Cuộc sống quanh ta

Vấn đề nâng cao "sức mạnh mềm" văn hoá ở Việt Nam hiện nay

Nâng cao sức mạnh mềm văn hóa quốc gia là biện pháp chiến lược quan trọng trong thời đại toàn cầu hóa. Hiện nay, văn hóa ngày càng trở thành sức tụ hội dân tộc và mạch nguồn quan trọng của sự sáng tạo, là nhân tố quan trọng của sức mạnh tổng hợp quốc gia. Từ khi Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới tới nay, cùng với phát triển "sức mạnh cứng, như kinh tế, khoa học - kỹ thuật, quốc phòng, "sức mạnh mềm" văn hóa cũng không ngừng phát triển. Tuy nhiên, theo tác giả, so với những nước phát triển trên thế giới, ở Việt Nam không những sức mạnh cứng chưa đủ mạnh, mà cả sức mạnh mền cũng yếu hơn. Do vậy, trong bối cảnh sự cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia ngày càng gay gắt và nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần ngày càng tăng của nhân dân, chúng ta cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng sức mạnh mềm văn hóa.     

Xây dựng “sức mạnh mềm” văn hóa là bộ phận hợp thành quan trọng của chiến lược phát triển quốc gia, phù hợp với định hướng phát triển xã hội chủ nghĩa ở nước ta, tỷ lệ thuận với tốc độ cạnh tranh sức mạnh tổng hợp của các quốc gia trên thế giới. Đảng ta nhấn mạnh: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đó là sự nghiệp xây dựng và sáng tạo to lớn của nhân dân ta, đồng thời là một quá trình cải biến xã hội sâu sắc, đòi hỏi phát huy khả năng và trí tuệ của mỗi con người Việt Nam. Sự thay đổi cơ cấu kinh tế, kết cấu xã hội, nhu cầu tăng nhanh về văn hóa của các tầng lớp dân cư, quá trình dân chủ hóa... là những yếu tố làm thay đổi nhiều mặt đời sống văn hóa dân tộc.

