Cuộc sống quanh ta

Vài điều căn bản về phong trào Phật giáo

 Lời nói đầu: Ngày 30-4-2011 vừa qua, Thời Đại Mới có mở một cuộc đàm thoại nội bộ về nhu cầu nghiên cứu các phong trào tranh đấu ở các đô thị miền Nam trước đây. Sau buổi đàm thoại, chúng tôi có yêu cầu anh Ngô Vĩnh Long viết lại những ý kiến của anh thành bài và yêu cầu anh Cao Huy Thuần tóm tắt quan điểm mà anh đã phát biểu. Dưới đây là tóm tắt đàm thoại của anh Cao Huy Thuần.

Thời Đại Mới: Hôm nay là 30-4, ngày kỷ niệm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Năm ngoái, anh đã có một bài trò chuyện với VietnamNet. Năm nay, chúng tôi cũng mời anh tiếp tục chuyện trò như thế, không phải vì một mục tiêu chính trị nào, mà để góp phần vào việc nghiên cứu nghiêm túc các phong trào tranh đấu ở các đô thị miền Nam cũ, nghiên cứu sử hiện đại. Đề nghị anh nói về phong trào Phật giáo, tuy biết anh rất ngần ngại. Tại sao anh ngần ngại? 
Cao Huy Thuần: Vì nhiều lẽ. Một, là tôi luôn luôn hướng về tương lai, không thích vấn vương những chuyện quá khứ. Hai, là nói đến phong trào Phật giáo tất phải bắt đầu bằng cuộc nổi dậy chống chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963, và như thế thì bắt buộc phải động đến vai trò của Thiên chúa giáo dưới thời ông Diệm. Vấn đề tôn giáo là vấn đề nhạy cảm số một, nếu ngày nay tôi còn quan tâm là vì có liên quan đến an ninh của nhà nước, nhưng chuyện của ngày xưa thì tôi muốn quên, cần quên, phải quên, vì nhu cầu hòa hợp dân tộc cũng là vấn đề hệ trọng không kém. Ba, là nếu muốn viết lại lịch sử phong trào Phật giáo thì phải viết cả cuốn sách, việc đó tôi làm không nổi. Tôi không biết có nên nói thêm một lẽ thứ tư không, có lẽ nên, để xưng tụng một từ ngữ hoạt kê đầy tính tượng hình: "chụp mũ". Phong trào Phật giáo từng bị chụp mũ "thân Mỹ", "thân Cộng", lắm khi đội hai cái mũ một lần. Trả cái mũ về cho cái mũ thì cái đầu thảnh thơi hơn, tội gì bắt cái đầu phải nhớ lại chuyện cũ?  
TĐM: Chụp mũ là chuyện thường tình, trừ khi anh không có cái đầu. Trót có cái đầu thì ráng chịu. Sở dĩ TĐM đặt lại với anh vấn đề nghiên cứu phong trào Phật giáo là vì, như anh Ngô Vĩnh Long vừa nói, chưa có nghiên cứu tốt về phong trào này. Anh có nghĩ như vậy không? 
CHT: Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng vì một cái nhìn có lẽ khác với anh Ngô Vĩnh Long. Các bài viết về phong trào Phật giáo cho đến nay chưa làm rõ ra được cái cốt lõi của phong trào. Cốt lõi ấy không phải là chính trị mà là văn hóa, đạo đức. Nói ra thì rất dài, ở đây tôi chỉ có thể tóm tắt thôi. Nhưng nếu nhìn phong trào với con mắt chính trị thì chỉ thấy ngoài da, không thấy tận gan tận ruột. Đặc tính văn hóa, đạo đức ấy xuyên suốt phong trào trong cả hai giai đoạn: giai đoạn chống độc tài, độc tôn và giai đoạn chống chiến tranh, đòi hòa bình. Giai đoạn đầu (1963-65) là giai đoạn vàng son, chống chế độ Diệm và các chế độ quân nhân sau Diệm. Giai đoạn sau, từ 1966, từ lúc Mỹ can thiệp rần rộ vào chiến tranh, là giai đoạn suy vi, vừa bị người Mỹ giúp ông Kỳ đàn áp thẳng tay ở miền Trung, vừa bị chính quyền Thiệu-Kỳ chia rẽ hàng ngũ bằng cách dựng lên một nhánh Phật giáo đối nghịch. Dù thịnh dù suy, phong trào không mất quần chúng và cũng không rời khỏi phương châm văn hóa, đạo đức. Mà suy cũng là lẽ tất nhiên khi chiến tranh leo thang tàn khốc, mọi tiếng nói hòa bình phải bị bóp nghẹt. 
