Cuộc sống quanh ta

GIÁO SƯ BA LAN JERZY BANCZEROWSKI: Tình yêu châu Á, tình yêu Việt Nam

Giữa tháng 2 vừa rồi, nhân dịp đón Năm Mới Việt Nam, tôi tổ chức một bữa tiệc giản dị, mời lãnh đạo Trường đại học Adam Mickiewicz, Khoa Ngữ văn mới, Viện Ngôn ngữ học, nơi tôi đã gắn bó từ 5 năm nay với tư cách cán bộ giảng dạy, cùng một số bạn bè ở Chi hội nhà văn thành phố đến dự, chia vui. Khách không đông về số lượng nhưng phong phú về thành phần nên không phải tất cả mọi người đều biết nhau.

Không có sự sắp đặt ngôi thứ, song cuối cùng khách khứa vẫn tự chia ra thành hai nhóm. Lãnh đạo Trường, Khoa, Viện hình thành một nhóm, những người khiêm tốn nhận mình thuộc „chiếu dưới” hình thành nhóm thứ hai. Giữa buổi tiệc, với tư cách chủ nhân, đôi cầm ly rượu đi chạm cốc khắp lượt. Khi dừng lại ở „chiếu dưới” tôi được ông Trưởng phòng Hợp tác quốc tế kể cho nghe điều mọi người vừa „to nhỏ sau lưng” giáo sư nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Jerzy Banczerowski. Chả là sau mấy câu phát biểu ngắn gọn của ông, một nhà thơ trong ban lãnh đạo Chi hội nhà văn thành phố muốn biết giáo sư Banczerowski đã giữ chức Viện trưởng bao nhiêu năm. Ông tiến sĩ Viện phó đương nhiệm nói: „Chúng tôi không nhớ rõ giáo sư đã lãnh đạo Viện trong bao năm, nhưng lại biết rất rõ những gì ông đã làm cho Viện và luôn tự hỏi: nếu không có giáo sư thì Viện của chúng tôi sẽ có được những gì”. Câu trả lời rất có ý nghĩa đó khiến tôi suy nghĩ mãi. Từ lâu tôi đã muốn viết một bài về giáo sư Jerzy Banczerowski, song lần khân mãi chưa viết. Câu chuyện mọi người vừa trao đổi và câu nói của tiến sĩ Viện phó đã thôi thúc tôi làm việc này, không thể nấn ná thêm.