1. Khái niệm "sức mạnh mềm" và nội hàm cơ bản của nó(*)
"Sức mạnh mềm" (soft power - còn có thể gọi là quyền lực mềm, thực lực mềm) là một khái niệm mới do Joseph Nye - giáo sư Đại học Haward (Mỹ) đề ra năm 1990 trong cuốn sách Nhất định lãnh đạo: diễn biến của bản chất sức mạnh nước Mỹ và trong bài Sức mạnh mềm đăng trên Tạp chí "Chính sách ngoại giao". Tháng 4 - 2004, một tác phẩm mới của vị giáo sư này ra đời với tựa đề Sức mạnh mềm: con đường giành thắng lợi trong chính trị thế giới càng làm cho thế giới bàn luận sôi nổi. Ông đã chia sức mạnh tổng hợp quốc gia thành hai loại hình: "sức mạnh cứng" và "sức mạnh mềm". "Sức mạnh cứng" được hiểu là tổng hòa các yếu tố chiếm vị trí chi phối, bao gồm tài nguyên cơ bản (như diện tích đất đai, dân số, tài nguyên tự nhiên), sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế và sức mạnh khoa học - kỹ thuật; còn "sức mạnh mềm" là sức hội tụ quốc gia, mức chấp nhận văn hóa và trình độ tham dự tổ chức quốc tế, là sức mạnh để người khác làm theo ý muốn của mình một cách tự nguyện, nó bắt nguồn từ sức thu hút của văn hóa và hình thái ý thức.
Những năm gần đây, khái niệm "sức mạnh mềm" đã được chấp nhận rộng rãi, bởi nó thể hiện một tư tưởng mới không dựa vào sức mạnh quân sự, chính trị mà dựa vào quan niệm giá trị văn hóa để triển khai mức độ ảnh hưởng, tham dự sự vụ quốc tế. Hiện nay, “sức mạnh mềm” đã trở thành chủ đề “nóng” trong việc nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và quản lý khu vực trong phạm vi quốc tế, là khái niệm không thể thiếu trong phân tích thời sự chính trị quốc tế, cạnh tranh "sức mạnh mềm" trở thành một hình thái cơ bản của cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia. Văn hóa là tài nguyên quan trọng hàng đầu và sức cạnh tranh văn hóa là nội dung cốt lõi của "sức mạnh mềm". Điều đáng chú ý ở chỗ, bối cảnh thời đại quan trọng khi J.Nye nêu ra khái niệm này là, tình hình của những nơi như Irắc, Triều Tiên, Xudăng và xung đột Paletxtin - Ixaren ngày càng lún sâu vào vũng lầy - đều chứng tỏ, bất cứ quốc gia nào, kể cả nước lớn, siêu cường trên thế giới như nước Mỹ, nếu chỉ dựa vào "thực lực cứng" để thực hiện đường lối đối ngoại theo kiểu "chủ nghĩa đơn phương", thì dù có "sức mạnh cứng" với ưu thế áp đảo chăng nữa cũng không thể dự phòng chiến tranh hoặc khôi phục được hòa bình. Ngược lại, sự ngông cuồng tự cao tự đại, coi thường nước khác và chỉ biết đến lợi ích quốc gia hẹp hòi sẽ khiến "chủ nghĩa đơn phương" phá hoại "sức mạnh mềm" của nước Mỹ.
Theo lý luận của J.Nye, đối với một quốc gia, giống như "sức mạnh cứng", "sức mạnh mềm" cũng là một tồn tại khách quan quan trọng.
Trước hết, "sức mạnh mềm" đối lập với "sức mạnh cứng", là cái vô hình mà hữu hình. "Sức mạnh mềm" đâu phải "mềm", nó chính là sự thể hiện của "sức mạnh cứng". Không có "sức mạnh cứng" thì không có cái gọi là "sức mạnh mềm"; ngược lại, "sức mạnh mềm" mở rộng ra, cũng sẽ xúc tiến tăng trưởng "sức mạnh cứng". "Sức mạnh cứng" là sự chuyển tải hữu hình vật hóa của "sức mạnh mềm", còn "sức mạnh mềm" là sự vươn dài vô hình của "sức mạnh cứng". Nói cách khác, "sức mạnh cứng" khá dễ dàng lý giải, còn "sức mạnh mềm" thì lại phức tạp hơn. "Sức mạnh mềm" có thể khái quát thành lực hướng dẫn, lực thu hút và lực mô phỏng bắt chước; nó là một loại thực lực kiểu đồng hóa - lực hấp dẫn tư tưởng và năng lực định hướng chính trị của một quốc