Cuộc sống quanh ta

Tướng Lê Quảng Ba - Người bảo vệ lãnh tụ Nguyễn ái Quốc tại Pác Bó

Tròn bảy mươi năm về trước, ngày 28-1-1941, Tết Tân Tỵ, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc đã vượt cột mốc 108 biên giới Trung Quốc - Việt Nam địa phận thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người dẫn đường bảo vệ và đưa lãnh tụ Nguyễn ái Quốc cùng đoàn cán bộ cách mạng gồm các đồng chí Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Lộc, Thế An, Đặng Văn Cáp về nước ngày ấy là tướng Lê Quảng Ba.

Tôi đang loay hoay đi tìm thân nhân của Thiếu tướng Lê Quảng Ba thì được ông Hoàng Văn Chương - con trai cụ Hoàng Văn Kiểu, ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng khóa III (1960), Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Lâm nghiệp (1976), Trưởng Ban Dân tộc Trung ương, Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc của Chính phủ (1979 - 1982) - cho biết: Cụ bà Lê Quảng Ba là hàng xóm với gia đình ông.

Vậy là tôi tìm đến khu tập thể Trung Tự quanh co vào một chiều muộn.

Bà quả phụ Lê Quảng Ba tên thật là Hoàng ThịĐào. Cụ ông, cụ bà Lê Quảng Ba cùng là người dân tộc Tày, cùng quê xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Trong căn buồng nhỏ trên gác hai, bên cạnh bàn thờđặt di ảnh Thiếu tướng Lê Quảng Ba rất giản dị, trên tường là Huân chương Hồ Chí Minh của cụ ông, bằng chứng nhận Có công với nước của cụ bà và bức ảnh cụ bà tặng lại những kỉ vật của Thiếu tướng Lê Quảng Ba cho Bảo tàng Quân sự. Năm nay đã sắp bước sang tuổi 90 nhưng cụ bà vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Giọng quê hương bao năm không đổi thay, chiều hôm ấy nhà cách mạng lão thành Hoàng ThịĐào đã cung cấp cho tôi những tư liệu về tướng Lê Quảng Ba.

*

Vào tiết cuối năm Canh Thìn (1940), trời rét, Lê Quảng Ba dẫn cảđoàn gồm 41 người được huấn luyện trong lớp quân sự của Trương Bội Công (do Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm làm trợ giáo), đi gấp về phía biên giới. Quá trưa thì đoàn đã gần tới Lục Tùng cách Tĩnh Tây trên hai mươi cây số. Hai ngày sau đoàn vềđến vùng hoạt động cũ của các đồng chí Hà Quảng và được lệnh dừng chân lại ở làng Nậm Quang và Ngàm Tẩy để tuyên truyền vận động quần chúng.

Gần một tháng sau Bác cũng về tới Nậm Quang. Tại đây đoàn được dự một lớp huấn luyện chính trị do Bác đặt chương trình và trực tiếp chỉđạo. Các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, biên soạn chương trình và trực tiếp giảng dạy.

Nhớ lại ngày “Bác Hồ về nước” Thiếu tướng Lê Quảng Ba đã kể lại cho nhà văn Hà Minh Tuân ghi và được in trong tập hồi kí “Đầu nguồn” (Nhà Xuất bản Văn học 1975):

Vào kì 28-30 Tết ở Nậm Quang, nhà nào cũng giết lợn. Có ngày hai ba nhà cùng mời ăn; Bác đến thăm hỏi từng gia đình, nói chuyện thân mật vui vẻ với người già bằng tiếng Pạc. Phong tục người Nùng ở Ngậm Tẩy không để khách ngủở nhà từđêm 30 Tết đến trưa ngày mồng một, Bác khuyên anh em lên lán ở. Ngày Tết người ta thường đưa tiền phong bao cho các cháu. Bác đã chú ý sớm đến tục lệ này. Bác cho đổi sẵn tiền xu. Tết đến, tất cả các cháu ở hai làng Nậm Quang, Ngàm Tẩy đều nhận được tiền phong bao của cán bộ Việt Nam, mỗi gói một xu đồng.

