại, dại thì hèn”. “Trồng người” là chiến lược số một và xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh theo tinh thần “vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Một trong những thông điệp đầu tiên của Hồ Chí Minh trong những ngày đầu của nước Việt Nam mới là chống nạn thất học. Người đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp giáo dục cho tất cả mọi người. Quan điểm của Người là “muốn giữ vững nền độc lập, làm cho dân giàu nước mạnh thì mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ dạy cho người chưa biết chữ. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo…”. Ông Hans D’Orville, Phó Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh rằng “Hồ Chí Minh đã đưa ra thông điệp này cách đây 60 năm, nhưng đến nay nó vẫn còn giữ nguyên vẹn giá trị. Đặc biệt, sự chú trọng của Người đối với tình trạng bất bình đẳng về điều kiện sống và về thế giới cho đến nay vẫn mang tính toàn cầu và đúng với mọi lứa tuổi”(7).
Theo bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, “văn hóa đang trở thành một nhân tố chủ chốt của phát triển bền vững”, và chính Hồ Chí Minh, theo ghi nhận của Nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO thông qua tại khóa họp lần thứ 24 của cơ quan này tại Pari năm 1987, đã có những đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật. Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” tổ chức trong hai ngày 12 và 13-5-2010 tại Hà Nội, bà Katherine nhấn mạnh nhiều mặt về cống hiến của Hồ Chí Minh trong các hoạt động văn hóa như là hướng tới sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Bà đánh giá cao đơn vị thống kê theo Sắc lệnh thành lập Bộ Kinh tế quốc gia từ năm 1946 của Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thống kê các số liệu về dân số, tình hình tài chính, kinh tế, chính trị, các số liệu về văn hóa, vì điều này phù hợp với sự quan tâm của Viện Thống kê UNESCO trong những năm qua để xây dựng một khung hành động dựa vào thực tế cho thống kê văn hóa, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển bền vững.
Đối với UNESCO, bình đẳng giới là một quyền cơ bản của con người, một giá trị chung, và cũng là một điều kiện cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển quốc tế, trong đó có tất cả các mục tiêu phát triển của Thiên niên kỷ. Suy cho cùng, việc nâng cao quyền lực của phụ nữ và bình đẳng giới là những vấn đề chính trị cần có sự hưởng ứng và cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới và những người làm chính sách. Theo bà Katherine, điều này được Hồ Chí Minh quan tâm trong suốt đời mình đến tận khi viết Di chúc.
Bà Ketherine nhấn mạnh sự quan tâm của Hồ Chí Minh đối với việc trồng cây và bảo vệ môi trường. Theo bà, “việc làm đó đã vượt qua biên giới tới mức, trong các chuyến thăm nước ngoài hoặc mỗi khi tiếp đón khách ngoại quốc, Người hay tổ chức lễ trồng cây và gọi những cây này là “cây hữu nghị”, biểu tượng cho quan hệ giữa Việt Nam và thế giới, cũng thể hiện thái độ tích cực với môi trường. Ngay cả trong Di chúc của mình, Hồ Chí Minh khuyến nghị những người viếng thăm trồng cây tưởng niệm”.
Bà Katherine so sánh quan điểm của Hồ Chí Minh từ năm 1945 về “xóa bỏ nạn mù chữ có nghĩa là tạo nên một phong trào giáo dục đại chúng” với nỗ lực của UNESCO từ năm 1946 nhằm “xóa bỏ nạn mù chữ trên toàn cầu với những chương trình như Giáo dục cho mọi người. Đây là một yếu tố cần thiết cho việc xóa nghèo, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, kiềm chế sự phát triển dân số, đạt được sự bình đẳng giới và đảm bảo phát triển bền vững, hòa bình và dân chủ. Hơn thế, thật thú vị khi đọc trong Công báo Quốc gia Việt Nam 1945 thấy rằng Bộ Giáo dục được thành lập ngay sau khi Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh có mối tương liên với bốn trụ cột của việc học đã được ủy ban về Giáo dục cho Thế kỷ XXI xác định trong báo cáo của họ trình lên UNESCO trong thập kỷ 1990 như là những nguyên tắc cơ bản định hình lại giáo dục, đó là: Học để biết, học để làm, học để làm người và học để chung sống”(8).
