Tôi đã hoạt động lâu với tư cách một nhà nghiên cứu sự biến đổi chính trị và kinh tế của Đông Âu và Liên Xô trước đây. Tại đây tôi muốn chỉ ra một số bài học từ những kinh nghiệm này. Những kết luận thực tiễn nào nên được rút ra từ chúng là vấn đề dành cho các nhà kinh tế học Việt Nam quyết định.
· Thay cho các chỉ thị đến từ một nhà chức trách trung ương, các điều khoản được thỏa thuận giữa người mua và người bán, những người dàn xếp một hợp đồng. Việc thực hiện các hợp đồng phải được thực thi, bằng các công cụ pháp lí và các áp lực đạo đức.
· Cần đến kỉ luật tài chính. Những người mua phải thanh toán hóa đơn của họ, những người bán phải trả các món vay của họ, và các cá nhân và các hãng phải đóng các khoản thuế của họ.
· Không được phép dung thứ “ràng buộc ngân sách mềm”, nơi nhà nước cứu trợ các doanh nghiệp thua lỗ, bị rắc rối tài chính bằng các công cụ khác nhau: các khoản bao cấp, các khoản giảm thuế hay dung thứ việc không nộp thuế, các khoản tín dụng mềm, miễn giảm các khoản nợ, v.v. Tính mềm của ràng buộc ngân sách xói mòn tính hiệu quả, làm yếu phản ứng của các nhà quản lí doanh nghiệp đối với giá cả và chi phí, tạo ra cầu tùy tiện và có nhiều tác động có hại khác. Làm cứng ràng buộc ngân sách thực hiện sự lựa chọn tự nhiên. Các doanh nghiệp sinh lợi được phép sống sót trong khi các hãng không sinh lợi bị buộc phải rút khỏi thị trường.
· Thỏa mãn các đòi hỏi vừa được nhắc tới cần phải tạo ra một hạ tầng cơ sở pháp lí cho lĩnh vực kinh doanh. Cần pháp luật kinh doanh mới, bao gồm luật kế toán, luật phá sản, luật hợp đồng và nhiều luật thương mại khác tương thích với một nền kinh tế thị trường. Cũng cần đến các tòa án độc lập với chính phủ và các lực lượng chính trị, có khả năng đưa ra các quyết định có tính chuyên nghiệp, vô tư. Củng cố nền kinh tế thị trường là không thể tách rời được khỏi việc thiết lập một nhà nước pháp quyền.
Bài học số 1: Thực thi hợp đồng, kỉ luật tài chính, ràng buộc ngân sách cứng, và thiết lập nền pháp trị là các điều kiện cần cho một nền kinh tế thị trường hoạt động tốt.
Đây không phải là một nhận xét tầm thường. Nhiều người ban đầu đã không hiểu nó. Các nước Đông Âu thành công nhất, như Hungary, Ba Lan và Estonia, đã tiến bộ nhiều trong thỏa mãn các điều kiện này. Nơi điều này đã không xảy ra ở mức cần thiết, như ở Nga hay Ukraine, sự tàn phá vô chính phủ đã tích lại trong nền kinh tế. Tôi mong muốn những người nghe bài thuyết trình này hãy liên hệ trong thảo luận tiếp sau bài trình bày này, xem ở chừng mực nào, theo kinh nghiệm của họ, những đòi hỏi này được thỏa mãn ở Việt Nam.
Trong thiết lập các điều kiện thể chế cho một nền kinh tế thị trường, cần chú ý đặc biệt đến khu vực tài chính, đặc biệt đến các ngân hàng. Các ngân hàng trong nền kinh tế tập trung, kiểu cũ đã đơn giản là các thủ quỹ của nhà nước, chuyển tiền đến nơi mà bộ máy quan liêu muốn. Tín dụng ngân hàng đã chỉ là các khoản vay trên danh nghĩa. Đã không phải chịu sự trừng phạt nào vì không hoàn trả đều đặn. Các khoản tín dụng mềm của ngân hàng đã là một trong những cách chủ yếu để làm mềm ràng buộc ngân sách.
Biến đổi hệ thống ngân hàng đã xảy ra chậm ở Đông Âu. Các khoản nợ khó đòi do các ngân hàng tích tụ đã trở thành hình thức trong đó một phần lớn các tổn thất kinh doanh hiện ra.
