Cuộc sống quanh ta

Phản đối Trung Quốc vi phạm lãnh hải và phá hoại tàu Việt Nam

Thông cáo báo chí của Bộ ngoại giao Việt Nam phát trong chiều 27.5 cho biết bộ này đã cử đại diện gặp đại diện đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.


Tại cuộc gặp này, đại diện Việt Nam đã trao một công hàm cho phía Trung Quốc phản đối việc tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 2, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thềm lục địa của Việt Nam.

Công hàm nêu rõ việc Việt Nam phản đối hành động của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, và không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam trên vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Công hàm cũng yêu cầu phía Trung Quốc  phải bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

Trong công hàm, bộ ngoại giao Việt Nam cũng nêu rõ hành động của tàu hải giám Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc.

Hành động mới đây của tàu Trung Quốc được xem là trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Bộ Ngoại giao xác nhận, vào lúc 5h58’ sáng ngày 26.5, trong khi đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam, tàu Bình Minh 2 đã bị 3 tàu Hải giám số 12, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12o48’25” Bắc và 111o26’48” Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý.

Theo luật quốc tế, một nước có quyền sử dụng vùng biển trong Vùng đặc quyền về kinh tế là vùng mở rộng từ đường cơ sở ra đến 200 hải lý ngoài khơi.

Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển

ĐIỀU 56. Các quyền, quyền tài phán và các nghĩa vụ của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền về kinh tế

1. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có:

a) Các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.

b) Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc:
i. Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình;

ii. Nghiên cứu khoa học về biển;

iii. Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển;

c) Các quyền và các nghĩa vụ khác do Công ước quy định.

2. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình theo Công ước, quốc gia ven biển phải tính đến các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác và hành động phù hợp với Công ước.

3. Các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nêu trong điều này được thực hiện theo đúng phần VI.

ĐIỀU 57. Chiều rộng của vùng đặc quyền về kinh tế

Vùng đặc quyền về kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

ĐIỀU 57. Chiều rộng của vùng đặc quyền về kinh tế

Vùng đặc quyền về kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Nguồn: SGTT

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513241

Hôm nay

227

Hôm qua

2315

Tuần này

21178

Tháng này

220114

Tháng qua

121356

Tất cả

114513241