TĐM: Cả từ hai phía? 
CHT: Hãy nói từ phía kề cận, hãy nói từ trong lòng chế độ quân nhân, từ trong lòng bộ máy chiến tranh của Mỹ, từ phía người Mỹ. Không dễ gì cất lên tiếng nói hòa bình khi họ quyết định đánh cho đến cùng. Chỉ chừng đó đã lao đao rồi, nói gì thêm! Nhưng chính trong lao đao mà bản chất văn hóa, đạo đức của phong trào lại càng rõ. Giữ cho được bản chất đó, ôi, bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu bầm dập, bao nhiêu cái mũ phải đội trên đầu. Nhưng, gạt qua một bên những chuyện hời hợt hoa lá cành, nhìn nhựa chảy bên trong thân cây, thì dù khi lên khi xuống, người nghiên cứu sẽ thấy lồ lộ hai ý tưởng chính nuôi dưỡng phong trào: một, là phải trả lại cho Việt Nam văn hóa truyền thống của dân tộc; hai, là Phật giáo phải làm sáng tỏ ra rằng mình biểu hiện lương tâm của dân tộc. Anh có thể đồng ý hay không đồng ý với hoài bão của các người lãnh đạo phong trào, nhưng đấy mới là cốt lõi của vấn đề, mới là động cơ thúc đẩy hành động của họ. 
TĐM: Giai đoạn đầu, ai cũng biết: Phật giáo khởi đầu phong trào lật đổ ông Diệm. Dù muốn dù không, thế là chính trị! Có phải lật đổ ông Diệm là mục tiêu của phong trào?  
CHT: Không phải. Chính xác mà nói, Phật giáo không chống ông Diệm mà chống chính sách kỳ thị tôn giáo của ông ấy. Đây không phải chỉ là lời nói đầu môi; đây là thâm sâu tận bên trong triết lý của đạo Phật. Đạo Phật chỉ xem hành động là có, còn tất cả đều không. Chống, là chống hành động, không chống con người. Cho nên sự chống đối ấy, từ đầu, mang tính văn hóa, đạo đức, chứ không phải chính trị. Các người lãnh đạo nói: đạo Phật là đạo của dân tộc Việt Nam từ xưa, đã làm nên văn hóa Việt Nam, sao bây giờ ông Diệm lại bắt cả cái dân tộc đó phải hát suy tôn ông khi chào cờ "xin Thượng đế ban phước lành cho Ngưởi"? Văn hóa truyền thống Việt Nam không có khái niệm "thượng đế", không có ngôn từ "ban phước lành". Ai có khái niệm đó thì cứ xin, sao lại bắt ai ai cũng phải nhất tề xin, mà lại xin trước cái biểu tượng thiêng liêng là ngọn quốc kỳ? Thượng đế và quốc kỳ là một? Nhà nước và Nhà thờ là chung? Cái nhục ấy, trước tiên, là nhục văn hóa hay là nhục chính trị? Uất ức chồng chất trong chín năm không phải vì ông Diệm là tín đồ của một tôn giáo nào, mà vì ông đã cuồng tín tôn giáo đến mức làm nhục một gia tài văn hóa trong đó Phật giáo là một bộ phận chính. Ấy chỉ là một ví dụ trong trăm ngàn uất ức chồng chất như non. Từ đó, lộ ra đặc tính đạo đức. Đạo đức ở đây là chống bất công. Buồn cười không thể tưởng tượng về cái Dụ số 10: Dụ này không xem Phật giáo như một tôn giáo mà chỉ như một hiệp hội, ngang hàng với các hiệp hội từ thiện, mỹ nghệ, tiêu khiển, thể thao! Tôn giáo thì chỉ có một thôi, là Thiên chúa giáo vì Thiên chúa giáo không nằm trong Dụ số 10. Lại cũng buồn cười không kém cái lý do mà ông Diệm gạt ngày Phật Đản ra khỏi danh sách nghỉ lễ hàng năm: khi