Văn hoá học đường

Một góc nhìn khác về Bob Kerrey và Fulbright University Viet Nam

Cũng như tất cả mọi người Việt Nam quan tâm đến giáo dục, tôi mong đợi và kỳ vọng Trường ĐH Fulbright Việt Nam (FUV) sẽ mang đến một làn gió mới, một mô hình tạo ra sự ưu tú mà nhiều trường VN khác có thể học. Từng là học giả Fulbright, tôi biết ơn những gì mình đã nhận được, vì vậy mong muốn của tôi đối với FUV không chỉ chứa đựng tiếng nói của lý trí, mà còn là tình cảm từ tận đáy tim.

Và cũng như nhiều người khác, vấn đề Bob Kerrey (BK) là Chủ tịch Hội đồng Trường của FUV đã làm tôi quan tâm khá nhiều. Tôi đã đọc có lẽ là tất cả những thông tin liên quan trên báo chí Việt và Mỹ, trên mạng xã hội, với bình luận của mọi người. Hầu như tất cả mọi người đều ủng hộ FUV và dành cho nó những tình cảm và hy vọng đẹp nhất. Nhưng với Kerrey, sự phân hóa rất rõ. Có người ủng hộ, có người phản đối, và cả hai phía đều có những lý lẽ thuyết phục.

Tôi không thuộc về cả hai phía.

Đối với tôi, việc tham gia chiến tranh ở Việt Nam của BK không phải là vấn đề lớn, vì hai lý do: 
(i) Trong chiến tranh, con người không thể hoàn toàn tự quyết định, mà mỗi người chỉ là một con ốc trong cả một guồng máy. Những kẻ tham chiến đã giết người, đúng vậy, nhưng hoặc là bị bắt buộc, hoặc là vì tin theo một lý tưởng. Những chiến binh khác của các bên tham chiến trong các cuộc chiến tranh cũng có thể đã từng làm những điều tương tự. Tội ác của những người tham chiến là một, thì tội ác của những người gây ra chiến tranh lớn hơn hàng ngàn, hàng vạn lần.
(ii) Có câu “buông đao thành Phật”. Một người đã từng phạm tội ác, không có nghĩa mãi mãi sẽ là kẻ thủ ác. Sự hối lỗi có thể đưa người ta đến những hành động có ích cho cộng đồng, và chúng ta nên ghi nhận điều này.

[…]
Tôi đặt mình vào cương vị của những người sáng lập FUV, tôi có thể thấu hiểu và đánh giá cao những nỗ lực bền bỉ không mệt mỏi của họ để FUV được phép thành lập ở Việt Nam, tôi biết là việc đó không dễ dàng. Tôi cũng hiểu lý do họ lựa chọn BK vào vị trí này là vì tin vào khả năng tìm kiếm tài trợ của ông ấy. Tài chính có ý nghĩa sống còn cho sự tồn tại của một trường như FUV. Học phí của sinh viên có đủ duy trì cho hoạt động của FUV không? Chắc chắn là không, ít nhất trong vài năm đầu. Vậy trường sẽ dựa vào đâu để tồn tại? Câu trả lời sẽ là dựa vào vận động tài trợ.

[…]

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh: còn quá sớm để đánh giá về FUV. Chúng ta phải nhìn vào những việc họ sẽ làm trong tương lai, để nhìn nhận những đóng góp của FUV đối với giáo dục Việt Nam, và đối với đất nước nói chung.

Nếu không ủng hộ, cũng không phản đối sự tham gia của BK với tư cách Chủ tịch Hội đồng Quản trị [Tín thác] FUV, thì quan điểm của tôi đối với việc này là gì? Tôi cho rằng trong khi chưa thể đánh giá BK và FUV qua kết quả công việc, chúng ta cần một sự MINH BẠCH về:

(i) Tính chất pháp lý của trường: FUV là của ai? Nếu đó là một trường ĐH Việt Nam hoạt động theo luật Việt Nam, thì nó có thành viên góp vốn. Thành viên góp vốn đó là ai và việc họ tham gia vào HĐQT có theo luật VN hay không? Việc bổ nhiệm HT của FUV hiện nay đang nằm ngoài Luật GDDH, vậy FUV hoạt động trong khuôn khổ pháp lý nào?
(ii) Điều lệ tổ chức và hoạt động của Trường: Cần công khai văn bản này càng sớm càng tốt, vì nó nói lên rất rõ tính chất của Trường. Luật GDDH cho phép nhiều điều các trường được quyết định trong khuôn khổ Quy chế mà họ tự xây dựng.
(iii) Chương trình đào tạo. 
(iv) Trong tương lai, báo cáo tài chính được kiểm toán phải là một phần không thể thiếu trong những gì cần được nêu công khai.

Tôi ao ước được nhìn thấy FUV trở thành biểu tượng hòa giải của hai đất nước. Tôi khao khát được thấy FUV mang lại những cơ hội mà nhiều người Việt trẻ, vì xuất thân trong gia đình nghèo, đã không thể có. Tôi mong muốn FUV đem đến những giá trị về công chính và sự thật, những thứ quý báu và hiếm hoi hiện nay.

Nhưng tôi không ảo tưởng. Vì những thứ đó, chúng ta không thể đánh giá qua những lời tuyên bố. Chúng ta phải nhìn vào việc họ làm, và những kết quả, tác động mà công việc ấy tạo ra. Những thứ đó đang còn ở phía trước. Còn hiện nay, chỉ có sự minh bạch mới có thể xây dựng được niềm tin. Niềm tin của công chúng là tài sản quý giá nhất của một trường ĐH, không có niềm tin đó, thì có lẽ khó lòng có một tương lai sáng sủa cho FUV và bất cứ ai.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558413

Hôm nay

211

Hôm qua

2384

Tuần này

21972

Tháng này

225956

Tháng qua

122920

Tất cả

114558413