Cuộc sống quanh ta

Vài kỉ niệm với nhà Kiều học Đào Thái Tôn

Từ những năm cuối thế kỉ XX, khi học giả Hoàng Xuân Hãn ở Pháp đề xuất hướng đi tìm “nguyên lời Nguyễn Du”, việc nghiên cứu Truyện Kiều đã dần đi vào một lĩnh vực gần như bị bỏ quên trong ngành “Kiều học” thế kỉ XX: nghiên cứu văn bản học. Tiếp bước học giả Hoàng Xuân Hãn trong lĩnh vực ấy là hàng loạt đóng góp quan trọng của một thế hệ các nhà “Kiều học”, trong đó có PGS.TS. Đào Thái Tôn.

Từ năm 1995, khi còn học lớp 10, tôi đã biết đến một nhà khảo cứu tên là “Đào Thái Tôn”, khi bố tôi đưa cho tôi đọc một bài viết trên báo Văn nghệ (quãng giữa năm 1995) nhan đề Một thôi đường đi tìm chữ “cổ” trong Truyện Kiều. Ở đó, tác giả nỗ lực chứng minh rằng câu Kiều số 8 phải đọc là “Phong tình cổ lục” chứ không phải “Phong tình lục còn truyền sử xanh”. Sự khảo cứu công phu và một lối văn chặt chẽ nhưng hóm hỉnh làm tôi sớm ấn tượng và tin vào kết quả nghiên cứu của bài viết. Sau này khi học và đọc về chữ Nôm, tôi thấy cái kết quả ấy có thể không đứng vững nữa, vì hàng loạt bản Kiều Nôm cổ đều viết chữ “”, cho âm đọc “có”, còn chữ “cổ” đã có cách viết cố hữu là “” rồi. Đến khoảng đầu năm 2003, lúc đang làm khóa luận tốt nghiệp đại học về chữ Nôm trong Truyện Kiều,tôi mua được cuốn Văn bản Truyện Kiều: Nghiên cứu và thảo luận (NXB Hội Nhà Văn, 2001) của tác giả Đào Thái Tôn. Tôi đọc ngấu nghiến. Đến đúng trang cuối cùng (tr. 506), trong lời “bình chú” cuối cùng của cuốn sách, khi phân tích đặc điểm của câu thơ “vắt dòng”, tác giả đã nhắc lại chữ “cổ” ở trên, và nhận ra sai sót của mình trong bài viết hồi 1995, rồi “cho phép tôi phủ nhận bài báo này”. Tôi lại thấy ấn tượng và cảm phục trước một nhà nghiên cứu tự nhận thấy mình sai và tự phủ định kết quả nghiên cứu trước đây của mình.
Cuối năm ấy (2003), tôi có dịp gặp bác Đào Thái Tôn trong một hội thảo khoa học. Tôi mon men làm quen và đưa cho bác một bài về văn bản Truyện Kiều vừa viết xong, nhờ bác thẩm định. Tôi nghĩ chắc gì người ta đã để ý tới bài viết của một kẻ hỉ mũi chưa sạch như mình. Chẳng dè, ít ngày sau, bác điện thoại cho tôi, có ý khen, và hẹn gặp tôi để nói chuyện thêm.
Hôm sau, tôi đến thăm bác tại nhà riêng. Bác mang ra bản thảo bài viết của tôi và bản thảo bài viết của một tác giả khác. Hai bài viết đi theo hai hướng khác nhau, nhưng kết quả thì đều tìm ra danh tính chính xác của người chép bản Kiều năm 1870 là NỌA PHU Nguyễn Hữu Lập (từng làm Thượng thư bộ Công dưới triều Tự Đức), chứ không phải là LÂM NỌA PHU như trong một cuốn sách trước đó đã viết. Bác Tôn nói rằng sẽ chọn đăng bài của tôi, và bảo tôi có thể tham khảo một vài ý cần thiết từ bài viết kia, chua rõ là được. Trước sự ưu ái đó, tôi xin phép rằng các lập luận trong bài viết của tôi cũng đã đủ nó tự đứng được rồi. Tôi vui vì có bài được đăng (Tạp chí Hán Nôm, số 3/2004), nhưng vui hơn vì được quen một nhà nghiên cứu lão thành và có tâm huyết dìu dắt thế hệ trẻ. Đó lại là một điều tôi cảm phục từ bác Tôn. Sau này, trong một lần trò chuyện, bác Tôn mới bảo tôi rằng, bác “kết” tôi bởi hành động từ chối ấy. Bác Tôn không ưa những người cơ hội.