Phật sinh ra, Phật chưa là Phật, còn khi Chúa sinh ra, Chúa đã là Chúa. Phật giáo phải đứng dậy để đòi cái gì? Buồn cười ra nước mắt: đòi dẹp bỏ Dụ số 10 để mình được làm… tôn giáo như ai! Không nhận ra cái bất công khủng khiếp này thì không hiểu được cái nhục mà tôi gọi là cái nhục gia tài, cái nhục không riêng gì của thế hệ lúc đó mà nhục cả cha ông từ bao nhiêu thế hệ trước. Thành công của phong trào Phật giáo trong vụ nổi dậy năm 1963 là do ở chỗ dân chúng cảm lây cái nhục đó. Từ một động cơ có tính văn hóa và đạo lý,  chống đối ông Diệm trở thành chính trị khi quần chúng và sinh viên phát triển tranh đấu đòi bình đẳng tôn giáo lên thành tranh đấu chống độc tài gia đình trị. 
TĐM: Dụ số 10 không phải có từ thời ông Diệm mà đã có từ thời Bảo Đại. Ông Diệm chỉ thừa hưởng. 
CHT: Đúng vậy! Và chính vì vậy mà cái nhục của Phật giáo được dân tộc san sẻ, trở thành cái nhục chung. Một đạo dụ, ban hành dưới thời bán thuộc địa Liên Hiệp Pháp, xếp tôn giáo truyền thống của dân tộc vào loại vô tôn giáo, lại được một chính quyền mang tiếng là độc lập trân trọng giữ y nguyên văn, áp dụng triệt để, như thể là con thừa tự! Độc lập chỗ nào? Nhục cho cả nước. Dân chúng miền Nam bị tròng hai cái ách vào cổ: cái ách độc tài chính trị và cái ách độc tài tôn giáo. Ông Diệm muốn độc chiếm cả cái đầu lẫn con tim. Được người Mỹ nâng lên hàng lãnh tụ thế giới, ông tuyên bố thẳng thừng: muốn chống lại miền Bắc cộng sản, miền Nam phải trở thành Thiên chúa giáo, Nhà thờ là "thành trì chống lũ về tâm linh của dân tộc"
          Tôi không muốn dài dòng về chuyện này vì ai cũng biết. Nói chừng đó là đã đau lòng lắm rồi. Đau lòng cho Phật giáo vì khơi lại một vết thương. Đau lòng cho cả các bạn Thiên chúa giáo vì tôn giáo cao quý của các bạn bị cả một gia đình và cả một lực lượng quá khích lạm dụng để cai trị và đàn áp. Thế chẳng phải là văn hóa? Thế chẳng phải là đạo lý? 
TĐM: Đúng là ở Việt Nam, khác với các nước thuộc địa khác, không có một giai đoạn mà người nghiên cứu gọi là giai đoạn giải thực, decolonisation. Vừa độc lập đã chiến tranh. Vừa hết chiến tranh với Pháp đã tiếp nối chiến tranh với Mỹ. Không có một giai đoạn nào ngưng nghỉ để cả dân tộc suy nghĩ lại về cái được cái mất, xét về khía cạnh văn hóa, trong thời thuộc địa. Nhưng dù vậy đi nữa, Phật giáo đã hồi sinh năm 1930. Phật giáo đã hồi sinh trong một bối cảnh chính trị và văn hóa bất lợi. Cũng vậy, trong hoàn cảnh chính trị và văn hóa bất lợi của năm 1963, phong trào Phật giáo đã có thể nổi dậy, hồi sinh. Ngoài cái nhục mà anh đã nhấn mạnh như là động cơ, còn có những yếu tố văn hóa gì đến từ bên ngoài hỗ trợ cho động cơ đó? 
CHT: Cuộc nổi dậy 1963 bắt đầu ở Huế, sau khi xe bọc sắt của ông Diệm nổ súng vào quần chúng tụ tập trước đài phát thanh để nghe truyền lại buổi lễ Phật đản, giết chết 7 em bé. Máu đã chảy ra tại Huế, tất nhiên phong trào bắt đầu từ Huế. Nhưng nếu phong trào bùng lên được, chính là nhờ vị thế văn hóa của Huế, đặc biệt hơn ở đâu khác. Huế là đất của chùa. Đại đa số dân chúng là Phật tử. Một thành phố hiền lành. Một thành phố tiểu công chức, tiểu thương gia, vừa đủ tiền để cho con ăn học và lấy học thức làm thước đo đạo đức và thành công.. Nơi con đường chính của thành phố, ngắn chỉ vài trăm thước, có đến hai ba nhà sách, tấp nập khách học trò. Thành phố này là thành phố học trò, đẹp nhờ học trò, hoa bay bướm lượn thanh khiết tà áo học trò. Nếu muốn tìm một thành phố cổ truyền đẹp thuần túy Việt Nam hồi đó, Huế là tiêu biểu. Lạ một điều là quân đội Mỹ biết đặc diểm đó hơn ai cả. Trong suốt chiến tranh, họ biến Đà Nẵng thành ra một thành phố đầy lính và phụ nữ phục vụ lính, nhưng ở Huế, lính Mỹ đóng bản doanh ở ngoại ô, không được phép vào thành phố. Ngoài sách vở, báo chí và nhà trường, cả cái thành phố tiểu công chức ấy mua vui trí thức hàng ngày với cái đài BBC. Trong cuộc nổi dậy 1963, lính của ông Diệm có thể vây chùa Từ Đàm, nhưng vây hàng ngàn cái máy thu thanh thì vô kế khả thi.
          Biết Huế là thành phố văn hóa, và văn hóa Phật giáo, ông Diệm đánh một chưởng văn hóa bằng cách thành lập Đại Học Huế, đại học thứ hai sau Sài Gòn. Hành động này hợp lý và đáng khen, vì cả miền Trung không có đại học, con em nhà nghèo không có đường tiến thân. Nhưng thâm ý của tổng giám mục Ngô Đình Thục không phải thế: đại học Huế phải là nơi truyền đạt triết lý tôn giáo của chế độ, khác với đại học Sài Gòn lúc đó hãy còn giữ phần nào ảnh hưởng văn hóa phóng khoáng của Pháp. Chưa đủ thời gian để thực hiện chính sách, ông Diệm đã lấy gậy ông đập lưng ông: Đại học Huế cung cấp một lượng giáo sư và sinh viên đủ tâm huyết để lao vào phong trào 1963. Trong thành phố học trò ấy, tiếng nói của các ông giáo có một sức động viên đặc biệt và máu nóng của sinh viên truyền hăng hái vào mọi gia đình.
          Phong trào tranh đấu nào cũng có biểu tượng. Thật lạ kỳ: xe bọc sắt của ông Diệm bắn bừa vào quần chúng, vậy mà 7 xác chết là 7 em bé, 7 em học trò. Biểu tượng của phong trào là 7 em bé trắng trong. Trắng trong như biểu ngữ trương ra sau đó: tuyệt nhiên chỉ đòi hỏi bình đẳng tôn giáo.  Trong thành phố mà linh hồn là học trò, cái chết của 7 em bé học trò gây một ấn tượng mạnh trong tuổi trẻ: sinh viên đứng dậy với quần chúng Phật tử vì bạo quyền bắn vào lý tưởng của họ, bắn vào chính cái trong trắng của tuổi trẻ. Ấn tượng càng mạnh hơn khi bác sĩ Wulff, giáo sư đại học Đức qua dạy tại Huế, bồng trong tay xác các em bé máu me nhầy nhụa.  
TĐM: Nhưng quan trọng hơn nữa là 7 cái áo lam của 7 em bé… 
CHT: Đúng vậy. Máu chảy thấm ướt áo lam. Một biểu tượng văn hóa không gì mạnh hơn. Bởi vì, tôi lại nói như một điệp khúc, bắn vào áo lam là bắn vào văn hóa, không phải riêng gì của Phật giáo, mà của truyền thống, của dân tộc. Các nhà lãnh đạo phong trào nhìn vấn đề như vậy. Và chính cái nhìn đó tạo nên sức mạnh tinh thần ghê gớm, bất chấp mọi đàn áp, mọi hy sinh. Sài Gòn đã từng là trung tâm phản đối chính trị: nào là của nhóm các nhân sĩ Caravelle, nào là đảo chánh 1960, nào là ném bom trên Dinh Độc Lập năm 1962… Nhưng đối kháng chính trị chẳng ăn nhằm gì đâu so với đối kháng văn hóa. Đối kháng văn hóa mới là đối kháng từ cốt tủy. Lịch sử đã chọn đúng Huế để nổ ra đối kháng đó. Và lịch sử cũng đã chọn đúng người để lãnh đạo đối kháng. 