Tôi không quên được những buổi chiều lành lạnh, cơm nước xong, Bác ung dung dạo chơi với chúng tôi ở các nương sau làng. Trò chuyện thân vui, thoải mái như cha con một nhà.

Bác hỏi thăm từng người, chăm chú lắng nghe tôi kể về bước đầu giác ngộ cách mạng của tôi. Bác mỉm cười ngoảnh nhìn tôi âu yếm, khi tôi kể lại buổi lễ tuyên thệ vào Đảng cách đây đã bảy năm, Bác hỏi:

- Thế ngày ấy chú có tin là cách mệnh rồi sẽ thành công không?

- Cháu có tin nhưng thấy còn xa xôi lắm. Cháu cứ nghĩ: chắc chắn mình sẽđược một phen sống mái với quân thù. Có thể mình chết mà chưa nhìn thấy cách mạng thành công.

Lớp huấn luyện kết thúc vào ngày cuối năm, các đồng chí Dương Hoài Nam (bí danh của Võ Nguyên Giáp) và Lâm Bá Kiệt (bí danh của Phạm Văn Đồng) trở lại Tĩnh Tây. Năm đồng chí Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc và Lê Quảng Ba được theo Bác từ Nậm Quang (Tĩnh Tây) về nước…

Tiết xuân trời đẹp.

Chúng tôi ăn cơm sớm ở Nậm Quang, chào bà con, rồi lên đường.

Trong bộ quần áo chàm Nùng, Bác như gầy hơn. Ngước nhìn gương mặt sạm sương gió của Người, lúc này tôi mới chỉ nhận thấy một dáng vẻ ung dung, điềm tĩnh, rất thân quen.

Tôi dẫn Bác theo những vệt đường mòn, lượn giữa các nếp núi tiếp nối nhau ở vùng biên giới hướng về Cao Bằng. Bác cầm một cây gậy nhỏ nhưng chỉ khi xuống dốc Bác mới chống, chân Bác bước mau lẹ, dẻo dai như một thanh niên.

Bác vừa đi đường vừa nói chuyện. Tôi kể lại với Bác tin tức mới nhận được qua thư các đồng chí Cao Bằng mới gửi sang…

Vượt lên một đoạn dốc ngắn rồi xuống một sườn núi dài lởm chởm đá, hoa lau dọc sườn núi phớt nâu rung rinh trong nắng. Đồng chí Lê Quảng Ba đã nhận ra cây mậy rẫy (cây si) xum xuê như một cây đa cổ thụ, mọc không xa mốc đá 108. Mốc đá như một tấm bia, hai mặt có khắc chữ Trung Quốc và chữ Pháp.

Bác dừng lại cúi đọc những chữ khắc sâu trên đá. Rồi Người hướng tầm mắt nhìn vọng hồi lâu về dải đất Tổ quốc trùng điệp… Bác dừng lại một chút nữa bên một dãy ghếđá thiên nhiên có nhiều hình dạng. Người nhìn sâu vào khoảng đất trời Tổ quốc biết bao đẹp đẽ nhưng đang đầy đau thương.

Người đã xúc cảm những gì, đã suy nghĩ những gì trong giây phút lịch sửđó?

Đứng cạnh Bác trên cái mốc biên giới đã quen biết ấy, nghĩ tới quê hương thân thiết ruột rà, tôi cảm thấy mình vô cùng gần gũi Bác nhưđứa con yêu quý ở bên cha, như người chiến sĩđứng sau lá cờ người tổng chỉ huy sẵn sàng nhận lấy nhiệm vụ khó khăn nhất.

Từ cột mốc 108 nhìn về Nam chỉ thấy những ngọn núi nhấp nhô.

Đồng chí Lê Quảng Ba dựđịnh sẽđưa Bác vềở tạm nhà sàn của gia đình ông Máy Lì, người dân tộc Nùng, cơ sở cách mạng. Nhà ông đơn sơ gồm hai gian nhỏ và một gian mới làm thêm. Đến trưa Bác tới nơi. Ông Máy Lì ân cần đón tiếp Bác và cảđoàn. Bác ngồi uống nước, trò chuyện thân mật với ông Máy Lì như một người nhà vừa đi xa về.

