Cuộc sống quanh ta

Ba chuyển đổi làm nên cái thời ta đang sống

Cái thời ấy thế mà cũng đã hơn 20 năm, trong tên gọi Đổi mới. Dài hơn hai lần chống Pháp. Dài hơn hai lần cả nước chống Mỹ. Hơn hai thập niên đất nước chia cắt... Những thời ấy, có lúc là ngàn cân treo sợi tóc - nhưng cả dân tộc cùng chung lo, cùng chịu đựng, cùng nhất tề xông lên, nhất tề đồng khởi... Còn bây giờ - là trăm mối lo toan. Mỗi biến động lớn nhỏ của đời diễn ra ở quanh ta, hoặc ở bất cứ nơi nào trên thế giới là trực tiếp đến với từng ngôi nhà, từng căn hộ, từng cá nhân riêng lẻ. Không bom đạn trên đầu, mà bối rối trong óc và bồn chồn trong lòng. Một cuộc sống sôi sục, cựa quậy trong những chuyển động...

Kể từ Cách mạng tháng 8-1945, rồi tiếp đó là 30 năm chiến tranh (đúng ra là ngót 40 năm - cho đến kết thúc cuộc chiến ở hai đầu biên giới), đất nước mới thật sự có hòa bình, nhưng là một hòa bình trong âu lo, vừa sum họp vừa ly tán, phấp phỏng cho đến thời điểm khởi động công cuộc Đổi mới. Đổi mới, vào lúc này, đó là lối thoát cho dân tộc; nhưng với lịch sử thế kỷ XX thì nó dường như là sự trở lại cũng những mục tiêu đặt ra trong khát vọng Canh tân của các nhà Nho yêu nước, qua phong trào Duy tân và Đông Kinh nghĩa thục vào thập niên đầu thế kỷ. Một phong trào với hai yêu cầu bao trùm và khẩn thiết - đó là Dân chủVăn minh. Dân chủ: trở về với dân, và gắn dân với nước - “Dân là dân nước, nước là nước dân” (Phan Bội Châu). Và Văn minh: triệt để đòi thay đổi và xóa sổ cả một nền học vấn hủ lậu - “cáo hủ lậu văn” để đưa dân tộc tiếp cận với văn minh, văn hóa phương Tây - nơi giai cấp tư sản đã kiến lập nên một thời đại mới: thời đại chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang đế quốc chủ nghĩa, với tham vọng thống trị và chia sẻ thị thường thế giới. Dân chủ và Văn minh, ngay từ lúc khởi động, đã đưa xã hội Việt Nam vào một quỹ đạo mới, xã hội thuộc địa - bán phong kiến, và cũng với hai yêu cầu đó xuyên suốt thế kỷ, đi qua một cuộc cách mạng và hai cuộc chiến tranh cho đến mục tiêu Đổi mới và hội nhập hôm nay.
Suốt một thế kỷ kể từ khi kết thúc phong trào Cần vương, năm 1897, yêu cầu Độc lập cho dân tộc luôn luôn gắn với khát vọng Dân chủ cho nhân dân chưa bao giờ vơi nhạt kể từ phong trào Duy tân, đến con đường cứu nước của Nguyễn ái Quốc, rồi sự thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương cho đến Tuyên ngôn độc lập năm 1945: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Cả ba quyền: sống, tự do, và mưu cầu hạnh phúc, chỉ có thể thực thi triệt để, với cốt lõi là dân chủ, là dân làm chủ, thay cho mọi tầng lớp không phải là dân, không thuộc về dân - nó có thể là một giai tầng, một nhóm độc quyền, hoặc một lớp người đặc quyền, đặc lợi. Từ Tuyên ngôn độc lập - 1945, hơn 40 năm sau, đến cuối 1986, cả dân tộc lại trở lại khát vọng: “Lấy Dân làm gốc”. Đã có một cuộc cách mạng, đã qua hai cuộc chiến tranh (với sự đồng tâm nhất trí của nhân dân mới giành được chiến thắng), đã trải bao tìm tòi cho một Cương lĩnh xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa... thế mà sau một chặng đường dài gần một thế kỷ lại trở về yêu cầu dân chủ - như là một vạch xuất phát.
văn minh - đó là yêu cầu thoát ra khỏi tình trạng phong bế, gốc rễ của mọi sự hủ lậu, để mở rộng dần các mối giao lưu, trước hết là giao lưu với phương Tây - nơi có sự phát triển sớm và cao các nền móng khoa học và công nghệ. Đó là hiện tượng chỉ có thể diễn ra vào đầu thế kỷ XX, khi mọi chủ trương cấm vận, bế quan tỏa cảng của vương triều Nguyễn đã hoàn toàn thất bại. Cuộc giao lưu đó, dẫu còn trong khuôn khổ hẹp, dẫu là trong bối cảnh xã hội thuộc địa, cũng đã tạo được những điều kiện tối thiểu để thực hiện yêu cầu hiện đại hóa trong từng bước, nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi tình cảnh phong bế, hủ lậu của hàng nghìn năm phong kiến mà có một diện mạo mới trong đời sống văn hóa, tinh thần, văn chương, học thuật. Từ sau 1945, lịch sử thử thách chúng ta bằng hai cuộc chiến tranh, làm chậm bước đi của lịch sử trong hơn 30 năm, cho đến 1975, rồi còn kéo dài cho đến cuối 80. Kể từ thập niên 90 mới có thể nói đến một kỷ nguyên mới cho sự phát triển của dân tộc, sau khởi động công cuộc Đổi mới, và từng bước thoát ra khỏi tình thế chiến tranh, và những bế tắc của một mô hình chủ nghĩa xã hội đang lâm vào khủng hoảng, rồi tan rã, trên phạm vi toàn thế giới. Có nghĩa là sau Cách mạng tháng Tám, những tưởng đất nước rồi sẽ có “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” trọn vẹn thế mà còn phải chịu đựng tiếp 30 năm chiến tranh, trong tình thế đối đầu giữa hai phe, hai hệ thống chính trị, hai hệ ý thức, hai con đường...
1