TĐM: Hòa thượng Trí Quang? 
CHT: Vâng, lúc đó hãy còn là thượng tọa. Dưới đây, tôi gọi bằng "thầy" cho tiện. Ai ở trong giai đoạn lịch sử đó, dù ở trong phe bạn hay phe nghịch, dù là chính trị gia hay tướng tá quân nhân, dù là Việt, dù là Mỹ, đều nói: đây là một nhà lãnh đạo xuất chúng. Một sức thu hút không ai bì được. Một charisma, đúng nghĩa của Weber. Nhưng trước hết là một lòng tin sắt đá. Tin rằng Phật giáo và văn hóa Việt Nam là một. Tin rằng Phật giáo phải luôn luôn tự mình xứng đáng để vẫn là một với Việt Nam. Muốn hiểu phong trào Phật giáo lúc đó phải hiểu con người này. Phải đọc những gì ông viết, hoặc đã in ra, hoặc chưa in. 
TĐM: Chưa in thì làm thế nào mà đọc? 
CHT: Nguyễn Du than thở: "bất tri tam bách dư niên hậu". Nhưng chưa đầy ba trăm năm sau thiên hạ đã khóc Tố Như rồi. Lịch sử là một tấm gương, cái gì rốt cuộc rồi cũng phản chiếu vào đó. Tôi đọc một đoạn nhỏ trong tấm gương đó nhé, chưa in hay in rồi không quan trọng:
          "Phật giáo không thích ứng với chính trị mà thích ứng với văn hóa. Phật giáo tồn tại bởi dân tộc, không như tôn giáo khác tồn tại vì chính quyền. Hồi nhỏ, một hôm tôi xuống đò ngồi với một số người. Trong khi chờ qua sông, họ đua nhau kể ra những hoạt động đêm qua của kháng chiến. Đang kể bỗng im bặt. Họ thấy một giáo sĩ cũng sắp xuống đò qua sông. Họ không e ngại một tăng sĩ mà e ngại một giáo sĩ. Chuyện này củng cố cho tôi sự nhận định về vị trí của Phật giáo. Phật giáo dại gì đánh mất niềm tin cậy của dân gian?" 
TĐM: Tuy vậy, tuy không ham chính trị, nhưng có lẽ vì con người của hòa thượng Trí Quang quá sắc bén nên các ký giả Mỹ và cả nhà cầm quyền Mỹ vẫn cứ thắc mắc về hai câu hỏi có liên hệ với nhau: một, là hòa thượng có phải muốn Phật giáo trở lại vị thế quốc giáo không, và hai, có thể có chiến tranh giữa Phật giáo và Thiên chúa giáo không? Báo Mỹ lúc đó viết về hòa thượng như là "Makarios của Đông Nam Á". Makarios là tổng giám mục và tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Chypre năm 1960. 
CHT: Sự thực không có gì đơn giản hơn. Các ký giả Mỹ cũng đã hỏi thầy: "Bản thân thượng tọa ưa muốn gì?" Câu trả lời là: "Là dịch sách Phật giáo. Việc làm như bây giờ chỉ là bất đắc dĩ, rất bất đắc dĩ". Muốn kiểm chứng xem câu nói đó có trung thực không, chỉ cần nhìn thầy sống như thế nào từ 1975 đến nay: đóng cửa, không tiếp khách nào, không màng thế sự, không hơn thua, không thị phi, suốt ngày chỉ dịch kinh, bình chú. Bởi vậy, đừng xem câu trả lời sau đây của thầy về chuyện "quốc giáo" là nói kiểu ngoại giao: "Vị thế quốc giáo xưa của Phật giáo quả thực tráng lệ mà siêu thoát. Dầu là quốc giáo, Phật giáo đã không độc tôn, không kỳ thị, bao giờ cũng là đóa sen không nhuốm bẩn. Truyền thống đó, Phật giáo phải bảo trọng. Chính vì bảo trọng truyền thống đó mà, thời nay, Phật giáo phải bảo thủ vị thế tôn giáo thuần túy của mình".