Không nền kinh tế thị trường nào có thể hoạt động một cách lành mạnh mà không có một hệ thống tín dụng lành mạnh. Kinh nghiệm Đông Âu gợi ý rằng hệ thống ngân hàng không thể tự đổi mới mình đơn giản từ những nguồn lực của chính nó. Cần thiết để cho các ngân hàng nước ngoài có nhiều kinh nghiệm, chuyên nghiệp, được vốn hóa tốt tham gia vào khu vực tài chính, hoạt động thông qua công ti con, liên danh với một ngân hàng có sẵn, hay qua hình thức nào khác trong khuôn khổ thương mại. Phải thực hiện một quan điểm hoạt động ngân hàng thận trọng, bảo thủ, thay cho việc phân phát tiền mặt cẩu thả đã xảy ra trước đây.
Bài học số 2: Khu vực ngân hàng phải được làm sạch và tái cơ cấu, sao cho nó có thể hoạt động trên những nguyên tắc hoạt động ngân hàng thương mại, thận trọng.
Kinh nghiệm Đông Âu (thí dụ ở Czechoslovakia, hay còn hơn ở Nga) cho thấy rằng cải cách hệ thống ngân hàng càng bị trì hoãn lâu, thì nguy cơ của một khủng hoảng tài chính quốc gia hay suy thoái nghiêm trọng càng lớn.
2. CẢI CÁCH QUYỀN SỞ HỮU
Ý tưởng ban đầu đằng sau cải cách kinh tế ở Đông Âu, nhiều thập kỉ trước, đã là giữ các hình thức cũ của sở hữu nhà nước, trong khi đơn giản tiến hành sự thay đổi triệt để trong các cơ chế điều phối. Nói cách khác, các quan hệ thị trường đã phải được thiết lập giữa các doanh nghiệp quốc doanh. Cách tiếp cận này, được cho cái tên “chủ nghĩa xã hội thị trường” ở Đông Âu, đã không có kết quả. Cuối cùng, đã phải nhận ra rằng cũng cần đến một cải cách triệt để về quyền sở hữu trước khi nền kinh tế thị trường có thể hoạt động hiệu quả. Sự thừa nhận này được chấp nhận nói chung trong các năm 1990. Tuy nhiên, đã vẫn có nhiều tranh luận về tiến hành thay đổi cơ cấu sở hữu thế nào và nên tiến hành cải cách nhanh ra sao. Khi điều đó xảy ra, tất nhiên diễn tiến của các sự kiện đã khác nhau tùy từng nước và vị trí hiện tại của chúng cũng khác nhau. Tranh luận tiếp tục cho đến tận ngày nay về đánh giá những thay đổi của thập kỉ qua và nên có các biện pháp tiếp theo nào.
Nhiều nhà quan sát chú ý nhất đến loại quan hệ sở hữu nào đã hình thành trong các doanh nghiệp hiện tồn, mà trước đây thuộc sở hữu nhà nước trung ương. Tôi, cùng với nhiều nhà kinh tế học khác, đã có quan điểm rằng vấn đề này là quan trọng, nhưng tuy nhiên chỉ là thứ yếu. Điều quan trọng nhất là để cho các doanh nghiệp tư nhân mới tự do phát triển. Phải chú ý nhất, phải nỗ lực nhất về mặt trí tuệ và phải dùng năng lực hành chính của nhà nước để dỡ bỏ những rào cản đối với các doanh nghiệp mới sao cho việc tham gia thị trường được tự do. Sẽ có lợi để đoạn tuyệt với những thành kiến ý thức hệ và cổ vũ, khuyến khích hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ khởi-cuộc trong công nghiệp, trong nông nghiệp và giao thông, và trong các ngành dịch vụ, nơi đã có thiếu hụt nhất trong chế độ cũ. Cũng phải có sự cổ vũ, khuyến khích cho hàng chục ngàn người có khả năng lập các doanh nghiệp cỡ vừa. Hungary và Ba Lan đã giành được một số thành tích tăng trưởng ngoạn mục chủ yếu bởi vì khu vực gồm các hãng khởi-cuộc mới đã tăng nhanh. Các khoản đầu tư [dưới dạng] công ti mới được tiến hành trên quy mô số đông. Cũng chính khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa này đã tiêm hoạt động mới, lành mạnh vào nền kinh tế Nga khi nó bắt đầu phục hồi sau suy thoái nghiêm trọng.
Bài học số 3: Thành phần quan trọng nhất của cải cách sở hữu là đảm bảo sự thâm nhập tự do (tự do tham gia kinh doanh) và phát triển một khu vực tư nhân khởi-cuộc.