Tôi muốn bắt đầu sự nghĩ ngẫm về thực trạng hôm nay bằng cái chuyển đổi cơ bản, đầu tiên, và có thể là bao trùm: đó là sự chuyển đổi từ sự chia đôi thế giới, sự đối lập giữa hai phe, với yêu cầu đặt ra cho cả dân tộc và cho riêng từng con người là phải giành chiến thắng cho một phía; là tăng cường thường trực tính chiến đấu; là sự nắm vững, quán triệt, nâng cao tính giai cấp và tính đảng; là sự kiên định lập trường, quan điểm Mác Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; là yêu cầu không được nghiêng ngả dao động, mơ hồ lẫn lộn địch ta; là sự rạch ròi giữa tư sản - vô sản, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản; là sự ngăn chặn con đường phát triển tư bản chủ nghĩa bằng mọi cách - kể từ một gánh hàng rong trên đường phố, hoặc mảnh vườn thuộc diện 5% đất canh tác được chia cho mỗi hộ; là phải biết phân biệt chủ nghĩa tập thể có đủ mọi phẩm chất ưu việt với chủ nghĩa cá nhân trong mọi biểu hiện xấu xa của nó, vân vân... và vân vân. Thay vì tất cả các biểu hiện đó, hiện hữu suốt trong cả một thời dài, hơn 40 năm, bây giờ là một ứng xử trái ngược - đó là nguyên tắc hòa hợp, hội nhập, cộng sinh, “chung sống hòa bình” (cái khái niệm được gắn với mục từ “xét lại” làm hại biết bao nhiêu người thuộc giới trí thức, kể cả một số người thuộc giới lãnh đạo... trong suốt những năm 60 thế kỷ XX) không phân biệt chế độ chính trị và chính kiến cá nhân, kể cả những đối tượng từng là kẻ thù sinh tử trước đây. Bây giờ thì tất cả, không những có thể là bạn (nếu họ muốn) mà còn có thể là đối tác làm ăn, tin cậy. Còn trước đó, cả một thời dài là thế giới chia đôi, chỉ có ta và thù, chỉ có một khẩu hiệu, một mục tiêu: “Ai thắng ai?”, trong một cuộc chiến quyết tiêu diệt tận gốc những kẻ thù bằng xương bằng thịt là đế quốc - phong kiến - bù nhìn - tay sai, cùng tất cả những ai thuộc tầng lớp hữu sản (tư hữu) cho đến những kẻ thù vô hình là chủ nghĩa cá nhân mà bất cứ ai, trừ tầng lớp vô sản (gồm công nhân chính hiệu và bần cố nông), cũng đều có, nếu không có thì cũng phải biết cách phân thân ra mà tìm... Tóm lại ngoài chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản, các tàn dư phong kiến thì chủ nghĩa cá nhân cũng là một căn bệnh nan y, khó chữa, khiến từng người, với sự giúp đỡ hoặc chỗ dựa là tập thể (chi bộ, chi đoàn, công đoàn, đơn vị, cơ quan...) phải quyết tâm “quét cho sạch”, “diệt tận gốc”; có thế, sự nghiệp cách mạng mới tiến lên được.
Từ một tình thế lưỡng phân, chia đôi, trước câu hỏi “Ai thắng ai?” đặt ra gay gắt cho cả cộng đồng và cho từng người kéo dài suốt trên 30 năm, cho đến một thế giới cộng sinh, chủ trương cùng chung sống, giao lưu, hợp tác, giúp đỡ...; từ một chủ trương khép kín đến một chủ trương mở rộng cửa chào đón bất cứ ai có thiện tâm, thiện ý... đó là một chuyển đổi 180 độ, nó đòi hỏi tư duy và ứng xử của con người phải thích ứng triệt để; và tất nhiên chuyển động này là không dễ cho những ai đã quen với môi trường sống cũ, với cuộc chiến đấu cũ. Và đó là nét cơ bản của thực trạng hôm nay, từng gây nên những sửng sốt ngơ ngác cho không ít người, và khó tránh những va chạm gay gắt trong hệ ý thức, nhận thức và quan niệm sống của các cá nhân, và các cộng đồng lớn nhỏ của xã hội.
Chuyển đổi đó đòi hỏi con người phải thích ứng, nếu không nói là phải chủ động đón nhận. Một chuyển đổi, sau những thức nhận (hoặc giác ngộ) về con đường cả dân tộc đã đi qua, với chiến công lớn là thắng hai đế quốc to nhưng lại cũng đi kèm với bao vấp váp, lầm lạc trong phát triển xã hội làm hao tổn sức người và làm chậm bước đi lịch sử. Đi tìm bạn bè ở những đẩu đâu xa lắc, vì cùng chung quan điểm giai cấp, trong khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” mà coi nhẹ hoặc hy sinh quyền lợi dân tộc, một cách thật thà, và lánh xa các láng giềng gần, khác thể chế chính trị, nhưng có chung hoàn cảnh địa lý, thổ ngơi, tín ngưỡng, phong tục, lối sống... Những cái giá phải trả cho những ngộ nhận ấy là không rẻ cho từng người, cũng như cho cả một dân tộc.
“Không có bạn bè nào thường xuyên, không có kẻ thù nào thường xuyên mà chỉ có quyền lợi quốc gia là thường xuyên”. ý tưởng sâu sắc này của Thủ tướng Anh - Chiến lược gia Wilston Churchill trong nhiều chục năm trước đây là xa lạ với chúng ta, bỗng trở thành sự thật hiển nhiên vào cuối thế kỷ XX. Cuối cùng thì dân tộc, vẫn chỉ dân tộc là hiện hữu trường tồn cùng con người trong cái nhân loại có đến hơn hai trăm quốc gia và hàng ngàn chủng tộc này. Còn cấu trúc xã hội thì thay đổi, biến động theo yêu cầu của đấu tranh giai cấp trong từng thời kỳ, và theo sự phát triển của hoạt động sản xuất, khoa học, công nghệ. Trước đây nhiều chục năm, cho đến cuối thế kỷ trước, mỗi người Việt Nam sinh ra, trong giấy khai sinh, hoặc trong các bản khai lý lịch, đều có khoản ghi về thành phần, là địa chủ, phú nông, hoặc trung, bần- cố nông; là tư sản, hoặc tiểu chủ, tiểu thương hoặc tiểu tư sản... Từ những bản khai mà biết cách chọn đường vào nghề, vào đời. Hoặc là cực kỳ hanh thông, từ đời cha đến đời con, từ đời anh đến đời em, nếu là một lý lịch đẹp. Hoặc là vô cùng trắc trở, từ đời nọ qua đời kia, nếu là một lý lịch xuất thân, hoặc có dính dáng với tầng lớp hữu sản, giàu có gắn với bóc lột; hoặc không kiên định lập trường vô sản mà dính vào “xét lại”, hoặc “nhân văn- giai phẩm” - một cụm từ, hoặc hai khái niệm từng gây bao kinh hãi cho cả một thời. Bây giờ, cũng chỉ mới gần đây thôi, trong kỷ nguyên hội nhập, khi có cái nhìn rộng ra thế giới thì mới thấy cấu trúc của xã hội hiện đại, ở bất cứ nơi nào, về cơ bản, cũng là gồm 5 bộ phận cư dân trong quan hệ hợp tác, và tương tác lẫn nhau. Đó là lớp người hoạt động chính trị, lớp công chức hành chính, lớp doanh nhân trong các khu vực sản xuất và lưu thông, tầng lớp trí thức, và những người lao động chân tay có kỹ năng nghề nghiệp. Bây giờ thì không biết các cơ quan chuyên lo công tác tổ chức- cán bộ có cần đến các loại giấy tờ với các khoản ghi theo mẫu cũ nữa hay không? Hay chỉ cần một căn cước tùy thân gồm mấy giòng: tính danh, quê quán, nghề nghiệp, tôn giáo và dân tộc. Còn để xuất cảnh thì chỉ cần ghi Quốc tịch là đủ cho việc kiểm soát qua các cửa khẩu...