Chợt Bác quay sang đồng chí Lê Quảng Ba nói nhỏ:

- Ta nhiều người nên ở trong núi thôi.

Ông Máy Lì nghe rõ, liền năn nỉ:

- Cụ và các bác cứở nhà đây tiện hơn, không sao đâu mà.

Bác mỉm cười với chủ nhà, tỏ ý cám ơn. Trong thâm tâm mình, Bác thương gia đình ông Máy Lì, không muốn gia đình ông phải ở chật chội.

Bác nói có ý dứt khoát:

- Thôi, sáu sán! (tức ở rừng) 

Không giữđược đoàn ở lại nhà mình, ông Máy Lì nói:

- ở ngọn núi kềđây có hang kín đáo lắm, chỉ khi có thổ phỉ chúng tôi mới chạy tới thôi.

Ông Máy Lì dẫn đoàn đi về phía hang núi. Leo lên một đoạn đá lởm chởm thì mọi người đến cửa hang.

Đang trưa, nắng xuân. Nắng lọt qua các kẽ lá lọt vào hang. Một cái hang nhỏ nhưng đủ chỗở cho mấy người. Gần kề vách hang trong nổi lên một tháp đá thiên nhiên cao vượt đầu người; nước mưa bao năm đã mài gọt phần ngọn tháp trở thành một nhũđá trắng. (ít hôm sau Bác tạc nhũđá này thành tượng Các Mác). Gió khô và lành lạnh vi vút cửa hang. Vào sâu trong hang không khí ẩm hơn. Hang ăn thông ra một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới. Người ta gọi đó là hang Cốc Bó tức hang Đầu nguồn. Bác bằng lòng ở tạm đây.

Ông Máy Lì đem tới bốn tấm ván dài ngắn khấp khểnh, và một tấm cót rách. Ván kê lên chỗ lõm phía trong, phía ngoài nền hang bằng phẳng hơn, chúng tôi lót cót cắt lá mạy téc rải đệm nằm cho đỡ lạnh và đỡđau lưng. Tay chúng tôi rải lá mà lòng cứ chộn rộn xót thương! Bác ra đi lúc đương thì trai tráng nay tóc Người đã có phần bạc, mà chúng tôi không xếp đặt được cho Người một tấm giường êm, một mái nhà ấm! Giữa khi ấy Bác từ dưới suối lên.

Bác gọi tôi bảo dẫn Bác và anh Phùng Chí Kiên đi xem xét địa thế quanh hang. Bác lanh lẹ tươi tỉnh tưởng như không phải vừa đi bộ từ sáng tới đây. Chúng tôi dừng lại bên bờ suối, rửa tay rửa mặt. Bác hồn nhiên nói với hai chúng tôi:

- Mình vừa nẩy ra cái ý này: dòng suối của ta đẹp quá trong xanh như ngọc ấy, lại bắt nguồn từđây, nên đặt tên là suối Lê-nin. Còn ngọn núi hùng dũng kia (Bác chỉ tay về phía sau bên trái) chúng ta gọi là núi Các Mác, các đồng chí thấy có được không?

Anh Kiên và tôi cùng cười, tán thưởng ý kiến của Bác.

*

Trước đó, từ cuối mùa đông năm 1939, đầu năm 1940, Lê Quảng Ba và Trần Sơn Hùng (tức Thiếu tướng Hoàng Sâm) được giao nhiệm vụ bảo vệ căn cứđịa cách mạng. Những câu chuyện này và nhiều “huyền thoại” khác về họ vẫn được kể bên bếp lửa đỏ của người Tày, người Nùng, người Dao ở Việt Bắc…

Chuyện bảo vệ lãnh tụ tại Cao Bằng, nhà văn Đỗ Quang Tiến đã xây dựng trong truyện “Vòm trời biên giới” (Tuổi trẻ Lê Quảng Ba), nhà xuất bản Việt Bắc 1972. Năm 1987, Thiếu tướng Lê Quảng Ba kể lại cho Đại tá nhà báo Hoàng Thế Dũng câu chuyện những ngày bảo vệ Bác Hồ tại Pác Bó dưới dạng hồi kí, và 100 ngày trước khi ông ra đi vĩnh viễn, cuốn sách đãđược hoàn thành. Tháng 12-1994, kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cuốn sách “Bác Hồ với đội du kích Pác Bó” đãđược chào đời bởi bà đỡ mát tay là Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc.