Phải làm cho việc đầu tư trực tiếp vốn nước ngoài vào trong nước là có thể. Về mặt này Hungary dẫn đầu ở Đông Âu, đạt mức đầu tư nước ngoài trực tiếp trên đầu người cao nhất. Đầu tư trực tiếp làm nhiều hơn việc giảm bớt sự thiếu vốn gay gắt mà các nước Đông Âu đã chịu đựng. Nó cũng mở đường cho đưa vào các công nghệ mới, phổ biến các phương pháp công nghiệp hiện đại, và bằng cách ấy đưa tổ chức công việc hiện đại, sản xuất có kỉ luật và định hướng thị trường vào. Điều này đòi hỏi phải khắc phục hai ác cảm ý thức hệ: ác cảm với vốn tư bản nước ngoài và sự bài ngoại, sợ ảnh hưởng nước ngoài.
Bài học số 4: Hãy cởi mở với đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Mặc dù tôi coi số phận của các doanh nghiệp quốc doanh cũ là thứ yếu đối với sự phát triển của khu vực tư nhân mới, tất nhiên không phải là vấn đề không quan trọng.
Nhiều người có quan điểm sau. Các tài sản do nhà nước sở hữu trước kia phải chuyển thành sở hữu tư nhân càng nhanh càng tốt. Cách nhanh nhất để đạt được điều này đã là đem chia các quyền tài sản cho các chủ sở hữu tư nhân một cách miễn phí. Ý định này đã được theo đuổi bằng hai cách.
Một đã là cái gọi là chương trình phiếu voucher. Mỗi công dân nhận được một phiếu voucher thể hiện một quyền được hưởng đối một phần nhất định của các tài sản thương mại của nhà nước. Các voucher như vậy có thể được dùng để mua tài sản nhà nước, như cổ phần của các công ti. Thủ tục này đã được áp dụng ở Czechoslovakia và muộn hơn ở Nga. Tuy nhiên, ngày nay thấy rő ràng là nó đã không tạo ra những kết quả mà những người ủng họ nó mong đợi. Trong khi lí lẽ của họ đã có chứa những lí lẽ đạo đức — hãy để mọi người nhận được phần bằng nhau trong của cải trước đây của nhà nước— chương trình đã thất bại trong tạo ra sự phân chia đều hơn về thu nhập hay thịnh vượng. Với quyền sở hữu tản mác giữa hàng triệu công dân, đa số họ cuối cùng đã bán voucher của mình một cách rẻ mạt, thí dụ cho các quỹ đầu tư. Quyền sở hữu bị chắp vá rời rạc, bị phi cá nhân hóa không cải thiện hiệu quả của quản lí kinh doanh.
Tiến trình khác đã là chuyển tài sản vào tay những người quản lí nó. Trong hầu hết trường hợp, điều này che giấu sự thực rằng họ nhận được các tài sản hầu như không phải trả tiền, tuy có thể phải trả một giá bèo nào đấy. Thủ tục này đạt hình thức tột bực của nó ở các quốc gia kế vị Liên Xô, nhưng không nước Đông Âu nào đã tránh hoàn toàn được sự bất thường này.
Mục đích kinh tế chủ yếu của cải cách sở hữu là tạo khuyến khích mạnh hơn cho hiệu quả. Một trong những vấn đề của sở hữu nhà nước kiểu cũ đã là tính phi cá nhân của nó. Chẳng ai cảm thấy lợi ích sở hữu trực tiếp, cái mang lại hiệu quả cao nhất. Bő công thiết lập một cơ cấu sở hữu mới, trong đó lợi ích cá nhân này về hiệu quả thể hiện rő rành rành hơn.
Đòi hỏi đầu tiên này để chuyển các quyền sở hữu chỉ nếu trả giá đứng đắn cho chúng. Giá hợp lí cho các tài sản phải được xác lập bằng bỏ thầu hay bán đấu giá.
Một khi một tài sản thuộc sở hữu nhà nước được bán với giá hợp lí, khoản thu được từ nó không được phép dành cho tiêu dùng cá nhân hay công cộng hiện tại. Nó phải được giữ trong tài khoản vốn của hệ thống tài chính quốc gia. Hungary đã dùng phần lớn khoản thu tư nhân hóa để hoàn trả phần nặng nề nhất của nợ nước ngoài của mình. Tuy nhiên, những khoản tiền như vậy cũng có thể được dùng như vốn cho cải cách hưu bổng, như các quỹ dự phòng, hay cho đầu tư. Chừng nào khoản thu [tư nhân hóa] không dùng cho tiêu dùng, thì các tài sản của nhà nước không giảm. Chúng đơn giản được chuyển từ dạng doanh nghiệp nhà nước sang các dạng tài sản khác.