Đương nhiên hội nhập mà không hòa tan - và hòa tan làm sao được, nếu gốc dân tộc ở mỗi người là rõ ràng -, vẫn là điều cần lưu tâm, để nhắc nhở. Bởi không bao giờ thừa việc cảnh giác, ngăn chặn khuynh hướng vọng ngoại, mất gốc, bỏ quên tổ tiên, như từng có lúc có người đã khinh rẻ giống anammit, mũi tẹt da vàng để mà đóng vai một Ông Tây An Nam, ngót 80 năm về trước, trong một vở kịch của Nam Xương. Nhưng lại cũng nên nhớ hơn một nghìn năm trước, dân tộc Việt đã phải sống dưới ách Bắc thuộc một nghìn năm, để sau đó lấy lại được quyền tự chủ từ thời Ngô Quyền... Lo lắng cho sự mất gốc, là cần thiết, nhưng một lòng tin có căn cứ trong lịch sử cũng phải là điểm tựa; mỗi người Việt Nam, mang căn cước Việt Nam, trong tận căn cốt, hãy đừng quên gốc rễ của mình. Mà muốn thế thì, bằng mọi cách (và đây là việc được phân công cho các ngành giáo dục, khoa học, văn hóa, văn học, nghệ thuật) hãy làm cho mỗi người Việt, ngay từ lúc còn nhỏ đã phải biết tự hào về giòng máu Việt, có nghĩa là đều biết rung động trước bức tranh giấy dó làng Hồ, pho tượng chùa Tây Phương, điệu quan họ Bắc Ninh, hoặc câu ví dặm Nghệ Tĩnh... Và thật là cảm động, khi lâu lâu ta lại biết được ý nguyện của những người con xa xứ muốn góp phần xây dựng quê hương bằng những việc làm cụ thể, hoặc muốn trở về ở hẳn trên đất mẹ. Cũng thật cảm động khi nghe một thiếu nữ 19 tuổi người Bỉ gốc Việt tên là Quỳnh Anh hát bài Bonjour Việt Nam trong một tiếng Pháp rất chuẩn mà vẫn thấy xao xuyến bên trong cái hồn Việt.
Nhưng cộng sinh cũng có nghĩa là phải học cách chung sống với cái xấu, cái ác, trước khi nói đến việc đấu tranh cải tạo hoặc tiêu diệt nó, có thể là một công việc lâu dài, gian khổ. Cuộc sống yên bình, hết chiến tranh, bom đạn mà hiểm họa trong đời sống dường như lại nhân lên gấp bội, và rình rập con người khắp mọi lúc, mọi nơi. Khó mà kể hết những chuyện thường ngày - nạn bạo hành gia đình, ngược đãi trẻ con, gian lận thi cử, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, đồng tiền mất giá, giá cả leo thang... Mọi hiểm họa đến với từng gia đình, từng con người, trong từng bữa ăn, từng giấc ngủ. Diệt hết chim chóc thì côn trùng sinh sôi. Diệt hết thú rừng, cho vào các quán nhậu thì tự nhiên mất cân bằng. Hết hổ lớn, thì Sách đỏ của ta còn gì mà khoe, và diệt hết hổ con thì chuột nhớn chuột bé hoành hành. Đốt rừng, đào núi, lấp hồ thì sinh thái hỏng và tai nạn tự nhiên ngày càng khốn nạn. Thế giới tự nhiên trong tồn tại vĩnh hằng của nó cần được sống thân thiện với con người. Với tự nhiên còn thế, huống hồ là con người với con người. Sau chủ trương vô thần đưa tới sự phá bỏ đình chùa, cản trở hoạt động của các tôn giáo, bây giờ đến lúc phải coi trọng mọi niềm tin, mọi tín ngưỡng của nhân dân, bằng sự phục hồi gần như vô điều kiện mọi thứ lễ hội... bởi tôn giáo chẳng còn là “thuốc phiện” mà là cõi thiêng trong thế giới tâm linh của con người, của cõi người...
Từ phân cách, cô lập, đến hội nhập, cộng sinh, những bài tính cho cuộc sống, với các nhu cầu tối thiểu hoặc cần thiết của nó là trăm nghìn phiền tạp so với trước đây. Những đối sánh làm nên sự cân bằng cho cuộc sống bây giờ là được đo ở tầm vĩ mô, không còn là sự thu hẹp trong từng hộ, từng chung cư, từng ngõ phố, từng giòng họ, từng ấp, từng làng - cái đơn vị làng chưa dễ ở đâu cũng đã tuyệt đối hết những hủ lậu của “việc làng” (Ngô Tất Tố) và các dấu ấn của cái tên Vũ Đại (Nam Cao), để mở ra các biên độ rộng, nhờ vào kỷ nguyên thông tin trong một “thế giới phẳng”, đó là các cộng đồng dân cư cho từng vùng miền, từng khu vực địa lý, và rộng ra là từng phần nhân loại trong hội nhập. Nếu mức sống là cái so sánh không bao giờ cùng - hôm qua hàng trăm con người cùng sống trong một chung cư, hoặc một cơ quan chỉ có độc một khu vệ sinh để sắp hàng mỗi khi có nhu cầu, thì bây giờ, đó là cái phải chăm lo đầu tiên cho mỗi căn hộ; hôm qua cán bộ đi công tác phải lo đủ các thứ tem phiếu và lo có chỗ tạm trú nơi bạn bè, còn bây giờ có sẵn cả một hệ thống nhà nghỉ, khách sạn đủ loại. Hôm qua mỗi người, mỗi nhà có một cái xe đạp mà đi là may, bây giờ thì loại xe đắt nhất, mới xuất xưởng trên thế giới, giá 6, 7 tỷ đồng một chiếc đã sớm có ở Việt Nam... Nếu mức sống, nhu cầu sống là thay đổi, và không bao giờ cùng, đã và còn đưa lại sự chênh lệch khủng khiếp trong hai giới giàu-nghèo (chuyện trước đây ít thấy có) thì lối sống lại cần phải có một đường biên cho nó, trong những giới hạn mà cá nhân và cộng đồng có thể chấp nhận, hoặc phải giữ gìn cho được. Nói cách khác, nếu mức sống là chuyện phải tính toán từng chặng cho từng cộng đồng dân cư, thì lối sống phải là chuyện vĩnh cửu cho cả một dân tộc. Bởi mức sống cao, chưa phải là chỉ số đo hạnh phúc, nếu ta biết, những nước ở Bắc Âu, như Đan Mạch, Na Uy là nơi có số người tự tử cao nhất.