Năm ấy, ở Hà Quảng, Cao Bằng cũng như nhiều năm trước, có không ít bọn phỉ cướp phá. Châu ủy Đảng Cộng sản đã lập được đội du kích và phát động phong trào phòng, chống phỉđể canh giữ thôn, bản và dự kiến nhiều phương án đối phó nếu phải chạm trán với chúng. Một yêu cầu đề ra cho đội du kích là: vạn bất đắc dĩ mới đối đầu với chúng. Kể ra, Đội Du kích Pắc Bó này cũng không phải là vô sản. Họ có hai khẩu súng ngắn pặc-khoọc, một số lựu đạn Italia và lựu đạn chày mua của Quốc dân đảng.

Bọn phỉ cũng biết đội du kích và cả 2 cán bộ lãnh đạo: ông Lê (tức Lê Quảng Ba) và ông Trần (tức Hoàng Sâm). Nhằm thị uy, trấn áp, thăm dò lực lượng xem cái gan hai ông này thế nào,đểđối phó, làm ăn, nên chúng bày mẹo mời thi uống rượu, thi bắn súng.

Một hôm, trời quang, mát mẻ, chúng kéo quân về Pác Bó, đặt 1 khẩu trung liên trên đồi, chiếm điểm cao, 2 khẩu còn lại, 1 đặt trước, một đặt phía sau Pác Bó, sẵn sàng nhảđạn.

Vào nhà một quần chúng cách mạng, tên trùm phỉ Lỷ Síu bảo:

- Tao biết ông Trần, ông Lê Cộng sản ở gần đây. Mày báo cho hai vị là Lỷ Síu, muốn mời hai vịđến uống rượu chơi!

Tin vềĐội Du kích Pác Bó. Cán bộ Lê và Trần thảo luận:

- Nó muốn nắn gân mình đây! Không đến, nó cho là hèn, có thể còn cướp cả bản. Nó mà cướp được bản thì đoàn thể mất uy tín, bọn phỉ khác lại tung hoành. Mà đến có khi phải đấu súng.

Cuối cùng, hai người thống nhất là phải đi, nhưng khéo léo, dùng mưu đánh cho trùm phỉ một đòn.

Cùng với việc lệnh báo cho cơ sở tăng cường canh gác, tập trung trung đội, vận động nhân dân “bao vây” Pác Bó. Một mình, một súng pặc-khoọc, cán bộ Trần Sơn Hùng, có nghĩa là “con gấu núi” họ Trần, đàng hoàng bước vào ổ phỉ.

Lỷ Síu ra đón ngay:

- Ông Lê có nhà mà không đến uống rượu với Síu này à?

Cán bộ Trần đáp lời:

- Ông Lê đang huấn luyện cho một đội quân, nếu cần, ông ấy sẽđến. Có gì, ta sẽ mời ông ấy đến sau.

Thức ăn là những tảng thịt lợn, gà luộc chấm muối, rượu từ trong vò rót ra bát, tràn đầy mới dừng tay.

- Rượu ngon, xin mời ông Trần.

Ông Trần chưa bưng bát rượu lên mà thong thả bảo:

- Tôi có lời trước với ông là, ông nên ra lệnh cho quân ông đừng sơ sểnh mà cướp cò súng... Nếu có tiếng nổ, quân tôi tưởng là tôi ra lệnh, họ sẽ rót đạn vào đây. Bữa tiệc của ta mất vui. Ông thấy thế nào?

Bán tín, bán nghi, nhưng cũng e sợ, Lỷ Síu cho lệnh tháo đạn.

Ăn không bao nhiêu, nhưng rượu ông Trần uống thì hết bát này, cạn bát khác...

Lỷ Síu khen:

- Tửu lượng của ông quả là cao. Vui thế này ta nên mời ông Lê đến...