Kinh nghiệm ở các nước đã phát triển, và mới đây ở Đông Âu, cho thấy có hiệu quả lớn hơn nếu có các chủ sở hữu bên ngoài đứng đối lập với ban quản lí nội bộ, đặc biệt trong trường hợp các công ti lớn hơn. Các chủ sở hữu bên ngoài hẳn đòi hỏi một thành tích cao hơn từ ban quản lí và giám sát hoạt động của nó.
Bài học số 5: Nhà nước phải kiềm chế việc phân phát các tài sản của mình miễn phí hay để cho các cán bộ quản lí chiếm đoạt. Tài sản do nhà nước sở hữu chỉ được chuyển sang cho tư nhân nếu họ trả một giá tử tế cho tài sản đó. Có lợi để có sở hữu bên ngoài xuất hiện trong càng nhiều doanh nghiệp càng tốt.
Một điểm thường gây lo ngại là khó áp dụng nguyên tắc bán một cách nhất quán. Thường không có người mua khi chào bán các tài sản nhà nước. Việc cần làm trong những trường hợp như vậy là đặt câu hỏi vì sao. Có thể là vì bầu không khí kinh tế và chính trị không đủ thân thiện với thị trường và doanh nghiệp. Các nước Đông Âu chuyển đổi thành công đã chịu thay đổi vì cái tốt hơn trong khía cạnh này.
Lí do khả dĩ khác vì sao những người mua lại không sẵn lòng là, doanh nghiệp được bán không có khả năng phát triển về mặt thương mại. Việc bán thất bại báo hiệu về sự thất bại sắp xảy ra của bản thân doanh nghiệp. Trong trường hợp đó, các nhà quản lí tài sản nhà nước phải đối mặt với sự thật cay đắng: các tài sản đáng giá ở mức mà người ta sẵn sàng trả để mua chúng.
Tại điểm này hãy để tôi nhắc đến một gợi ý trước trong bài trình bày này, đến sự cần thiết một ràng buộc ngân sách cứng. Nếu một doanh nghiệp không có khả năng sống, hãy thanh lí nó. Tôi sẽ xem xét hình thức tổ chức trong đó nó được tiến hành. Không được giữ nó sống một cách nhân tạo. Thay vào đó, phải làm sao để có thể tổ chức lại nó, như thế các bộ phận có khả năng phát triển của nó có thể được bán như những tổ chức mới cho các chủ sở hữu mới, còn các phần khác phải loại bỏ. Nếu không có cách nào khác, các tài sản vật lí của doanh nghiệp thất bại phải được bán, cùng với đất mà nó sử dụng. Phá sản và thanh lí có tác động làm sạch để loại bỏ các yếu tố không có khả năng sống khỏi nền kinh tế. Hungary và Ba Lan đã chủ yếu áp dụng một ràng buộc ngân sách cứng đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nhiều doanh nghiệp đã thất bại và bị thanh lí, và điều này cuối cùng đã giúp tăng hiệu quả.
Bài học số 6: Không được giữ các doanh nghiệp nhà nước không có khả năng hoạt động sống một cách nhân tạo.
Cải cách sở hữu là một quá trình tiến hóa. Khu vực nhà nước và tư nhân cùng tồn tại cạnh nhau. Quy mô của khu vực tư nhân tăng vững chắc thông qua ba quá trình:
· Thứ nhất, thông qua sự gia nhập của các hãng tư nhân mới,
· Thứ hai, thông qua bán các quyền sở hữu nhà nước nhất định với giá hợp lí, và
· Thứ ba, thông qua thanh lí các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả, tỏ ra không có khả năng hoạt động.
Cần phải khuyến khích cả ba quá trình, nhưng chẳng nên ép buộc quá trình nào cả. Không có yêu cầu nào về một lịch trình thời gian hay về một mục tiêu định lượng quy định khi nào một mức độ cụ thể của cải cách sở hữu phải được hoàn thành. Hệt như việc áp đặt tập thể hóa lên xã hội đã dẫn đến kết quả kinh tế tồi, cũng thế điều ngược lại cũng sẽ chẳng có tác động mong muốn. Nó đã không mang lại kết quả ở các nước đã thử làm việc này như Czechoslovakia và Nga. Cần phải có cơ hội cho những thí nghiệm, thử nghiệm về các hình thức khác nhau của cải cách sở hữu.