Vậy là sau một phân cách đơn giản: Ai thắng ai? Hoặc là ta, hoặc là địch, nhằm chia các cộng đồng lớn-nhỏ ra hai tuyến đã đến với ta sự hội tụ, chung sống, cộng sinh - nương tựa vào nhau mà tồn tại; một nương tựa không chỉ có mặt thuận mà còn là cả mặt nghịch, để cho sự vật vẫn cứ luôn luôn là sự đối sánh giữa hai mặt tốt-xấu, thiện-ác, mà sự phân biệt và giành phần thắng cho cái tốt, cái thiện là vô cùng vất vả; không chỉ tùy thuộc vào năng lực quản lý của các giới chính quyền, mà còn tùy thuộc vào chất lượng sống, trình độ văn hóa của các tầng lớp cư dân; trong đó đóng vai trò quan trọng là hệ thống giáo dục ở học đường; là hoạt động của các giới văn hóa, khoa học, văn học, nghệ thuật, mà vai trò trung tâm là các tầng lớp trí thức, là giới trí thức trong xã hội.
2
Sau chuyển đổi từ sự chia tách, phân cách đến hội nhập, cộng sinh, là một chuyển đổi khác, cũng không kém tầm vóc: đó là từ cộng đồng sang cá nhân; với một quan niệm mới: cá nhân mạnh thì cộng đồng mới mạnh; cá nhân được khẳng định thì sự khẳng định vai trò cộng đồng mới được bảo đảm. Xin không đi quá sâu vào lịch sử để xem xét mối quan hệ cá nhân- cộng đồng trong xã hội phong kiến lấy Nho giáo làm nền tảng, đưa tới sự bóp nghẹt cá nhân, hủy diệt cá tính trong mọi vòng kim cô: tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức - đã in sâu vào máu mọi thế hệ Kẻ Sỹ, đến cả những bậc ương ngạnh nhất như Nguyễn Du cũng phải để cho Từ Hải chết đứng; Cao Bá Quát phải đi làm giặc; còn Nguyễn Công Trứ, người nổi tiếng là ngông nghênh, đa tình mà vẫn cứ phải thúc thủ trước một cái rào chắn: “Hay tám vạn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người”. Và nếu Kẻ Sỹ đã là thế, thì thứ dân lại càng bị trói buộc bởi trăm bề, vừa của phép vua, vừa của lệ làng. Từ ý thức đến tâm lý, tập quán, thói quen nếu người dân là con dun cái dế thì thế giới quan lại cũng là một trật tự các thang bậc của thế quyền, dưới quyền tối thượng của đức Vua, dẫu là hôn quân hoặc minh chủ. Sự ra đời của giai cấp tư sản và cuộc cách mạng tư sản trên phạm vi toàn thế giới đã lật đổ mọi uy lực của thế quyền và thần quyền, mà đem lại một giải phóng lớn cho xã hội - là giải phóng cá nhân, cho họ biết cái hạnh phúc được tự do, trước hết là tự do thân thể, và những thứ gọi bằng hạnh phúc mà con người sinh ra ở đời đều có quyền được hưởng, tất nhiên là trong những giới hạn mà lịch sử, và lịch sử đấu tranh giai cấp cho phép. Nhân đây cần dừng lại một ít về vai trò của giai cấp tư sản trong lịch sử. Một thời dài, với quan niệm đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy thế giới phát triển, chúng ta đã đẩy về phía đối lập - thù địch tất cả những gì thuộc về hoặc gắn với giai cấp thống trị và hệ ý thức thống trị, trong đó giai cấp tư sản và hệ ý thức tư sản cùng với các thành phần có liên quan với chế độ tư hữu, gồm cả các tầng lớp trí thức tiểu tư sản là đối tượng phải đấu tranh để cải tạo. Khẩu hiệu công nông hóa trí thức một thời dài phải được quán triệt, chính vì mục tiêu này. Thế nhưng nếu “Tư tưởng thống trị của thời đại là tư tưởng của giai cấp thống trị”, thì mọi sản phẩm văn hóa và tinh thần của thời đại lại là đóng góp của nhân dân, và các tầng lớp trí thức của nhân dân, hoặc đứng về phía nhân dân. Tất cả những tên tuổi lớn trong số các danh nhân văn hóa và lịch sử của dân tộc và nhân loại đều thuộc tầng lớp trí thức, và do vậy mà thuộc về nhân dân. Còn giai cấp tư sản là giai cấp đã làm nên các cuộc cách mạng tư sản, đưa nhân loại vào một thời đại mới - thời đại của phát triển tư bản chủ nghĩa, thời đại mà những người khai sáng của nó, đều thuộc tầng lớp trí thức; và chính họ, những người khai sáng này - “những người đã đặt cơ sở cho nền thống trị hiện đại của giai cấp tư sản” - theo Ăngghen “có thể được xem bất cứ là những người như thế nào, nhưng quyết không phải là những người có tính hạn chế tư sản...”(1). Có nghĩa là, họ vẫn có đủ tư cách là phát ngôn, là đại diện cho lợi ích chung của nhân loại. Như vậy là thành tựu của khoa học, nghệ thuật, sản phẩm của các tầng lớp trí thức, vào bất cứ thời nào, cũng không phải là sở hữu của một giai tầng thống trị nào mà là thành tựu chung của văn minh nhân loại. Mỗi giai cấp đang lên đều được thừa hưởng các thành tựu đó, và cần biết cách sử dụng và phát huy vai trò của tri thức để gia tăng của cải vật chất và cải thiện đời sống tinh thần của xã hội.
Trở lại với vấn đề chúng ta đang bàn. Chủ nghĩa thực dân áp đặt sự thống trị lên thế giới người da màu, ở cả ba lục địa, biến các xã hội tiền tư bản thành xã hội thuộc địa; nhưng ngay trong xã hội thuộc địa là xã hội được kiến lập theo mô hình phương Tây, như cách nói của Mác: biến các xã hội mà nó xâm chiếm, bóc lột phải khuôn theo hình ảnh của mình, thì dẫu với tất cả các tội lỗi nó gây ra, vẫn cứ có những khoảng sống và khoảng sáng văn minh nhiều lần hơn xã hội phong kiến chuyên chế; không những hết những “ngục văn tự”, mà cũng chưa thấy người viết nào phải vào tù vì một áng văn chương - trừ văn học cách mạng bí mật, gắn với hoạt động cũng phải bí mật của các nhà Nho - chí sĩ, hoặc chiến sĩ cộng sản. Đó là điều giúp ta hiểu vì sao, ngay trong xã hội thuộc địa, vào nửa đầu thế kỷ XX, sinh hoạt văn hóa- tinh thần và nền văn chương- học thuật Việt Nam đã đạt được những thành tựu có thể nói là kỳ diệu - để có chữ Quốc ngữ, phong trào báo chí - xuất bản, Thơ mới, văn học hiện thực và những công trình biên khảo, phê bình, nghị luận sáng giá.