Nhớ lại năm 1997, sau khi hoàn thành khóa thực tập tại Ba Lan, tôi lên đường về nước, trong lòng rộn lên những cảm xúc khó tả. Dù là người luôn sống lạc quan và luôn tin rằng vận may đã và sẽ mỉm cười với mình, lần này quả thật tôi không dám nghĩ là sẽ có ngày trở lại Ba Lan. Vì thế, khi chia tay bạn bè, tôi nghẹn ngào, nước mắt lưng tròng bởi ý nghĩ về một cuộc chia tay mãi mãi.
Sau khi về nước, tôi được nhận vào làm việc tại Đại sứ quán Ba Lan ở Hà Nội, những tưởng cuộc đời mình sẽ gắn bó đến già với „mảnh đất Ba Lan” trên lãnh thổ Việt Nam. Thế rồi chẳng biết do tình cờ hay có sự sắp đặt nào của số phận, khoảng giữa năm 2005, tôi nhận được lời mời ký hợp đồng giảng dạy tại Đại học Adam Mickiewicz, Poznan. Tôi đồng ý ngay, không chút do dự. Cuối tháng 9 năm đó, tôi „khăn gói” lên đường, mang theo cả vợ và con, bắt đầu một cuộc sống mới, không phải cuộc sống của sinh viên hay nghiên cứu sinh mà là cuộc sống của một giáo sư trên bục giảng trường Bạn.
Không thể nói là tôi đã lên đường một cách thanh thản. Poznan tuy là một trong những thành phố lớn, có lịch sử lâu đời, được ghi nhận cả trong chính sử lẫn dã sử Ba Lan, song không hiểu vì lý do gì, suốt nhiều năm ở Ba Lan, trừ một vài lần có dịp đi qua, tôi chưa bao giờ lưu lại đến một vài ngày. Trước đó tôi cũng chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc một trường đại học tổng hợp có tiếng ở Ba Lan như Đại học Adam Mickiewicz lại mở ngành ngữ văn Việt Nam đào tạo bậc đại học, cấp bằng cử nhân. Tôi còn có thêm tâm trạng lo lắng nữa là không biết công việc của mình sẽ như thế nào trên cương vị mới này. Nhưng rồi mọi lo lắng của tôi đã trở nên vô ích khi tàu vừa dừng lại trên sân ga của nhà ga trung tâm thành phố Poznan, tôi nhìn thấy một người Ba Lan tuổi không còn trẻ, đầu tóc bạc phơ, cùng hai thanh niên hướng cái nhìn tìm kiếm về phía các toa tàu. Chẳng khó khăn gì, tôi đã nhận ra người đích thân đi đón tôi là giáo sư Viện trưởng Jerzy Banczerowski. Và giáo sư cũng chẳng mất nhiều thời gian để nhận ra tôi. 
Khi được biết ở Viện Ngôn ngữ học có đến mấy chục giáo viên nước ngoài đang giảng dạy, tôi mới thấy việc giáo sư cùng hai cán bộ trẻ của Viện ra tận ga đón mình là một cử chỉ thể hiện sự ưu ái đặc biệt. Sau đó giáo sư mời tôi ăn trưa, chuyện trò thân tình như hai người bạn thân lâu ngày gặp lại. Những ngày sau đó, sự quan tâm đến từng chi tiết nhỏ của giáo sư đối với tôi khiến tôi xúc động và yên tâm với công việc mới của mình.
          Giaos sư Jerzy Banczerowski là người cống hiến cả cuộc đời mình cho khoa học. Ông tốt nghiệp đại học Poznan năm 1961 và được giữ lại trường giảng dạy cho đến tận hôm nay. Con đường khoa học của ông, nếu gọi là thẳng băng từ tấm bằng cử nhân năm 1961 đến bằng tiến sĩ năm 1964, học hàm PGS năm 1976 và học hàm GS năm 1984, thì hoàn toàn không phải do bất cứ sự may rủi nào mà chủ yếu do tài năng và những cố gắng liên tục của ông. Ông đã có 50 năm gắn bó với Trường Đại học tổng hợp mang tên đại thi hào dân tộc Ba Lan Adam Mickiewicz, trong đó có 35 năm gắn bó với Viện Ngôn ngữ học, cơ sở đào tạo do người thầy của ông sáng lập và tin tưởng truyền lại cho ông. Giáo sư đã chèo lái nó qua bao thăng trầm để có được diện mạo như ngày hôm nay. Hai năm trước, đúng tuổi 70, giáo sư nghỉ quản lý, tức là thôi giữ chức Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học sau 15 năm liên tục ở cương vị này. 