gia. Trong "phương trình quốc lực" nổi tiếng, "mục tiêu chiến lược" và “ý chí quốc dân" cũng là phần hợp thành quan trọng đánh giá sức mạnh quốc gia. "Mục tiêu chiến lược" hay "ý chí quốc dân" đều là những nhân tố vô hình cực kỳ phức tạp, cũng có thể gọi là "sức mạnh mềm", rất khó dùng tiêu chuẩn trạng thái tĩnh để cân nhắc, đánh giá. Tính thống nhất dân tộc, trình độ tổng hợp xã hội, tính ổn định chính trị, nội lực quốc dân… đều là "sức mạnh mềm". Mặt khác, tính hợp pháp cũng là yếu tố cốt lõi của "sức mạnh mềm".
Thứ hai, "sức mạnh mềm" và "sức mạnh cứng", về căn bản, dựa vào nhau để cùng tồn tại, tác động và chuyển hóa lẫn nhau. "Sức mạnh mềm" cần có "sức mạnh cứng" nhất định làm cơ sở. Chúng ta không thể tưởng tượng được một quốc gia kinh tế lạc hậu và không có vị thế quốc tế lại có thể có "sức mạnh mềm" đáng kể.
Thứ ba, một quốc gia vốn có "sức mạnh cứng" rất mạnh, nhưng nếu "sức mạnh mềm" lại không theo kịp, thì tầm ảnh hưởng quốc tế của nó bị giảm đi rất nhiều. Những năm 80 của thế kỷ XX, Nhật Bản là một điển hình "sức mạnh cứng - mềm không cân bằng". Khi đó, "sức mạnh cứng" của Nhật Bản (trừ quân sự) hầu như có thể sánh ngang với Mỹ. Nhưng, cho dù khi đó Nhật Bản xếp trên Mỹ rất nhiều ngành nghề (như sản xuất ô tô, gang thép, chất bán dẫn), song quốc gia này vẫn không có vị trí và ảnh hưởng tương ứng trong cộng đồng quốc tế. Nói cụ thể hơn, Nhật Bản không có lực thu hút về mặt chính trị, văn hóa đại chúng của Nhật Bản lại càng không thể cạnh tranh được với Mỹ, đặc trưng tự đóng kín và bài ngoại của xã hội Nhật Bản so sánh với tính chất mở cửa của xã hội Mỹ càng tỏ ra ít sức hấp dẫn.
Thứ tư, mềmcứng là tương đối, trong những điều kiện nhất định nào đó chúng có thể chuyển hóa lẫn nhau. Văn hóa của một nước là một phần của "sức mạnh mềm", nhưng công nghiệp văn hóa cũng là một bộ phận hợp thành quan trọng của buôn bán quốc tế và tổng giá trị sản xuất trong nước. Công nghiệp văn hóa của nước Mỹ là một phần cực kỳ quan trọng của kinh tế Mỹ, có sự cạnh tranh rất mạnh trên thị trương. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thông tin hoá và trào lưu mạng điện tử hóa phủ khắp toàn cầu hiện nay, tầm quan trọng của "sức mạnh cứng" đối với một quốc gia rất dễ nhận thấy, "sức mạnh mềm" có tính bành trướng và tính truyền dẫn siêu mạnh, vượt qua thời gian, không gian, có tác động to lớn đối với phương thức sinh hoạt và chuẩn mực hành vi của con người. Hai vấn đề này, về căn bản, dựa vào nhau cùng tồn tại, tác động lẫn nhau và tạo dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia của một nước; về lý luận và thực tiễn, chúng đòi hỏi phải được coi trọng đúng mức, không được thiên lệch.
Thứ năm, "sức mạnh mềm" ở mức độ rất lớn bắt nguồn từ quan điểm giá trị. Những quan điểm giá trị này biểu hiện qua nền văn hóa, chính sách đối nội và những đóng góp của quốc gia trên trường quốc tế. Nhưng J.Nye cũng cho rằng, "sức mạnh mềm" không chỉ là lực ảnh hưởng văn hóa mà chính phủ phải bảo vệ những hành vi trong nước (dân chủ), hành vi trong quan hệ quốc tế (lắng nghe ý kiến người khác) và chính sách ngoại giao (đề xướng hòa bình và nhân quyền) tác động đến định hướng giá trị của nước khác. Ở thời đại thông tin, cùng với sự tăng nhanh không ngừng của tin tức hóa xã hội, phát triển nhanh mạng hóa tin tức, tác dụng kích thích sản sinh và thúc đẩy của quan điểm giá trị đối với "sức mạnh mềm" sẽ ngày càng trở nên quan trọng.
Trong quan hệ quốc tế hiện nay, do tác động của "sức mạnh mềm" ngày càng tăng, các nước lớn trên thế giới khi chú trọng xây dựng sức mạnh cứng, cũng rất coi trọng tăng cường “sức mạnh mềm”. Các quốc gia phương Tây, đứng đầu là Mỹ, dựa vào thế mạnh kinh tế, quân sự và sức mạnh khoa học - kỹ thuật, ra sức phổ biến rộng rãi các “giá trị” của họ, như dân chủ, nhân quyền. Đây chính là phương thức lấy “sức mạnh cứng” làm chỗ dựa để mở rộng, khuếch trương "sức mạnh mềm”
2. Trong thời đại ngày nay, Việt Nam không thể không xây dựng “sức mạnh mềm” văn hóa
Sức mạnh tổng hợp quốc gia của bất cứ nước nào đều do "sức mạnh cứng" và "sức mạnh mềm" tạo nên, quan hệ của hai thực lực này không phải quan hệ cộng lại đơn giản, mà là quan hệ “bội số nhân”. Kinh nghiệm lịch sử chứng tỏ, sự sinh tồn, phát triển bền vững của một quốc gia đều không tách rời sự nâng đỡ của "sức mạnh mềm". Khi "sức mạnh mềm" của một quốc gia mất đi hoặc bị suy yếu nghiêm trọng, thì dù thực lực kinh tế lớn mạnh bao nhiêu cũng không thể cứu vãn được số phận suy vong của quốc gia ấy.
Trong thời đại cách mạng khoa học - kỹ thuật mới lấy tin tức hóa làm chủ đạo, "sức mạnh cứng" của một quốc gia trên thế giới trở thành không còn hữu hình hoặc có tính đe dọa ép buộc, nhất là giữa các quốc gia tiêu biểu. J.Nye cho rằng, sức mạnh quốc gia trong thế kỷ XXI dựa vào sự kết hợp của "sức mạnh cứng" và tài nguyên "sức mạnh mềm". Trong thế giới ngày càng đa dạng hóa rõ rệt, ba nguồn của sức mạnh quốc gia - quân sự, kinh tế và thực lực mềm - vẫn vô cùng quan trọng, cho dù trong quan hệ có mức độ khác nhau. Nếu xu thế xã hội và kinh tế hiện nay cứ tiếp tục như vậy, thì vị trí lãnh đạo của một quốc gia về mặt cách mạng thông tin và “sức mạnh mềm” sẽ trở nên ngày càng quan trọng.
Dưới góc độ này, khi bàn luận về sức mạnh tổng hợp quốc gia của Việt Nam, chúng ta phải nhìn thẳng vào hiện thực lạc hậu tương đối của “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam. Trước kia, khi suy nghĩ khái niệm sức mạnh tổng hợp quốc gia, chúng ta rất ít bao quát “sức mạnh mềm” văn hóa về những tiêu chí quan trọng, như hình thái ý thức, mô hình phát triển, dạng thức văn hóa, quan niệm giá trị, lực tác động quốc tế; hầu như mọi thông số đều đến từ "sức mạnh cứng", như quy mô kinh tế, sức mạnh quân sự, trình độ khoa học - kỹ thuật. Nếu xem xét “sức mạnh mềm” văn hóa nước ta, thì có thể thấy chúng ta chưa chú ý đến vấn đề này một cách nghiêm túc.
Ở Việt Nam không những "sức mạnh cứng" chưa đủ mạnh, mà “sức mạnh mềm” văn hóa cũng yếu hơn, thí dụ sức mạnh tác động tới kết cấu quốc tế không đủ mạnh, lực tác động văn hóa cũng rất bình thường. Chỉ tiêu phát triển chính của văn hóa Việt Nam trên thế giới có tỷ trọng không đáng kể. Thí dụ, trên thị trường quốc tế, sản phẩm có tính cạnh tranh của Việt Nam vẫn là nông sản và các sản phẩm thủ công sản xuất theo kiểu tập trung lao động, nhập siêu buôn bán xuất nhập khẩu sản phẩm văn hóa có xu thế tăng nhiều. Ngoài ra, về mặt tuổi được giáo dục bình quân đầu người, tỷ trọng số công trình khoa học tầm thế giới, tỷ trọng độc quyền phát minh sáng chế…, Việt Nam đều thấp hơn so với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Về hình thái văn hóa, từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, chúng ta nhanh chóng xây dựng hệ thống văn hóa xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng. Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, Việt Nam vẫn giữ hình thái ý thức đó làm dòng chính của phát triển văn hóa. Nhưng trong bối cảnh lịch sử của kinh tế thị trường và thế tục hóa, thương mại hóa văn hóa, công năng điều chỉnh giá trị xã hội đã có của hình thái văn hóa, như hình thái ý thức, quan niệm giá trị vốn có của Việt Nam bắt đầu đối mặt với thách thức. Vì vậy, chúng ta cần có những điều chỉnh tất yếu đối với những giá trị văn hóa vốn có, ra sức xây dựng hệ thống giá trị cốt lõi, nếu không thì quá trình phát triển của Việt Nam sẽ thiếu mất sự nâng đỡ của văn hóa với đúng nghĩa là động lực tinh thần.
Hiện nay, nắm bắt được trào lưu phát triển của thế giới, Việt Nam đã lựa chọn con đường phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đã đạt được những thành tựu to lớn được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Điều này không những có lợi cho Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh và bền vững, mà còn tranh thủ được sự tán đồng và ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Nhìn từ góc độ thế giới, vấn đề nâng cao “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam hiện nay trước hết phải đối mặt với một thách thức lớn, đó là "toàn cầu hóa văn hóa". Những năm gần đây, một số người Mỹ ra sức tuyên truyền đề xướng "toàn cầu hóa văn hóa Mỹ” với ý đồ đưa quan niệm "tự do", "dân chủ" kiểu Mỹ cùng với các sản phẩm công nghiệp văn hóa Mỹ truyền lan ra khắp thế giới, mở đường cho Mỹ mưu cầu bá quyền kinh tế toàn thế giới. Trước thực tế đó, một mặt, chúng ta ra sức triển khai chiến lược mở cửa đối ngoại, tích cực phát triển buôn bán quốc tế, chú trọng hóa giải và chống lại sự tấn công của "toàn cầu hóa văn hóa", bảo đảm vững chắc an toàn văn hóa quốc gia; mặt khác, đẩy mạnh việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Không như vậy, chúng ta sẽ rơi vào bị động trong cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia trên trường quốc tế vốn đang ngày càng gay gắt.
Mô hình phát triển thành công của Việt Nam hiện nay là một thể hiện quan trọng của “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam. Bước tiếp theo trong việc nâng cao “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam không thể chỉ dựa vào những mặt có lợi mà quốc tế dành cho ta, mà đòi hỏi phải kịp thời xây dựng một mô hình có giá trị khiến người ta tin phục, để các nước trên thế giới không những chấp nhận mặt cùng có lợi kinh tế, mà còn chấp nhận về mô hình hành vi và quan điểm giá trị, từ đó tăng cường hợp tác với Việt Nam. Nhưng, ở đây cần phải xác định rõ một điểm là, mục tiêu căn bản của việc nâng cao “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam nhằm tạo dựng môi trường dư luận quốc tế tốt đẹp cho Việt Nam phát triển.
Đối với một nước đang phát triển với tốc độ nhanh, việc nâng cao "sức mạnh cứng" có thể tương đối dễ dàng. Mức dự trữ cao, đầu tư của nhà kinh doanh nước ngoài to lớn, chuyển nhượng kỹ thuật đầy đủ và chính sách kinh tế hợp lý đều có thể nâng cao được "sức mạnh cứng" của đất nước. Nhưng, nâng cao "sức mạnh mềm" văn hóa lại không đơn giản và có thể gặp nhiều vấn đề phức tạp, như cải cách về các mặt thể chế, quan niệm. Nhìn vào bài học Nhật Bản và Liên Xô trước đây, nếu không tiến hành cải cách như vậy, thì vấn đề mất cân bằng "cứng", "mềm" sẽ không giải quyết được. Đối với Việt Nam, muốn thật sự phát triển đất nước, thì “sức mạnh mềm” văn hóa là tài nguyên không thể thiếu được.