Tất cả bức tranh ngoạn mục nói trên có nguyên nhân gốc rễ là ở sự tiếp xúc với văn minh phương Tây, trong đó lõi cốt là sự giải phóng cá nhân, với những phân tích rất hay như của Hoài Thanh trong bài Tựa, đặt ở đầu Thi nhân Việt Nam. Một nửa thế kỷ cho sự hình thành cái cá nhân và nhu cầu giải phóng cá nhân; và khi cái cá nhân được tôn trọng, được giải phóng ra khỏi mọi ràng buộc, dẫu là trong khuôn khổ xã hội thuộc địa, thì đời sống tinh thần và văn chương học thuật sẽ có một khởi sắc đáng kể - đó là sự hình thành các phong cách nghệ thuật trong văn thơ như Hoài Thanh đã từng xác quyết: “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại nào phong phú như thời đại này...” (thời kỳ 1930-1945). Tất nhiên nhà phê bình đã rất chặt chẽ, trong một rào đón để cho thấy đấy là so thời với thời, chứ không so cá nhân với cá nhân. Bởi so cá nhân thì có tên tuổi nào của thời hiện đại dám sánh ngang với Nguyễn Du, Nguyễn Trãi - là những thiên tài dân tộc, kết tinh của nhiều trăm năm văn hóa, văn hiến Việt Nam. Đó cũng là hiện tượng giúp ta hiểu, sự phát triển của khoa học, công nghệ là sự phủ định và tiếp tục; còn ở các lĩnh vực văn học, nghệ thuật lại là sự sáng tạo để không lặp lại, và do thế, không phải ai đến sau là nhất định phải hơn người trước; đã là Lep Tonxtôi thì phải vượt Sếchxpia; đã là Nguyễn Du thì phải hơn Nguyễn Trãi v.v...
Dĩ nhiên khi đất nước còn bị nô lệ, khi nhân dân còn trong tăm tối, nghèo khổ thì việc đòi quyền cá nhân cho một lớp người mới sinh ra trong đời sống đô thị - những cô Mai không chịu làm lẽ; những cô Nhung đòi quyền tái giá; những kiểu và cách yêu khác nhau trong Xuân Diệu, Nguyễn Bính; quyền được buồn, được cô đơn trong Huy Cận, Chế Lan Viên... xem ra là có vẻ lạc lõng. Nhưng dẫu là lạc lõng, nó vẫn là một hiện hữu, tồn tại, báo hiệu sự ra đời một chủ thể mới, dẫu còn èo uột, một hình thái xã hội mới, một phương thức sản xuất mới dẫu chỉ là manh nha, nhưng vẫn nhiều lần cao hơn, văn minh hơn chế độ phong kiến trung cổ. Sự hình thành cái cá nhân và nhu cầu giải phóng cá nhân này vừa mới cất lên được tiếng nói của nó trong văn chương lãng mạn từ 1925 đến 1945, thì sau 1945 - do yêu cầu cách mạng và do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài, và tiếp đó, do một định hướng phát triển xã hội không thuận theo quy luật nên bị phê phán và vùi dập trong hơn 40 năm. Một áp lực ghê gớm của thời cuộc - của các thiết chế và ý thức hệ chính thống khiến cho bất cứ cá nhân nào, dẫu có ngông nghênh, kiêu bạc, tài năng, cốt cách hơn người đến đâu cũng đều thúc thủ, chịu nép một bề, trong những phê bình, sám hối. Cố nhiên trong buổi đầu tiếp xúc với cách mạng, từ trong bóng tối của xã hội cũ bước ra, cái cá nhân vừa mới hình thành đã bị choáng ngợp trước sức mạnh và vẻ đẹp của cộng đồng, mà theo cách nói quen thuộc của một thời, đó là Đoàn thể: “Đoàn thể đã tái tạo chúng tôi, và trong bầu không khí mới của giang sơn, chúng tôi, những nạn nhân của thời đại chữ “tôi”, hay muốn gọi là tội nhân cũng được, chúng tôi thấy rằng đời sống riêng của cá nhân không có nghĩa gì trong đời sống bao la của Đoàn thể” (Hoài Thanh)(1). “Đoàn thể, đó là một cái gì rất thiêng liêng... Nước nhà đang cần đến những bàn tay, những hy sinh” (Nam Cao)(2). Nhưng rồi, cùng với thời gian, theo sự xiết chặt của hệ tư tưởng chính thống, trong bối cảnh một cuộc chiến khốc liệt giải phóng dân tộc và trong kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, cái cá nhân dần dần bị dồn ép và mất hết đất đai cho sự tồn tại, rồi trở thành đối tượng của sự chuyên chính của Đoàn thể qua rất nhiều vụ, việc lớn nhỏ, trong đời sống chính trị cũng như trong văn chương, học thuật... Gần đây, trong tùy bút Đi tìm cái tôi đã mất (được đưa lên mạng, nên có rất nhiều người đọc), nhà văn vừa quá cố Nguyễn Khải đã qua bản thân mình mà diễn giải khá sâu về hiện tượng này. Đó là bài viết gợi được nhiều ý, nhiều chuyện cần bàn, trong nhiều chiều, và có thể là trái ngược nhau; khoanh vùng trong phạm vi văn chương, tôi chỉ muốn lưu ý một điều: Việc đánh mất ấy, - nếu thật sự có đánh mất, là có nhiều lý do, trong đó có lý do ở chính các nhà văn, trong những băn khoăn thành tâm về những gì gọi bằng “lột xác”, “lột vỏ”, “nhận đường”, kể cả những sám hối... Nhưng giá nhà văn có vì các lý do khách quan, hoặc chủ quan nào đó mà tự đánh mất hoặc bị tước mất cái cá nhân một cách buồn thảm như Nguyễn Khải kể, thì những gì đã được họ tạo ra vào thời ấy, cũng không phải tất cả đều là của giả hoặc đáng bỏ đi - Ngay cả đối với Nguyễn Khải. Và đây là câu chuyện còn cần phải nghĩ ngẫm và bàn luận nhiều... Thời Đổi mới và hội nhập là thời khởi động trở lại vai trò cá nhân, sự tôn trọng cá nhân; và với chuyển động này, cái cá nhân dần dần được hồi sức và bù đắp sinh khí, để trở thành động lực mới cho sự phát triển, trên tất cả các phương diện của đời sống vật chất và tinh thần. Lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ vai trò các doanh nhân được tôn vinh, kể từ khởi động đầu tiên là sự tôn trọng quyền tư hữu (sau một thời gian dài bị xóa sổ, để thay cho công hữu). Tiếp đó là sự khuyến khích việc làm giàu cho bất cứ ai muốn và có khả năng làm giàu - tất nhiên một cách chính đáng; và hẳn cũng không thiếu một tỷ lệ làm giàu bất chính đã phải (hoặc còn chưa bị) ra tòa; là cách nghĩ dân có giàu thì nước mới mạnh, chứ không phải là sự tự mãn với một cái lý lịch nghèo hèn “ba đời khốn nạn” (như cách nói của Nguyên Hồng), với hướng giải quyết quen thuộc trong lịch sử các cuộc khởi nghĩa nông dân là chia của nhà giàu cho người nghèo, cho đến Cải cách ruộng đất là chia “quả thực”; hoặc chia đều cái nghèo, cái đói cho mọi người theo chủ nghĩa bình quân; để rồi, muốn hoặc không muốn, đẩy cả dân tộc xuống một trình độ sống hạ đẳng, có chung gương mặt của người “mất sổ gạo”. Và khi đã hết tâm lý kỳ thị sự giàu có, khi đã biết gắn cái nghèo với sự hèn, khi quyền tư hữu được pháp luật tôn trọng - về phương diện vật chất, thì trong đời sống tinh thần, cái riêng của mỗi cá thể mới có quyền tồn tại, và cần được tìm đến như một vị trí, một tư thế trong cộng đồng, từ đó đem lại sự sống động và phong phú các phong cách riêng trong sáng tạo văn chương- nghệ thuật.