Cán bộ Lê tới, cùng uống rượu, bên hông vẫn kè kè khẩu pặc-khoọc (khẩu thứ hai của đội).

Xong tiệc, trùm phỉ mời 2 vị xuống núi dạo chơi.

Đến một cây si to, Lỷ Síu dừng lại:

- Tài bắn súng của ông Lê đã lừng danh thiên hạ, bách phát bách trúng, tôi vốn có lòng hâm mộ. Hôm nay được hội ngộ, xin được ông chỉ giáo cho.

Ông Lê khiêm tốn:

- Họ nói thế thôi chứ, ông Trần đây mới đáng là đàn anh của chúng tôi. Nhưng nếu ông đã có lời, tôi không dám chối từ. Xin mời ông...

Lỷ Síu chỉ vào một vạch tròn trên cây si bảo, “hồng tâm ở cây si”, rồi giơ súng, bóp cò. Viên đạn chạm vào cách điểm tâm vài phân. Cán bộ Lê rút súng bắn ngay. Tên trùm phỉ hoảng vía:

- Ôi! Đúng hồng tâm rồi!...

Họ rủ nhau đi tiếp. Gặp một bụi nứa nhỏ, Lỷ Síu lại thách:

- Tôi với ông Lê bắn cây hóp to nhất nhé!

Tuy là một tay bắn cừ, hai tay như nhau, thường ngày, tên phỉ này ít bắn sai, nhưng hôm nay bị “ma ám” nên nó bắn không được. Viên đạn của nó chỉ chạm vào cạnh cây hóp, để lại một vết xước nhỏ.

Đến lượt ông Lê, khẩu súng chĩa nhanh về phía bụi cây, xen vào tiếng đạn nổ là tiếng “đốp”, một dóng cây hóp nứt toạc ra.

Lỷ Síu mặt tái lại:

- Quả là danh bất hư truyền.

Chừng vẫn chưa chịu, trùm phỉ lại chỉ một cây đu đủ trước mặt, cách xa chừng năm, sáu chục mét, nói lạc giọng:

- Ta bắn quả chín lồi ra...

Cán bộ Lê lại “mời ông bắn trước”.

Lần này, Lỷ Síu cẩn thận hơn, từ từ nâng súng lên, nheo mắt, bóp cò. Viên đạn xuyên qua quảđu đủ, hạt đen rơi vãi xuống...

Cán bộ Lê khen:

- Giỏi lắm! Giỏi lắm!... Tôi xin phép lấy nó xuống. Chín rồi mà....

Tỳ súng lên khuỷu tay trái, ông Lê nhằm cuống quảđu đủ. Đạn nổ, quảđu đủ bịđạn trúng cuống, rơi bịch xuống đất.

Bấy giờ, tên trùm phỉ vã mồ hôi trán. Nó ấp úng:

- Tôi thật là... Đứng trước Thái Sơn mà không biết. Xin bái phục, bái phục!

Là một tay ném lựu đạn trăm lần không sai lần nào, trùm phỉ lại gạ ném thi lựu đạn. Cách chỗ họđứng khoảng 50m, Lỷ Síu cho xếp đá thành một vòng tròn đường kính khoảng 2m. Nó lịch sự nói:

- Xin mời ông Trần...

Trần Sơn Hùng rút ngay 4 quả lựu đạn Italia bên hông, hào phóng vung tay, đất đá cuội trong vòng tròn tung lên. Còn Lỷ Síu ném một quả chệch vòng tròn, lại không nổ.

Lỷ Síu nói:

- Tôi ném lựu đạn chày quen tay...

Cán bộ Lê cười vui vẻ, ra lệnh cho đồng chí du kích đi theo:

- Đồng chí về báo cáo thủ kho, khiêng ra đây một thùng lựu đạn chày.

Thực ra ta chỉ có 18 quả, để trong 2 thùng, một thùng 8 quả, một thùng 10 quả!

Cuộc thi ném lựu đạn bắt đầu. Ông Trần ném 4 quả 4 lần trúng đích, Lỷ Síu ném 4 quả, 4 lần ra ngoài.