3. Tăng cường xây dựng văn hóa, nâng cao “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam
Thứ nhất, đối với những nhân tố thích ứng với xã hội hiện nay, thích ứng với văn minh hiện đại, chúng ta phải tiến hành tiếp thu, chọn lọc và vận dụng đầy đủ. Ông cha ta từ thời xa xưa của lịch sử đã chủ trương chung sống hòa bình với các nước. Trong thời đại ngày nay, chúng ta theo nguyên tắc chung sống hòa bình trong quan hệ quốc tế. Trong điều kiện lịch sử mới, ngoại giao hòa bình của Việt Nam đã có nội dung và ý nghĩa mới: một là, các quốc gia không phân biệt lớn nhỏ, mạnh yếu đều bình đẳng, phản đối chủ nghĩa bá quyền; hai là, đề xướng đối thoại, hợp tác, chống đối đầu, phản đối chủ nghĩa đơn phương; ba là, đề xướng cùng có lợi cùng hưởng chung, phản đối hại người hại mình; bốn là, hòa bình hữu nghị với láng giềng, coi láng giềng là bạn. Có thể nói, ngày nay phương hướng sách lược trị nước, quản lý chính quyền, lấy dân làm gốc và chú trọng hòa bình của Nhà nước ta chính là sự kế thừa và phát triển đối với văn hóa truyền thống Việt Nam và đường lối đối ngoại của Đảng.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các giá trị văn hóa nước ta ra thế giới. Cùng với tăng cường sức mạnh đất nước, ảnh hưởng của nước ta trên trường quốc tế ngày càng lớn, vị thế quốc tế không ngừng nâng cao, lại thêm thị trường Việt Nam được quốc tế quan tâm chú ý, từ đó lực tác động của văn hóa đất nước trên trường quốc tế cũng được tăng cường. Chúng ta phải tận dụng thời cơ thuận lợi của toàn cầu hóa kinh tế, đẩy mạnh giao lưu văn hóa đối ngoại để nhân dân các nước trên thế giới hiểu biết nhiều hơn nữa về văn hóa Việt Nam, bao gồm văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại. Ngày càng nhiều người nước ngoài học tiếng Việt và nghiên cứu văn hóa Việt Nam, đây là một biểu hiện cụ thể của "sức mạnh mềm". Việt Nam phải trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, thu hút thành quả văn minh của các quốc gia phát triển, đẩy mạnh xây dựng thực lực mềm văn hóa.
Thứ ba, phát huy sức cảm hóa và sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội. Chúng ta kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là kế sách thích nghi tạm thời, cũng không phải là khẩu hiệu tuyên truyền đối ngoại, mà là sự chọn lựa giá trị của toàn thể dân tộc Việt Nam có cơ sở thực tiễn sâu dầy và tính tất yếu lịch sử, là nội hàm cốt lõi trong "sức mạnh mềm" quốc gia, là một trong những “sức mạnh mềm” văn hóa quan trọng nhất của Việt Nam ngày nay. Các quan điểm, quyết sách của Đảng ta, như xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển... đã hội tụ tinh túy của văn hóa truyền thống Việt Nam, ý chí của toàn Đảng, toàn dân trong nhiệm vụ xây dựng và nâng cao hơn nữa “sức mạnh mềm” văn hóa đất nước.
Thứ tư, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền đối ngoại. Trong thời đại bùng nổ thông tin, bản thân phương tiện truyền thông Việt Nam chính là một phần của hình ảnh Việt Nam. Nếu chúng ta muốn thay đổi cách nhìn của thế giới đối với Việt Nam, trước tiên cần phải thay đổi phương thức truyền thông của chính chúng ta. Vị trí phương tiện truyền thông của một quốc gia trong trật tự truyền thông quốc tế, ở mức độ rất lớn đã quyết định lực tác động của nó trên trường quốc tế. Thông qua phương tiện truyền thông