Đây là thực trạng thứ hai, trong cách nghĩ của tôi, nó là cơ sở cho những phát triển mới của đời sống văn hóa, tinh thần, làm thay đổi đời sống xã hội và gương mặt con người. Tất nhiên, nó vẫn cứ là một phát triển còn gây tranh cãi; và cũng có rất nhiều khía cạnh gây âu lo, vì giữa sự phát triển cá nhân và cá nhân chủ nghĩa vẫn có một ranh giới không dễ xác định. Đi tìm cái riêng, cái đơn nhất, cái khác nhau, là lẽ tồn tại trong các sáng tạo tinh thần; nhưng đó là việc khó, vô cùng khó. Bởi nó là sản phẩm của những tài năng, của thiên tài. Mà tài năng thường là hiếm - nói như Lênin. Tài năng còn là phẩm chất gắn với nhân cách, đạo đức, đạo lý... Tức là một thuộc tính nằm trong chủ nghĩa nhân văn, gắn với chất người, với lòng yêu thương, trân trọng con người, trước hết là những người thấp cổ bé họng, dường như thời nào cũng có, làm nên bộ phận chúng sinh đông đảo nhất. Là cách sống “mình vì mọi người” mà bất cứ sự phát triển xã hội nào cũng đều phải dùng làm thước đo cho trình độ văn minh và nhân bản. Là sự khiêm nhường, biết khép mình, tránh mọi bon chen, nhường chỗ rộng cho thiên hạ, mà những gương mặt trí thức chân chính (tôi nhấn mạnh sự chân chính) nơi đâu cũng đều có - để phân biệt với thế giới những ai muốn là trí thức nhưng lại chưa đủ sự trang bị nên phải tìm cách đánh bóng tên tuổi bằng tiền, và bằng nhiều cách thức, kể cả những vụ “đốt đền”. Hoặc là có tri thức mà tự làm hỏng mình đi vì những kiêu căng, khinh bạc vô lối, rẻ rúng di sản của ông cha, rẻ rúng ngay cả những người ruột thịt hoặc là các bậc thầy của mình. Lớp người quen tranh lấy phần được bằng cách hạ nhục, bước qua đầu, dẫm lên chân người khác, không lúc nào là không có, và dường như bây giờ càng không hiếm.
Cố nhiên nói đến văn chương, nghệ thuật là nói đến sự sáng tạo, để luôn có cái mới, để không lặp lại người khác và lặp lại chính mình. Do vậy đây là câu chuyện tế nhị và khó bàn khi đi vào cụ thể những tìm tòi rất muôn vẻ, với rất nhiều kiểu dạng trong đời sống văn chương- nghệ thuật gần đây, có mặt ở khắp các lĩnh vực thơ, văn, nhạc, họa, kiến trúc, điện ảnh... Bởi mọi đánh giá cần dựa vào nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí phổ quát chung cho nhân quần, cũng lại có tiêu chí thuộc về tri thức chuyên sâu, khi sự chuyên nghiệp hóa đương là mục tiêu đặt ra cho tất cả mọi ngành nghề trong xã hội. Cái được công chúng phổ cập yêu thích có khi lại đứng ra ngoài sự quan tâm của các đẳng cấp chuyên gia. Nhiều giải Nobel văn chương không phải tất cả được mọi người đọc. Sự yêu thích của lớp người này gặp phải sự hờ hững, chê bai của một lớp người khác. Những khác nhau, hoặc đối lập nhau trong thưởng thức, khen chê đó là chuyện bình thường. Nhưng dẫu vậy, vẫn phải có một mẫu số chung cho mọi tìm kiếm và đánh giá - hàng nghìn năm qua đã thế, và bây giờ cũng thế, đó là khát vọng Chân-Thiện-Mỹ chung cho nhân loại; và là sự khơi rộng chứ không phải là đi ngược hoặc đi chệch ra ngoài truyền thống văn hóa, văn hiến, văn minh dân tộc.
Nhìn rộng ra toàn cảnh sinh hoạt xã hội, khi cái cá nhân được quyền tồn tại theo cách riêng của nó, thì giữa các cá nhân với nhau, và giữa cá nhân với cộng đồng khó tránh những đụng độ, va chạm; những xích mích, bất đồng tình, mà sự điều hòa, không thể chỉ dựa vào hiến pháp, luật pháp. Từ sự khẳng định cá nhân đến việc chạy đuổi theo lợi ích cá nhân, khó tránh va chạm và gây tổn thương cho người khác. Khi pháp luật chưa hoàn thiện, và khi bộ máy quản lý xã hội còn không ít những kẻ bất tài và vô tâm, do những cách tuyển lựa không theo những quy chuẩn thích hợp thì sẽ có hàng trăm ngàn kẽ hở cho con người chạy đuổi theo lợi ích cá nhân, làm băng hoại xã hội. Một mặt khác, cái cá nhân, khi đã là lẽ sống để tôn thờ thì sẽ đẻ ra thói ích kỷvô cảm trong ứng xử của con người đối với cộng đồng. Để không lụy vào thân, người ta sẵn sàng thờ ơ với cái ác; và hệ quả là tội ác lan tràn, từ các phi vụ làm ăn của các ông chủ lớn-bé kéo theo hàng chuỗi các quan tham lại nhũng đến những vụ đâm xe, người bị nạn ngã quay bên đường, nằm chỏng chơ giữa nườm nượp người qua lại; một con nghiện có thể đâm chết người ruột thịt để có tiền chích hút; mẹ con đưa nhau ra tòa, vì một mảnh vườn hương hỏa. Nhìn vào chuyện thường ngày, cũng dễ dàng nhận ra sự lỏng lẻo trong tất cả các mối quan hệ: tình đồng chí trở thành chuyện hài hước; quan hệ thầy trò như là người mua - kẻ bán; tình bạn bè, đồng nghiệp, anh em khó có được hình hài “chí cốt” của nó, như tổ tiên cha ông truyền lại.
