Cuộc sống quanh ta

Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước

Biểu tình chống Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam(Hà Nội, 9h ngày 5/6/2011)

Trước tình hình tàu hải giám Trung Quốc uy hiếp tàu Bình Minh 02 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và nhiều sự kiện tàu Trung Quốc bắt bớ, thu giữ toàn bộ hải sản của ngư dân Việt Nam, đặc biệt là mới đây 4 tàu hải quân Trung Quốc sử dụng súng uy hiếp 3 tàu cá của ngư dân Phú Yên, một làn sóng dư luận phản ứng mạnh mẽ hành động ngang nhiên của Trung Quốc đã dậy lên ở cả trong và ngoài nước.

Một công ty ở Thành phố Hồ chí Minh có tên Côn Đảo Explorer đã post lên trang web của mình thông tin về tour 3 ngày hai đêm du lịch Côn Đảo và Lưu ý”: “Không nhận tour đối với những người mang quốc tịch Trung Quốc.”. Công ty Cana Travel một công ty du lịch, nhận chở du khách tham quan trong nước đi tham quan nước ngoài cũng đã phản ứng bằng cách post lên web của công ty thông báo“ngưng bán tour đi Trung Quốc”. Đây có thể là điều đáng ngạc nhiên bởi lẽ thương nhân, doanh nhân thông thường chỉ quan tâm đến lợi nhuận, thậm chí biến cố chính trị còn là cơ hội để các doanh nghiệp tăng doanh số, doanh thu. Nhưng ở đây các doanh nghiệp này đã không đặt lợi nhuận lên trên hết mà đã đặt lòng yêu nước và tự trọng dân tộc lên trên hết. Bên cạnh thương nhân, người tiêu dùng Việt Nam ở một số thành phố lớn cũng đã có những hành động rất đáng chú ý, đó là việc kêu gọi không sử dụng hàng hóa Trung Quốc mà chuyển sang sử dụng hàng Việt Nam, thậm chí một số trang mạng còn đăng tải lời kêu gọi tẩy chay hàng Trung. Hành động này của người tiêu dùng Việt Nam khiến chúng tôi liên tưởng tới làn sóng bài trừ hàng ngoại, chấn hưng hàng nội đầu thế kỷ XX khi thực dân Pháp tiến hành đô hộ Việt Nam. Một người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cho phóng viên báo chí biết: Trước đây bà và những người dân khu phố của bà đã hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tuy nhiên thi thoảng với một số mặt hàng vẫn mua hàng Trung Quốc vì giá rẻ, nhưng trước tình hình như hiện nay, đa số họ đã không dùng hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc nữa. Đồng tình với những phản ứng của người dân trong nước, một nhóm sinh viên Việt Nam tại Úc cũng đã có cuộc phản đối bên ngoài tòa nhà Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Melbourne.

Những hành động liên tiếp của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian gần đây đã làm nên làn sóng dư luận mạnh mẽ trong và ngoài nước. Theo nhiều trang web, đến hiện tại đã có hàng ngàn độc giả gửi đến các trang mạng uy tín bày tỏ sự bức xúc trước hành động xâm phạm chủ quyền đất nước Việt Nam của Trung Quốc. Trong số những phản ứng đó, có những phản ứng gay gắt đến mức cho rằng hành động của Trung Quốc có thể xem là hành động xâm lược. Ngoài những người biết sử dụng internet và thường xuyên truy cập mạng, đại đa số người dân Việt Nam không sử dụng mạng nhưng qua nghe thông tin đại chúng (đài tiếng nói Việt Nam, truyền hình Việt Nam, báo chí) đã bày tỏ bức xúc vì sự xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc và ngang ngược uy hiếp ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trên lãnh thổ của mình. Ông Hồ Sỹ Hùng, một cư dân ở vùng bãi ngang xã Thạch Lạc - huyện Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Tôi thường xuyên nghe đài tiếng nói Việt Nam, tôi rất bức xúc vì hành động của Trung Quốc. Tôi mong muốn phía chính quyền Việt Nam phải có những biện pháp cứng rắn để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tôi đồng tình với cách làm của các công ty và người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ không có li do gì người tiêu dùng chúng ta không sử dụng hàng do chúng ta sản xuất.Tất cả những phản ứng của tập thể, cá nhân chúng tôi nêu trên đều xuất phát từ sự tự giác, từ lòng yêu nước và tự trọng dân tộc. Cho đến thời điểm hiện tại chính quyền chúng ta vẫn duy trì thái độ ôn hòa, giữ vững lập trường hòa bình, hòa giải trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và những giao ước giữa các bên tham gia, chưa có một chủ trương nào của chính quyền trong việc thúc đẩy tổ chức, cá nhân, người dân phản ứng hay có những hành động phản ứng đi kèm phản đối Trung Hoa. Thế nhưng, một khi lòng tự trọng dân tộc bị tổn thương thì một cách tự nhiên, người dân Việt Nam sẽ tìm mọi cách để phản đối, bất chấp điều ấy là chưa có chủ trương từ phía chính quyền. Như vậy, có thể thấy, “mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng” thì “lòng yêu nước ấy lại sôi nổi” là một nhận định hoàn toàn chân thực. Người dân Việt Nam ở Miền Nam cũng như ở Miền Bắc, trong cũng như ngoài nước, ai cũng mong muốn phía Trung Quốc phải ngừng ngay những hành động đi ngược lại lợi ích quốc gia và tinh thần hợp tác của hai dân tộc. Hơn thế, nhiều người dân Việt Nam còn bày tỏ bức xúc rằng, sẽ sẵn sàng ủng hộ mọi biện pháp mà chính quyền đưa ra để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vốn được gìn giữ từ thủa ông cha.
Việt Nam là một dân tộc coi trọng tinh thần vì quốc gia, dân tộc, coi trọng sự cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết tập thể, đoàn kết dân tộc. Người dân Việt Nam luôn trọng danh dự và lấy cái chung cộng đồng làm chuẩn mực để điều chỉnh hành vi bản thân, gia đình. Cái tôi của cá nhân con người Việt Nam thường ẩn khuất đằng sau cái ta vì cộng đồng, dân tộc. Điều này càng thể hiện rõ nét những lúc nước nhà lâm nguy. Cũng chính bởi thế mà chỉ ở Việt Nam, hành động chính trị chân chính (biểu hiện lòng yêu nước, vì quyền lợi dân tộc, nhân dân) được xem là một hành vi đạo đức (chính trị không tách khỏi đạo đức như ở Phương Tây). Có được tinh thần ấy là bởi vì dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm phát triển, đã chống chọi với nhiều thế lực thù địch mang tham vọng bá quyền. Và, một thực tế là, dù phải trải qua nhiều gian lao vất vả nhưng chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam luôn chiến thắng mọi thế lực bạo tàn để khẳng định một chân lí bất diệt “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
Ảnh trong bài này là của nguyenxuandien blog
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513270

Hôm nay

256

Hôm qua

2315

Tuần này

21207

Tháng này

220143

Tháng qua

121356

Tất cả

114513270