          Giáo sư Jerzy Banczerowski có một tình yêu rất đặc biệt dành cho châu Á. Ông đã nhiều lần kể cho tôi nghe về quá trình nẩy nở, lớn dần và không bao giờ mất đi của tình yêu này. Ông nói hình như đó là định mệnh. Người gieo vào lòng ông tình yêu châu Á bắt đầu với bài giảng về tiếng Phạn là giáo sư Kudzinowski, người từ thời sinh viên cho đến mãi mãi sau này ông coi là bậc thầy, là mẫu người lý tưởng của mình. Ngay từ khi đó, chàng sinh viên năm thứ nhất xuất thân quê mùa đã nhận ra một điều hệ trọng mà bạn bè cùng lứa có thể bỏ qua: thế giới không dừng lại ở châu Âu. Sau này giáo sư đã có những chuyến đi dài ngắn khác nhau đến Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, tình yêu châu Á trong ông càng được củng cố, trở nên sâu đậm và không bao giờ phai nhạt.
Gần đây, nhân những cơ hội khác nhau, tôi đã tế nhị dò hỏi giáo sư về tình yêu Việt Nam trong ông, nó đã bắt đầu như thế nào và tại sao sau những đổi thay của thời thế, nó vẫn nguyên vẹn và như một tình cảm thiêng liêng trong ông như vậy. Giáo sư hào hứng kể rằng mặc dù chưa một lần đến Việt Nam, song ấn tượng của ông về đất nước này lại có từ rất sớm. Ông rất quan tâm đến cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam và trong lòng thầm cảm phục một dân tộc tuy nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, đã dám đương đầu và chiến thắng kẻ thù mạnh hơn mình rất nhiều lần. Giáo sư cũng có thái độ rất sòng phẳng với người Mỹ trong vấn đề tội ác họ đã gây ra trong cuộc chiến tranh này. Trong khi có những người luôn tìm cách lảng tránh đề tài tế nhị là tội ác của Mỹ ở Việt Nam, giáo sư công khai bày tỏ sự phẫn nộ của mình. Giaos sư nói rằng ông đã đọc các tài liệu của chính các nhà báo Mỹ viết về Mỹ Lai và sự tàn bạo của lính Mỹ trong vụ thảm sát này khiến ông ghê tởm. Ông nhớ rõ chi tiết lính Mỹ vào làng, gọi trẻ con tập trung lại rồi xả súng bắn giết không ghê tay, nhưng đáng ghê tởm hơn là ngay sau đó bọn họ lấy đồ ăn đã chuẩn bị sẵn, thản nhiên ngồi ăn ngay cạnh đống xác chết, kết quả tội ác chính họ vừa gây ra.
Giáo sư rất lấy làm tiếc là trong những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, khi lưu học sinh Việt Nam sang học tại các trường đại học Ba Lan rất đông, ở trường Đại học Adam Mickiewicz, nơi ông giảng dạy, lại hầu như không có sinh viên Việt Nam theo học ngành khoa học xã hội. Vì vậy mãi đến năm 1984 giáo sư mới có cơ hội gặp người Việt Nam đầu tiên „bằng xương bằng thịt”. Đó là một nghiên cứu sinh ngành ngôn ngữ học, viết luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của ông giáo sư bạn học của ông và sau khi luận án được hoàn thành, bạn ông muốn ông đọc và phản biện luận án. Đúng hôm giáo sư Banczerowski nhận được lời mời thì cha ông mất, ông phải về quê chịu tang cha. Nhưng ngày tháng bảo vệ luận án đã được xác định, không thể chậm trễ. Thế là một hướng giải quyết hy hữu đã được đề ra: nghiên cứu sinh tự mang luận án tiến sĩ của mình về quê trao tận tay giáo sư phản biện để ngay sau những ngày tang gia bối rối, giáo sư đọc và viết lời nhận xét của mình. Anh nghiên cứu sinh người Việt đã vượt qua chặng đường hàng trăm cây số từ thủ đô tìm về miền quê xa xôi hẻo lánh của giáo sư, trao bản luận án, ngủ lại một đêm rồi trở lại Varsava. Chất lượng luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh người Việt đã gây ấn tượng khó quên trong lòng giáo sư, củng cố thêm mối cảm tình vốn có của ông về một đất nước tuy nghèo nhưng có những con người thông minh, ham học. Anh nghiên cứu sinh ngày ấy bây giờ đã là giảng viên một trường đại học ở Hà Nội và, sau tròn 20 năm, trở thành đồng nghiệp của giáo sư Banczerowski tại Viện Ngôn ngữ học, Đại học Tổng hợp Poznan. Sự quen biết giữa hai người mãi mãi là một kỷ niệm khó quên.    
