Cuộc sống quanh ta

Thăng Long đất thánh, cháu con thêu dệt đóa ân tình(Giới thiệu sách “Ngàn năm bái tạ đất Thăng Long – Người Nguyễn Đức viết về Hà Nội”)

Trong Lời giới thiệu cuốn sách, GS.NGND Nguyễn Đình Chú viết:
“Thăng Long- Đông Đô - Hà Nội là trái tim thiêng liêng ngàn năm của cả nước. Là người Việt Nam, không ai không kính, không yêu, không tự hào về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội . Với người cầm bút, chuyên hay không chuyên, Thăng Long- Đông Đô - Hà Nội đã trở thành đề tài, trở thành nguồn cảm hứng lớn lao, bất tận.

Trong đó, có người Nguyễn Đức là con cháu họ Nguyễn Đức ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, một dòng họ không chỉ yêu nước mà còn được trời phú cho một khả năng hội tụ mật độ văn chương vào loại ít thấy, trong đó có không ít người may mắn lần lượt trước sau được gắn bó với Hà Nội, sống và viết trên đất Hà Nội, viết về Hà Nội.

Nhân dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, người Nguyễn Đức muốn được bày tỏ lòng tri ân Hà Nội bằng một tuyển tập văn thơ dự định lấy nhan đề: “Ngàn năm bái tạ đất Thăng Long (người Nguyễn Đức viết về Hà Nội)”.  Nhan đề này là dựa theo câu thơ nổi tiếng của Huỳnh Văn Nghệ: “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Với Huỳnh Văn Nghệ là “thương nhớ đất Thăng Long”, bởi ông là người sống ở phương Nam – còn với người Nguyễn Đức phải “bái tạ đất Thăng Long” vì Thăng Long đã là sinh địa, thánh địa, cho người Nguyễn Đức có sự sống ra sống”.
Cuốn sách gồm 25 tác giả, trải qua 5 đời họ Nguyễn Đức.
Người khơi dòng văn chương đầu tiên của họ Nguyễn Đức ở Hà Nội là một nhà ái quốc sáng danh trong lịch sử dân tộc ở thời cận đại: Nguyễn Đức Công tức Hoàng Trọng Mậu. Cụ là người tham gia phong trào Đông Du. Rồi tham gia sáng lập Việt Nam Quang phục hội, giữ cương vị bộ trưởng quân sự,  được vua Duy Tân trong khi chuẩn bị khởi nghĩa mật phong là Tổng tư lệnh nghĩa quân.
Ngày ra pháp trường tại trường bắn Bạch Mai, thực dân Pháp đưa cố đạo đến rửa tội. Cụ đã dõng dạc nói: “Chúng tôi là người cứu nước, có tội gì mà phải rửa. Mời ông đi chỗ khác”. Tiếp đó, Cụ đọc câu đối tuyệt mệnh mà sau này, có lúc đã được treo ở nhà Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tại Hà Nội.
“Ái Quốc hà cô, duy hữu tinh thần lưu bất tử;
Xuất sư vị tiệp, thả tương tâm sự thác lai sinh.
(Yêu nước tội gì, duy có tinh thần là chẳng chết.
Ra quân chưa thẳng, xin đem tâm sự gửi mai sau)
Con trai thứ hai của cụ Nguyễn Đức Công là Nguyễn Đức Vân, một nhà Hán học có uy tín, một dịch giả Hán văn có thành tựu hàng đầu. Bản “Thiên đô chiếu” của vua Lý Thái Tổ của cụ Nguyễn Đức Vân dịch đã được sử dụng để trình bày ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại Hà Nội và được dùng trong các công trình thư tịch chính của Hà Nội. Bản dịch Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia Văn phái (cùng Kiều Thu Hoạch) được sử dụng trong sách giáo khoa Ngữ văn. Nhà Nho Nguyễn Đức Vân đã cùng nhà Nho Đào Phương Bình “hoàn thành bước đầu” công trình Văn thơ Lý Trần đồ sộ…