Người quan tâm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo Người “Chính phủ là công bộc của dân” và mọi hoạt động của Chính phủ phải “sao cho được lòng dân”. Nói đến Nhà nước là nói đến quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người. Cuộc đời hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh mang giá trị văn hóa chính trị là thực hành dân chủ với nhân dân, đấu tranh cho quyền con người và quyền các dân tộc. Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 nhắc đến “quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc” trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ “đã nói trước được điều mà 15 năm sau, vào năm 1960, Liên hợp quốc đã đưa vào trong Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa”(9).
Đất nước ta do Đảng lãnh đạo. Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo xã hội, lãnh đạo Nhà nước. Hồ Chí Minh quan tâm tới văn hóa cầm quyền của Đảng, trong đó quan trọng nhất là đề ra được đường lối đúng đắn, khoa học, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, từ nguyện vọng lòng dân, gắn liền với xu thế thời đại, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là một Đảng biết trọng dân, tin dân, hiểu dân, học dân, gần dân; chăm lo dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ, dân vận; trọng dụng nhân tài. Đảng không giấu giếm khuyết điểm, dám tự phê bình và phê bình, dám nhận trách nhiệm trước dân. Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không có ngoại lệ. Tóm lại, đó là một Đảng chân chính cách mạng, đạo đức và văn minh, không phải là một tổ chức làm quan phát tài, ngoài lợi ích của dân tộc và Tổ quốc, Đảng không có lợi ích gì khác. Đảng không lãnh đạo được một đất nước đảm bảo sự công bằng, dân chủ, văn minh, thì dù có những thành tích trước mắt, GDP có thể cao, nhưng vẫn khó giữ được lòng tin của nhân dân, mà mất lòng tin của nhân dân là mất tất cả. Hồ Chí Minh viết: “Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”(10).
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại tài liệu Tuyệt đối bí mật, một văn kiện lịch sử vô giá - Cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh. Người kỳ vọng về một đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Người dặn dò Đảng phải không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Di sản Hồ Chí Minh là bức tranh về một xã hội tương lai. Đó là triết lý phát triển bền vững Việt Nam theo tiêu chí của Liên hợp quốc trong Chương trình nghị sự XXI: (1) Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực; (2) Đạt phổ cập giáo dục tiểu học; (3) Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; (4) Giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em; (5) Tăng cường sức khỏe bà mẹ; (6) Phòng chống sốt rét và các bệnh khác; (7) Bảo đảm bền vững môi trường; (8) Thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển(11).
Ông Hans D’Orville, Phó Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định trong buổi mít tinh ở Đại sứ quán Việt Nam tại Paris, tối 14-5-2010: “Hồ Chí Minh trở thành một người thầy về cuộc sống tiếp thu trong một thế giới có xu hướng toàn cầu hóa hiện nay… Chúng ta phải công nhận rằng thông điệp của Hồ Chí Minh mang giá trị toàn cầu, và nó luôn có giá trị thời đại, bởi vì nó hướng tới tương lai… Bản tính của Người là luôn lo lắng phấn đấu cho một tương lai được xây dựng trên nền tảng của sự công bằng, bình đẳng, biết truyền thụ và chia sẻ sự đa dạng văn hóa và để các nền văn hóa xích lại gần nhau. Chính vì tầm vóc vĩ đại của con người Hồ Chí Minh mà chúng ta đã vinh danh Người ở UNESCO và trên thế giới”(12).
.............................
(1) Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1995, t.1, tr.35.
(2) Xem Hữu Ngọc: Dân giàu và GDP, Báo Sức khỏe và đời sống, ngày 24-4-2011.
(3) ở Mỹ, 1% dân số người giàu chiếm 1/4 lợi tức quốc gia
(4) Hồ Chí Minh, Sđd, t.7, tr.247
(5) Hồ Chí Minh, Sđd, t.8, tr.227.
(6) Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.65.
(7) Hans D’Orville: Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị thời đại, www.tuanvietnam.net, ngày 20-5-2010.
(8) Xem Katherine Muller Marin: Những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực hoạt động của UNESCO, Đặc san Thông tin tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 27, tháng 6-2010, tr.14-17.
(9) Hans D’Orville: Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị thời đại, tài liệu đã dẫn.
(10) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.293.
(11) Chương trình này còn gọi là Tuyên bố Thiên niên kỷ, được 189 vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cam kết thực hiện, tháng 9-2000.
(12) Han D’Orville: Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị thời đại, www.tuanvietnam.net, ngày 20-5-2010.