Ngay từ khi mới đặt chân đến thành phố Poznan và trở thành giảng viên của Viện Ngôn ngữ học, tôi đã được cô bạn cùng học trước đây, nay là giáo viên Trung tâm tiếng Ba Lan cho người nước ngoài to nhỏ: „Giáo sư Banczerowski được mệnh danh là huyền thoại sống của Đại học Adam Mickiewicz đấy”. Nghe bạn nói thế, tôi càng tò mò muốn biết cái gì làm nên tính huyền thoại đó. Nhưng cái đập vào mắt tôi đầu tiên là giáo sư có quan hệ rộng khắp và chỉ tận dụng sự quen biết vì lợi ích của người khác chứ không phải cho mình. Một ngày sau khi tôi đến Poznan, giáo sư đích thân đưa tôi đến các phòng chức năng để làm thủ tục, giấy tờ cần thiết, mà quan trọng nhất là để có tiền chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu. Nhưng „cú sốc” lớn nhất đối với tôi là việc giáo sư giới thiệu tôi với giáo sư Jacek Fisiak, tác giả bộ từ điển Ba Lan – Anh và Anh – Ba Lan nổi tiếng. Theo lời hẹn, tôi đến phòng làm việc của giáo sư Fisiak và được ông tặng cho bộ từ điển gồm 2 tập dày. Sau này tôi mới biết giáo sư Jacek Fisiak từng là Bộ trưởng Bộ giáo dục Ba Lan, Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Adam Mickiewicz. Thời gian sau đó, giáo sư Banczerowski đã lần lượt giới thiệu tôi với rất nhiều giáo sư tên tuổi, để thông qua họ, tôi có các buổi giảng bài cho sinh viên ngữ văn Ba Lan về văn học Ba Lan ở Việt Nam. Chính nhờ thiện chí và các mối quan hệ của giáo sư, tôi được mời tham gia Ngày thơ quốc tế Poznan vào tháng 11 hàng năm, có dịp giới thiệu những bài thơ sáng tác bằng tiếng Ba Lan của mình và một số công trình dịch thuật tuy còn rất khiêm tốn, với sinh viên, học sinh phổ thông và bạn bè Ba Lan.
Giáo sư Banczerowski thường nhấn mạnh vai trò của những người Việt Nam đã giúp ông có cơ hội tăng cường sự hiểu biết của mình về Việt Nam. Tôi có vinh dự được là một trong số những người đó. Nhưng nói cho công bằng, chính sự quan tâm, chính tình cảm bất di bất dịch của ông đối với Việt Nam đã khiến tôi cảm động và tự đặt cho mình trách nhiệm đáp ứng yêu cầu tìm hiểu của ông. Thật hiếm gặp một người Ba Lan có thái độ chân tình và thật sự mong muốn hiểu biết về một đất nước thứ hai, về các nước khác ngoài tổ quốc của mình như ông. Mỗi khi gặp giáo sư, câu đầu tiên ông hỏi tôi bao giờ cũng là câu hỏi về sức khỏe, sau đó là tình hình Việt Nam. Ông say sưa ngồi nghe tôi kể về những thay đổi đi lên ở Việt Nam. Niềm vui hiện rõ trên nét mặt ông khi tôi báo tin ở Hà Nội có một tòa nhà 70 tầng đang xây dựng, dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm đầu tiên đã được thiết kế và chuẩn bị khởi công xây dựng... Những năm gần đây, theo thỏa thuận giữa ngành giáo dục hai nước, sinh viên Ba Lan sang Việt Nam thực tập đều đặn, trong đó có sinh viên đang theo học ngành Việt Nam học từ cơ sở đào tạo ở Poznan. Khi tổ chức Ngày Văn hóa Việt Nam tại đây, các sinh viên đi Việt Nam về thường có những chương trình mang tính báo cáo kết quả của mình. Giáo sư luôn có mặt trong các hoạt động đó và ông nhắc đi nhắc lại với tôi rằng một khi các sinh viên sau khi từ Việt Nam về đã là những người khác hẳn và nhiều em muốn kéo dài thêm thời gian thực tập thì đó là bằng chứng rõ ràng nhất, có tính thuyết phục cao nhất về việc Việt Nam bây giờ không phải là Việt Nam những năm trước đây nữa. Tôi thừa nhận cách lập luận của giáo sư và thật sự vui mừng về sự đổi thay của đất nước mình.
Giáo sư Banczerowski là con người mà lời nói luôn đi đôi với việc làm, tình yêu thể hiện bằng hành động cụ thể. Biểu hiện cao nhất của tình yêu Việt Nam ở ông là những cố gắng không mệt mỏi, liên tục trong nhiều năm để đi đến mục tiêu cuối cùng là thuyết phục Bộ Khoa học và Đại học, Bộ Ngoại giao Ba Lan, Trường Đại học Adam Mickiewicz mở ngành đào tạo Ngữ văn Việt – Thái tại Viện Ngôn ngữ học. Nỗi trăn trở của giáo sư xuất phát từ suy nghĩ rất đơn giản: một khi ở Đại học Adam Mickiewicz đã mở được ngành Hán học, Nhật học, Hàn Quốc học thì tại sao lại không có Việt Nam học, ngành học nghiên cứu về một đất nước có lịch sử và văn hóa lâu đời, có vị trí