Gia đình người Việt và các tộc người anh em khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam có nhưng nét khác nhau nhưng có nhiều đặc điểm chung và đã bổ sung cho nhau để cùng tạo nên những giá trị ưu việt của gia đình Việt Nam. Giá trị gia đình không phải là bất biến mà thay đổi định hướng theo thời đại, đồng thời cũng có các giá trị cốt lõi trường tồn cùng các cộng đồng, các dân tộc. Ở nước ta, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, thể chế kinh tế thị trường ngày càng chiếm ưu thế, giao lưu ngày càng rộng mở với cường độ ngày càng cao, xã hội biến đổi nhanh chóng cả về cấu trúc, tính chất, sự vận hành, vận động đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến gia đình. Cấu trúc gia đình Việt Nam hiện nay đã thay đổi rõ rệt so với trước đây. Hiện nay chủ yếu là gia đình hai thế hệ. Địa vị của người phụ nữ đã bình đẳng hơn với nam giới, chủ động hơn, độc lập hơn, thậm chí vai trò lãnh đạo gia đình thuộc về phụ nữ nếu họ có thu nhập kinh tế cao hơn. Con cái trong gia đình cũng được chăm sóc đầy đủ hơn, nuông chiều hơn nên tính ỷ lại của một bộ phận đáng kể cũng tăng lên. Đô thị hóa tăng nhanh và chưa định hình ổn định làm cho quan hệ xã hội của các thành viên gia đình và của các gia đình ngày càng rộng hơn đồng thời với sự thu hẹp lại các quan hệ họ tộc, láng giềng. Ở một bộ phận không nhỏ, văn hóa không còn giữ vị trí định hướng và ổn định gia đình mà thay vào đó là kinh tế. Đồng tiền phân công vai trò lãnh đạo gia đình thay cho người đàn ông. Vai trò truyền trao và giáo dục văn hóa trong các gia đình đang thể hiện sự trể nãi và bế tắc. Nhận thức về giá trị của các thế hệ trong mỗi gia đình đang có biểu hiện lệch pha làm cho văn hóa gia đình thiếu ổn định và thống nhất. Bởi vậy hạnh phúc gia đình đang trở nên mỏng manh, cấu trúc gia đình dễ bị đỗ vỡ hơn. Đó là những sự thách thức của thời đại đối với cấu trúc gia đình truyền thống Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải mọi sự thách thức đều không thể vượt qua. Thực tế cho thấy mặc dù cấu trúc gia đình có nhiều thay đổi nhưng về cơ bản các giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình Việt Nam vẫn được tôn trọng và gìn giữ, phát huy trong điều kiện mới, môi trường mới một cách phù hợp. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa tuy rằng vẫn nhiều nơi nơi, nhiều lúc còn làm chiếu lệ, thiên về hình thức, cổ động nhưng nhìn chung đã đem lại những kết quả thiết thực, góp phần tôn vinh và bảo vệ các giá trị truyền thống, định hướng các giá trị mới trước sự tấn công của các phản giá trị. Một phần nhờ vậy mà chúng ta bảo vệ được các truyền thống, các giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trước các đổi thay và biến cố thời đại.
Nhìn lại lịch sử, các giá trị truyền thống gia đình Việt Nam cũng đã trải qua nhiều thử thách, nhất là trước sự xâm lăng của các thế lực phương Bắc và phương Tây nhưng tiên tổ, ông bà, cha mẹ chúng ta đã gìn giữ được. Điều đó không chỉ khẳng định sức sống mãnh liệt của các giá trị truyền thống mà còn khích lệ và động viên các thế hệ hôm nay hãy biết nâng niu các giá trị đạo đức và văn hóa của gia đình người Việt Nam chúng ta để hình thành nên các giá trị mới, tiên tiến, nhân văn, đáp ứng sự vận động mới của đời sống xã hội, của thời đại./.