của một quốc gia có thể hiểu biết toàn diện hơn về quốc gia ấy. Đồng thời, thực lực phương tiện truyền thông là một loại “sức mạnh mềm” văn hóa quan trọng của quốc gia, nếu lạc hậu cũng sẽ có thể bị động và tác hại. Vì vậy, trên trường quốc tế, sáng tạo ra sản phẩm phương tiện truyền thông Việt Nam có thương hiệu phải trở thành một phương hướng quan trọng. Việc này giải quyết được hai vấn đề: một là, phải tôn trọng và tuân theo thông lệ quốc tế dùng tiêu chuẩn văn hóa chung quốc tế để tiến hành tuyên truyền, quảng bá, có thể đối thoại và giao lưu quốc tế thông suốt; hai là, phải thoả mãn nhu cầu về truyền bá tin tức văn hóa không ngừng tăng lên trong phát triển xã hội của người Việt Nam, bảo đảm yêu cầu về an toàn thông tin và sự phong phú văn hóa của nước ta.
Thứ năm, chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa. Theo con số thống kê kinh tế quốc dân năm 2009, Cục Thống kê nhà nước công bố GDP bình quân đầu người nước ta khoảng 1000 USD. Tiêu dùng xã hội đang lên cấp theo hướng loại hình phát triển và loại hình hưởng thụ, nhu cầu tiêu dùng văn hóa trong nước ngày càng tăng. Tiêu dùng văn hóa khác với tiêu dùng hàng hóa thông thường; con người thưởng thức phim ảnh, tuồng kịch, ca múa, phim hoạt hình, âm nhạc hoặc tham dự trò chơi điện toán sẽ dần chịu ảnh hưởng nội hàm tư tưởng mà chúng đã biểu đạt. Về ý nghĩa này, sự phồn vinh và suy thoái của văn hóa và công nghiệp văn hóa cũng đại diện cho một loại “sức mạnh mềm” văn hóa, một loại sức kêu gọi, sức hấp dẫn và sức chinh phục lòng người. Trong điều kiện kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, phải thông qua phát triển công nghiệp văn hóa để xây dựng “sức mạnh mềm” văn hóa của đất nước.
Thứ sáu, tập trung xây dựng “sức mạnh mềm” văn hóa cơ sở. Trước hết, phải coi trọng giáo dục lịch sử. Lịch sử là ký ức, là nguồn sức mạnh hội tụ dân tộc không thể thiếu được. Điều đáng quan tâm là, hiện nay tri thức lịch sử của thanh thiếu niên khá nghèo nàn. Muốn duy trì, bảo vệ đặc tính và vị trí độc lập của văn hóa Việt Nam, phải đẩy mạnh giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh thiếu niên, trước hết là giáo dục lịch sử.
Thứ bảy, coi trọng phát huy tác dụng của triết học và khoa học xã hội. Đối lập tương đối với “sức mạnh cứng", như tổng giá trị sản phẩm quốc dân, triết học và khoa học xã hội cấu thành “sức mạnh mềm” văn hóa quốc gia. Trình độ phát triển của triết học, khoa học xã hội thể hiện năng lực tư tưởng, trạng thái tinh thần và tố chất văn hóa của một quốc gia và dân tộc, là lực lượng quan trọng thúc đẩy phát triển lịch sử và tiến bộ xã hội, nó đóng vai trò cốt lõi trong xây dựng “sức mạnh mềm” quốc gia. Điều này đã nhiều lần được lịch sử và hiện thực Việt Nam nghiệm chứng. Căn cứ vào hiện trạng triết học, khoa học xã hội nước ta, các cấp ủy và chính quyền phải coi xây dựng “sức mạnh mềm” văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, lấy nghiên cứu và thực hành lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, phát huy tác dụng quan trọng của triết học, khoa học xã hội trong phát triển đất nước bền vững, xây dựng đầy đủ môi trường thuận lợi cho triết học, khoa học xã hội không ngừng phát triển./.
 
Nguồn:vientriethoc.com.vn
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513266

Hôm nay

252

Hôm qua

2315

Tuần này

21203

Tháng này

220139

Tháng qua

121356

Tất cả

114513266