quan trọng ở Đông Nam Á và từ lâu có quan hệ nhiều mặt với Ba Lan? Năm học 2004 – 2005, mong ước của giáo sư đã trở thành hiện thực và cuối năm học 2009-2010, những cử nhân Việt Nam học đầu tiên đã xuất hiện ở Ba Lan sau khi họ bảo vệ luận văn tốt nghiệp với kết quả rất đáng khích lệ. Hai sinh viên bảo vệ xuất sắc đã được giữ lại làm nghiên cứu sinh và sẽ trở thành những đồng nghiệp tương lai của tôi và giáo sư. Trước đó mấy năm, giáo sư đã tạo ra một bước đệm quan trọng là đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại Đại học Poznan với tư cách ngôn ngữ chuyên ngành của sinh viên ngành Ngôn ngữ dân tộc học. Là người Việt Nam luôn mang nặng lòng biết ơn đối với Nhà nước Ba Lan, tôi cảm nhận rõ hơn ai hết ý nghĩa của việc hình thành tại Ba Lan cơ sở đào tạo Việt Nam học bậc đại học, thấy hết công lao của vị giáo sư đã biến tình yêu Việt Nam thành việc làm cụ thể mang ý nghĩa lớn lao và vô cùng thiết thực nhằm thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam vốn dĩ tốt đẹp và rất giàu truyền thống.
Trong những câu chuyện trao đổi hàng ngày với tôi, giáo sư Banczerowski hay nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nói rằng ông kính trọng Cụ Hồ trước hết ở đức hy sinh cao cả vì nước vì dân, nhưng càng cảm phục Cụ hơn khi được biết rằng ngay từ những năm 50 – 60 của thế kỷ trước, trong quan hệ với Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, Cụ đã có ý coi trọng xu hướng đối thoại hòa bình. Nếu ngày nay chúng ta thấy rõ hiệu quả của xu hướng này trong quan hệ quốc tế thì sẽ thấy hết được tầm nhìn xa của Cụ Hồ cách đây trên dưới nửa thế kỷ.
Nói đến giáo sư Banczerowski, không thể bỏ qua một chi tiết đời thường thú vị. Đó là việc giáo sư rất mê các món ăn truyền thống của Việt Nam. Sau khi đến Poznan, tôi đã có dịp tìm hiểu và làm quen với vợ chồng chủ quán Thanh Hà, cho đến cách đây không lâu là quán ăn Việt Nam duy nhất ở thành phố này. Từ đó, mỗi khi có dịp, tôi mời giáo sư và một vài người khác đến thưởng thức các món ăn Việt Nam. Giáo sư cảm nhận rất nhanh hương vị Việt và không bao lâu sau ông đã trở thành vị khách thường xuyên của quán ăn này, không cần đến sự trung gian của tôi. Thậm chí sau các cuộc họp chuyên môn của đơn vị do giáo sư phụ trách hay những dịp có bạn bè nước ngoài hoặc bạn bè từ thành phố khác đến, ông luôn nhận vai trò „chủ chi” để mọi người được thưởng thức hương vị đặc biệt của các món ăn Việt Nam tại quán Thanh Hà.         
Có lần tôi cùng giáo sư đến tham quan Bảo tàng Adam Mickiewicz ở Smielow, cách Poznan khoảng 40 km. Tại đây có một bức tranh gây ấn tượng mạnh đối với giáo sư. Đó là bức tranh diễn tả cảnh đại thi hào Ba Lan đang hấp hối trên giường bệnh, xung quanh ông hầu như đông đủ các nhân vật trong một số tác phẩm lớn của nhà thơ. Giáo sư đã nói với tôi và trong lần chuyện trò gần đây nhất, ông nhắc lại rằng ông mơ ước trước lúc ra đi, xung quanh ông cũng có những người châu Á quây quần như vậy. Tôi thật sự xúc động trước suy nghĩ đó của giáo sư vì phải yêu quý châu Á đến mức nào, giáo sư mới có mơ ước ấy. Nhưng tôi hiểu đó chỉ là câu nói đùa, chứ tôi tin rằng một người có tình yêu trong sáng và sự tôn trọng tài sản ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc khác như giáo sư thì Trời sẽ hào phóng ban cho sức khỏe để cống hiến cho khoa học thêm hàng chục năm nữa và để chứng kiến ngày ngôn ngữ, văn hóa, văn học các nước châu Á xích lại mỗi ngày một gần châu Âu và gần Ba Lan của giáo sư hơn.
 
Poznan, tháng 3.2010
        N. C. T 
Ảnh: Giáo sư Jerzy Banczerowski và tác giả

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513241

Hôm nay

227

Hôm qua

2315

Tuần này

21178

Tháng này

220114

Tháng qua

121356

Tất cả

114513241