          Còn câu trả lời về "chiến tranh", có chiến tranh tôn giáo không? Này đây, gọn lỏn: "Không. Tương tranh còn không thể có, nói chi đến chiến tranh". Triết lý Phật giáo nhấn mạnh trên "nghiệp". Nghiệp, tức là hành động. Hành động có thiện, có ác. Chống, là chống cái ác của hành động, không chống con người, không thù hận với con người. Với tôn giáo cũng vậy, không có chuyện tôn giáo này chống tôn giáo kia, chiến tranh tôn giáo là chuyện man rợ, chuyện của địa ngục. Ai đọc thầy Trí Quang lúc đó sẽ để ý thầy nhắc lui nhắc tới hoài với quần chúng Phật tử một chữ, chữ "khác": Phật giáo phải "khác" với các tôn giáo ở phương Tây về chuyện quyền hành, về chuyện thánh chiến. Dưới sự lãnh đạo của thầy, phong trào Phật giáo không đi ra khỏi mục tiêu văn hóa - văn hóa theo nghĩa rộng. Phong trào chống chiến tranh từ 1966 cũng vậy, cũng chỉ nhắm mục tiêu ấy thôi. 
TĐM: Trong giai đoạn 1964-66, báo chí Mỹ đặt rất nhiều câu hỏi về hòa thượng Trí Quang, không hiểu tại sao nhà lãnh đạo này chống hết chính quyền này đến chính quyền khác. Năm 1966, ông mở phong trào đòi bầu cử Quốc hội lập hiến. Nhà cầm quyền Mỹ, cũng như tòa đại sứ Mỹ, nghĩ rằng ông đòi bầu cử Quốc hội là để chiếm đa số, để hất Thiệu-Kỳ, để khuynh loát chính trường miền Nam. Họ nói: ông không phải là vua, nhưng ông muốn là người tạo ra vua. Đúng chăng? 
CHT: Lầm to! Trong quá khứ, lúc đó, bây giờ, và mãi mãi, Phật giáo không dính vào chính trị. Đạo Phật "nhập thế" là nhập thế vào xã hội, nhắm vào con người mà cho vui, cứu khổ, nhưng đạo Phật "siêu thoát" thế gian, nhất là siêu thoát khỏi chính trị. Các quốc sư ngày xưa đã để lại tấm gương trong sáng vằng vặc. Các vị ấy ở trong núi. Không ở trong kinh thành. Tại sao thầy Trí Quang đòi bầu cử Quốc hội? Tại vì có Quốc hội thì mới có cái thế hợp pháp để đòi người Mỹ chấm dứt chính sách chiến tranh. Người Mỹ lúc đó quyết liệt chủ trương một đường lối duy nhất là chiến tranh đến cùng, "hòa bình là chiến tranh tàn lụi", họ nói vậy. Được cái thế đó, Thiệu-Kỳ trương lên cái bảng hiệu "nội các chiến tranh", tiền hô hậu ủng với người Mỹ, hai dạ một lòng. Dễ gi nói lên tiếng nói hòa bình trong tình thế đó! Làm sao nói? Chỉ có cách là làm cho dư luận ở tận bên Mỹ thấy rằng đó là tiếng nói, đó là nguyện vọng của dân phát biểu qua cơ quan dân cử. Kết hợp nguyện vọng hòa bình với ác cảm của quần chúng đối với các chế độ tướng tá, đòi hỏi Quốc hội lập hiến được dân chúng nhiệt liệt hưởng ứng, từ khắp các tỉnh đến tận thủ đô Sài Gòn. Một lần nữa, tiếng nói của Phật giáo đồng hóa với tiếng nói của quần chúng. Mà tại sao Phật giáo đòi hỏi hòa bình? Chính trị gì chăng? Không! Văn hóa! Đòi hòa bình vì chiến tranh đe dọa sự tồn vong của dân tộc, nuôi dưỡng sự tha hóa của con người. Đòi hòa bình vì Phật giáo luôn luôn hoài bão rằng mình là lương tâm của dân tộc. Đó là động cơ văn hóa, đạo đức của phong trào 1966. Phật giáo chủ trương: chỉ có văn hóa hòa bình. Không thể có "văn hóa chiến tranh". Không có "văn hóa chém giết", "văn hóa đạn bom". 
TĐM: Dù là đạn bom đến từ phía nào? 