Từ đó, hai bác cháu thường xuyên liên lạc và trao đổi. Bác Tôn coi tôi là bạn vong niên. Mỗi lần tôi đến thăm bác tại ngôi nhà chất chồng sách vở ấy là một lần nói chuyện đến tận khuya mới dứt ra được. Rất nhiều chuyện, trên trời dưới biển, nhưng chủ yếu xoay quanh các vấn đề văn bản và ngôn ngữ Truyện Kiều, hứng thú khoa học chung của bác và tôi. Thỉnh thoảng bác lại gửi email để tôi đọc trước một số bài bác vừa viết xong. Tôi rất cảm động! Tôi có giúp bác vài thao tác vi tính đối với những bảng thống kê dài dặc dặc mà bác đã làm sẵn trên máy vi tính nhưng còn đang loay hoay chưa biết cách xử lí kết quả bằng các thao tác sắp xếp và cộng trừ trên máy. Tôi chỉ mất khoảng 15 phút để “bắt” máy vi tính đưa ra toàn bộ các số liệu mà bác cần. Hôm đó, bác vui như thoát được một gánh nặng. Chuyện cỏn con vậy thôi, nhưng khi in sách (Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều: bản Liễu Văn đường 1871, NXB Khoa học Xã hội, 2006), bác cho in cả lời cảm ơn tôi (tr. 96). Tôi lại thêm một lần cảm phục sự minh bạch trong nghiên cứu của bác Tôn, dù trong trường hợp này, sự minh bạch ấy khiến tôi ngài ngại.
 Rồi bác Tôn vướng vào một vụ kiện tụng tác quyền khá rùm beng trong văn giới, vụ việc kéo dài đến ba bốn năm trời, rút mòn dần sức khỏe của bác. Họa vô đơn chí, căn bệnh viêm tắc động mạch quái ác đã khiến bác gần như chỉ nằm một chỗ trong suốt mấy năm trời, thậm chí đứng trước nguy cơ phải tháo khớp đến tận đầu gối. Những lúc bớt khó chịu trong người, bác lại ngồi vào bàn làm việc, kì cạch gõ máy tính để gắng hoàn thiện những công trình còn dang dở về Kiều và Hồ Xuân Hương. Tôi thường nói vui rằng bác may mắn “kết duyên” được với hai người phụ nữ đẹp nhất trong văn chương Việt Nam trung đại. Bác cười. Nụ cười của một người say mê khoa học khi nhìn lại những đóng góp của mình.
Về tính cách, bác Tôn có một điểm yếu, mà cũng có thể là điểm mạnh, đó là sự thẳng tính đến độ dễ đặt mình vào tình trạng nóng nảy. Là điểm yếu, bởi sự nóng tính một cách bộc trực ấy dễ làm mất lòng người, rồi tự chuốc lấy những phiền toái không đáng có, như bác đã không ít lần gặp phải, trong đời sống cũng như trong khoa học, trong văn giới cũng như trong học giới. Là điểm mạnh, bởi nó khiến bác giữ được chủ kiến, tránh a dua, ba phải. Nhưng dường như tính cách ấy đưa lại cho bác nhiều thiệt thòi hơn. Lưỡi mềm thì sống lâu, răng cứng nên rụng sớm. Ở Bác, đó là sự lựa chọn hậu thiên hơn là sự bẩm sinh tiên thiên.  
Nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn đã đột ngột ra đi mãi mãi từ chiều ngày 4/6/2011. Giới “Kiều học” nước nhà mất đi một trụ cột. Nhiều công trình còn dang dở. Nhiều ý tưởng khoa học thậm chí còn chưa kịp khởi sự. Nhưng với những gì đã đóng góp, ông sẽ mãi xác lập được một vị trí quan trọng trong ngành “Kiều học”, nhất là trong nghiên cứu văn bản Truyện Kiều.
 
Hà Nội, 4:30, ngày 6/6/2011
hậu học
Nguyễn Tuấn Cường
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513298

Hôm nay

284

Hôm qua

2315

Tuần này

21235

Tháng này

220171

Tháng qua

121356

Tất cả

114513298