Cuộc sống, trong mỗi hiện tượng, mỗi sự vật bao giờ cũng gồm hai mặt. Biết vậy, nhưng để có một hình dung cụ thể về nó, cần phải trải qua nó. Những thay đổi trạng thái sống đưa tới sự thay đổi tiêu chí sống; phần linh hoạt cho ta khả năng thích ứng để không quá thấp thua thiên hạ; còn phần ổn định, cố định cho ta giữ được là mình. Lại trở lại mối quan hệ mức sống và lối sống, mà ta có thể học được ở cha ông, và ở nhiều nơi trên thế giới.
3
Chuyển đổi thứ ba, trong nhận thức của tôi - đó là sự nới rộng các mối giao lưu, từ hẹp sang rộng, từ chủ trương bế quan tỏa cảng, khép kín đối với mọi nền văn minh khác mình, buộc phải mở cửa cho văn minh phương Tây xâm nhập vào nửa sau thế kỷ XIX; và từ “phe” (trong một thế giới chia đôi) mà hòa vào một thế giới đang tan băng, để đến với những mục tiêu mà cả nhân loại cùng theo đuổi, và thoát ra khỏi thế cô lập cục bộ với nhân loại, trong nửa cuối thế kỷ XX. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu hàng nghìn năm, sau khi giành được độc lập ta đã tiến hành công cuộc xây dựng đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh. Là nước thuộc thế giới thứ ba, lại lâm vào hai cuộc chiến khốc liệt quá dài, trong một thế giới chia đôi, ra khỏi chiến tranh với rất nhiều thương tích, lại hướng theo một mô hình xã hội sai lầm, không thuận với quy luật, nên bước đi của dân tộc bị chậm rất nhiều, so với khu vực. Còn so với các nước tiền tiến thuộc văn minh tư bản, thì sự thấp thua là nhiều trăm năm. Trong hai cuộc Toàn cầu hóa - lần thứ nhất bắt đầu từ năm 1492 (năm Christopher Colombus phát hiện ra châu Mỹ); và lần thứ hai từ năm 1800 (sau Cách mạng tư sản Pháp 1789), ta còn là một nước lạc hậu đứng ra ngoài guồng văn minh nhân loại, thì đến cuộc Toàn cầu hóa lần thứ ba, gắn với Kỷ nguyên Thông tin và Cách mạng số, bắt đầu từ năm 2000 (sau sự kiện Bức tường Berlin đổ 1989)(1), ta đã có một cơ hội để bước vào cùng một phòng chờ với nhiều dân tộc khác trên thế giới. Đó là một may mắn của lịch sử. Để không được chậm trễ và bỏ lỡ cơ hội, ta phải biết cách làm bạn với cả thế giới, và phải biết cách đi tắt, đón đầu. Đó là điều khó tránh. Nhưng đi tắt, đón đầu là phải bỏ qua nhiều khâu, nhiều giai đoạn quan trọng, là phải đốt cháy giai đoạn, và khó tránh vi phạm những bước tiến theo quy luật tự nhiên của lịch sử. Kinh nghiệm của những bứt phá, những đại nhảy vọt, những cuộc cách mạng với những cái tên rất kêu, và một hệ thống lý thuyết nằm trong các đường lối, cương lĩnh, nghị quyết đậm đặc ý chí luận đã gây ra bao đứt gẫy với truyền thống, và mất gốc rễ lịch sử. Do vậy nếu ở các lĩnh vực sản xuất vật chất, khoa học, công nghệ cần phải nhanh gấp đến với các mục tiêu tiên tiến, thì ở lĩnh vực văn hóa, tinh thần lại cần biết cách điều chỉnh, cân bằng để tạo một môi sinh thuận theo tâm lý, thói quen, văn hóa ứng xử, không đột ngột cắt đứt với truyền thống cha ông. ở đây, bài học về khả năng rút ngắn con đường đi và khả năng nhảy vọt của kinh tế, kỹ thuật ở Nhật Bản quả là đầy sức thuyết phục. Bài học của một nước từ giữa thế kỷ XIX trở về trước vẫn có cùng khởi điểm với ta, còn thuộc phạm trù phương Đông lạc hậu. Cho đến nay, theo gương Nhật Bản, một số nước được xem là con rồng của Đông á và Đông Nam á cũng đã tiến cùng Nhật vào quỹ đạo xã hội hiện đại. Bài học Nhật Bản là bài học khẩn trương canh tân đất nước với ý thức tôn trọng, giữ gìn bản sắc và chỗ đứng của riêng mình. Bài học không cắt đứt đột ngột với quá khứ mà biết giữ gìn và tiếp nối quá khứ, trong sự nhận thức vai trò của Khổng giáo và việc sử dụng tầng lớp quý tộc Samurai - nguồn cung cấp đội ngũ cán bộ chủ chốt cho công cuộc canh tân. Bài học về sự huy động sức mạnh tổng hợp của đạo lý truyền thống và khoa học, của văn hóa và công nghệ, được đúc kết trong phương châm “Kỹ thuật phương Tây, đạo lý Nhật Bản”. Nếu công nghệ đưa trình độ sản xuất lên cao thì văn hóa giữ cho mỗi dân tộc vẫn là mình. Những cái giá phải trả nếu chỉ chọn duy nhất con đường Tây Âu hóa, như trong thế kỷ qua, tức là con đường chỉ đơn thuần dựa vào vốn, vào kỹ thuật và công nghệ của nước ngoài mà coi nhẹ hoặc bất chấp văn hóa bản địa, bất chấp nền móng dân tộc như đã diễn ra ở một số khu vực của thế giới thứ ba, sẽ dẫn ngay đến sự suy thoái kinh tế, cùng biết bao hậu quả xã hội.
Khảo sát nền văn hóa dân tộc trong nhiều nghìn năm cho ta thấy việc tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa mà vẫn giữ được gốc Việt, không bị đồng hóa trong cả nghìn năm Bắc thuộc, không chịu khuất phục trong cả nghìn năm tự chủ. Vẫn dùng chữ Hán, khi chưa có chữ riêng; và ngay cả khi đã có chữ Nôm, vẫn dùng chữ Hán để sáng tạo nên một nền văn chương- học thuật với giòng chủ lưu là giòng yêu nước, qua các tác phẩm đứng ở đỉnh cao kho tàng văn minh dân tộc... Ngót một thế kỷ chịu sự xâm lăng và thống trị của thực dân Pháp, nền văn hóa Việt Nam vẫn không bị đồng hóa; và với chữ Quốc ngữ, đến từ gốc la tinh, được sử dụng, để phổ cập di sản dân gian và Hán-Nôm truyền thống và để tiếp nhận các thành tựu của phương Tây ta đã nhanh chóng tạo được một nền văn chương- học thuật hiện đại, trong gắng gỏi đuổi kịp với trình độ chung của nhân loại. Như vậy là trong khi phấn đấu thoát ra khỏi sự phong bế (ở nhiều cấp độ), ta vẫn tạo được một cái gì vừa là của riêng mình, để không rời xa truyền thống; vừa vẫn có được cái mới - phù hợp với sự tiến triển chung, mà không bị loại ra khỏi các cuộc đua trên đại lộ của văn minh toàn cầu.
 