Em trai cụ Nguyễn Đức Vân là Nguyễn Đức Bính vốn nổi tiếng là một nhà báo, một nhà giáo trên đất Nghệ An. Cụ Bính thời trẻ, cũng đã sống ở Hà Nội, vào đảng Tân Việt, cùng Ngô Tất Tố viết “Thời vụ báo”. Cụ từng là nghị viên của Viện Dân biểu Trung Kỳ cùng Phan Thanh “ông nghị hay cãi và cãi hay”. Cụ không gia nhập văn đàn. Chỉ thỉnh thoảng tung ra đôi bài thi đều gây chú ý nhiều với bạn đọc, đó là “Người Cổ Nguyệt chuyện Xuân Hương” và trường ca “Hà Nội”. Nay thì “Người Cổ Nguyệt chuyện Xuân Hương” được dư luận coi đó là tác phẩm hay nhất trong thể loại chân dung văn học, là tác phẩm viết về Bà chúa thơ Nôm tài hoa nhất, hấp dẫn nhất từ trước tới nay. Còn về trường ca “Hà Nội”, nếu ai đã có dịp đọc các tuyển tập thơ về Hà Nội  thời nay, dễ thường sẽ thấy tầm vóc trường ca “Hà Nội”  của “Tiền Độ Tiêu Lang” (bút danh của Nguyễn Đức Bính) hơn nhiều bài thơ về Hà Nội, không chỉ ở độ hoành tráng, bề thế, mà trước hết là ở thế bút.
Cháu gọi cụ Nguyễn Đức Công bằng bác ruột là Nguyễn Đức Nguyên, tức Hoài Thanh nhà báo, nhà phê bình văn học mà công trình tiêu biểu nhất là Thi nhân Việt Nam, viết chung với người em là Nguyễn Đức Phiên bút danh Hoài Chân.
Với phương châm “lấy hồn ta để hiểu hồn người”, những lời bình của Hoài Thanh diệu kỳ tới mức hôm nay đã không ít người cho đó cũng là những vần thơ.
Đến đời cháu nội của cụ Nguyễn Đức Công, viết về Hà Nội, đáng chú ý có Nguyễn Đức Ngọc (tức Đại tá quân đội, nhà thơ Anh Ngọc) và Nguyễn Đức Nhật, bút danh Nguyễn Chí Tình (con trai thứ hai của cụ Nguyễn Đức Bính) nguyên là phóng viên báo Tiền phong và là soạn giả của “Số phận các nền văn minh”.
Văn bút của người họ Nguyễn Đức có mật độ cao hiếm thấy, dù không ai bảo ai, nhưng thực tế tựa như có một phong trào viết về Hà Nội, dẫu rằng kẻ ít người nhiều: Cao niên có cụ bà Nguyễn Thị Du vợ cụ Nguyễn Đức Bính; cụ Nguyễn Đức Dương, một nhà cách mạng lão thành, từng là Thứ trưởng bộ Ngoại giao… Lớp sau có nhà thơ Thúy Bắc (Nguyễn Thị Thúy Bắc) “Sợi nhớ sợi thương”; Nguyễn Đức Thanh (bút danh Đỗ Anh Thơ) vốn là một kỹ sư, từng là ủy viên thường trực nhóm dự báo chiến lược khoa học kỹ thuật của Nhà nước về công nghệ, sau ngày nghỉ hưu, lại trở thành nhà Hán học, có trên 10 công trình biên khảo về Cổ văn Trung Quốc; Nguyễn Đức Giáp, phó Tổng giám đốc Việt Nam thông tấn xã; Nguyễn Đức Tâm kỹ sư địa chất; Nguyễn Đức Hân (bút danh Phan Hồng Giang) con trai thứ của Hoài Thanh, tiến sĩ khoa học văn chương; Nguyễn Thị Hồng Ngát, vợ của Phan Hồng Giang, nguyên Cục phó cục điện ảnh…
Đặc biệt, tôi muốn giới thiệu ở đây bài “Văn tế sống nàng Tô Lịch” của nhà giáo Nguyễn Thị Minh Thâm. Bà là vợ GS.NGND Nguyễn Đình Chú, con gái học giả Nguyễn Đức Vân, em gái GS Nguyễn Đức Đàn, chị gái nhà thơ Anh Ngọc. Bà là giáo viên dạy Sinh học và nhiều năm là Phó Hiệu trưởng kiêm Bí thư chi bộ Đảng trường THPT Yên Hòa – Cầu Giấy – Hà Nội, toàn những công việc tưởng khô khan quy tắc nhưng được thừa hưởng cái gien tài hoa của gia đình nên bà có một tâm hồn thơ ca dí dỏm và thâm thúy. Tôi đã được đọc những bài thơ Vịnh chồng của bà. Thật bất ngờ là lần xem sách này lại được thưởng thức “Văn tế sống nàng Tô Lịch” bà viết từ mùa thu Đinh Hợi (2007).
Bà giáo Nguyễn Thị Minh Thâm tâm sự: “Nhân nhà ở gần sông Tô Lịch, mỗi lần đến gần sông hay đi trên cầu qua sông là thấy mùi hôi thối bốc lên. Sông Tô là một con sông giữa lòng thành phố như sông Seine ở Pháp mà không được cải tạo để tận dụng. Thời xưa “nước sông Tô vừa trong vừa mát”… Nay… !!! Nên tôi nảy ra ý tưởng Tô Lịch là tên của một người con gái kiều diễm xinh đẹp mà cuộc đời lại chẳng ra gì!”
Toàn văn tác phẩm như sau:
Ngó cuộc thế tình đời chua chát quá, khi lên voi lúc xuống chó, việc hơn thua thua được có ra gì!
Ngẫm làm người, bạc phận kẻ hồng nhan, sung sướng đó mà khổ đau liền đó.
Nhưng nghĩ rằng, cùng một kiếp con người chuyện tình nghĩa phải sống sao cho trọn.
Xót bạn quần thoa, thương tình nhi nữ
Tấc vàng lửa đốt, giọt ngọc tuôn rơi.
Nhớ nàng xưa:
Dòng dõi thi thư
Nếp nhà khuê các
Lá ngọc cành vàng
Vốn dòng quý tộc.
Học vấn tinh thông, tài sánh kịp bậc tu mi nam tử.
Cầm kì thi họa, giỏi thêu thùa bậc nhất đất Hà thành.
Hiền thục đoan trang, lòng nhân hậu sẵn có trong trời đất.
Đường nhan sắc sánh cùng Phi Yến
Mảnh mai kiều diễm
Trong ngọc trắng ngà
Mặt hoa da phấn
Rạng rõ tiên sa
Mắt lặng ao thu
Tóc dường lệ liễu.
Bước đường đời hạnh phúc tràn trề, sớm được mắt Rồng ngó đến.
Trong cung cấm, ngày lại ngày được nhà vua yêu mến.
Chiều lại chiều, ngự thuyền rồng dọc sông cùng Hoàng thượng việc nước luận bàn
Mẫu nghi thiên hạ
Đức độ thương dân
Được muôn người khắp miền kính nể.
Nào ngờ!
Cuộc truy hoan ngắn ngủi
Trâm gãy gương tan
Ngọc đẹp hóa bùn
Vàng tinh hóa cát.
Bạc phận hồng nhan, người còn đó mà như là đã chết!
Suốt ngày ủ rũ, giọt lệ tuôn rơi.
Dưới chẳng quan tâm, trên không màng tới.
Ôi! Thương ơi!
Mình vàng đen đủi
Ngày lại ngày bốc mùi hôi thối
Hỡi ôi! Thương thay!
Thì ra, “Kiếp sinh ra phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
Ô hô! Thượng hưởng!
**
*
Tôi muốn nói thêm điều này hẳn không mấy người được biết, chính GS.NGND Nguyễn Đình Chú đứng ra tập hợp tư liệu, làm chủ biên, biên tập, viết bài giới thiệu nghiên cứu rất công phu để năm 2000, cho xuất bản Tuyển tập văn thơ họ Nguyễn Đức trên 550 trang (Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2000), một công trình rất có ý nghĩa không những đối với dòng họ mà còn cả đối với đời sống văn học, bởi cho đến nay, Nguyễn Đức vẫn là dòng họ duy nhất công bố được một tuyển tập thơ văn trải ra 8 thế hệ.
Lần này, tặng tôi cuốn sách “Ngàn năm bái tạ đất Thăng Long – Người Nguyễn Đức viết về Hà Nội”, ông bảo: “Tiếc rằng anh em trong dòng họ của mình không sẵn vốn nên sách ra muộn, không kịp làm lễ dâng trong Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”.
Tôi viết những dòng này để thay lời muốn nói với ông rằng: “Thầy ạ, dòng họ Nguyễn Đức toàn bậc thi thư sẵn vốn văn chương nhưng không sẵn vốn kinh tế, cũng chẳng ai biết “móc ngoặc” hay “đi cửa sau” bao giờ. Thôi thì mình cứ thành tâm, hẳn “Hoàng thiên bất phụ hảo nhân tâm” (Trời xanh không phụ người có lòng tốt)”. Ông hẳn đồng ý với tôi điều này. Vì trên bàn thờ gia tiên, GS.NGND Nguyễn Đình Chú đã đề câu đối vừa cho mình, vừa cho con cháu hôm nay và mai sau trong việc tri ân cội nguồn, tri ân Hà Nội để sống cuộc sống có ý nghĩa.
“Thượng Xá cố hương, tiên tổ tài bồi phúc lộc thụ
 Thăng Long thánh địa, tử tôn chức kết nghĩa tình hoa”
Dịch nghĩa:
 “Thượng Xá quê nhà, tiên tổ vun trồng cây phúc lộc.
Thăng Long đất thánh, cháu con thêu dệt đóa ân tình”./.
 
Hà Nội, ngày 18-6-2011
(*): “Ngàn năm bái tạ đất Thăng Long – Người Nguyễn Đức viết về Hà Nội” do GS.NGND Nguyễn Đình Chú (chủ biên) – Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011, 394 trang.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513357

Hôm nay

2143

Hôm qua

2315

Tuần này

21294

Tháng này

220230

Tháng qua

121356

Tất cả

114513357