CHT: Câu hỏi này, không thể trả lời ngắn gọn được, xin hẹn một dịp khác. Nhưng dù trả lời thế nào đi nữa, mục đích của phong trào Phật giáo vẫn không ở ngoài hai phương châm - hai phương châm này tóm tắt toàn bộ phong trào Phật giáo từ 1963: bảo vệ "văn hóa dân tộc", bảo vệ "văn hóa hòa bình". Đơn giản chỉ thế. Tôi trích thêm một câu tâm tư của thầy Trí Quang để tóm tắt cả lịch sử của giai đoạn biến động ấy và cũng để soi sáng con người đặc biệt của thầy: "Tổng chi, tôi có tham vọng không? Có, mà có đến nỗi có người đã nói hơi chướng nữa. Tham vọng của tôi không mơ mộng Phật giáo trở lại vị thế quốc giáo như thời xa xưa, càng không muốn Phật giáo thành một Thiên chúa giáo thứ hai! Tôi chỉ mong ước, trong cơn nghiêng ngữa của đất nước, ai nhìn vào Phật giáo cũng nghĩ rằng đất nước này còn có cái ấy". 
TĐM: Thầy có được vừa ý không? 
CHT: Không. Thầy nói: Chuyện của thầy là "Cao cao sơn thượng hành thuyền / Thâm thâm hải đề mã tẩu". Chuyện "ngựa phi dưới nước, thuyền chèo trên non". 
TĐM: Hôm nay là ngày 30-4. Anh có ý nghĩ gì để nói thêm? Ít nhất là về hòa bình, phương châm thứ hai của Phật giáo? 
CHT: Tôi vừa đọc báo Đại Đoàn Kết viết bài để kỷ niệm ngày 30-4 năm nay, 2011. Thú thật, tôi cảm động. Bài báo trích một câu của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì vậy, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu". Ông nói thêm: "Theo tôi, đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước hay ở bên ngoài. Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ-Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ".
          Cố thủ tướng gọi chính phủ Dương Văn Minh là "chính phủ". Và ông vinh danh một "Sài Gòn nguyên vẹn". Giá như thủ tướng còn sống để đọc một câu hồi ký của hòa thượng Trí Quang mà tôi trích nguyên văn ở đây nhân ngày 30-4: "Cuối cùng, vào một buổi chiều, ông Minh gặp tôi. Ông đưa ra hai mảnh giấy của người ta báo cáo mật cho ông. Một, cho biết ngân hàng bị rút tiền gần sạch. Một, vẽ một họa đồ quân sự tuyệt vọng - mảnh giấy ghi chú bằng chữ Mỹ. Ông nói, nếu vì tiền thì tiền hết rồi, nếu vì chức thì chức quốc trưởng ông đã làm, nếu vì cứu vãn quân sự thì đã vô vọng. Nhưng, ông nói, ông phải cứu dân khỏi chết vô ích. Tôi nói, đại tướng nói y như ý hòa thượng viện trưởng Trí Thủ mới nói sáng nay. Tôi thuật lại câu nói ấy, và rằng tôi xin làm chứng cho đại nguyện "thay người chịu khổ" của bản thân và bằng hữu của đại tướng".
          Hòa thượng Trí Thủ nói gì sáng ấy? Giữa buổi họp đông đảo của Viện Hóa Đạo, hòa thượng nói: "Tôm cá còn mua mà phóng sinh, huống hồ người chết mà không cứu?"
          Người Pháp có câu nói: "Các đầu óc lớn thường gặp nhau" ("Les grands esprits se rencontrent"). Tất nhiên họ muốn nói: gặp nhau trên tư tưởng. Tuy vậy, hai đầu óc lớn trên đây, hai con người cùng đặt Dân Tộc lên trên hết ấy, hai nhân vật lịch sử ấy dám gặp nhau không phải chỉ trên tư tưởng. Nhưng một người đã chết quá bất ngờ, một cánh cửa chưa kịp gõ, và con tàu lịch sử đã rời nhà ga thiếu một hành khách. Lịch sử vốn vậy, không vô tình nhưng lắm khi trớ trêu, khiến bao nhiêu cuộc hẹn bỗng thành lỗi hẹn !
 
Chú thích
[1] Extrême-Asie, 26-8-1961.
[2] Révolution Africaine, n° 20, 15-6-1963.
 
Nguồn: Thời đại mới(5/2011)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513241

Hôm nay

227

Hôm qua

2315

Tuần này

21178

Tháng này

220114

Tháng qua

121356

Tất cả

114513241