Hãy có cạnh tranh lành mạnh giữa các hình thức sở hữu khác nhau. Không cần ép buộc sở hữu công cộng (bất luận là sở hữu trung ương hay địa phương, quận huyện, thành phố, hay làng xã) khỏi các vị trí nó có thể đứng vững trong cạnh tranh thị trường. Mặt khác, không được phép phân biệt đối xử chống lại sở hữu tư nhân.
Nhà nước với tư cách người mua không nên ra các quyết định mua sắm dựa trên hình thức sở hữu của người bán. Việc mua sắm của nó chỉ phụ thuộc vào người bán nào chào giá và các điều kiện khác tốt nhất.
Bài học số 7: Hãy có cạnh tranh lành mạnh giữa các hình thức sở hữu. Nhà nước, với tư cách người mua, không nên phân biệt đối xử chống lại bất kể hình thức sở hữu nào.
Thành công của cải cách sở hữu phụ thuộc một phần vào thái độ của những người điều hành khu vực nhà nước, ở trong bộ máy các bộ và các doanh nghiệp. Nhiều người sợ thay đổi và chống cải cách vì lí do đó. Một số cố cứu lấy sự nghiệp của mình qua tham nhũng. Những người khác chiếm đoạt tài sản cho mình, hay chí ít, phần “vô hình” của nó: các tài sản vô hình, know-how, các quan hệ và khách hàng của các doanh nghiệp.
Những kinh nghiệm ở Đông Âu gợi ý rằng cả hai mối nguy hiểm này là có thực. Đã có các nhóm chính trị những người nghĩ rằng họ phải lôi kéo được tầng lớp các nhà quản lí có ảnh hưởng bằng cách “đấm mőm” thiện ý của họ và ngấm ngầm để cho họ chiếm đoạt nhiều quyền tài sản [nhà nước].
Đấy là cách ứng xử bất lương, kết thúc bằng việc làm mất tín nhiệm tư tưởng của cải cách sở hữu trong con mắt công chúng. Không cần bợ đỡ bằng cách này, ngay cả vì lí do chiến thuật. Tầng lớp quản lí mau chóng nhận ra rằng nó chẳng có gì để sợ sự thay đổi về các quan hệ sở hữu. Kinh nghiệm Đông Âu cho thấy, các nhà quản lí và những người làm hành chính có tài năng cũng tìm được vị trí của mình trong hoàn cảnh đã thay đổi. Các chủ sở hữu mới thường không thiên vị về việc sử dụng các nhà quản lí trước kia đã làm việc trong bộ máy nhà nước quan liêu hay trong các doanh nghiệp nhà nước. Quả thực, họ đánh giá cao kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ của những người này. Các nhà quản lí có thể yên tâm rằng cải cách sở hữu đã làm tăng uy tín và thu nhập của họ, chứ không giảm chúng.
Bài học số 8: Tập quán thử tranh thủ các nhà quản lí đối với cải cách bằng các công cụ tham nhũng sẽ gây tác hại. Thực ra, cải cách sở hữu mang lại những cơ hội sự nghiệp thuận lợi và hấp dẫn cho các nhà quản lí.
3. ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỔI LÊN ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN
Những thay đổi lịch sử lớn luôn tạo ra những kẻ thắng và những người thua. Điều này cũng đúng với biến đổi ở Đông Âu trong thập kỉ qua.
Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung xã hội chủ nghĩa đã hoạt động một cách không hiệu quả. Tâm trạng chung bị tổn thương nghiêm trọng bởi những hạn chế nặng nề lên các quyền con người, bởi thiếu pháp trị, và bởi sự nghèo đói bắt nguồn từ sự không có hiệu quả phổ biến. Tuy nhiên, những bất lợi này lại được kết hợp với một loại an toàn kinh tế cá nhân đặc biệt. Đã không có thất nghiệp hàng loạt ở đô thị. Nhà nước, theo cách gia trưởng, đã chăm lo giáo dục và y tế, và lương hưu cho những người làm việc trong khu vực công. Biến đổi ở Đông Âu đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong các lĩnh vực này.
Thất nghiệp hàng loạt nổi lên ở khắp nơi, quy mô của nó phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và tiến bộ trong tái cơ cấu sản xuất và ngoại thương và cải cách sở hữu.
