Cuộc sống quanh ta

Tản mạn nghề báo nghiệp dư

Tôi không còn nhớ rõ mình bắt đầu viết báo từ ngày nào nhưng có một điều gần như chắc chắn là đã gần mười năm rồi. 10 năm với hàng ngàn bài báo đủ các thể loại, đủ cả sự trăn trở, thao thức, nhức nhối cũng như cả những a dua, những khi muốn mà không thể nói khác đi, thích mà chẳng thể nào diễn đạt được điều mình thích...

Nói tóm lại, những bức xúc giục giã sự tỏ bày, cái cách loay hoay tìm kế để sinh thoát nhằm kéo giúp cho đồng lương của nghề giáo nhọc nhằn, bạc bẽo, cái thói quen thích viết tự thuở học trò giỏi văn... Xem ra là có vô số những cơ duyên, những động lực và khao khát để khi ngồi trước máy tính rồi thì tất cả đều quyện hòa làm một như một mạch chảy thầm lặng của đóng góp, ước mơ...

Kể rõ những chuyện ấy để nói rằng dù là nghiệp dư hay tay trái thì thâm niên cầm bút chẳng phải ít ỏi gì. Vậy mà, mấy tuần qua – ngay trước “thềm” của ngày nhà báo Việt Nam, tôi lại thấy khó viết, khó nghĩ một cách lạ kỳ. Về nguyên tắc, mấy tuần qua luôn đầy ắp các sự kiện. Các sự kiện va đập vào nhau loảng xoảng, dữ dằn hơn, ngột ngạt hơn cả cơn nóng bức ngày hè. Nào là lần đầu tiên nhập hàng ngàn tấn than trong khi mỗi tháng vẫn xuất khẩu cả triệu rưởi tấn; nào là Tổng GĐ Vinashin bị truy nã(!) mà chẳng hiểu vì sao lại thoát nhẹ thế, dễ dàng(?); nào là ngành giáo dục định “làm dự án” 70 ngàn tỷ trong khi vẫn chưa hề biết nếu như có tiền sẽ chi như thế nào, cho cái gì, vì sao lại thế; nào là kết quả thi tốt nghiệp THPT đẹp như mơ, đột biến thành công như thần thoại trong khi ai cũng hiểu là cái chữ chẳng thể nào mua được, chẳng thể nào nhảy vọt trong mọi cái đầu trong một sớm một chiều; nào là chuyện ngay giữa lòng TP HCM, một công dân vùng thoát được khỏi bọn cướp ngày nhưng lại đành bất lực trước “văn hóa hôi của” của những người đi đường nên đành bất lực đứng nhìn những đồng tiền bị lòng tham và sự vô cảm cuốn bay đi...

Sự kiện này chưa kịp nhức, sự kiện khác đã nhói đau, bốc lửa trong đầu. Và, có lẽ cũng giống như mọi người Việt Nam khác đang khắc khoải dưới gầm trời này, Biển Đông với những âu lo, nghĩ suy, những câu hỏi và chưa thể trả lời cứ đuổi theo mãi hoài suốt sáng, trưa, chiều tối...

Đọc báo, nghé mạng thấy lần đầu tiên Việt Nam lên án Trung Quốc ngay tại diễn đàn Liên Hợp Quốc mà mừng đến chảy cả nước mắt. Nghe đài, xem tin, biết lần đầu tiên Việt Nam và Hoa Kỳ ra Thông cáo chung về việc cần thiết phải giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình mà mừng hết biết. Thế nhưng, tiếp theo liền liền với những dòng tin hởi dạ mát lòng ấy là chuyện “người ta” dồn ngư dân lên bờ, tận vét ngang nhiên cái tôm, con cá khiến cho 147 doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng hải sản phải đóng cửa. Không nộp thuế, không sợ hãi cứ như thể đất nước mình là chỗ nhập nhòa quốc pháp, gia phong? Tiếp đó là chuyện tàu hải quân Việt Nam song hành cùng tàu hải quân Trung Quốc tuần tra trên biển. Tuần tra trên chặng biển nào, vĩ độ và kinh độ bao nhiêu? Thuộc hải phận Việt Nam hay hải phận quốc tế, là chỗ đang chồng lấn tranh chấp hay là của ta rồi lỡ mai này “người ta” cho rằng những cung đường cùng đi là cung đường đang tranh chấp? Nghe, đọc mà giật mình bởi ai đó có rỉ tai rằng không phải tự nhiên mà ‘người ta’ mời hàng ngàn thanh niên sang giao lưu hữu nghị một năm. Trong số cái hàng ngàn ấy có bao nhiêu người vì vô tình ngây thơ hay nông nổi mà trở thành nạn nhân của sự cài cắm lâu dài?...

Những câu hỏi cứ đuổi nhau trong đầu như đèn cù và, rất muốn rằng mình đang sai, đang nghĩ xấu cho ‘người ta’ nhưng tìm ai để hỏi và câu trả lời có đủ, có thỏa đáng hay không là cả một rừng u tối ngổn ngang. Đọc mạng càng hoang mang hơn nữa khi thấy báo chí Trung Quốc đòi “trừng phạt” Việt Nam về kinh tế(?) vì Việt Nam “dám” khẳng định chủ quyền(?) Trừng phạt ai đây khi nhập siêu năm rồi lên đến 12,7 tỷ USD? Chợt nhớ chuyện của cha ông hồi đầu thế kỷ trước: Một trăm năm trước cha ông đã phát động phong trào chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa để nhằm phá vỡ cái thế độc quyền, áp đặt, khơi dậy sức mạnh cho hàng hóa Việt vươn lên. Đành rằng thời WTO nó khác với thời xa xưa ấy nhưng các doanh nghiệp Việt cứ lụi mòn vì sự chèn ép không công bằng, sức mạnh Việt cứ dậm chân hoài quanh cái hố nghèo, khó khăn thì làm sao xác lập được chủ quyền, làm sao có thể độc lập về chính trị khi kinh tế phụ thuộc nặng nề? Bài học đó Marx đã nói cách đây cả hàng trăm năm, chẳng lẽ ta nghe mãi, nhắc mãi mà chưa chịu hiểu?

Phim người cứ chiếu ngập tràn trên các sóng, chờ mãi đến hôm nay (20.6), đọc bài của Giáp Văn Dương trên Vietnamnet mới thấy cụm từ tuần hành để phản đối Trung Quốc chứ không phải là “tụ tập của một nhóm người”. Thì ra, để hiểu đúng hai từ tuần hành hay tụ tập, phải mất đến 15 ngày, sự học – biết, khó lắm thay!

Những khó khăn, những thách thức cứ như là cái nhiệt kế đo cái nóng của nghề báo. Nghiệp dư mà nhọc nhằn đến thế, không hiểu nhà báo chính hiệu vất vả đến cỡ nào? Dù sao, cũng có thể tự an ủi mình rằng còn viết được, còn cơ hội để hỏi, để băn khoăn, có lẽ vẫn còn là có ích, chút chút gọi là. Mong sao cho trời quang, mây sáng để những câu hỏi màu chì phải lẩn khuất mất tăm. Mong sao cho ngòi bút cứ được thẳng dần theo năm tháng để viết mà chẳng phải cân nhắc đến nhức mỏi trăm bề...

Long Xuyên, 21.6.2011.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513331

Hôm nay

2117

Hôm qua

2315

Tuần này

21268

Tháng này

220204

Tháng qua

121356

Tất cả

114513331