Tôi sẽ xin không đi sâu vào mục 3 này, bởi có những điều đã được nói đến trong mục 1. Để kết luận: 3 thực trạng, 3 chuyển đổi nằm trong nghĩ ngẫm của tôi về cái thời chúng ta đang sống hôm nay, đó là: từ sự phân cách, chia đôi, chuyển sang hội nhập, cộng sinh - có nghĩa là nhân rộng hơn các tiềm năng, cũng đồng thời phải biết cách ngăn ngừa, hoặc chung sống với các hiểm họa; từ cộng đồng (hoặc “đoàn thể”, theo cách nghĩ của Hoài Thanh, Nam Cao, đã dẫn trên) chuyển sang cá nhân - cá nhân trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển; nhưng cá nhân cũng sẵn sàng nổi loạn, cho các ước vọng thoát ra khỏi các chuẩn mực của cộng đồng; và từ phong bế (ở các cấp độ khác nhau) đến sự mở rộng giao lưu và hội nhập, buộc trong đi tắt, đón đầu mà không đứt gãy với lịch sử. Đó là xu thế, là hành trình không thể tránh, với các triển vọng, và các giới hạn của nó; cả hai phương diện phải được nhận thức thấu đáo, mới tạo được sự thăng bằng, sự bình ổn trong phát triển./.
 
                                                                        Thái Hà 23-6; 10-7-2008
                                                                                            P.L
 



(1) C. Mác - F. Ăngghen Tuyn tp; Tập 4; Nxb. Sự thật; H.; 1971; tr.70.
(1) Dân khí min Trung; Tiên phong; số 3-1945.
(2) Truyện ngắn Đợi ch; 1948.
(1) Theo sách Thế gii phng (tóm lược thế giới thế kỷ XXI) của Thomas L. Friedman; Nxb. Trẻ; 2006.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442875

Hôm nay

271

Hôm qua

2318

Tuần này

2688

Tháng này

218049

Tháng qua

112676

Tất cả

114442875