Bài học số 9: Chuẩn bị cho sự xuất hiện của thất nghiệp. Các hậu quả của nó phải được giảm nhẹ bằng các hệ thống bảo hiểm và phúc lợi cần thiết. Điều quan trọng nhất là để đất nước bước lên con đường tăng trưởng tạo ra rất nhiều việc làm.
Vấn đề này cũng biện hộ cho việc chú ý nhiều đến phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, như được kiến nghị trong bài học số 3. Có những tiềm năng rất lớn về tạo việc làm trong sự mở rộng mạnh của khu vực dịch vụ bị sao nhãng trước kia. Kinh nghiệm ở các nước đã phát triển và ở khu vực Đông Âu cho thấy các ngành dịch vụ đóng một phần quan trọng trong hấp thu dữ trữ lao động.
Tôi không thể rút ra những kết luận rő ràng từ kinh nghiệm Đông Âu về hoạt động của nhà nước phúc lợi, hay về cải cách và phát triển tiếp hệ thống giáo dục, y tế và hưu trí. Lĩnh vực này chỉ được những người ra quyết định xem xét sau thời gian trễ dài, sau khi các hệ thống con này đã chìm sâu trong tình trạng nghiêm trọng, chí ít ở một số nước. Một số trong những vấn đề này là hệt như các vấn đề ở các nước đã phát triển, nhưng những vấn đề khác mang tính đặc thù, liên quan đến biến đổi mang tính hệ thống. Thí dụ, trong cải cách sở hữu nhiều doanh nghiệp tìm cách nhún vai bỏ qua các nhiệm vụ phúc lợi của họ. Họ ngưng vai trò của mình về cung cấp chỗ ở cho nhân viên, về cung cấp chăm sóc ý tế và các phương tiện chăm sóc trẻ em cho nhân viên, và về đóng góp cho quỹ hưu trí của họ. Tất cả điều này xảy ra vào lúc khi chính phủ, các tổ chức dân sự hay khu vực tư nhân chưa đảm bảo được các chức năng này.
Bài học số 10: Phải chú ý để tránh khoảng trống chân không trong cung cấp các nhu cầu của công chúng có thể xảy ra sau cải cách sở hữu. Không thể loại trừ khả năng nảy sinh tình hình nguy kịch. Khu vực nhà nước và tư nhân phải có sự tổ chức phòng ngừa của hoạt động song song, bổ sung cho nhau trong lĩnh vực phúc lợi.
Ý tưởng nảy sinh đầu tiên với cải cách hưu trí bằng tạo ra các hệ thống-con “đa-trụ”. Hãy để hệ thống hưu trí nhà nước và hệ thống hưu trí tư nhân, tự nguyện hoạt động cạnh nhau. Các ý tưởng tương tự cũng được phát triển cho y tế: cùng với hệ thống bảo hiểm xã hội được tài trợ bởi đóng góp bắt buộc và cung cấp chăn sóc ý tế cơ bản, có thể có các cơ hội hợp pháp cho bảo hiểm tư nhân bổ sung. Các định chế nhà nước vẫn chiếm ưu thế, nhưng lác đác đã xuất hiện các định chế phi-nhà nước, một số phi lợi nhuận, một số vì lợi nhuận, trong giáo dục, chăm sóc trẻ em và người già.
Đã chẳng ở đâu nổi lên một mô hình mà tôi có thể khuyến nghị như hình mẫu với lương tâm thanh thản. Tuy vậy, đáng rút ra các bài học tiêu cực từ kinh nghiệm ở Đông Âu: trì hoãn sự biến đổi và dung thứ cho sự tê liệt hay phá hủy các định chế hiện hành đã chắc chắn làm cho vấn đề tồi tệ hơn.
Không đúng đi phân chia cải cách triệt để hệ thống kinh tế và [an sinh] xã hội ra làm hai pha, theo đó giải quyết các vấn đề kinh tế tồi tệ nhất trong pha đầu và cải cách các định chế “con người” chỉ xảy ra trong pha thứ hai. Bất cứ ở đâu đã theo loại sắp lịch thời gian này, thì những gánh nặng nghiêm trọng và ở mức độ nào đó có thể tránh được đã giáng xuống đại bộ phận dân chúng. Sau này sẽ rất khó để thực hiện các nhiệm vụ bị trì hoãn. Sự phân chia hợp lí của những gánh nặng liên thế hệ, cùng với tính duy lí kinh tế và ổn định chính trị, đòi hỏi các cải cách thể chế được tiến hành ít nhiều đồng thời trong mọi lĩnh vực cuộc sống.
[1]; Harvard University and Collegium Budapest