Như con thú say máu, Lỷ Síu lại thách ông Lê:

- Tôi với ông thi bắn súng trường chứ?

Ông Lê ra lệnh:

- Về kho, chọn một khẩu súng trường Bỉ ra đây.

(Như trên đã biết: gia tài của ông Lê chỉ có độc một khẩu Bỉ mà thôi!).

3 lần Lỷ Síu bắn đều trượt, còn 3 phát đạn của ông Lê đều trúng hồng tâm.

Cay cú, trùm phỉđánh con bạc cuối cùng:

- Ta thi bắn trung liên.

Cán bộ Lê, thấy cần phải hạ nhiệt

.- Rất tiếc, chúng tôi không có trung liên.

Lỷ Síu hằn học:

- Chúng tôi biết các ông mới bắn thử trung liên mà.

(Thật ra, cán bộ Lê đã tập trung mấy khẩu súng trường, bắn từng loạt 3 phát một “giả” trung liên rồi cho người phao tin “du kích có súng liên thanh”).

- Nhưng thôi. Tôi biết các ông có đoàn thể nhiều súng, nhiều đạn(!). Còn chúng tôi bắn một viên, ném một quả lựu đạn cũng phải móc ở hầu bao ra. Xin chịu thua các ông.

Thì ra, lúc ném lựu đạn, Lỷ Síu không rút chốt an toàn... để tiết kiệm!

Chắp tay vái chào “kính lễ” xin có dịp tái ngộ, trùm phỉ ra lệnh rút quân.

Cán bộ Lê và Trần cùng mấy anh em đi tắt đường chặn trước đường rút của bọn phỉ. Cho nạp thuốc nhồi mảnh gang vào nòng một loại súng kíp to, cán bộ Lê “khai hỏa”. Khẩu súng gầm lên, bụi cây bị cắt xén, cành lá bay tứ tung. Bọn phỉ còn cách xa, nhưng nghe tiếng nổ, sợ mất vía, chạy tán loạn.

Ông Lê và Trần đến gặp Lỷ Síu. Mặt tên trùm phỉ cắt không còn hạt máu, lắp bắp:

- Súng gì mà to thế các ông?

- à, súng mới nhận ở nước ngoài về. Quân chúng tôi đang tập trận, nên tôi phải đi trước về báo, kẻo lại bắn nhầm vào quân của ông.

Lỷ Síu trầm trồ:

- Các ông đi cách gì mà nhanh thế? Cũng may mà các ông về sớm. Xinđa tạ.

Nó chắp hai tay lại, cúi đầu mấy lần:

- Xin đa tạ, đa tạ. Hẹn tái kiến, tái kiến...

Thế là rừng Pác Bó từđó không thấy trùm phỉ Lỷ Síu xuất hiện. Và chuyện “đấu rượu, đấu súng” đã làm cho tất cả bọn phỉ biên giới “cạch mặt” hai ông “tướng Việt Minh” và đội du kích của đoàn thể Việt Minh được lan truyền khắp nơi. Sợ uy Việt Minh, một số nhóm phỉ khác trong vùng cũng phải dạt đi nơi khác.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Thiếu tướng Lê Quảng Ba được tín nhiệm cử giữ nhiều nhiệm vụ trọng yếu: Khu trưởng Khu Hà Nội (nay là Tư lệnh Quân khu Thủđô), Chỉ huy trưởng Mặt trận Duyên hải Đông Bắc và vượt Thập Vạn Đại Sơn giúp Hồng quân Trung Quốc tiêu diệt quân Quốc Dân đảng giải phóng đất nước và thành lập nước CHND Trung Hoa, Tư lệnh Liên khu Việt Bắc, Đại đoàn trưởng đầu tiên Đại đoàn 316, Tư lệnh Quân khu Việt Bắc… Năm 1960, ông chuyển ngành, làm Trưởng ban Ban Dân tộc Trung ương, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III (1960), Đại biểu Quốc hội từ khóa II (1960) đến khóa VI (1976),ủy viên Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quí khác./.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513243

Hôm nay

229

Hôm qua

2315

Tuần này

21180

Tháng này

220116

Tháng qua

121356

Tất cả

114513243